Chi tiết tin tức

Bồ-tát Quán Thế Âm và những hóa thân (kỳ 2)

18:06:00 - 11/07/2025
(PGNĐ) -  Trong mỹ thuật Trung Quốc, Quán Thế Âm thường được mô tả đứng trên một con rồng, đi cùng một chim vẹt mào trắng và có hai đứa trẻ hoặc hai chiến binh ở hai bên.

Hai đứa trẻ là những người hầu cận đã đến với Quán Thế Âm khi Quán Thế Âm đang thiền định ở núi Phổ Đà. Cô gái tên là Long Nữ và cậu bé Thiện Tài. Hai võ tướng Quan Vũ từ cuối triều đại nhà Hán và Bồ-tát Vi Đà Hộ Pháp/Skanda, người xuất hiện trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Phong thần diễn nghĩa. Truyền thống Phật giáo cũng thể hiện Quán Thế Âm, hoặc các vị Phật và Bồ-tát khác, sát cánh với các võ tướng nói trên, như là những vị Hộ pháp. Trong các truyền thống Phật giáo Tịnh Độ tông, Quán Thế Âm thường được mô tả và tôn kính cùng với Đức Phật A Di Đà và Bồ-tát Đại Thế Chí/Mahasthamaprapta như một phần của bộ ba được gọi là “Tây phương Tam thánh”.

Trong các tranh vẽ cũng như tranh in mộc bản, Quán Thế Âm Bồ-tát thường được miêu tả cùng với Đại Thế Chí Bồ-tát đứng ở hai bên Đức Phật A Di Đà được trình bày đang giáng thế trên một đám mây hay một đóa sen hoặc Quán Thế Âm quỳ gối trước hai vị kia, tay cầm một tòa sen để tiếp dẫn linh hồn về Tây phương lạc quốc của A Di Đà(46).

Trong Phật giáo Tịnh độ, Quán Thế Âm được mô tả là “Con thuyền của sự cứu rỗi”. Cùng với A Di Đà và Bồ-tát Đại Thế Chí, Quán Thế Âm tạm thời giải thoát chúng sinh ra khỏi vòng luân hồi đến cõi Tịnh độ, nơi họ sẽ có cơ hội tích lũy công đức cần thiết để trở thành một vị Phật trong một kiếp đời. Trong hình tượng Phật giáo Trung Quốc, Quán Thế Âm thường được miêu tả là đang thiền định hoặc ngồi bên cạnh một trong những vị Phật và thường đi cùng với một vị Bồ-tát khác. Đức Phật và Bồ-tát được khắc họa cùng với Quán Thế Âm thường theo bất kỳ trường phái Phật giáo nào mà chúng biểu trưng. Ví dụ, trong Phật giáo Tịnh độ, Quán Thế Âm thường được miêu tả ở bên trái của A Di Đà, trong khi ở bên phải của vị Phật là Đại Thế Chí. Các ngôi chùa tôn kính Bồ-tát Địa Tạng/Ksitigarbha thường mô tả Ngài đang thiền định bên cạnh A Di Đà và Quán Thế Âm.

Trong Phật giáo Đại thừa, Quan Thế Âm Bồ-tát là vị Bồ-tát tượng trưng cho từ bi, hiển hiện bởi lòng đại bi, chúng sinh chỉ cần tin thờ thì Quan Thế Âm Bồ-tát sẽ phá trừ tất cả khổ não, theo âm thanh mà cứu khổ, không bao giờ ngừng nghỉ...

Trong Phật giáo Đại thừa, Quan Thế Âm Bồ-tát là vị Bồ-tát tượng trưng cho từ bi, hiển hiện bởi lòng đại bi, chúng sinh chỉ cần tin thờ thì Quan Thế Âm Bồ-tát sẽ phá trừ tất cả khổ não, theo âm thanh mà cứu khổ, không bao giờ ngừng nghỉ...

Dù là như vậy nhưng để thích ứng với nhu cầu tu hành Phật pháp truyền bá kinh sách, cũng là để đáp ứng nhu cầu tâm lý của chúng sinh trong thế giới Ta-bà là muốn có được một hình tượng Bồ-tát cụ thể, cho nên đã hình thành một số hình ảnh cố định và những tiêu chí cơ bản cho hình tượng Quán Âm Bồ-tát, điển hình nhất có hai dạng hình tượng:

1. Chính Quán Âm tượng: là một người phụ nữ, đầu đội mũ Thiên Quan, bên trên mũ Thiên Quan có tượng Phật A Di Đà, ngồi trên tòa sen trong tư thế kiết-già lộ vẻ cát tường, tay phải cầm một nhành hoa sen còn chưa nở hết, tay trái thì làm tư thế Đại bi Vô úy ấn. Hình tượng như thế này được gọi là tượng “Thánh Quán Âm”.

2. Tượng Quán Âm cầm nhành dương liễu: có hai hình thức là tượng ngồi và tượng đứng. Thứ nhất là tượng ngồi: hình dáng một người phụ nữ, đầu đội mũ Thiên Quan, ngồi kiết-già trên tòa sen, tay phải cầm một nhành dương liễu, tay trái thì nâng tịnh bình (đựng nước cam lộ). Thứ hai là tượng đứng: hình dáng một người phụ nữ, trên đầu đội một tấm khăn dài buộc búi tóc, khăn xõa xuống vai, đứng chân trần trên tòa sen, tay phải đang cầm tịnh bình rót nước cam lộ chảy xuống, tay trái cầm một nhành dương liễu.

Thiên Quan tức là mũ, trong mũ Thiên Quan có tượng Phật A Di Đà là sự khác biệt quan trọng giữa Quán Âm Bồ-tát và các vị Bồ-tát khác. Trong sách Vãng sinh lễ tán kệ có câu kệ như sau: “Phương Tây có Phật Di Đà/ Ngồi trong mũ báu Phật Bà Quan Âm”. Tượng Phật A Di Đà trên đầu biểu thị việc hàng phục được tà ma ngoại đạo.

Quán Âm ngồi kiết-già thể hiện sự cát tường là một loại tư thế ngồi xếp bằng tròn, tức là hai chân gập lại, bàn chân phải đặt trên đùi trái. Tư thế ngồi như thế này của Quán Âm có ý nghĩa là giáo hóa chúng sinh thoát ly bể khổ.

Tay cầm nhành hoa sen chưa nở hết biểu thị rằng tất cả chúng sinh giống như hoa sen vậy. Bản tính vốn thanh tịnh, thế nhưng hoa sen chưa nở hết vì chúng sinh còn chưa được ánh sáng soi rọi, vẫn còn ở trong giai đoạn mê hoặc.

Đại bi Vô úy ấn là đặt ngang cánh tay trước ngực, năm ngón tay hướng lên trên, lòng bàn tay hướng ra ngoài, đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ chạm vào nhau, tạo thành chữ O, ba ngón còn lại hơi cong chút và tách nhau ra. Vô úy ấn là thủ ấn để bố thí lòng không sợ hãi cho chúng sinh, nghĩa là Quán Âm Bồ-tát sẽ đến cứu độ chúng sinh, khiến cho chúng sinh đạt được trạng thái tâm an.

Tịnh bình mà Quán Âm cầm ở tay (còn gọi là táo bình, quân trì là dùng để đựng nước cam lộ, ý nghĩa của nó là muốn dùng nước cam lộ thánh khiết thanh tịnh để tưới mát cho những chúng sinh đang thống khổ, tẩy sạch bụi trần mê muội cho chúng sinh, để được chứng Bồ-đề. Cho nên tượng Quán Âm cầm tịnh bình có loại là tay nâng tịnh bình chứa nước cam lộ, có loại là tay cầm tịnh bình rót nước cam lộ xuống bố thí ân huệ cho chúng sinh.

Nhành dương liễu, biểu thị cho sự giải trừ bệnh tật. Hình ảnh Quán Âm tay cầm nhành dương liễu là biểu thị tấm lòng vì chúng sinh mà giải trừ những thống khổ do bệnh tật mang lại, khiến cho chúng sinh giải thoát khỏi những phiền não do bệnh tật(47).

Những thành tố liên quan

Ghi chú

Y phục

Áo choàng trắng

Bị ảnh hưởng bởi các kinh điển Mật tông và mạn-đà-la như mạn-đà-la của hai cõi thường miêu tả Quán Thế Âm được khoác lên mình chiếc áo choàng màu trắng(48). 

Áo choàng đôi khi khoác lỏng hoặc mở ở ngực

Gợi nhớ lại nguồn gốc á nam á nữ của Quán Thế Âm là một nam Bồ-tát và khả năng thay đổi hình dạng của Bồ-tát. Nếu được vẽ á nam á nữ, hiếm khi bộ ngực phô ra hoàn toàn, mặc dù đôi khi những món đồ trang sức che phủ đỉnh ngực. Rất hiếm khi, Quán Thế Âm được thể hiện rõ ràng là nữ giới với bộ ngực phô ra toàn bộ.

Vòng cổ/chuỗi hạt

 

Mũ miện

Thường có hình tượng của Đức Phật A Di Đà, người thầy của Quán Thế Âm.

Vật cầm tay/trì vật

Bình, thường cầm ở tay trái, để thẳng đứng mặc dù có thể cho thấy như đang trút nước.

Một trong tám biểu tượng của cát tường. Bình chứa nước tinh khiết có khả năng làm vơi đi mọi nỗi thống khổ. Đôi khi nước như trút xuống tạo thành những bọt bong bóng nước với những đứa trẻ nhỏ vây quanh.

Cành liễu, thường cầm ở tay phải, đôi khi được cắm trong một chiếc bình.

Dùng để rắc/rải nước thiêng. Cành liễu uốn cong mà không gãy. Chịu ảnh hưởng bởi các nghi thức Mật tông, ở đó, cành liễu được sử dụng trong các nghi lễ cúng dường cho các hình thức bí truyền của Quán Thế Âm(49).

Phất trần

 

Hoa sen nở

Biểu tượng chung của Phật giáo về sự thuần khiết.

Bẹ lúa

Khả năng sinh sản/màu mỡ phì nhiêu, cung cấp/đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống.

Giỏ, giỏ cá

Sự bảo trợ cho ngư dân

Chuỗi hạt Mala

 

Những con vật và người hầu cận 

Trẻ sơ sinh

Cụ thể là trong biểu thị Quan Âm Tống Tử. Kết nối với thiên chức của người mẹ (Bà Chúa thai sinh). Những đại diện có thể cho môn đệ của Quan Âm là Hui’an/Muzha/Mộc Tra như là một đứa trẻ sơ sinh.

Kỳ lân

Biểu tượng của khả năng sinh sản/sự màu mỡ, phì nhiêu và là một sinh vật hoàn toàn ăn chay có sức mạnh để phòng tránh những tổn hại, cũng như trừng phạt kẻ ác.

Rồng

Quan Âm đứng trên con rồng đang uốn lượn trên biển nước, thể hiện sức mạnh tâm linh của Quan Âm cũng như tư cách bảo hộ cho các ngư dân. Con rồng được thể hiện đang bay và được bao quanh bởi những đám mây.

Rùa biển

Quan Âm được thể hiện đứng trên con rùa lớn đang bơi trên sóng nước như một vị thần hộ mệnh cho ngư dân.

Shancai/Thiện Tài (tiếng Phạn: Sudhana)

Sự hiện diện của Thiện Tài trong hình tượng của Quán Thế Âm bị ảnh hưởng bởi phẩm Nhập pháp giới trong kinh Hoa nghiêm, đề cập đến việc Thiện Tài tìm kiếm 53 người thầy tâm linh trong hành trình tìm kiếm sự giác ngộ, với Quán Thế Âm là người thầy thứ 28. Đôi khi, Thiện Tài được thể hiện với đôi chân bị cong để biểu thị cho tình trạng tàn tật trước đây của cậu bé.

Longnu/Long Nữ (tiếng Phạn: nagakanya)

Là con gái của Long Vương. Sự hiện diện của cô trong hình tượng của Quan Âm bị ảnh hưởng bởi kinh điển Mật tông tán dương Amoghapasa/Bất Không Quyến Sách và dạng thức Quan Âm nghìn tay bí truyền, trong đó đề cập đến việc Long Nữ dâng tặng Quan Âm một viên ngọc trai vô giá để tri ân Người. Quan Âm sau đó đã đến thăm cung điện của Long Vương dưới đáy đại dương để dạy cho những chúng sinh nơi đây đà-la-ni/dharani cứu rỗi(50). 

Hai võ tướng

Quan Vũ và Vi-đà/Skanda, hai vị hộ pháp bảo vệ Phật pháp.

Vẹt trắng

Một môn đệ trung thành của Ngài.

Khác

Đứng hoặc ngồi trên một bông sen lớn đang nở

Một tư thế chung cho các vị Phật và Bồ-tát. Hoa sen nở thường được thể hiện nổi trên biển nước.

Hào quang

Để biểu thị cho sự linh thiêng hoặc đề cao yếu tố tinh thần của Quan Âm.

1. Quan Âm và Thiện Tài

Có lúc bên tượng Quan Âm có một đồng tử. Đồng tử mặt hướng về Quán Thế Âm Bồ-tát, 2 tay hợp lại, đây gọi là “Đồng tử bái Quan Âm”. Theo câu chuyện trong kinh Hoa nghiêm, phẩm Nhập pháp giới kể rằng Thiện Tài đồng tử được Văn Thù Bồ-tát chỉ dạy, trước sau tham bái 53 vị “Thiện tri thức”; trong đó vị thứ 27 là Quán Thế Âm Bồ-tát mà vẽ thành. Hình tượng này lưu hành ở Trung Quốc rất rộng rãi(51).

Truyền thuyết kể rằng Thiện Tài/Shancai (Phạn: Sudhana) là một cậu bé khuyết tật đến từ Ấn Độ, rất thích học Pháp. Khi nghe nói rằng có một tôn sư Phật giáo trên hòn đảo núi đá Phổ Đà, cậu đã nhanh chóng đến đó để học hỏi. Khi đến hòn đảo, cậu đã tìm được Quán Thế Âm dù cậu ốm yếu tàn tật.

Quán Thế Âm, sau khi trao đổi với Thiện Tài, đã quyết định thử thách quyết tâm học đầy đủ giáo lý Phật giáo của cậu bé. Quán Thế Âm gợi ra ảo giác về ba tên cướp biển cầm kiếm chạy lên đồi để tấn công ngài. Quán Thế Âm bay lên và lao đến mép một vách đá, ba ảo ảnh vẫn đuổi theo Ngài.

Thiện Tài, khi thấy tôn sư của mình đang gặp nguy hiểm, tập tễnh leo lên dốc. Quán Thế Âm sau đó đã nhảy qua mép của vách đá, và ngay sau đó ba tên cướp đã theo sau. Thiện Tài, vẫn muốn cứu thầy của mình, đã cố gắng bò qua rìa mép vách đá.

Thiện Tài rơi xuống vách đá nhưng được Quán Thế Âm bắt lấy giữa không trung, người lúc này đã yêu cầu cậu bước đi. Thiện Tài thấy rằng cậu có thể đi lại bình thường và không còn bị tàn tật nữa. Khi nhìn vào một vũng nước, cậu ấy cũng phát hiện ra rằng mình giờ đây có một khuôn mặt điển trai. Kể từ ngày đó, Quán Thế Âm đã dạy Thiện Tài toàn bộ giáo pháp.

2. Quan Âm và Long nữ

Nhiều năm sau khi Thiện Tài trở thành đệ tử của Quán Thế Âm, một sự kiện đau buồn đã xảy ra ở biển Hoa Đông. Người con trai thứ ba của một trong những Long vương bị một ngư dân bắt được khi đang bơi lượn trong hình dạng của một con cá. Bị mắc kẹt trên đất liền, anh ta không thể biến trở lại hình dạng rồng của mình. Cha của anh, mặc dù là một Long vương hùng mạnh, nhưng không thể làm gì khi con trai ông đang ở trên cạn. Đau khổ, cậu con trai đã cất tiếng gọi trời và đất.

Nghe thấy tiếng kêu than này, Quán Thế Âm nhanh chóng cử Thiện Tài đi tìm lại con cá và đưa cho cậu bé tất cả số tiền Quán Thế Âm có. Con cá lúc này sắp được đem ra chợ bán. Nó gây xôn xao vì vẫn còn sống vài giờ sau khi bị đánh bắt. Điều này đã thu hút một số lượng người lớn hơn rất nhiều so với bình thường tại chợ. Nhiều người cho rằng tình huống kỳ lạ này có nghĩa là ăn con cá sẽ giúp họ trường sinh bất tử, và vì vậy tất cả những người có mặt đều muốn mua con cá. Ngay sau đó, một cuộc đấu giá đã bắt đầu diễn ra, và Thiện Tài dễ dàng bị trả giá cao hơn.

Thiện Tài cầu xin người bán cá tha mạng cho con cá. Đám đông, giờ đây đang tức giận vì một kẻ quá liều lĩnh, đang định nhấc Thiện Tài ra khỏi con cá thì giọng Quán Thế Âm từ xa vang vọng lại, Ngài nói rằng “Một mạng sống chắc chắn thuộc về một người cố gắng cứu nó, chứ không phải thuộc về một người cố gắng lấy đi nó”.

Đám đông nhận ra những hành động và mong muốn đáng xấu hổ của họ nên đã giải tán. Thiện Tài đã mang con cá trở lại với Quán Thế Âm, người đã nhanh chóng trả nó về biển. Ở đó, con cá biến thành rồng và trở về nhà. 

Như là một phần thưởng cho việc Quán Thế Âm đã cứu con trai mình, Long vương đã cử người cháu gái tên là Long nữ, đem đến dâng tặng Quán Thế Âm viên minh châu. Minh châu là một viên ngọc quý do Long vương sở hữu, nó không ngừng tỏa sáng. Long nữ, choáng ngợp trước sự hiện diện của Quán Thế Âm, đã xin làm đệ tử của Ngài để cô có thể học Pháp. Quán Thế Âm chấp nhận lời thỉnh cầu chỉ với một yêu cầu: Long nữ hãy trở thành người chủ sở hữu mới của viên minh châu.

Trong nghệ thuật tạo hình phổ biến, Long nữ và Thiện Tài thường được thể hiện cùng với Quán Thế Âm như là hai đứa trẻ. Long nữ được nhìn thấy đang cầm một viên ngọc, biểu trưng cho minh châu, trong khi Thiện Tài được nhìn thấy với lòng bàn tay chắp lại và đầu gối hơi cong để cho thấy rằng cậu bé đã từng bị khuyết tật.

3. Quan Âm và con chim két hiếu thảo

Anh vũ bảo kinh kể câu chuyện của một con vẹt trở thành môn đệ của Quán Thế Âm. Vào thời nhà Đường, một con vẹt nhỏ đã mạo hiểm để tìm kiếm thức ăn yêu thích cho mẹ nó và bị bắt bởi một thợ săn (loài vẹt khá phổ biến vào thời nhà Đường). Khi nó trốn thoát được, nó phát hiện ra rằng mẹ của nó đã chết. Con vẹt đau buồn cho người mẹ và chôn cất mẹ nó. Sau đó, con vẹt trở thành đệ tử của Quán Thế Âm.

Trong nghệ thuật tạo hình phổ biến, con vẹt có màu trắng và thường được nhìn thấy bay lượn về phía bên phải của Quán Thế Âm với một chuỗi hạt cầu nguyện được treo trên mỏ của chim vẹt. Con vẹt trở thành biểu tượng của lòng hiếu thảo(52).

Về hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, do sự ứng hóa của Ngài không có nơi chốn nhất định cho nên tướng trạng cũng rất sai khác, nhưng lấy Quán Âm có 2 tay làm hình tượng gốc, ngoài ra đều do sự thị hiện lực dụng thần biến tự tại của Ngài. Có loại 1 đầu, 3 đầu, 5 đầu, cho đến ngàn đầu, 10 ngàn đầu, 84 ngàn đầu thước-ca-ra(53); còn kinh Lăng-nghiêm quyển 6 lại căn cứ vào số lượng cánh tay, mắt của Ngài để phân chia thành các hình tượng khác nhau, như 4 cánh tay, 6 cánh tay đến nghìn cánh tay, vạn cánh tay, 8 vạn 4 nghìn cánh tay; 2 mắt, 3 mắt đến nghìn mắt, vạn mắt, 8 vạn 4 nghìn bảo nhãn thanh tịnh(54).

Mật giáo còn an lập Bồ-tát này vào mạn-đà-la Thai tạng giới và trong các viện như Trung đài Bát diệp, viện Quán Âm, viện Biến Tri, viện Thích Ca, viện Văn Thù, viện Hư Không Tạng, viện Tô-tất-địa… Hình tượng và trì vật của Ngài trong mỗi viện đều khác nhau(55).

Quán Thế Âm Bồ-tát, Ấn Độ, thế kỷ XI - XII, hiện vật bảo tàng Ấn Độ, Kolkata, Ấn Độ
Quán Thế Âm Bồ-tát, Ấn Độ, thế kỷ XI - XII, hiện vật bảo tàng Ấn Độ, Kolkata, Ấn Độ

V. Hóa thân

Quán Thế Âm có một số lượng cực lớn các biểu thị dưới các dạng thức khác nhau (bao gồm cả các nữ thần trí tuệ liên kết trực tiếp với Ngài trong các hình ảnh và tài liệu thư tịch). 

Ma-ha chỉ quán 2, thượng, có nêu 6 loại Quán Âm. Chư tôn chân ngôn cú nghĩa nêu 15 loại Quán Âm. Lại có 25 loại Quán Âm, 33 loại Quán Âm… Trong đó, có một số chẳng phải căn cứ vào kinh quỹ mà có, mà là do sự hỗn hợp tín ngưỡng, phong tục dân gian của Trung Quốc và Nhật Bản ở đời sau mà xuất hiện(56).

1. 33 hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm 

Phật tượng đồ hối đã tổng hợp tất cả những tạo hình Quan Thế Âm Bồ-tát từng xuất hiện trong lịch sử, đại khái có khoảng 33 loại hình tượng(57). Tương tự, theo chương thứ 25 của kinh Pháp hoa, một trong những kinh văn thiêng liêng phổ biến nhất trong kinh điển Phật giáo, mô tả ba mươi ba biểu hiện cụ thể của Quán Thế Âm được cho rằng nhằm để trợ giúp cho những chúng sinh khác tìm kiếm sự cứu độ. Những hình tướng này bao gồm một vị Phật, một vị Độc giác Phật/Pratyekabuddha, một vị La-hán, vị Phạm thiên Brahma, vị Đế thiên Sakra (Indra), Tự tại thiên Isvara, Đại Tự tại thiên Mahesvara (Shiva), một vị Thiên vương, Tỳ-sa-môn Thiên vương/Vaisravana, một Chuyển luân Thánh vương/Cakravartin, một vị tiểu vương, một trưởng lão, một gia chủ, một giáo sĩ, một Bà-la-môn, một Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo-ni, một Ưu-bà-tắc/Upasaka, một Ưu-bà-di/Upasika, một người vợ, một chàng thiếu niên, một thiếu nữ, một vị Thiên/Deva, một rắn/naga, một Dạ-xoa/Yaksha, một Càn-thát-bà/Gandharva, một A-tu-la/Asura, một Kim sí điểu/Garuda, một Khẩn-na-la/Kinnara, một Ma-hầu-la-già/Mahoraga, một con người, một phi nhân và Kim cương thủ/Vajrapani(58).

Cũng là một tập hợp 33 hóa thân của Quan Âm song ở Nhật Bản, 33 hóa thân này ít nhiều cụ thể hơn và chi tiết hơn. Ở Trung Quốc và Nhật Bản có truyền thuyết cho rằng Quan Thế Âm hiển thị qua 33 hình tướng. Trên thực tế, Ngài còn mang rất nhiều hình tướng hơn thế nữa nếu như người ta đếm được tất cả những hình tướng đã được nhận những tên gọi đặc thù, hoặc là do nguồn gốc của chúng, hoặc bởi những phẩm chất riêng được gán cho chúng, hoặc ngay cả tùy theo những phương diện khác nhau mà dường như Ngài đảm nhận cho từng trường hợp đặc thù.

Ba mươi ba hình tướng là những ứng thân, liên quan đến những truyền thuyết Trung Hoa và Nhật Bản, rất thường được liên kết với những hình tượng về các hình tướng chính của Quan Thế Âm, điều này đã dấy lên phong trào hành hương đến 33 đạo tràng của Quan Âm ở các tỉnh phía Tây Nhật Bản, với niềm tin rằng người đã hoàn thành trọn vẹn cuộc hành hương đến tất cả những đạo tràng này thì vĩnh viễn được giải thoát khỏi nỗi lo sợ bị đày địa ngục (vì vậy Quan Âm cũng được gọi là Thí Vô Úy Bồ-tát). Những hình tướng khác nhau của 33 ứng thân Quan Âm này tương đối xuất hiện hơi muộn, và phần lớn chỉ hiển thị sau thời kỳ Kamakura (1333). Có một số hình tướng thường được biểu thị, nhất là trong hội họa, trong khi nhiều hình tướng khác lại không gợi cảm hứng cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Danh xưng của những hình tướng đó cũng biến thiên tùy theo tác giả và bản văn. Một số phái sinh danh xưng từ những truyền kỳ, một số khác từ những thần linh Ấn giáo. Theo Phật tượng đồ vị (Butsuzo-zu-I), sau đây là 33 hình tướng của Sho Kannon Bosatsu (Thánh Quan Âm Bồ-tát).

Dương liễu Quan Âm/Dược Vương Quan Âm (Nhật Bản: Yoryu Kannon/Yaku-ô Kannon): Đây là một hình tướng của Dược Sư Như Lai (Bhaiajyaguru). Cùng với Dược Vương Bồ-tát, Dương liễu Quan Âm là môn đồ của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi; Nhật Bản: Fukujoyu Nyorai). Trong điêu khắc, Ngài được thể hiện trong tư thế đứng, miệng mở, đôi mày hơi nhíu lại, với một búi tóc cao. Trong hội họa, Ngài được thể hiện trong tọa thức đế vương thanh nhàn, bàn tay phải cầm một nhành dương, tay trái tỳ trên khủy tay, bàn tay buông hay để ngang ngực. Ngài có thể mang hình tướng nữ, thường thấy phổ biến ở Trung Quốc.

2. Long kỵ Quan Âm (Nhật Bản: Ryuzu Kannon): Được biểu thị như người phụ nữ cưỡi rồng hoặc đứng trên lưng rùa biển, khăn choàng phủ trên búi tóc (che một phần hình tượng của A Di Đà trên búi tóc), tay cầm đóa sen nở hoặc làm thiền quán ấn, với hai bàn tay ẩn dưới tà áo. Ở Trung Quốc, hình tượng này đôi khi bồng một đứa trẻ và bị lẫn lộn với hình tượng Quan Âm tống tử.

3. Trì kinh Quan Âm (Nhật Bản: Jikyo Kannon): Một người phụ nữ cầm cuộn kinh văn trong tay phải.

4. Viên quang Quan Âm (Nhật Bản: Enko Kannon): Một người phụ nữ phát ra những tia ánh sáng, hoặc ngồi trên cầu vồng ngũ sắc. Đôi bàn tay chắp lại.

5. Du hý Quan Âm (Nhật Bản: Yuge Kannon): Vị Bồ-tát ngồi đường bệ trên đám mây sáng chói.

6. Bạch y Quan Âm (Nhật Bản: Byakue Kannon): Quan Âm áo trắng tương ứng với Pandaravasini. Hình tướng nữ nhân này, qua nhiều biểu tượng, thường ngồi trong thế Padmasana (Liên hoa tọa) với tay phải cầm một cuộn kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa (Prajnaparamita) hoặc đôi khi là viên như ý bảo châu (cintamani - viên ngọc ước) ép vào ngực, tay trái để trên chỗ ngồi và cầm một tràng hạt hoặc sợi dây. Ngài thường được trình bày với một chéo áo trùm tóc, giống như Long kỵ Quan Âm. Đôi khi Ngài ngồi trên hai đóa sen, trên bờ biển sát mép nước, đôi tay làm thủ ấn thiền định/dhyana. Đây có lẽ là một hình tướng được gọi là Quá hải Quan Âm (Guohai Gunyin) ở Trung Quốc. Bà thường cầm một tràng hạt nơi tay phải nhưng, trong một vài hình tướng Mật tông, bà cầm cổ tay phải trong bàn tay trái. Mẫu Quan Âm này, được tìm thấy trên một bệ đá ở Thiểm Tây, Trung Quốc, dường như đã gợi cảm hứng cho các hình tượng Nhật Bản và Như ý luân Quan Âm (Cintamanicakra; Nhật Bản: Nyoirin Kannon). Đôi khi bà cũng lẫn lộn với Shvetabhagavati (Byakushin Kannon).

7. Liên tọa Quan Âm (Nhật Bản: Renga Kannon): Bồ-tát ngồi trên đài sen.

8. Lung kiến Quan Âm (Nhật Bản: Takimi Kannon): Vị Bồ-tát đức hạnh, hình tướng nữ nhân ngồi ngắm thác nước.

9. Thí lạc Quan Âm (Nhật Bản: Seyaku Kannon): Quan Âm “ban cho niềm vui”, được biểu thị bằng nét mặt trầm tư, ngồi cạnh mép nước, quan sát một đóa hoa sen.

10. Ngư lam Quan Âm (Nhật Bản: Gyoran Kannon): Quan Âm trong hình tướng nữ nhân, cầm một giỏ cá, hoặc ngồi hay đứng trên lưng một con lý ngư thật lớn. Hình tượng này liên kết với một truyền thuyết xa xưa của Trung Quốc và là vị Bồ-tát của những loài cá và thủy thủ. Hokusai (1760-1849) đã vẽ một bức tranh danh tiếng về đề tài này và trở thành mẫu mực cho nhiều người mô phỏng, sao chép. Ngoại hình chung của Ngư lam Quan Âm cũng giống như Bạch y Quan Âm, với một chiếc khăn choàng che phủ một phần búi tóc của bà.

11. Đức vương Quan Âm (Nhật Bản: Tôku-ô Kannon): Quan Âm vị vua của đức hạnh, được thể hiện cầm một nhành dương trong tay và hay bị lẫn lộn với Dương liễu Quan Âm.

12. Thủy nguyệt Quan Âm (Nhật Bản: Suigetsu Kannon): Ngồi trong tư thế đường bệ trên một tảng đá, hoặc đứng trên một lá sen nổi trên mặt nước, nhìn bóng trăng phản chiếu trên dòng sông. Đôi khi (nhưng rất hiếm) được thể hiện với ba đầu và sáu tay.

13. Nhất diệp Quan Âm (Nhật Bản: Ichyô Kannon): Ngồi hay đứng trên một lá sen trôi trên đại dương. Hình tướng kiểu Trung Quốc này cũng được gọi là Quá hải Quan Âm (Guohai Guanyin).

14. Thanh đầu Quan Âm (Nhật Bản: Shokyo Kannon/Seitsu Kannon): Biểu thị Thanh cảnh Quán Âm/Nilakanthi, vị Quan Âm với phần cổ màu xanh, chủ yếu được biểu thị trong hội họa. Hình thức Mật tông này được so sánh với thần Siva của Ấn giáo, khi thần đã uống độc dược trích ly từ biển sữa sau khi đã được khuấy lên, và từ đó cổ của thần biến thành màu xanh. Hình tướng này được cho là có khả năng khu trừ khó khăn hay bỉ vận.

Ngài được trình bày ngồi trên đóa sen hay trên tảng đá. Màu da Ngài xanh đen. Những hình tượng của Ngài có hai phương diện: với hai tay, tay phải bắt ấn Thí vô úy/Abhaya, tay trái cầm một đóa sen, dựa trên một tảng đá, một bình nước để gần; hoặc với ba đầu và bốn tay, cầm một thiền trượng, hoa sen, một pháp luân và một ốc tù và: đầu chính diện biểu hiện lòng từ bi, đầu bên phải là đầu sư tử, đầu bên trái là đầu lợn lòi. Hình tướng này có lẽ là một phương diện của Ma Lợi Chi Thiên/Marici.

15. Uy đức Quan Âm (Nhật Bản: Itoku Kannon): Quan Âm uy nghiêm ngồi trong tư thế đường bệ vương giả, một cành hoa sen trong tay trái. Đây là hình tướng được biểu thị phổ biến nhất ở Trung Quốc.

16. Diên mệnh Quan Âm (Nhật Bản: Enmei/Emmyo Kannon): Quan Âm bảo vệ sinh mệnh của tín đồ, được thể hiện đứng sau một tảng đá.

17. Chúng thực Quan Âm (Nhật Bản: Shuhu Kannon): Vị Quan Âm phân phát kho báu, ngồi trong tư thế đường bệ vương giả.

18. Nham hộ Quan Âm (Nhật Bản: Iwato Kannon): Quan Âm nơi vòm đá; đây có lẽ là một kiểu “Phật giáo hóa” một vị Kami của Thần đạo là Amaterasu Nmikami (nữ thần Mặt trời trong văn hóa Thần đạo, người khai sinh ra những người đầu tiên trong dòng dõi hoàng tộc Nhật Bản). Bà ngồi tại cửa vào một hang động.

19. Năng tĩnh Quan Âm (Nhật Bản: Nojyo/Nosho Kannon): Quan Âm đem lại bình yên tĩnh lặng, được thể hiện dựa vào một tảng đá.

20. A nậu Quan Âm (Nhật Bản: Anoku Kannon): Ngồi trên một tảng đá de ra trên mặt biển, ôm gối, hoặc cầm cuộn kinh hay Như ý bảo châu (cintamani) trong tay. Bà bảo vệ các loài thủy tộc và cứu vớt tín đồ khỏi chết đuối.

21. Ana đài Quan Âm (Nhật Bản: Amadai Kannon): Hình tượng này được du nhập từ Trung Quốc đến Nhật vào thế kỷ IX. Ngồi thong dong vương giả trên một tảng đá hoặc trên con sư tử trắng. Đôi khi có một đầu với ba mắt và bốn tay: hai bàn tay chính chơi đàn hokugo (một loại đàn koto nhỏ, gốc từ Triều Tiên) hoặc với một cây nguyệt cầm của Trung Quốc trang trí với hình đầu chim phượng, bàn tay phải phía trên nâng một Haku-Kichijo (bạch trĩ, loài chim may mắn), bàn tay trái phía trên cầm một Makatsugyo (một loại cá thần). Ý nghĩa chính xác của những tùy vật này vẫn chưa được khẳng định.

22. Diệp y Quan Âm (Nhật Bản: Hae/Hiyoe Kannon): Hình tướng của Quan Âm mang lá này có lẽ có thể đồng hóa với Parnasabari “Người thầy thuốc dùng thảo mộc làm dược liệu” trong thần phổ Ấn giáo. Trong mạn-đà-la Thai tạng giới, hình tướng này có hai cánh tay và cầm một viên ngọc vây quanh với những ngọn lửa hoặc một sợi dây trong tay phải, và tay trái cầm một đóa sen. Được biểu thị với làn da thật xanh xao nhợt nhạt, đôi khi bằng ngoại hình nữ nhân với bốn cánh tay: hai tay phải trong thủ ấn thí nguyện/varada và giữ viên ngọc ước trên ngực, hai tay trái cầm một cái trục xe và một sợi dây. Khi ngồi trên chiếu hoa hay trên tảng đá, đôi tay giấu trong các ống tay áo. Mật danh của hình tượng này là Jogyo Kongo.

23. Lưu ly Quan Âm (Nhật Bản: Ruri Kannon): Quan Âm với ngọc lưu ly xanh biếc trong suốt. Vị Quan Âm cầm một viên bảo châu tròn và đứng trên chiếc lá trôi trên mặt nước.

24. Đa chúng Tôn Quan Âm (Nhật Bản: Tarason Kannon): Đây là một Tara, nữ thần của Quan Âm đã được Thánh tăng Huyền Trang nhắc đến hồi thế kỷ VII. Hình tướng, nữ nhân này được sinh ra từ tia sáng trong đôi mắt của Quan Thế Âm. Một vài bản kinh đồng hóa vị Quan Âm này với mẹ Maya của Thích Ca Cồ Đàm: trong mạn-đà-la Thai tạng giới, được biểu thị như một người phụ nữ đã trưởng thành.

25. Cáp lỵ Quan Âm (Nhật Bản: Kori Kannon): Quan Âm bên vỏ sò.

26. Lục thời Quan Âm (Nhật Bản: Rokuji Kannon): Quan Âm suốt sáu khắc trong ngày (mỗi khắc là hai giờ ngày nay), được thể hiện cầm quyển sách trong tay.

27. Phổ bi Quan Âm (Nhật Bản: Fuhi Kannon): Quan Âm với lòng từ bi vô lượng muốn phổ độ tất cả chúng sinh. Đôi khi tay được phủ trong tà áo.

28. Mã Lang phụ Quan Âm (Nhật Bản: Merofu Kannon): Được biểu thị như một phu nhân người Trung Quốc. Truyền thuyết cho rằng bà kết hôn với một thương gia người Trung Quốc tên là Mã Lang và được coi là một nhập thể của Quan Âm.

29. Hợp chưởng Quan Âm (Nhật Bản: Gassho Kannon): Quan Âm với đôi tay chắp lại.

30. Nhất như Quan Âm (Nhật Bản: Ichinyo Kannon): VịQuan Âm duy nhất, ngồi thong dong vương giả trên một đám mây.

31. Bất nhị Quan Âm (Nhật Bản: Funi Kannon): Quan Âm không có người thứ hai. Đứng trên một lá sen, hai bàn tay chéo lại đặt ngang bụng.

32. Trì biên Quan Âm (Nhật Bản: Jiren Kannon): Quan Âm cầm một đóa sen trong hai bàn tay chắp lại.

33. Sái thủy Quan Âm (Nhật Bản: Shasui Kannon): Được biểu thị cầm một cái que bên tay phải và một bình nước bên tay trái.

Danh sách này không tuyệt đối cố định và có thể tìm thấy nhiều dị bản. Tương tự như vậy, rất nhiều hình tướng này cũng không rõ ràng dứt khoát và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể biết chính xác chúng tương ứng với loại hình tướng nào. Hình tướng của Quan Thế Âm không giới hạn nơi 33 hình tướng này. Bởi vì Quan Thế Âm, từ bản chất, là một vị Bồ-tát đầy lòng từ bi, nên Ngài luôn luôn được sùng mộ sâu xa. Do vậy, dân chúng vào mọi thời, đã tạo ra nhiều hình tướng khác nhau, và đặt ở khắp nơi, những hình tướng thường mang sắc thái hòa trộn tôn giáo. Những phương diện của Quan Thế Âm đôi khi còn được nhân lên gấp bội lần, như thể sự gia tăng số lượng có thể làm tăng thêm quyền năng nhìn thấy và phổ hiện lòng từ bi. Chúng gồm “Bách Quan Âm” trong chùa Hojo, “Thiên Quan Âm” trong chùa Sanjusangendo ở Kyoto và “Tam thiên Quan Âm” ở Shizuoka, Nhật Bản, những nhóm 8 hay 32 Quan Âm ở Trung Quốc, và “Thiên Quang Phật” trong nghệ thuật Khmer và Miến Điện. Ở Nhật, nơi những hình tướng này xuất hiện đông đảo nhất, còn gồm có Thủy thượng Quan Âm (Nurete Kannon) nơi chùa Kiyomi-zu-dera ở Kyoto mà tín đồ có tập tục dìm mình xuống nước. Tuy nhiên, Quan Âm được biểu thị nhiều nhất là trong những hình tượng Raigo (một nhà sư), chân quỳ, hai tay đưa một đóa hoa sen (hay một khay đựng hoa sen) cho tín đồ đi đến trú xứ Tây phương Cực lạc/Sukhavati, Tịnh độ của A Di Đà(59). 

2. 32 hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm trong kinh Lăng-nghiêm

Kinh Lăng-nghiêm/Surangama Sutra theo sát những biểu hiện trong kinh Pháp hoa, với sự bỏ sót Kim cương thủ/Vajrapani, và sự thay thế của Tỳ-sa-môn Thiên vương/Vaisravana (vị Thiên vương phương Bắc) với Tứ Thiên vương(60). 32 thị hiện này được gọi là Quán Thế Âm tam thập nhị ứng, đó là: 1. Phật thân, 2. Độc giác thân, 3. Duyên giác thân, 4. Thanh văn thân, 5. Phạm vương thân, 6. Đế thích thân, 7. Tự tại thiên thân, 8. Đại tự tại thiên thân, 9. Thiên đại tướng quân thân, 10. Tứ thiên vương thân, 11. Tứ thiên vương quốc thái tử thân (thân thái tử của đất nước bốn vị Thiên vương), 12. Nhân vương thân (thân vua ở cõi người), 13. Trưởng giả thân, 14. Cư sĩ thân, 15. Tể quan thân, 16. Bà-la-môn thân, 17. Tỷ-kheo thân, 18. Tỷ-kheo-ni thân, 19. Ưu-bà-tắc thân, 20. Ưu-bà-di thân, 21. Nữ chúa thân và quốc phu nhân, mạng phụ đại gia, 22. Đồng nam thân, 23. Đồng nữ thân, 24. Thiên thân, 25. Long thân, 26. Dược-xoa thân, 27/Càn-thát-bà thân, 28/A-tu-la thân, 29/Khẩn-na-la thân, 30/Ma-hô-la-già thân, 31/Nhơn thân, 32. Phi nhân thân(61). Những biểu hiện này của Quán Thế Âm đã được tập trung hóa ở Trung Quốc và Nhật Bản để tạo thành một danh sách truyền thống về các hình thức biểu tượng tương ứng với từng thị hiện(62).

Tất cả những loại hóa thân này chỉ có một nguyên tắc chung, đó là do chúng sinh lấy thân phận gì nhằm đạt được cứu độ giải thoát thì Quán Âm Bồ-tát sẽ hiện ra với hóa thân tương ứng để thuyết pháp cho họ. Ví như những người được độ là đồng nam đồng nữ thì Ngài cũng sẽ hiện ra là đồng nam, đồng nữ; còn nếu như người được độ là Phật thì Ngài cũng hiện ra là Phật. Cho nên Quán Âm có thể là Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, lại cũng có thể là Đế thích thiên, Long thân (rồng), Dạ-xoa (quỷ), Kim cương, v.v. Tóm lại, để giáo hóa chúng sinh, Quán Âm Bồ-tát đã đạt được đến cảnh giới tự do tự tại là “biến hóa muôn hình, chu du tứ hải, cứu độ chúng sinh” như nội dung phẩm Phổ môn đã nói(63).

3. Lục Quán Âm

Quán Âm Bồ-tát vì giáo hóa lục đạo chúng sinh (tức địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, thiên nhân, a-tu-la), phá vỡ “tam chướng” (tức ba chướng ngại: tham, sân, si; nghiệp chướng - là tất cả những hành vi tư tưởng bất lợi cho việc tu hành Phật giáo được tạo thành bởi thân, ngữ, ý; báo chướng - tức là những ác báo phải đầu sinh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, v.v.) nên đã hóa thân thành sáu dạng Quán Âm. Lục Quán Âm là quy nạp hình tượng Quán Âm tương đối hệ thống, trở thành sáu Quán Âm giáo hóa giảng giải cho chúng sinh trong sáu cõi. Mật tông gọi sáu loại hình tượng là “Mật tông lục Quan Âm”. Theo quyển 2 Ma-ha chỉ quán, sáu dạng hình Quán Âm lần lượt như sau:

1. Thánh Quán Âm, còn gọi là Đại từ Quán Âm, còn được gọi làPhật Bà Quan Âm chủ về phá vỡ tam chướng Ngạ quỷ đạo (cõi quỷ đói), cõi này đói khát, vì thế cần đại từ. Thánh Quan Âm còn gọi Chính Quan Âm. Hình tượng thông thường là đầu đội mũ châu báu, trên mũ có hóa Phật A Di Đà Phật trong tư thế ngồi, trong tay cầm hoa sen hoặc tịnh bình, hoặc hai tay kết ấn thiền định; trên người đeo trang sức như chuỗi ngọc, ngồi xếp bằng trên tòa sen.

2. Mã đầu Quán Âm/Hayagriva Guanyin, còn gọi là Sư tử vô úy Quán Âm, chủ về phá vỡ Súc sinh đạo tam chướng. Cõi này có thú dữ hung ác, vì thế không được sợ hãi. Mã đầu Quan Âm tức là Mã đầu Minh vương trong bộ Minh vương, mang hình tướng phẫn nộ, hai mắt trợn ngược, răng nanh nhe ra, tóc dựng ngược, trên đầu mang đầu ngựa. Tạo hình của Ngài có 1 mặt 2 cánh tay, 1 mặt 4 cánh tay, 3 mặt 2 cánh tay…

3. Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm (Phật Bà nghìn tay nghìn mắt), còn gọi là Đại bi Quán Âm, chủ về phá vỡ tam chướng Địa ngục đạo. Cõi này rất khổ, vì vậy cần đại bi. Thiên thủ Quan Âm tức Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt. Hình tượng của Ngài gồm 42 cánh tay tượng trưng cho nghìn tay, hai tay ở giữa chắp lại, hai bên mỗi bên có 20 cánh tay, lần lượt cầm pháp khí khác nhau, biểu thị những thần thông của Bồ-tát. Các bàn tay cũng thường được trang trí với những con mắt, điều này tượng trưng cho tính toàn tri và quyền năng cứu độ chúng sinh đang lâm khổ nạn. Những cánh tay này tượng trưng quyền năng thần thông quảng đại của Ngài để cứu khổ cứu nạn vô vàn chúng sinh và dẫn dắt họ về bờ giác. 

4. Thập nhất diện Quán Âm (Quán Âm mười một mặt), còn gọi là Đại quang phổ chiếu Quán Âm, mật hiệu là Từ mẫn Kim cương, chủ về phá vỡ tam chướng A-tu-la đạo. Cõi này còn nhiều điều nghi ngờ đố kỵ, vì thế cần phổ chiếu (ánh sáng chiếu rọi khắp nơi). Hình tượng của ngài dựa trên hình tượng nguyên mẫu của Quan Âm, thêm vào mười khuôn mặt nữa, hợp lại thành 11 mặt. Đầu chính thường mang bên trên ba dãy đầu nhỏ hơn, trên cùng là một đầu riêng. Ba mặt trước là mặt Bồ-tát, ba mặt bên trái là tướng phẫn nộ, ba mặt bên phải là tướng Bồ-tát trong thế nhe nanh, một mặt sau lưng mang tướng cười lớn hung dữ, một mặt trên đỉnh đầu là mặt Phật. Mười một đầu tượng trưng những đức hạnh chính của Bồ-tát mà Ngài dùng để chinh phục 11 dục vọng; chúng có thể gây chướng ngại cho việc đạt tới giác ngộ. Mỗi khuôn mặt đều đội mũ lộng lẫy; tay chính bên trái cầm tảo bình, miệng bình mọc hoa sen; tay trái cầm chuỗi ngọc, kết ấn thí vô úy. Cũng có vị Quan Âm 11 mặt có bốn cánh tay, một tay bên phải cầm chuỗi tràng hạt, tay thứ hai kết ấn thí vô úy; tay thứ nhất bên trái cầm hoa sen, tay thứ hai cầm tảo bình.

5. Như ý luân Quán Âm/Cintamanicakra Guanyin, còn gọi là Đại phạn thâm viễn Quán Âm, chủ về phá vỡ tam chướng Thiên đạo (cõi trời). Như ý luân Quan Âm thường có sáu cánh tay, trong tay cầm ngọc như ý và bảo luân (bánh xe báu), nên gọi là Như ý luân, mật hiệu là Trì bảo Kim cương. Tư thế ngồi là dựng thẳng đầu gối phải, tay thứ nhất bên phải đỡ má, chân trái khoanh lại xếp bằng.

6. Chuẩn-đề Quán Âm/Cundi Guanyin, còn gọi là Thiên nhân trượng phu Quán ÂmThất câu đề Phật mẫu hoặc Tác nhân thiên trượng Quan Âm chủ về phá vỡ tam chướng Nhân đạo. Nói cõi người có lý lẽ, kiêu căng ngạo mạn, vì vậy gọi là “thiên nhân”, lý gặp tính Phật, nên gọi là “trượng phu”. “Chuẩn-đề” nghĩa là sạch sẽ. Hình ảnh của Ngài miêu tả trong mỗi kinh điển đều khác nhau, thường thấy là thân màu vàng trắng, mặt có 3 mắt, 18 cánh tay; hai tay kết ấn thuyết pháp, những tay còn lại đều kết thủ ấn hoặc giữ pháp khí; trên cổ tay thường trang sức vòng ốc trắng, trên cánh tay có trang sức bảy vòng ngọc, ngồi trên bảo tọa hoa sen đỏ giữa mặt hồ lớn, trước tòa sen có hai vị Long vương Nan-đà và Bạt-nan-đà bảo vệ(64).

Bộ Lục Quan Âm này tại những nơi khác nhau thường có những dị biệt. Quán Thế Âm cũng được tôn kính dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong các truyền thống Thiên Thai và Tangmi của Trung Quốc và các truyền thống Chân ngôn tông/Shingon và Thiên Thai/Tendai của Nhật Bản, Quán Thế Âm có thể có sáu dạng, mỗi dạng tương ứng với một cảnh giới cụ thể của luân hồi. Sự phân nhóm này có nguồn gốc từ Ma-ha chỉ quán được viết bởi Tổ sư Thiên Thai Trí Nghĩ (538-597) và được chứng thực trong nhiều nguồn tài liệu thư tịch khác, chẳng hạn như Tam bảo cảm ứng yếu lược lục(65).

Ngoài sáu hình tượng Quan Âm thường gặp trên đây, trong Mật tông còn có Bất không quyên sách Quan Âm và Sổ châu thủ Quan ÂmSổ châu thủ Quan Âm còn gọi là Sổ châu Quan Âm. Hai tay kết ấn Sổ châu, tức ngón cái và ngón giữa của tay trái làm thành một hình tròn, lồng chuỗi tràng hạt trong hình tròn đó. Ngón cái và ngón của tay phải giữa giữ lấy tràng hạt. Bất không quyên sách Quan Âm còn gọi là Bất không vương Quan Âm Bồ-tát; “quyên sách” là một loại dây thừng dùng để trói dã thú, ý nghĩa của “bất không quyên sách” nghĩa là dùng loại thòng lọng này để bắt thú không bao giờ bị trượt. Hình tượng của Bất không quyên sách Quan Âm có rất nhiều loại, hình tượng thường gặp nhất là ba mặt sáu cánh tay và một mặt ba mắt tám cánh tay(66).

4. Bồ-tát Quán Thế Âm qua các dị bản địa phương 

4.1. Những vị thần ban con cái

Một hình tượng nữ nhân của Quán Thế Âm phù hộ cho việc sinh nở dễ dàng và bảo vệ trẻ con. Ở Nhật Bản, đây là một phương diện của Chuẩn-đề Quan Âm. Trong Ấn giáo, Hariti là một “Qủy tử mẫu thần”, sau này được “Phật giáo hóa” thành một nữ thần hiền lành, được biểu thị trong tư thế ngồi, trang phục kiểu Trung Quốc, tay bồng đứa bé, hay cho bú. Thực tế có thể là chính những người Cơ Đốc giáo Nhật Bản đã tạo ra hình tượng này của Quán Thế Âm, mô phỏng theo hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, trong thời kỳ Cơ Đốc giáo bị bức hại vào thế kỷ XVII và XVIII, thời sứ quân Edo, để tránh sự khủng bố của chính quyền đương thời. Người ta tin rằng hình tướng này về sau được triển khai bởi Phật giáo dân gian để thay thế cho thần Koyasu-samahay Koyasu-gami trong Thần đạo (Shinto) là vị nữ thần phù hộ cho việc sinh đẻ dễ dàng, giống như ở Trung Quốc những hình tượng Quan Âm được thể hiện với đứa bé ở trên đầu gối có lẽ chỉ là sự chuyển cung của Phật giáo dân gian từ những vị thần ban cho con cái của Đạo giáo như Tiên Nhân Tống Tử. Ở Nhật Bản, các điện thờ Thần đạo dành cho Koyasu-sama trên thực tế được dâng cho nàng công chúa huyền thoại Konohana Sakkuya Hime, nữ thần của Phú Sĩ sơn và hoa anh đào, bởi vì truyền thuyết cho rằng nữ thần đã hạ sinh đứa con trai trong lúc nhà bà bốc cháy. Câu chuyện này có thể là một ẩn dụ về việc tạo ra các hồ nước trong thời gian núi Phú Sĩ phun nham thạch.

Vị Koyasu-sama này về sau bị lẫn lộn với hoặc là Quan Âm hoặc là Địa Tạng. Koyasu-Kannon (Tử Ân Quan Âm hay Quan Âm tống tử) đôi khi bị lẫn lộn với một hình tượng bổ túc, giống hệt về ngoại hình gọi là Kishimojin (Qủy Tử Mẫu Thần) nguyên là biểu tượng (vốn khủng khiếp nhưng dần dà được cải biên qua nhiều thế kỷ) tên là Hariti, về sau quy y Phật pháp và trở thành người bảo vệ trẻ con. Hình tượng bà được phổ biến trong thời đại Kamakura bởi Nichiren (Nhật Liên). Trong Chân ngôn tông, bà được gọi là Karitei-mo (Kha Lợi Đế Mẫu). Bà được biểu thị ngồi trên ghế tay phải cầm quả lựu (ở châu Á cũng như ở châu Âu, quả lựu tượng trưng cho con đàn cháu đống, có lẽ vì nó có nhiều hột) và vây quanh bởi những đứa trẻ trần truồng (thường là ba, năm, bảy hoặc chín đứa). Tín đồ còn tin rằng bà có quyền năng chữa bệnh cho trẻ con. Lễ vía bà hàng năm được tổ chức vào tháng 11.

Truyền thống cho rằng một bức tượng của Tử an Quan Âm, vào thế kỷ thứ VIII, được tạc theo hình ảnh của hoàng hậu góa Komyo (701-760) vợ của hoàng đế quá cố Shomu và mẹ của hoàng hậu Koken, về sau trở thành một Ni sư. Không nghi ngờ gì nữa, hình tượng nữ nhân này của Quán Thế Âm, biểu tượng của tình yêu và sự quên mình, đã góp phần rất lớn vào việc phổ biến sự thờ cúng Quan Âm ở Nhật. Tuy nhiên, chỉ từ thế kỷ XIV trở đi, có lẽ dưới ảnh hưởng của Nhật Liên tông mà dân chúng đã thờ phượng bà như là một vị thần ban con cái. Một số tượng Địa Tạng (Ksitigarba) cũng được thờ phượng theo cách đó ở Nhật Bản: Chúng không khác gì với những hình tượng thông thường biểu thị vị Bồ-tát này, ngoại trừ điều bà được gọi là Koyasu Jizo Bosatsu (Tử an Địa Tạng Bồ-tát) do những quyền năng được gán cho bà.

Ở Tây Tạng, nơi việc thờ phượng bà hình như đã xuất hiện từ rất sớm, bà được biểu thị tay bồng đứa trẻ và một con mangut (nakula). Bà cũng là người phân phối của cải. Hình tượng của bà xuất hiện ở Gandhara, ở Ajanta trong tọa thức thư thái vương giả (rajalilasana) trên một trụ ngạch gồm nhiều đứa trẻ trần truồng. Một vài biểu tượng của bà cũng được tìm thấy ở Java (chẳng hạn ở Chandi Mendut) và ở Trung Á. Hình tượng bà thường được kèm theo với hình tượng Yaksa, Pancika và một vị tướng trong đạo quân của Tỳ-sa-môn Thiên vương(67).

Quán Thế Âm được người dân Trung Quốc nói chung tôn kính vì tình yêu thương và lòng trắc ẩn vô điều kiện. Quán Thế Âm thường được nhiều người coi là người bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em, có lẽ do sự nhầm lẫn về hình tượng với hình ảnh của Quỷ Tử Mẫu Hariti. Theo liên kết này, Quán Thế Âm cũng được coi là một vị nữ thần sinh sản có khả năng ban con cho các cặp vợ chồng. Một câu chuyện cổ xưa của Trung Quốc liên quan đến một người phụ nữ mong muốn có con, đã dâng giày cho Quán Thế Âm. Trong văn hóa Trung Quốc, giày đi mượn đôi khi được sử dụng khi trông đợi một đứa con. Sau khi đứa trẻ được sinh ra, giày được trả lại cho chủ nhân của nó cùng với một đôi mới như một món quà tạ ơn(68).

4.2. Diệu Thiện/Miaoshan

Một câu chuyện khác từ Hương Sơn bảo quyển mô tả một hóa thân của Quán Thế Âm là con gái của một vị vua tàn ác Diệu Trang Vương, người muốn cô kết hôn với một người đàn ông giàu có nhưng thiếu lòng trắc ẩn. Câu chuyện thường được quy cho công trình nghiên cứu của nhà sư Phật giáo Jiang Zhiqi trong suốt thế kỷ XI. Nhiều khả năng cho thấy câu chuyện có nguồn gốc từ Đạo giáo. Khi Jiang viết tác phẩm, ông tin rằng Quán Thế Âm mà chúng ta biết ngày nay thực sự là một vị công chúa tên là Diệu Thiện, người đã xuất gia cầu đạo ở Hương Sơn(69). Mặc dù vậy, có rất nhiều biến thể của câu chuyện này trong thần thoại Trung Quốc.

Theo câu chuyện, sau khi nhà vua yêu cầu con gái của mình là Diệu Thiện kết hôn với một người đàn ông giàu có, cô đã nói với vua cha rằng cô sẽ tuân theo mệnh lệnh của ông, miễn là cuộc hôn nhân giảm bớt đi ba điều bất hạnh/rủi ro.

Nhà vua hỏi con gái mình rằng ba điều bất hạnh mà cuộc hôn nhân có thể xoa dịu đi là gì. Diệu Thiện giải thích rằng nỗi bất hạnh đầu tiên mà cuộc hôn nhân có thể giảm bớt là những đau khổ mà con người phải gánh chịu khi họ già đi. Điều bất hạnh thứ hai mà nó có thể xoa dịu là những đau khổ mà mọi người phải chịu đựng khi họ bệnh tật. Điều bất hạnh thứ ba mà nó nên xoa dịu là nỗi thống khổ do cái chết gây nên. Nếu cuộc hôn nhân không thể xoa dịu bất kỳ điều nào kể trên thì cô thà lui về sống một cuộc đời xuất gia, tu hành mãi mãi.

Khi vua cha hỏi ai là người có thể xoa dịu tất cả những điều trên, Diệu Thiện chỉ ra rằng thầy thuốc là người có thể làm tất cả những điều này. Vua cha vô cùng tức giận vì ông muốn cô kết hôn với một người vừa quyền lực vừa giàu có, chứ không phải một người chữa bệnh. Ông ta bắt cô lao động nặng nhọc và cắt giảm ăn uống nhưng điều này không khiến cô thay đổi.

Mỗi ngày, cô đều cầu xin được vào một ngôi chùa và trở thành một nữ tu sĩ thay vì kết hôn. Cuối cùng vua cha buộc phải cho phép cô làm việc trong chùa, nhưng yêu cầu chư Tăng giao cho cô những công việc khó khăn nhất để ngăn cản cô. Chư Tăng bắt Diệu Thiện làm việc cả ngày lẫn đêm trong khi những người khác ngủ để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, cô là một người tốt đến nỗi những sinh vật sống xung quanh ngôi chùa đều giúp đỡ cô làm những công việc vặt. Vua cha nhìn thấy điều này, đã trở nên thất vọng đến mức ông đã tìm cách đốt cháy ngôi chùa. Diệu Thiện dập lửa bằng tay không mà không hề bị bỏng cháy. Giờ đây, vì sợ hãi, vua cha đã ra lệnh xử tử cô.

Trong một dị bản của truyền thuyết này, khi Quan Âm bị hành quyết, con hổ thần đã đưa cô đến một trong những cõi chết giống như địa ngục. Tuy nhiên, thay vì bị trừng phạt như những linh hồn người chết khác, Quan Âm đã chơi nhạc, và những bông hoa nở rộ xung quanh cô. Điều này khiến người canh gác địa ngục vô cùng ngạc nhiên. Câu chuyện kể rằng Quan Âm, chỉ bằng cách ở trong Naraka (địa ngục), đã biến nó thành một thiên đường. Một dị bản của truyền thuyết nói rằng Diệu Thiện đã tự cho phép mình chết dưới tay của đao phủ. Theo truyền thuyết này, khi đao phủ cố gắng thực hiện mệnh lệnh của cha cô, chiếc rìu của anh ta đã vỡ thành hàng nghìn mảnh. Sau đó anh ta cố thử bằng một thanh kiếm nhưng nó cũng bị vỡ vụn. Anh ta cố gắng bắn chết Diệu Thiện bằng những mũi tên nhưng tất cả đều quay đầu. Cuối cùng trong tuyệt vọng anh ta đã dùng tay.

Diệu Thiện nhận ra số phận mà đao phủ sẽ phải chịu dưới tay cha cô nếu cô không để cho mình chết đi; cô đã tha thứ cho người đao phủ đã cố gắng giết mình. Câu chuyện được cho rằng, để cho người đao phủ trở nên vô tội, cô đã tự nguyện nhận lấy tội lỗi do nghiệp mà người đao phủ đã tạo ra khi giết chết cô. Chính vì điều này mà cô đã đi xuống địa ngục. Khi ở đó, cô đã tận mắt chứng kiến ​​những đau khổ và kinh hoàng mà những chúng sinh phải chịu đựng và vô cùng đau buồn. Với lòng từ bi, cô đã giải thoát tất cả những nghiệp tốt mà cô đã tích lũy trong nhiều kiếp, do đó, giải thoát cho nhiều linh hồn đau khổ trở lại cõi trời và cõi trần gian. Trong quá trình đó, địa ngục đó đã trở thành một thiên đường. Người ta nói rằng Yama, người thống trị địa ngục, đã gửi cô trở lại trần gian để ngăn chặn sự hủy diệt hoàn toàn địa hạt của Yama, và khi trở về, cô đã ngự trên Hương Sơn.

Một dị bản khác nói rằng Diệu Thiện không bao giờ chết, nhưng trên thực tế đã được mang đi bởi một con hổ thần(70), được cho là vị thần của vùng đất này và đưa đến Hương Sơn.

Truyền thuyết về Diệu Thiện thường kết thúc bằng việc Diệu Trang Vương, người cha của Diệu Thiện, bị bệnh vàng da. Không có một người thầy thuốc nào có thể chữa trị cho vua cha. Sau đó, một vị Tăng đã xuất hiện và nói rằng bệnh vàng da có thể được chữa khỏi từ loại thuốc bôi làm bằng tay và mắt của một người không bao giờ biết tức giận. Vị Tăng gợi ý thêm rằng có thể tìm thấy một người như vậy ở trên ngọn Hương Sơn. Khi được khẩn cầu, Diệu Thiện sẵn lòng dâng đôi mắt và cánh tay của mình cho vua cha. Diệu Trang Vương được chữa trị khỏi bệnh, đã đến Hương Sơn để tạ ơn người. Khi phát hiện ra rằng chính người con gái của mình đã cứu giúp, ông đã cầu xin sự tha thứ. Câu chuyện kết thúc với việc Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn tay; nhà vua, hoàng hậu và hai người chị gái của cô đã xây dựng một ngôi chùa trên núi dành cho cô. Cô bắt đầu cuộc hành trình đến cõi Tịnh độ và khi sắp thăng lên cõi trời thì cô nghe thấy tiếng than khóc khổ đau từ thế giới bên dưới. Cô quay lại và nhìn thấy sự khổ đau lớn lao mà mọi người trên thế giới phải chịu đựng. Với lòng trắc ẩn, cô quay trở lại trần gian, thề nguyện sẽ không bao giờ rời đi cho đến khi mọi khổ đau kết thúc.

Sau khi trở về trần gian, Quan Âm được cho là đã ở lại một vài năm trên hòn đảo của Phổ Đà sơn, nơi cô thực hành thiền định và trợ giúp cho các thủy thủ và ngư dân gặp nạn. Quan Âm thường được tôn thờ như một vị thần bảo trợ cho các thủy thủ và ngư dân vì điều này. Cô được cho là thường xuyên khiến cho sóng yên biển lặng khi tàu thuyền bị đe dọa đắm vào đá(71). Sau vài thập kỷ, Quan Âm trở lại Hương Sơn để tiếp tục thiền định.

Câu chuyện này có phần tương đồng với Sự tích Quan Âm Bà Chúa Ba ở xứ ta.

5. Quan Âm Thị Kính 

Bên cạnh đó,Quan Âm tân truyện là một truyện thơ Nôm Việt Nam, thể lục bát, cũng quen gọi là Quan Âm Thị Kính, dài 786 câu, từ trước vẫn được lưu hành như một tác phẩm khuyết danh, nhưng với những phát hiện gần đây nhất, đã có thể thừa nhận tác giả là Nguyễn Cấp, nhà văn Việt Nam sống vào nửa đầu thế kỷ XIX.

Quan Âm tân truyện là câu chuyện thương tâm về một người con gái nết na, hiền hậu, nhưng phải ôm một nỗi oan khó gỡ cho đến tận lúc chết. Nàng Thị Kính, con nhà nghèo, lấy chồng học trò tên là Thiện Sĩ. Một đêm, chồng học quá khuya, ngủ thiếp đi, vợ ngồi khâu bên cạnh, thấy một sợi râu mọc ngược, cho là điều xấu, sẵn dao cầm tay toan cắt đi. Chồng giật mình tỉnh đậy, tưởng vợ có bụng ác, hô hoán lên. Cha mẹ chồng chạy tới, một mực gán cho Thị Kính tội mưu giết chồng, và đuổi nàng về nhà cha mẹ đẻ. Thị Kính buồn tủi, đành ăn mặc giả trai tìm tới tu ở chùa Vân, mang tên Kính Tâm. Trong vùng có Thị Mầu, con gái phú ông, vốn tính lẳng lơ, lên chùa trông thấy Kính Tâm, ngỡ là trai, liền đem lòng say đắm. Trước sự thờ ơ của chú tiểu, không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu trở về ăn nằm với người đầy tớ trai và có mang. Bị hào lý trong làng tra hỏi, Thị Mầu đổ cho Kính Tâm. Vì thế Kính Tâm bị sư cụ bắt ra ở ngoài công chùa. Ít lâu sau, Thị Mầu sinh con trai đem tới chùa phó mặc cho chú tiểu. Kính Tâm thương trẻ sơ sinh, “giáo sữa mười phương”, nuôi nấng đứa trẻ. Ba năm sau nàng mất. Trước lúc mất, nàng viết lời minh oan gửi lại cho cha mẹ. Lúc liệm thi hài, mọi người mới rõ Kính Tâm là phụ nữ. Oan tình được cởi, nàng được siêu thăng làm Phật Quan Âm(72).

Quán Thế Âm Bồ-tát, Thái Lan, thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX, hiện vật bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

Quán Thế Âm Bồ-tát, Thái Lan, thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX, hiện vật bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ

6. Các thị hiện khác của Quan Âm ở Đông Á

Ở Trung Quốc, nhiều hình thức và khía cạnh bản địa khác nhau của Quán Thế Âm đã được phát triển, cùng với các truyền thuyết liên quan, và được khắc họa trong hình tượng tôn giáo/tín ngưỡng. Bên cạnh sự tôn kính tôn giáo/tín ngưỡng, những thị hiện này cũng có xu hướng xuất hiện trong các câu chuyện kể thần thoại của Phật giáo Trung Quốc thời trung cổ và hiện đại, tiểu thuyết giả tưởng hư cấu và kịch nghệ. Một số hình thức địa phương bao gồm:

Thủy nguyệt Quan Âm. Một hình thức mang tính truyền thống của Quan Âm có liên hệ mật thiết và đôi khi được coi là một thị hiện khác của Quan Âm nghìn tay. Theo truyền thống, Quan Âm được cầu khấn để tái sinh tốt đẹp, sinh con an toàn cũng như giác ngộ, thường được miêu tả trong các bức tượng và tranh vẽ như một người đàn ông hoặc phụ nữ trẻ trong tọa thức thanh nhàn/lalitasana thoải mái bên cạnh ao hoặc hồ với mặt trăng phản chiếu trong nước. Mặt trăng trong nước là một ẩn dụ cho nguyên lý Phật giáo của tính Không/Sunyata(73). 

Quan Âm tống tử. Một khía cạnh của Quán Thế Âm được liên kết chặt chẽ với một thị hiện khác, Bạch y Quan Âm. Chủ yếu được tôn sùng như một vị nữ thần sinh sản và thường được cầu xin để có con. Thường được miêu tả với hình dáng và trang phục của một bậc từ mẫu trang nghiêm diễm lệ, mặc áo choàng trắng tựa vào một đứa trẻ ngồi trong lòng hay bồng một đứa bé. Các hình thức biểu tượng của thị hiện này đã được các du khách châu Âu trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh ghi nhận là có sự tương đồng ấn tượng với các mô tả về Đức Mẹ đồng trinh Maria như Đức Mẹ và Chúa hài đồng. Ở Hoa Nam và Nhật Bản, nơi Thiên Chúa giáo được người châu Âu du nhập vào thế kỷ XVI, một mối tương quan nảy sinh giữa khuôn mặt từ bi Phật giáo của Quan Thế Âm và hình tượng Thánh mẫu và Chúa hài đồng của Thiên Chúa giáo. Những hình ảnh này thường có tính khả hoán (interchangeable)(74). Thị hiện này cũng được hợp nhất với Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Quốc với tên gọi Bà Mẹ Sanh Tống tử nương nương(75). 

- Quan Âm bạch y. Một dạng thức nữ tính truyền thống của Quán Thế Âm được liên kết chặt chẽ với thị hiện khác, Quan Âm tống tử. Giống như thị hiện đó, Bạch y Quan Âm thường được tôn sùng như một vị nữ thần sinh sản và được khẩn cầu để ban con cái. Thường được miêu tả trong các bức tượng và tranh vẽ như một thiếu nữ mặc áo choàng trắng, đôi khi che đầu, đóng vai trò như một tấm màn che. Ý nghĩa của sắc trắng trong thị hiện này đã bị ảnh hưởng bởi các bản kinh Mật tông cũng như các mạn-đà-la như mạn-đà-la của hai cõi thường miêu tả Quán Thế Âm trong phục trang có sắc trắng(76). 

- Ngư lam Quan Âm - Quán Âm giỏ cá. Một hình thức của Quán Thế Âm bắt nguồn từ truyền thuyết về Quán Thế Âm giáng thế hóa thân trong hình dạng một cô gái đánh cá trẻ đẹp để biến đổi một thị trấn của những người đàn ông xấu xa/hằn học, độc ác thành Phật tử. Thường được miêu tả trong các bức tượng và tranh vẽ như một thiếu nữ cầm giỏ cá. Thị hiện này cũng xuất hiện trong tiểu thuyết Tây du ký nổi tiếng vào triều đại nhà Minh, một trong bốn tiểu thuyết kinh điển của Trung Quốc, trong đó bà sử dụng giỏ cá để bắt một con quỷ biển(77). 

- Quan Âm Nam Hải. Một hình thức của Quán Thế Âm đã trở nên phổ biến sau khi núi Phổ Đà được thành lập như đạo tràng của Quán Thế Âm và là một trung tâm hành hương Phật giáo lớn của Trung Quốc. Thường được miêu tả trong các bức tượng và tranh vẽ như một thiếu nữ trong tư thế thư thái đang thiền định trên núi Phổ Đà, hay Potalaka. Một số chi tiết mang tính hình tượng khác nhau từ miêu tả này đến mô tả khác, với một số chi tiết như khóm tre/trúc phía trước Bồ-tát, hoặc một chiếc bình với cành dương liễu, hoặc Thiện Tài và Long nữ đứng bên cạnh với vai trò là những người hầu cận(78). 

Tương tự như vậy, ở Nhật Bản, một số thị hiện bản địa của Quán Thế Âm, chủ yếu được gọi là Quán Thế Âm/Kannon hoặc, phản ánh cách phát âm cũ hơn, Kwannon, cũng đã được phát triển và thay thế nguyên bản một số vị thần Nhật Bản, đã được phát triển vào cuối thế kỷ XX. Một số hình thức địa phương bao gồm(79): 

- Bokefuji Kannon - Quán Thế Âm chữa bệnh lão suy. Một sáng tạo vào thế kỷ XX do mối quan tâm ngày càng gia tăng về tuổi già và chứng mất trí nhớ. Được miêu tả là một người phụ nữ với hình tượng nhỏ bé của một người đàn ông và một người phụ nữ lớn tuổi ở dưới chân Ngài.

- Jibo Kannon - Quán Thế Âm mẹ từ bi. Quán Thế Âm trong vai một người phụ nữ bế một đứa trẻ sơ sinh. Đặc biệt trở nên phổ biến ở Nhật Bản khi những người theo đạo Thiên Chúa bị đàn áp đã sử dụng hình ảnh này để biểu thị cho Đức Mẹ đồng trinh Maria và Chúa hài đồng.

- Koyasu Kannon - Bảo sanh Quan Âm. Quán Thế Âm là một phụ nữ, đang bế hoặc chăm sóc cho một đứa trẻ sơ sinh. Được biết trước Jibo Kannon vài thế kỷ. Tương tự như vậy cũng được sử dụng bởi các tín đồ đạo Thiên Chúa.

- Mizuko Kuyo Kannon - Quan Âm bảo hộ cho trẻ chết non. (Mizuko Kuyo là một dịch vụ được tổ chức để tưởng niệm những đứa trẻ chết non hay chết yểu). Hình tướng này là một phụ nữ được bao quanh bởi hoặc ôm một vài đứa trẻ. Đây là một đề xuất vào thế kỷ XX nhằm đáp ứng cho các trường hợp phá thai cũng như thai chết lưu và sẩy thai.

- Maria Kannon - Quán Thế Âm Maria. Hình tượng của Đức Mẹ đồng trinh Maria được cải trang để trông giống như một bức tượng của Quán Thế Âm. Thường chứa đựng một biểu tượng Cơ Đốc giáo, hoặc bị che khuất trên bề mặt hoặc ẩn giấu bên trong bức tượng. Phát sinh trong thời gian khi Cơ Đốc giáo bị bài trừ dưới thời Mạc phủ Tokugawa. Một số nhóm Cơ Đốc giáo ngầm tôn kính Chúa Jesus và Đức Mẹ đồng trinh bằng cách cải trang họ thành bức tượng Quán Thế Âm đang ôm một đứa trẻ(80).

- Yokihi Kannon - Quan Âm Dương Quý Phi (Dương Quý Phi được đọc là “Yokihi” ở Nhật Bản). Dương Quý Phi là mỹ nhân nổi tiếng Trung Quốc thời Đường. Mặc dù được miêu tả như là hình ảnh thu nhỏ của vẻ đẹp nữ tính, Yokihi Kannon thường để ria mép được phác thảo để mô tả hình tượng phi giới tính và chứng minh khả năng giác ngộ không phụ thuộc vào giới tính của loài người.

Quán Thế Âm là một vị thần quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Trong giáo lý Kim cương thừa, Ngài được coi là một vị Phật.

Quán Thế Âm là một phần của Padmakula (Liên hoa bộ) của các vị Phật. Vị Phật của Liên hoa bộ là A Di Đà, có phối ngẫu là Bạch y Quán Âm/Pandaravasini. Dạng thức nữ của Quan Âm đôi khi được cho là lấy cảm hứng từ Bạch y Quán Âm.

Ở Tây Tạng, Quan Âm được tôn kính dưới cái tên Chenrezig. Không giống như phần lớn Phật giáo Đông Á khác, nơi Quan Âm thường được miêu tả là nữ hoặc á nam á nữ, Chenrezig được tôn kính ở dạng thức nam giới nhưng thường với đối tác nữ là Tara. Qua hàng bao thế kỷ ở Tây Tạng, nhiều vị từ quân và các giáo chủ cũng được coi là những hóa thân của vị Bồ-tát này, kể cả các Đạt-lai Lạt-ma, họ được tin là Quan Thế Âm mang hình tướng người(81).

Trong khi những điểm tương đồng về dạng thức nữ của Quan Âm với Phật Mẫu hoặc Bồ-tát Tara cũng được ghi nhận - ngoại trừ dạng thức Tara xanh - Quan Âm hiếm khi được coi là Tara(82). 

Trong Phật giáo Tây Tạng, Tara ra đời từ một giọt nước mắt của Đức Quán Thế Âm(83). Khi giọt nước mắt rơi xuống đất, nó tạo ra một cái hồ, và một bông hoa sen trong hồ hé lộ ra Tara. Trong một dị bản khác của câu chuyện này, Đức Tara hiện ra từ trái tim của Đức Quán Thế Âm. Trong cả hai dị bản, đó là sự chảy tràn lòng từ bi của Đức Quán Thế Âm, biểu thị Tara như là một chúng sinh(84).

VI. Các dạng Tara 

Phạn: Tara, tiếng Nhật: Tarami Bosatsu, tiếng Hoa: Tuoluo, Hán âm: Đa-la.

Không đợi đến khi Vô Trước/Asanga giảng luận thuyết Duy Thức tông/Yogachara vào thế kỷ IV sau CN mà nguyên lý nữ tính mới bắt đầu được sùng mộ trong Phật giáo Đại thừa. Vào khoảng thế kỷ VI, Nữ thần Tara đã được coi như một Sakti (đối thân nữ) của Quán Thế Âm (đôi khi được coi là vợ của Ngài). Nhà chiêm bái Trung Hoa Huyền Trang (thế kỷ VII) có ghi lại rằng ông đã thấy rất nhiều tượng của vị thần này ở miền Bắc Ấn. Tuy nhiên, Tara không được các tín đồ phái Tiểu thừa chấp nhận, và hình tượng của Tara hiếm thấy ở Sri Lanka hay ở Đông Nam Á (có lẽ ngoại trừ ở Java nơi có một đền thờ tôn thờ Tara vào năm 779).

Rất nhiều truyền thuyết đã nảy sinh chung quanh vị thần này. Theo một trong số các truyền thuyết đó, Tara được sinh ra trong một tia sáng xanh lưu xuất từ một trong những con mắt của Quán Thế Âm. Một truyền thuyết khác lại cho bà sinh ra từ một đóa sen trôi bềnh bồng trong một giọt lệ trên khuôn mặt Ngài. Vào thế kỷ VII ở Tây Tạng, người ta tin rằng Tara tái nhập thể vào trong mỗi người phụ nữ đức hạnh và mộ đạo: như vậy hai trong số các vương phi của vua Srong-btsan Sgam-po, một vị là công chúa Trung Hoa Văn Thành và vị kia là công chúa Nepal con vua Amsuvarman, đã được coi như những nhập thể của Tara. Để phân biệt giữa hai vị này, người Tây Tạng đã tạo ra hai hình tượng Tara khác nhau: một Bạch Đa La (Sitatara) cho vị vương phi Trung Hoa với một đóa sen mãn khai như là biểu tượng, và một Thanh Đa La (Syanatara) cho vị vương phi Nepal với biểu tượng là đóa sen xanh bán khai. Mỗi người đều được tin sinh ra từ một con mắt của Quán Thế Âm (một con mắt mở rộng và một con mắt khép hờ). Thế nhưng cặp đôi này nhanh chóng được nhân lên gấp bội và 21 Tara được hình thành.

Ở Trung Quốc hầu như không biết đến nữ thần này. Còn ở Nhật Bản, Tara được xếp vào hàng Bồ-tát (Tarami Bosatsu) và kết hợp cả hai hiện tượng (trắng và xanh) của Tara Tây Tạng. Trong thực tế, người ta chỉ thấy hình tướng này trên các mạn-đà-la hoặc trên các cờ phướn ở đền chùa. Bà cầm một trái lựu (biểu tượng của phồn thực) và một hoa sen. Mật tông có ít nhất năm Tara với màu sắc khác nhau là năm Saktis của năm vị Ngũ trí Như Lai/Jinas. Trong trường hợp này, họ được biểu thị như những vị thần phẫn nộ, với một con mắt thứ ba và tóc dựng đứng, trong khi qua những hình tướng phi Mật tông, Tara lại mang dáng vẻ an tĩnh.

1. Bạch Đa La (Sitatara), Tây Tạng: Sgrol-dkar

Ở Tây Tạng, là một hình tướng được coi ngang bằng với Thanh Đa La, nhưng ở Mông Cổ, thì được nâng lên một cấp bậc cao hơn. Bà tượng trưng cho trí tuệ siêu việt và sự thanh khiết trọn vẹn.

Bà thường được biểu thị ngồi trong thế Liên hoa tọa/Padmasana, toàn thân màu trắng và trang phục như một vị Bồ-tát. Tóc xõa xuống hai vai. Tay phải trong thế thí nguyện ấn (varada) và tay trái, cầm một hoa sen mãn khai, trong thế giáo hóa ấn (vitarka). Trong Mật tông, bà được coi là nữ thân (Sakti) của Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi) và cùng với một hoa sen mãn khai, bà cầm một Kim cương chử (Vajra). Ở Mông Cổ, đôi khi bà cầm một con mắt vẽ trong mỗi lòng bàn tay. Bà cũng là một hình tướng của Biện Tài Thiên/Sarasvati (và có thể là nguồn gốc của hình tượng về Biện Tài Thiên/Benzai-Ten của Nhật).

2. Thanh Đa La (Syamatara), Tây Tạng: Sgrol-ljan

Được coi là Tara Nguyên thủy lưu xuất ra mọi Tara khác, bà được biểu thị ngồi, trang phục như một Bồ-tát, hai tay cầm bông sen xanh trong tư thế thí nguyện ấn và giáo hóa ấn. Bà có thể có một số tùy vật đi theo Quán Thế Âm, như một con sư tử đỡ ngai của bà. Và cũng có thể có hình tượng Bất Không Thành Tựu Phật/Amoghasiddhi trên búi tóc. Đôi khi bà cũng có thể được biểu thị với 21 hình tướng Tara vây quanh thành hình cầu vồng ngũ sắc. Thanh Đa La có bốn tay.

3. Hoàng Đa La (Bhrikuti), Nhật Bản: Bikuchi, Tây Tạng: Kro-gnyer Ch-ma

Đây là hình tướng Mật tông của Quán Thế Âm, vị nữ thần nhíu mày. Bà được cho là đã sinh ra từ một cái nhíu mày trên khuôn mặt của Quán Thế Âm và biểu thị hình tướng phẫn nộ của Ngài. Có người nói bà là một lưu xuất của A Di Đà. Ở Nhật Bản, người ta xếp bà vào hàng Bồ-tát. Ở Tây Tạng, bà biểu thị những hình tướng phẫn nộ của Thanh Đa La, thường có ba đầu sáu tay và cầm các biểu tượng Mật tông.

Ở Nhật Bản, bà có thể bị lẫn lộn với Đà-la-ni Bồ-tát. Trong mạn-đà-la Thai tạng giới, bà ngồi trong thế Liên hoa tọa với một hình tượng của A Di Đà trên búi tóc. Bà có một đầu với ba mắt, bốn cánh tay với các tay phải trong thí nguyện ấn, cầm tràng hạt, và các tay trái cầm đóa sen mãn khai, một bình nước và một cuộn kinh. Một vài môn phái Mật tông Nhật Bản gọi bà là Trừ chướng Kim cương (Josho Kongo). Tuy nhiên, hình tướng này của Quán Thế Âm thường chỉ tìm thấy trong các mạn-đà-la.

4. Lam Đa La (Ekajata/Ugra Tara), Tây Tạng: Ral-gchig-ma

Đây là Đa La phẫn nộ, phụ tá cho Thanh Đa La. Bà cầm một con dao bầu và một cốc đầu lâu và trên búi tóc có một ảnh tượng nhỏ của Aksobhya (Bất Động Phật).

Tuy nhiên, bà cũng có thể được biểu thị riêng một mình, có từ 4 đến 24 cánh tay, trong trạng thái cực kỳ phẫn nộ, chân phải dẫm lên những xác chết. Bà cười để lộ một cái lưỡi chẻ ra như lưỡi rắn và những chiếc răng lởm chởm. Bà được trang điểm cho thêm phần hấp dẫn với một vòng cổ được kết bằng đầu lâu người và khoác một tấm da cọp. Tầm thước nhưng to khỏe, bà có nhan sắc của một cô lùn dị dạng. Các tùy vật chính là thanh gươm, đoản đao, bông sen, cốc đầu lâu, dao bầu và tích trượng. Hầu như bà chỉ được biểu thị qua tranh vẽ.

5. Xích Đa La (KuruKulla), Tây Tạng: Ku-ru-ku-le

Bà biểu thị sức mạnh của tình yêu từ Tara Nguyên thủy và cũng là một vị cách của A Di Đà. Bà được biểu thị trong tư thế nhảy múa, đứng trên chân trái, đôi khi trên con quỷ Rahu hoặc ngồi. Mũ miện đầu lâu của bà có một vòng bánh xe ở giữa và đôi khi có hình tượng nhỏ của A Di Đà. Bà cầm cung tên và kết ấn vô úy. Cũng có thể cầm sợi dây thừng. Có thể có 8 tay mang những tùy vật Mật tông.

Trong các mạn-đà-la, bà có vẻ khoan hòa và được vây quanh bởi tám nữ thần và bốn vị phẫn nộ đại diện các hình tướng Ngũ trí Như Lai(85).

VII. Trú xứ và nơi thờ tự

1. Trú xứ 

Về trụ xứ của Bồ-tát Quán Thế Âm, kinh Hoa nghiêm 68 (bản Tân dịch) ghi: Bồ-tát này trụ núi Bổ Đà Lạc ở Nam Hải hay Phổ Đà sơn, còn được gọi là Hải Thiên Phật quốc (Potalaka), cho nên trụ xứ của Ngài chính là ở thế giới Ta-bà. 

Trong khi đó, kinh Đại A-di-đà thượng, kinh Vô lượng thọ hạ, kinhQuán Thế Âm thọ ký thì cho rằng Bồ-tát này theo hầu Đức Phật A-di-đà, thường ở thế giới Cực lạc phương Tây để giúp Phật A-di-đà giáo hóa chúng sinh, tức cho rằng Tây phương Tịnh độ là trụ xứ gốc của vị Bồ-tát này. Mật giáo cũng cho rằng vị Bồ-tát này là thị giả của Phật A-di-đà và nói Bồ-tát này và Phật A-di-đà vốn là sự sai khác về nhân quả, nghĩa là tìm về bản giác thì Bồ-tát này chính là Phật Vô Lượng Thọ, nhưng do thệ nguyện nên Ngài thị hiện thân Bồ-tát đại bi. Và kinh Nhất thiết công đức trang nghiêm vương, kinh Thanh tịnh Quán Thế Âm Phổ Hiền Đà-la-ni… cũng cho rằng Quán Thế Âm là thị giả của Phật Thích Ca(86).

Nơi cư ngụ của Quan Âm và đạo tràng ở Ấn Độ được ghi chép là nằm trên núi Potalaka. Với việc bản địa hóa tín ngưỡng Quan Âm, mỗi một khu vực đã kế tục, chấp thuận Potalaka của riêng mình. Ở Trung Quốc, núi Phổ Đà được coi là đạo tràng của Quan Âm. Lạc Sơn cổ tự/Naksansa được coi là Potalaka của Quan Âm ở Hàn Quốc. Potalaka của Nhật Bản nằm ở Fudarakusan-ji. Potalaka của Tây Tạng là cung điện Potala.

Núi Phổ Đà thuộc quần đảo Chu Sơn tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc là đạo tràng nổi tiếng của Quán Âm Bồ-tát, núi Phổ Đà là tên gọi tắt của núi “Phổ Đà Lạc Ca”, do núi Phổ Đà cùng với ngọn núi Lạc Ca ở mặt Đông Nam hợp thành. Theo sách Phổ Đà Sơn chí: “Năm đầu niên hiệu Đại Chung đời vua Đường Tuyên Tông (năm 847 CN), ở trước động Triều Âm núi Phổ Đà, có một vị sư Ấn Độ đã tự đốt mười ngón tay của mình để lạy Quán Âm Bồ-tát, khi các ngón tay cháy sạch thì chính mắt trông thấy Ngài hiện ra thuyết pháp, giao cho đá thất bảo”. Câu chuyện này được truyền tụng đi, ngọn núi Phổ Đà bèn trở thành mảnh đất hiển thánh hiện thân của Quán Âm Bồ-tát. 

Sau đó, đến nhà Hậu Lương thời Ngũ Đại, vào năm thứ hai niên hiệu Trinh Minh (năm 916 CN), có nhà sư Nhật Bản tên là Huệ Ngạc muốn đưa tượng Quán Âm từ núi Ngũ Đài Sơn về nước, đi được một đoạn thì thuyền bị va vào đá ngầm, lại có hoa sen mọc lên chặn hết hải lộ, không thể đi được. Huệ Ngạc bèn hướng về Quán Âm lạy thì nhận được lời truyền dạy rằng Quán Âm không muốn sang Nhật Bản, muốn ở lại Trung Quốc. Huệ Ngạc bèn nghe lời truyền dạy mà xây dựng một ngôi chùa Quán Âm. Sách Phổ Đà Sơn chí chép: “Chốc lát, thuyền đi, bỗng dừng lại ở dưới động Triều Âm. Có người dân họ Trương sống ở đó chính mắt trông thấy sự kỳ lạ bèn dỡ bỏ nhà mình ở, xây một cái am để thờ phụng, tên gọi là Bất khẳng khứ Quán Âm viện (Am thờ Quán Âm không chịu đi)”. Theo cách nói của sách Phổ Đà Sơn chí, đây là khởi nguồn cho việc xây dựng chùa Quán Âm trên núi Phổ Đà.

Từ đời Tống đến nay, việc xây dựng chùa càng nhiều. Năm thứ 7 niên hiệu Gia Định nhà Nam Tống (năm 1214 sau CN) lại quy định lấy núi Phổ Đà là nơi chủ yếu thờ phụng Quán Âm Bồ-tát, từ đó mà danh hiệu “Nam Hải Quán Âm”, “Nam Hải Thiên Trúc” càng trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.

Núi Phổ Đà xưa nay hương nồng hoa đượm, đặc biệt là theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc vào những ngày âm lịch như 19 tháng 2 là ngày sinh của Bồ-tát, ngày 19 tháng 6 là ngày đắc đạo của Quán Âm, ngày 19 tháng 9 là ngày Quán Âm nhập Niết-bàn thì những Phật tử đến đây thắp hương cúng bái rất nhiều. Những thiện nam tín nữ của Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc cùng các nước Đông Nam Á không ngại xa xôi đều đến đây cúng tế.

Nếu đại điện trong chùa mà thờ tượng Quán Âm là pho tượng chính thì theo thói quen thường gọi là điện Quán Âm. Nếu thờ ba pho tượng là chính thì thường thấy Quán Âm ở giữa, Văn Thù Bồ-tát ở bên trái, Phổ Hiền Bồ-tát ở bên phải, theo thói quen thường gọi là điện Tam Đại Sĩ. Đại điện chỉ dành riêng để thờ cúng Quán Âm Bồ-tát thì thường gọi là điện Viên Thông, bởi vì Quán Âm từng có mỹ hiệu “Viên Thông”, điện Đại Viên Thông trong chùa Phổ Tế trên núi Phổ Đà là một trong những đại điện danh tiếng nhất(87).

2. Những nơi thờ phượng chính

Quan Thế Âm được thờ phượng trên khắp thế giới Phật giáo, trong các nền văn hóa Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa nơi vùng Hy Mã Lạp Sơn và đặc biệt là ở Đông Á. Việc thờ phượng Quan Thế Âm cũng truyền từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, Nepal và Tây Tạng vào thiên niên kỷ đầu trong khuôn khổ của Phật giáo Kim cương thừa. Từ hàng bao thế kỷ, Ngài được sùng bái ở Java và Sumatra của Indonesia, ở Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Tại Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản; vị Bồ-tát này còn được sùng bái nhiều hơn bất kỳ khuôn mặt Phật giáo nào khác, không chỉ như một người cứu độ đầy từ tâm mà còn như một khuôn mặt người mẹ và người ban cho con cái(88).

Một số ngôi chùa lớn ở Đông Á dành riêng cho Quan Âm bao gồm núi Phổ Đà, tu viện Thiếu Lâm, chùa Quan Âm Nam Hải, Pháp Cổ Sơn, chùa Tứ Thiên Vương/Shitenno-ji, Thiển Thảo tự/Senso-ji, Thanh Thủy tự/Kiyomizu-dera, Liên Hoa Vương viện/Sanjusangen-do, và nhiều ngôi chùa khác. 

Có một số trung tâm hành hương về Quan Âm ở Đông Á. Phổ Đà sơn là địa điểm hành hương chính ở Trung Quốc. Có 33 ngôi chùa để hành hương đến với Quan Âm ở Hàn Quốc, bao gồm cả Lạc Sơn cổ tự/Naksansa. Ở Nhật Bản, có một số cuộc hành hương nối kết với Quan Âm. Cuộc hành hương lâu đời nhất trong số đó là cuộc hành hương Saigoku Kannon, một cuộc hành hương qua 33 ngôi chùa với các điện thờ tôn kính Quan Âm.

Quan Âm được tất cả các truyền thống Phật giáo yêu quý theo cách phi hệ phái và được tìm thấy ở hầu hết các ngôi chùa Tây Tạng. Quan Âm cũng được tôn quý và thờ cúng trong các ngôi chùa ở Nepal. Hiranya Varna Mahavihar nằm ở Patan là một ví dụ. Quan Âm cũng được tìm thấy trong một số ngôi chùa có ảnh hưởng Nam tông như ngôi chùa Gangaramaya, Kelaniya và Natha Devale gần ngôi chùa Răng ở Sri Lanka; Quan Âm cũng có thể được tìm thấy ở chùa Phật Ngọc của Thái Lan, Wat Huay Pla Kang (nơi có bức tượng Quan Âm khổng lồ thường bị gọi nhầm lẫn với “Phật lớn”) và ngôi chùa Shwedagon của Miến Điện. 

VIII. Tín niệm

Trong Phật giáo Đại thừa, Quan Thế Âm Bồ-tát là vị Bồ-tát tượng trưng cho từ bi, hiển hiện bởi lòng đại bi, chúng sinh chỉ cần tin thờ thì Quan Thế Âm Bồ-tát sẽ phá trừ tất cả khổ não, theo âm thanh mà cứu khổ, không bao giờ ngừng nghỉ. Khi chúng sinh gặp phải tai ương khổ nạn, chỉ cần tụng niệm danh hiệu của Ngài thì Ngài sẽ nghe âm thanh ấy mà đến giải cứu, thì có thể giải thoát khỏi khổ ách. “Quan Thế Âm” hàm chứa công đức Bồ-tát đại từ đại bi tế thế, tức quán sát âm thanh của chúng sinh trên thế gian, sinh lòng đại bi, đoạn trừ mọi khổ não của chúng sinh, khiến chúng sinh được sống an lạc. Trong tiếng Phạn, Quan Thế Âm còn có nghĩa là quán chiếu vạn pháp mà vận hành tự tại, Quan Thế Âm Bồ-tát khởi lòng từ bi, trừ bỏ nỗi khổ, đem lại niềm vui, tự tại không có chướng ngại, nên gọi là Quan Thế Âm tự tại.

Quan Thế Âm Bồ-tát coi đại bi cứu độ là đức hành, lợi mình là trí, lợi người khác là bi, phía sau lòng đại bi ẩn tàng đại trí vô biên; Ngài có trí tuệ Bát-nhã, nhìn thấy ngũ uẩn đều là không, nên có thể cứu khổ cứu nạn, diệt khổ gặp vui, tự do tự tại, không có chướng ngại(89).

Kinh điển Phật giáo liên quan đến Quan Thế Âm Bồ-tát rất nhiều, nhất là “Quan Thế Âm Bồ-tát Phổ môn phẩm” trong kinh Pháp hoa thuật về năng lực và công đức cứu độ chúng sinh với lòng đại từ đại bi của Quan Thế Âm Bồ-tát, do đó khi bộ kinh này dịch ra không lâu thì được rất nhiều người chép lại truyền tụng lưu hành, được gọi là Quan Thế Âm kinh(90). Một đặc sắc khác mà kinh hiển hiện, đó là: Chúng sinh có bất cứ yêu cầu nào đều phải dùng một thân phận tương ứng để đắc độ, Bồ-tát Quán Thế Âm do phổ hiện thân biến hóa huyền diệu hiện thành thân sắc tam muội, thường ở mười phương thế giới làm công việc cứu độ vô biên, giúp cho chúng sinh khổ nạn có được sự an ủi vô hạn(91).

Vì lòng từ bi cứu khổ cứu nạn cho các chúng sinh và vì sự tuyên dương Phật pháp, Ngài phương tiện mà hiện thân, khi làm Phật, khi làm Bồ-tát, khi làm Duyên giác, khi làm Thanh văn, khi là tiên, khi làm quỷ, thần, khi làm quốc vương, hoặc đại thần, trưởng giả, Tỷ-kheo, cư sĩ; và Ngài cũng mang thân phụ nữ mà độ chúng sinh nữa. Ai phải những cảnh khổ mà kiền thành niệm danh hiệu Ngài, thế nào cũng được toại chí(92).

Ở Trung Quốc, khoảng đời Lưỡng Tần, tín ngưỡng phụng thờ Quan Thế Âm Bồ-tát đã bắt đầu lưu hành trong xã hội. Đến thời Nam Bắc triều do chiến loạn, xã hội biến động, khiến cho tín ngưỡng về Quan Thế Âm Bồ-tát có thể cứu khổ cứu nạn dân chúng khỏi lầm than rất được hoan nghênh. Ngoài Quan Âm kinh được lưu hành rộng rãi, lại có những thư tịch viết về sự linh nghiệm cảm ứng của Quan Âm Bồ-tát cũng phổ biến sâu rộng trong dân chúng như Tuyên nghiệm ký của Lưu Nghĩa Khánh, Quang Thế Âm ứng nghiệm lý của Phó Quang đời Nam triều, Minh tường ký của Vương Đạm đời hậu Tề, v.v(93).

Bồ-tát Quán Thế Âm dùng lòng đại từ đại bi cứu độ chúng sinh, trừ bỏ tất cả khổ nạn của chúng sinh chính là nguyện vọng chính của Ngài, thực hành cứu khổ không ngừng nghỉ. Quán Âm Bồ-tát vốn đã sớm thành Phật trước khi có Thích Ca Mâu Ni, Phật hiệu của Ngài là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Vì muốn cứu độ tất cả chúng sinh, Quán Âm từ bỏ danh hiệu Phật, hiện ra thân thế của Bồ-tát. Trong Thiên thủ thiên nhãn đại từ tâm Đà-la-ni kinh/Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm Đà-la-ni kinh nói: “Bồ-tát Quán Thế Âm có sức mạnh uy thần huyền diệu; đã vượt qua muôn vàn kiếp, đạt đến Phật cảnh, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai. Vì ước nguyện đại bi muốn giúp chúng sinh an lạc, nên hiện thân là Bồ-tát”. Đương thời, Thích Ca Mâu Ni cùng các đệ tử tu hành khổ hạnh ngồi dưới tòa của Ngài, do đó cũng có thể thấy tính chất bình đẳng không hai của Phật pháp(94).

Theo cách nói của Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh, Quán Thế Âm đại biểu cho tính giác ngộ nội tại nằm ở nơi thẳm sâu nhất trong tâm linh của chúng sinh, Ngài không đơn thuần chỉ đi thực hiện các hành vi cứu độ chúng sinh khi nghe thấy những người đang gặp nạn hoặc đang trong cảnh phiền não niệm danh hiệu của mình, mà còn khiến cho chúng sinh tự nghe âm thanh của chính mình. Nếu như lúc nào đó cảm nhận được tính giác ngộ nội tại của chính họ thì tự bản thân họ đã thành Quán Thế Âm. Gọi Quán Thế Âm là “Quán Tự Tại”, bản ý của nó nghĩa là mỗi một sinh linh không bị bất kỳ một trói buột, phiền não nào cả, tự mình cứu độ cho bản thân mình, từ đó mà có được đại tự tại (sự ung dung tự tại lớn trong tâm)(95).

Bồ-tát Quán Thế Âm lấy đại bi cứu độ làm đức hạnh chủ yếu, nhưng ẩn tàng phía sau lòng đại bi đó vẫn là trí tuệ vô biên, vì thế Bát-nhã Tâm kinh lưu hành rộng rãi nhất trong giới Phật giáo chính là tuyên giảng của Quán Thế Âm Bồ-tát, “Quán Tự Tại Bồ-tát khi tu hành sâu sắc Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nhìn thấu ngũ uẩn đều không liền vượt qua tất cả khổ ách” chính là biểu hiện đẹp nhất(96).

Lại trong kinh Địa Tạng, phẩm 12, Đức Phật có khen Ngài Quan Âm rằng: Ở thế giới Ta-bà này, mà người có nhân duyên lớn; hoặc thiên, hoặc long, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc thần, hoặc quỷ, cho chính chúng sinh tội khổ trong sáu nẻo, hễ nghe danh nhà ngươi, thấy hình nhà ngươi, luyến mộ nhà ngươi, tán thán nhà ngươi, thì những chúng sinh ấy đều chẳng thối chuyển đối với quả Đại Bồ-đề, thường sinh cõi trời, cõi người, hưởng phước vui mầu nhiệm, và chừng nhân quả tới kỳ thì gặp Phật thọ ký cho.

Theo kinh Thủ Lăng-nghiêm, quyển sáu, Đức Quán Thế Âm Bồ-tát sở trường phép tu tam muội về nhĩ căn. Ngài đắc căn tai viên thông hồi đời Đức Phật quá khứ cách nay hằng hà sa số kiếp. Tên là Quán Thế Âm. Đức Phật Quán Thế Âm, tại giữa đại hội, có thọ ký cho Ngài danh hiệu Quán Thế Âm.

Mười bốn công đức thí cho chúng sinh đặng cho họ dứt sợ sệt của Quán Thế Âm gọi là Quán Thế Âm thập tứ thí vô úy. Quán Thế Âm Bồ-tát đắc lòng bi ngưỡng, Ngài hướng về chúng sinh mà thi thố sức bi, của Ngài, nếu họ nguyện vái Ngài, gồm: 1. Các chúng sinh khổ não trong mười phương liền được giải thoát;2. Những chúng sinh vào cơn lửa dữ, thì lửa chẳng đốt được; 3. Những chúng sinh đương gặp nạn nước thì nước chẳng làm chìm được;4. Những chúng sinh vào xứ của ác quỷ thì quỷ chẳng hại được;5. Những chúng sinh khi lâm nguy thì đao trượng liền gãy;6. Những chúng sinh gặp các loài ác quỷ ác thần thì chúng chẳng thấy được mình;7. Những chúng sinh đương cơn trói buộc vì cùm trói gông xiềng thì những món ấy rời xa khỏi mình;8. Những chúng sinh khi đi vào đường nguy hiểm, đạo tặc chẳng cướp của mình được9. Những chúng sinh tham dục, liền dứt khỏi lòng tham dục;10. Những chúng sinh nóng giận, liền dứt lòng sân;11. Những chúng sinh mê ám, liền dứt khỏi tánh si mê;12. Những chúng sinh muốn cầu con trai, thì sinh ra nam tử thần tú;13. Những chúng sinh muốn cầu con gái thì sinh gái đẹp, có phước đức;14. Những chúng sinh chỉ trì niệm một danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát thì được lợi ích, phước đức, cầm bằng trì đủ các danh hiệu của các vị Đại Bồ-tát nhiều như số cát trong sáu mươi hai ức sông Hằng(97).

Để thể hiện tấm lòng từ bi cứu độ chúng sinh của Quán Âm Bồ-tát, Quán Âm, Phật A Di Đà, Đại Thế Chí Bồ-tát cùng nhau hợp thành bộ “Tây phương Tam Thánh”, dẫn dắt chúng sinh đầu sinh vào thế giới Tây phương Cực lạc. Theo cách nói của kinh Bi hoa, sau khi Phật A Di Đà của thế giới Tây phương Cực lạc tương lai nhập Niết-bàn, Quán Âm Bồ-tát sẽ thay thế vào chức vị khuyết của Phật, tên gọi là “Biến Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai”, cõi Tịnh độ của Ngài có tên gọi là “Nhất Thiết Chân Bảo Sở Thành Tựu thế giới”, so với thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà còn thêm phần vi diệu trang nghiêm(98). Ngoài ra, một số Phật tử tin rằng khi một trong những môn đồ của họ rời khỏi thế giới này, họ được Quan Âm đặt trong tim của một hoa sen, và sau đó được gửi đến cõi Tịnh độ Tây phương Cực lạc/Sukhavati. 

Việc tôn thờ Quan Âm như một vị thần nói chung trong quần chúng thường được coi là không mâu thuẫn với bản chất của Bồ-tát Quán Thế Âm. Trên thực tế, việc thờ cúng Quan Âm rộng rãi như một “vị nữ thần của lòng từ bi và trắc ẩn” được các Phật tử coi là bản chất cứu độ vô biên của Bồ-tát Quán Thế Âm; trong Phật giáo, đây được gọi là “phương tiện thiện xảo” của Quan Âm. Kinh văn Phật giáo nói rằng các vị Bồ-tát có thể đảm nhận bất kỳ giới tính và dạng thức nào là cần thiết để giải thoát chúng sinh khỏi vô minh và khổ đau. Với sự đề cập cụ thể đến Quán Thế Âm, Ngài được nêu trong cả kinh Pháp hoa (chương 25) và kinh Lăng-nghiêm/Surangama Sutra, Ngài đã xuất hiện trước đây như một phụ nữ hoặc một vị thần để cứu độ chúng sinh khỏi đau khổ và vô minh. Một số trường phái Phật giáo coi Quan Âm là cả nam và nữ hoán đổi cho nhau.

Quan Âm vô cùng phổ biến trong giới Phật tử, đặc biệt là những người thuộc các trường phái sùng đạo. Quan Âm thường được xem như một nguồn yêu thương vô điều kiện và quan trọng hơn là một vị cứu tinh. Trong lời thề nguyện Bồ-tát, Quan Âm hứa sẽ đáp lời những tiếng khóc than và lời cầu xin của tất cả chúng sinh và giải thoát họ khỏi những tai ương nghiệp chướng của chính bản thân. Dựa trên kinh Pháp hoa và kinh Lăng-nghiêm, Quán Thế Âm thường được xem như một vị cứu tinh, cả về tinh thần và thể chất. Kinh điển nói rằng thông qua ân điển cứu độ của Ngài, ngay cả những người không có cơ hội giác ngộ cũng có thể giác ngộ, và những người chìm sâu trong ác nghiệp vẫn có thể tìm thấy sự cứu rỗi nhờ lòng từ bi của Ngài. 

Ngay cả trong số các trường phái Phật giáo không mộ đạo, Quan Âm vẫn rất được tôn kính. Thay vì được xem như một thế lực tích cực bên ngoài của tình yêu thương và sự cứu độ vô điều kiện, nhân cách của Quan Âm lại được tôn sùng như một nguyên tắc của lòng trắc ẩn, lòng nhân từ và tình yêu thương. Hành động, suy nghĩ và xúc cảm từ bi và tình yêu được xem như là Quan Âm. Người ta cho rằng một cá nhân nhân từ, từ bi, yêu thương được cho là Quan Âm. Trạng thái thiền định hoặc chiêm nghiệm về sự bình an với bản thân và những người khác được xem như là Quan Âm. Quan Âm như một biểu tượng về lòng từ bi, trắc ẩn để người Phật tử noi theo mà tu tập hơn là đối tượng cầu xin cứu khổ cứu nạn.

Nói cách khác, Bồ-tát Quan Thế Âm là một đối tượng sùng tín hàm chứa nhiều công năng diệu dụng khác nhau.

----------------------------------

(46)Meher McArthur (2005). Sđd.

(47)Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(48)Yü, Chün-fang (2001). Kuan-yin: The Chinese Transformation of Avalokitesvara. Đại học Columbia xb.

(49)Yü, Chün-fang (2001). Sđd.

(50)Yü, Chün-fang (2001). Sđd.

(51)Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết. NXB.TP.HCM, tr.99-102.

(52)Wilt L. Idema (2008). Personal salvation and filial piety: two precious scroll narratives of Guanyin and her acolytes. Đại học Hawaii xb, tr.33.

(53)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr. 5800-5802.

(54)Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(55)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5800-5802.

(56)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5800-5802.

(57)Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(58)Theo:

- Watson, Burton (1999). The lotus sutra. Sri Satguru xb. 

- Kieschnick, John; Yü, Chün-fang; Yu, Chun-fang (6-2002). “Kuan-yin: The Chinese Transformation of Avalokiteśvara”. Tạp chí Nghiên cứu châu Á Harvard. 62 (1): 205.

(59)Louis Frederic (2005). Sđd.

(60)TheŚūragama sūtra : a new translation. Hiệp hội dịch thuật Kinh tạng Phật giáo Ukiah, California, Mỹ. 2009. 

(61)Đoàn Trung Còn (2011). Sđd.

(62)Kieschnick, John; Yü, Chün-fang; Yu, Chun-fang (6-2002). Sđd.

(63)Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(64)Theo:

- Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

- Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

- Meher McArthur (2005). Sđd.

(65)Fei Zhuo. San Bao Ganying Yao Lue Lu, trong Taishō shinshūDaizōkyō do Takakusu Junjiro biên tập (Tokyo: Taishō Shinshū Daizōkyō Kankōkai, 1988), Tập 51, số 2084, 31-10-2016. [ http://tripitaka.cbeta.org/T51n2084].

(66)Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(67)Louis Frederic (2005). Sđd.

(68)Doré S.J., Henry (1914). Researches into Chinese Superstitions. Tập I. Dịch bởi Kennelly, M. Tusewei xb, tr.2.

(69)“Chinese Cultural Studies:The Legend of Miao-shan”.

[http://acc6.its.brooklyn.cuny.edu/~phalsall/texts/miao-sha.html].

(70)“Legend of Miao Shan”.

[https://www.purifymind.com/MiaoShan.htm].

(71)“Biography of Great Compassionate Bodhisattva of Mount Xiang”.

[http://www.fivepeaks.org/english/canon/guanyin.htm].

(72)Nhiều tác giả (1984). Từ điển Văn học. NXB.Khoa học Xã hội, Tập II; N-Y, tr.251-252.

(73)Yü, Chün-fang (2001). Sđd.

(74)Meher McArthur (2005). Sđd.

(75)Theo:

- Chuu, Ling-in Lilian (2001). The cult of Guanyin who brings sons in China (Thesis). Đại học British Columbia.

- Yu, Chun-fang (2001). Sđd.

(76)Yu, Chun-fang (2001). Sđd.

(77)Theo:

- Wu, Cheng’en, approximatelyapproximately 1582 (2012). The journey to the West. Anthony C. Yu (biên tập). Chicago.

- Yü, Chün-fang (2001). Sđd.

(78)Yü, Chün-fang (2001). Sđd.

(79)“Kannon Bodhisattva”.

[https://www.onmarkproductions.com/html/kannon.shtml].

(80)“Seoul Tour Plus”. visitseoul.net/. Seoul Tourism.

[http://www.visitseoul.net/file_save/ebook/Seoul_tour_plus/EN/Seoul_tour_plus_healing_eng.pdf]

(81)Meher McArthur (2005). Sđd.

(82)Theo:

-“Guan Yin and the ten great protections of the Goddess of Mercy”. Tuần san Đức Phật. 12-2018. 

- Shri Bhagavatananda Guru (2015). A Brief History of the Immortals of Non-Hindu Civilizations. Notion xb, tr.76.

(83)Leighton, Taigen Dan (1998). Bodhisattva Archetypes: Classic Buddhist Guides to Awakening and Their Modern Expression. Penguin Arkana xb, tr.158-205.

(84)Theo:

- Dampa Sonam Gyaltsen (1996). The Clear Mirror: A Traditional Account of Tibet’s Golden Age. Shambhala xb, tr.21. 

- Shaw, Miranda (2006). Buddhist Goddesses of India. Đại học Princeton xb, tr.307. 

- Bokar Tulku Rinpoche (1991). Chenrezig, Lord of Love: Principles and Methods of Deity Meditation. ClearPoint Press xb. 

(85)Louis Frederic (2005). Sđd.

(86)Thích Minh Cảnh chủ biên. Sđd, tr.5800-5802.

(87)Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(88)Meher McArthur (2005). Sđd.

(89)Thích Minh Tuệ (2012). Sđd.

(90)Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

(91)Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

(92)Đoàn Trung Còn (2011). Sđd.

(93)Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd.

(94)Theo:

- Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

- Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(95)Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(96)Vũ Thỏa. Nguyên Ninh Cống Bố, Sen Thu dịch (2011). Sđd.

(97)Đoàn Trung Còn (2011). Sđd.

(98)Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.

(NSGN 347, 348, 349 và hết)

Huỳnh Thanh Bình

Nguồn: NSGN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin