Chi tiết tin tức

Tịnh độ ngũ kinh

20:12:00 - 27/09/2019
(PGNĐ) -  Từ trước đến đầu thế kỷ XX, người tu pháp môn Tịnh độ chỉ sử dụng ba bộ kinh gọi là Tịnh độ Tam kinh gồm kinh Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ và Di Đà cho thời khóa tu và mục tiêu là niệm Phật để vãng sanh. Nhưng việc chuyên niệm Phật để vãng sanh không thích hợp với nhiều xã hội, nên không được đa số quần chúng chấp nhận.

 

9.jpg

 

Vì vậy, đến đầu thế kỷ XX, ngài Ấn Quang đại sư chủ trương Tịnh độ Ngũ kinh là thêm hai bộ kinh: kinh Hoa nghiêm, phẩm Nhập bất tư nghì giải thoát cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện và kinh Lăng nghiêm, phẩm Đại Thế Chí Bồ-tát niệm Phật viên thông Tam muội, để bổ sung cho sự thiếu sót của pháp tu Tịnh độ. 

 

Thực tập pháp môn niệm Phật là Đức Phật đã hạ xuống cho chúng ta đến mức thấp. Vì ở Lộc Uyển, Phật dạy pháp tu Tứ Thánh đế để đạt quả vị A-la-hán, nhưng pháp này cũng khó thực tập để chứng được; vì chúng ta phải tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần để đạt Tứ như ý túc và phát triển thành Ngũ căn, Ngũ lực, qua Thất Bồ-đề phần, Bát Chánh đạo, mới đắc La-hán. Thành tựu được tất cả pháp này không dễ, chỉ có năm anh em Kiều Trần Như đắc La-hán sau khi thực tập pháp này. Và sau Phật Niết-bàn, ít người tu chứng La-hán. 

 

Vì sự khó khăn đó, Đức Phật mới mở pháp phương tiện để dạy đa số người tu, trong đó có pháp niệm Phật. Mặc dù pháp môn này dễ, nhưng cũng phải tu đúng mới có kết quả tốt. 

 

Đặc biệt là pháp môn Tịnh độ dung được hàng thượng căn, trung căn, hạ căn đều tu pháp niệm Phật được. Người hạ căn, tức ở trong tình trạng khó khăn nhất, không thực hiện được pháp môn nào, Phật dạy niệm A Di Đà Phật. Chúng ta suy nghĩ về bốn chữ này là nghĩ về tên của một Đức Phật, hay hạnh của Đức Phật. Như vậy, nghĩ tới Phật và pháp là chính thì chúng ta được an lành, được Phật hộ niệm, vì kinh Di Đà cũng có tên là Phật sở hộ niệm kinh. 

 

Tất cả Phật tử thuộc đạo tràng Pháp hoa bình thường tụng kinh Pháp hoa, nhưng ngộ được yếu chỉ của kinh này và vào được thế giới Phật rất khó. Vì vậy, tôi dịch thêm kinh Di Đà nhằm hộ niệm cho người chưa ngộ được yếu chỉ của kinh Pháp hoa. Người chưa ngộ mà mất, chúng ta tụng kinh Di Đà để giới thiệu Cực lạc cho họ và niệm Phật A Di Đà để trợ lực cho họ, họ cũng có thể vãng sanh Cực lạc; cho nên nói pháp môn niệm Phật thù thắng. Và trong pháp môn niệm Phật cũng không đòi hỏi chúng ta phải chứng quả của Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Chúng ta còn là phàm phu, nhưng cũng có thể thực tập pháp môn niệm Phật và vãng sanh được là thù thắng ở điểm đó.

 

Chúng ta tụng kinh Pháp hoa, học kinh Pháp hoa, nhưng niệm Phật A Di Đà cũng tốt. Phật Thích Ca dành một pháp hội Vô lượng thọ để giới thiệu về Phật A Di Đà và nói rõ nhân hạnh quả đức của Ngài. Trong khi kinh Di Đà được coi là tiểu bản rút ngắn từ kinh Vô lượng thọ, chú trọng đến vấn đề niệm Phật vãng sanh là chính và chỉ giới thiệu phần quả đức của Phật A Di Đà như thế nào và thế giới của Ngài mà thôi. 

 

Vì chỉ căn cứ vào phần quả đức theo kinh Di Đà, nhiều người lầm tưởng rằng pháp môn Tịnh độ dạy chúng ta hướng về thế giới xa xăm, không thực tế, giống như các tôn giáo nhứt thần vinh danh thượng đế trên trời, ký thác vận mạng con người cho thượng đế, mà không biết vị này ra sao. Hoặc những người tiêu cực, yếm thế, thấy thế giới này bất công, khổ quá, nên muốn sanh về Cực lạc sướng hơn. 

 

Tư tưởng Tịnh độ theo cách tiêu cực này đã bị nhiều người phản đối, nhất là người theo Tịnh độ của kinh Duy Ma hay theo thiền. 

 

Trở lại pháp môn Tịnh độ, lâu nay chúng ta chịu ảnh hưởng sai lầm lớn của một số người đi trước. Họ chủ trương xây dựng thế giới Cực lạc ở phương Tây và minh họa cuộc sống hiện tại của chúng ta đáng chán, đáng bỏ để đưa mọi người về Tây phương Cực lạc. Như vậy, họ đã vô tình đào tạo những người chán đời, từ bỏ xã hội.

 

Tịnh Độ tông Nhật Bản không chấp nhận chủ trương này, nhưng theo mô hình Tịnh độ Ngũ kinh. Trong khi Tịnh độ của Trung Quốc lấy Tịnh độ Tam kinh là chính, thậm chí thu hẹp, họ chỉ còn sử dụng tiểu bản Di Đà. 

 

 Và thu hẹp nữa, đưa ra tư tưởng cho rằng chúng ta sanh trong thời Mạt pháp, phải gấp rút niệm Phật vãng sanh, vì sẽ không còn gì tồn tại ở thế giới này. Đáng sợ nhất là tuổi thọ con người sẽ bị giảm từ 80 xuống 50 tuổi, cho đến về sau, người ta chỉ còn sống được 10 tuổi thôi. 

 

Tư tưởng Tịnh độ như vậy rất nguy hiểm và vô lý. Cổ xúy cho mọi người từ bỏ thế gian mà ra đi, trong khi Phật pháp chỉ tồn tại với con người trong thế gian, khác gì chúng ta làm cho Phật pháp tự hoại diệt.  

 

Lập luận rằng con người chỉ sống đến 10 tuổi cũng không đúng. Đức Phật không nói như vậy. Thực tế ở thế kỷ XIX, người Nhật tính tuổi thọ trung bình của người ta là 50, sang thế kỷ XX thì tuổi thọ là 60 và đến thế kỷ XXI này, người ta định 70 tuổi là tuổi thọ. Và hiện nay ở Nhật, số người sống trên 100 tuổi không phải ít. Điều này dễ hiểu, khi người ta văn minh hơn thì vệ sinh tốt hơn, kỹ thuật y khoa tân tiến hơn, thuốc men đầy đủ hơn, nên kéo dài tuổi thọ là đương nhiên, nếu biết cách sống lành mạnh. 

 

Khi pháp môn Tịnh độ được truyền sang Nhật Bản, Ngài Pháp Nhiên và Thân Loan đã thành lập Tịnh Độ tông và Tịnh độ Chân tông. Hai tông Tịnh độ này của người Nhật đưa ra thuyết đới nghiệp vãng sanh, vẫn lấy tín, hạnh, nguyện làm kim chỉ nam tu hành; nghĩa là người tu Tịnh độ phải có niềm tin vững chắc rằng có thế giới Cực lạc, có Đức Phật A Di Đà và tu theo Phật A Di Đà, được vãng sanh về thế giới này. Có niềm tin kiên cố như vậy, hành giả mới chuyên tâm niệm Phật.  

 

Ấn Quang đại sư chủ trương xây dựng Tịnh độ theo Ngũ kinh, trong đó có kinh Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm chủ yếu chỉ có một câu trong Phổ Hiền hạnh nguyện kệ nói rằng: Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung, tận mặt được gặp Phật A Di Đà, liền được vãng sanh cõi Cực lạc, đầy đủ hạnh Phổ Hiền và sẽ biến hóa vô số vạn ức thân đi khắp mười phương giáo hóa chúng sanh. Và người này thọ mạng được lâu dài là thọ mạng ở ngay thế giới này, không phải thọ mạng ở Tây phương Cực lạc. Đó là tinh thần Tịnh độ đặc biệt theo kinh Hoa nghiêm.

 

Chỉ một câu của kinh Hoa nghiêm nói về Tịnh độ, người ta phăng ra toàn bộ tinh thần Tịnh độ theo Hoa nghiêm là xây dựng xã hội với những con người thông minh, sống lâu, khỏe mạnh. Tăng Ni nên biết tư tưởng tích cực của Tịnh độ như vậy đã có trong kinh. 

 

Thật vậy, triển khai pháp hội Vô lượng thọ Như Lai trong kinh Bảo Tích, Phật giới thiệu rõ pháp môn Tịnh độ và nhân hạnh của Phật A Di Đà để chúng ta lập hạnh. Thực tế Phật dạy ý này rất thích hợp với xã hội chúng ta đang sống, bóp méo ý kinh là điều không nên. Hiểu sai ý Phật và dạy người tiêu cực là phạm tội phá pháp, mà Nhật Liên Thánh nhân mạnh dạn phê phán rằng sẽ bị đọa Vô gián địa ngục.  

 

Ở Nhật Bản, ngoài Tịnh Độ tông, còn có Tịnh độ Chân tông. Tu sĩ của Tịnh độ Chân tông được gọi là tân tăng, họ lãnh đạo tông phái nhưng không cạo tóc, không ăn chay trường và lập gia đình. Mới nghe qua, chúng ta nghĩ họ không phải là tu sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế sinh hoạt của tông phái này đã phát triển từ thế kỷ XII, kéo dài cho đến ngày nay lại phát triển mạnh hơn nữa. Tông này cho rằng không phải ai cũng có điều kiện xuất gia, tu hành thanh tịnh, được giải thoát, lên Niết-bàn. Theo họ, mọi người đều mang sanh thân, nên phải theo quy luật chi phối của xã hội. 

 

Khởi xướng Tịnh độ Chân tông là Thân Loan Thượng nhân. Ngài là con của một vị tể tướng thuộc dòng họ cao quý đi tu. Với chủ trương táo bạo, trái ngược với chủ trương thời bấy giờ là nhà sư phải ăn chay và sống độc thân, nên ngài đã bị bắt và bị đày. Ngài nói dù không chấp nhận phương cách tu hành do ngài đề xướng, nhưng đó vẫn là một thực tế tồn tại và sẽ phát triển. Quả đúng như vậy, ngày nay Tịnh độ Chân tông ở Nhật phát triển thuận lợi hơn các tông phái khác. 

 

Người tu của tông này có niềm tin tôn giáo mãnh liệt, nhưng sống đời thường. Nhờ vậy, họ có thể làm tất cả ngành nghề và sinh hoạt được ở tất cả mọi nơi. Họ nương vào ưu thế này để truyền đạo dễ dàng. Trong khi người mang hình thức xuất gia có nhiều việc không làm được, có nhiều nơi không đến được. 

 

Tu sĩ Tịnh độ Chân tông của Phật giáo Nhật có sinh hoạt tương tự như đạo Tin Lành ở điểm họ đi vào cuộc đời, sống gần gũi với mọi người. Và khi sống bình thường, thân cận với người đời như vậy, thì vị này không có được những lợi thế của người mặc áo xuất gia, nên họ phải phát triển năng lực thực sự. Còn chúng ta mặc áo tu, sống khác người, nên dễ được người tin ta qua chiếc áo tu. 

 

Vị tu sĩ của tông này phải nỗ lực phát triển ưu thế nhiều hơn, nhất là phải phát huy năng lực ngang tầm xã hội hay cao hơn, họ mới tồn tại được; còn kém hơn người đời thì chắc chắn không ai theo họ. Khoác áo xuất gia có lợi thế là kém người đời, chúng ta vẫn sống được. Thí dụ đơn giản như người đời có trình độ đại học, gia đình họ có người qua đời, phải rước thầy tụng kinh, thầy không có học vị cũng được. Nhưng nên biết rằng lợi thế này khó tồn tại lâu dài trong các xã hội văn minh. 

 

Tu sĩ của Tịnh độ Chân tông phải phát triển khả năng chuyên môn để sống, không sống nhờ sự cúng dường. Ở địa phương của họ và trong ngành nghề mà họ làm việc, họ phải bằng với người khác ở lãnh vực làm việc và kiến thức, khả dĩ mới được chấp nhận là người lãnh đạo tinh thần của Phật tử. 

 

Tuy có gia đình, nhưng kiến thức của tu sĩ Tịnh độ Chân tông cao hơn, vì tầm hiểu biết của họ không bị đóng khuôn như người xuất gia. Họ sống gần gũi người đời và đồng thời, pháp tu chủ yếu của họ là cầu nguyện, vãng sanh. Điều này cũng gần với các tôn giáo khác và cũng dễ phổ cập với đa số quần chúng. Vì mọi người sống trên cuộc đời này mà tự giác ngộ, lên Niết-bàn, thì ít có người nghĩ tự bản thân họ làm được; nên họ cần tha lực. Và bản thân họ cũng có niềm tin, thường cầu nguyện, kết quả trước mắt là họ được yên lòng. 

 

Với chủ trương không xuất gia, nhưng siêng năng niệm hồng danh Phật A Di Đà và cầu vãng sanh, nên pháp tu này đơn giản, đa số thực hành được. Đó là những lý do giúp cho Tịnh độ Chân tông dễ phát triển trong xã hội đương đại của Nhật Bản. 

 

Trong pháp hội Vô lượng thọ của kinh Bảo Tích, Đức Phật giới thiệu hành trạng của Phật A Di Đà, nghĩa là quá trình tu hành của Ngài, theo đó tất cả thành quả mà Phật A Di Đà đạt được đều do nỗ lực tu hành, không phải tự nhiên mà có. 

 

Tinh thần phấn đấu để thăng hoa theo kinh Vô lượng thọ chắc chắn dễ được xã hội văn minh ngày nay chấp nhận hơn, vì kinh vẽ ra hướng đi lên từ phát tâm đến thành Phật. Phật A Di Đà từ con người bình thường tu hành, vượt lên, trở thành người phi thường. Kinh Bảo Tích nói về tu nhân của Đức A Di Đà để đại chúng phát tâm tu theo, không phải chỉ nói đến cái quả cho người thích hưởng mà không muốn làm. 

 

Tôi tâm đắc quan niệm Tịnh độ Ngũ kinh đương đại, vì không phải chỉ nghĩ đến vãng sanh Cực lạc, mà còn giới thiệu cho chúng ta mô hình Tịnh độ có thể thực hiện trên cuộc đời này và kéo Tịnh độ Tây phương Cực lạc về Tịnh độ ngay trong lòng người. Vì vậy, dẫn đến lập trường tâm tịnh thì thế giới tịnh, nên có thể dung thông pháp môn Tịnh độ với pháp môn Thiền và kinh tạng Pali. 

 

Trong kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật nói về thế giới Niết-bàn, nhưng chuyển sang kinh điển Đại thừa, cảnh giới Niết-bàn được triển khai thành các mô hình Tịnh độ như Tây phương Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, Đông phương Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư, Tịnh độ của Duy Ma, Tịnh độ của Pháp hoa...  

 

Đức Phật đã giới thiệu một mô hình Tịnh độ toàn mỹ toàn bích cho người hướng tâm đến. Kinh Pháp hoa gọi đó là Bảo sở, nhờ hướng tâm đến mục tiêu đó mà mọi người cố gắng tu, vượt đường hiểm sinh tử.

 

 Đức Phật Thích Ca vì những người yếu kém, cần nương tựa mới tu được, Ngài mở ra phương tiện môn. Đối với họ, có thầy, có bạn, có chùa mới tu được. Còn theo Pháp hoa, ở ngoài đồng trống, ở gò mã, hay ở ngã tư đường, cũng tu được. Nhưng thử nghĩ có mấy người làm được như kinh Pháp hoa dạy. 

 

 Vì vậy, phải dùng phương tiện và thế giới Cực lạc là phương tiện Thánh cư độ của Phật A Di Dà, giống như Phật Thích Ca dùng phương tiện thị hiện ở Ta-bà vậy. 

 

Kinh Di Đà nhằm gợi ý, đưa ra thế giới lý tưởng để chúng ta phấn đấu tu hành. Từ đây qua Tây phương, hoặc qua Bảo sở quá dài xa, phải đi suốt 500 do tuần đường hiểm. Đường xa, nhưng đặc biệt là đi bằng tâm, nên đi rất nhanh, không phải đi bằng thân. Cho nên Phật khuyên chúng ta phải gá tâm vào Cực lạc, thì chỉ một niệm tâm là đến Cực lạc liền. 

 

Tôi đã áp dụng pháp này, thân ở đây, nhưng tâm gắn vào cõi Tịnh độ. Từng bước chân đi niệm Phật, tâm nghĩ đến Phật, hình dung ra Phật hiện hữu trước mặt, thì có cảm giác đang sống trong Cực lạc, trần duyên quên hết, đối với Ta-bà không còn bận tâm nữa. Mọi việc thuận nghịch, khổ vui đều ở ngoài ta.

 

Thể nghiệm được một phần nhỏ pháp này ở Ta-bà sẽ hiện ra cho hành giả một tiểu Tịnh độ là nhân gian Tịnh độ thành hình. Vì thế, sống trong cảnh tranh chấp, dầu sôi lửa bỏng, hành giả vẫn an lành. Còn để tâm ở cảnh ô trược, chắc chắn phiền não bao vây, không tu được. 

 

Thế giới Cực lạc có nguồn vui cực kỳ, vì tâm của hành giả ở đó hoàn toàn an vui, thân hoàn toàn khỏe mạnh, hoàn cảnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch, xã hội hoàn toàn tốt đẹp. Đó là mở đầu của Tịnh độ mà chúng ta học để xây dựng Tịnh độ tự tâm và Tịnh độ xã hội. 

 

Người Nhật tiếp thu tinh thần Tịnh độ như vậy, họ xây dựng Tịnh độ nhân gian để tăng tuổi thọ, sức khỏe tốt, hiểu biết rộng, năng lực và đạo đức cao hơn người đời.

 

Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin