Chi tiết tin tức Trích Luận về Tịnh Độ 18:52:00 - 02/12/2023
(PGNĐ) - Tịnh độ, hay Phật độ, Phật quốc được hiểu là một cõi thanh tịnh thuộc về một vị Phật đã tạo ra. Và vì có vô số chư Phật nên cũng sẽ có vô số Tịnh độ. Tịnh độ được xem là hóa thân của một thế giới mới tốt đẹp, là cõi của người tu hành muốn được tái sinh về đó.
Trong nhân gian, người ta thường hiểu Tịnh độ là một nơi có vị trí địa lý nhất định. Nhưng thực ra, Tịnh độ là một dạng “tâm thức Giác ngộ”, sẽ không bị ô nhiễm bởi những cấu uế của trần tục; và những phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc… chỉ có tính tượng hình. Tịnh độ cũng chưa phải là mục đích cuối cùng trên con đường tu tập. Trong tinh thần Đại thừa, Đức Phật đặc biệt nói những bộ Kinh cứu cánh như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn… ý chỉ nêu rõ: “Những cõi nước do Đức Phật biến hóa, làm phương tiện để an ủi chúng sanh những lúc cảm thấy mệt mỏi, chán nản đều gọi đó là cõi Phương tiện, Hóa thành”. Chỉ có Niết bàn của Phật mới thực sự là Bảo sở mà thôi! Tịnh độ Đâu Suất của Đức Phật Di Lặc Trong Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất, có nói về Đức Phật Di Lặc và cõi Tịnh độ Đâu Suất. Điều kiện để vãng sanh là trước khi lâm chung phải quán tưởng và trì niệm danh hiệu của Đức Phật Di Lặc. Hành giả sau khi sanh về đây sẽ tiếp tục tu tập cùng Đức Phật Di Lặc và hạ sanh lại cõi Diêm phù đề để tịnh hóa Ta bà, kiến thiết Tịnh độ nhân gian. TỊNH ĐỘ ĐÔNG PHƯƠNG DIỆU HỶ CỦA ĐỨC PHẬT A SÚC BỆ (AKSHOBHYA) TỊNH ĐỘ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC CỦA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ Điểm khác biệt ở cõi Tịnh độ Tây phương của Đức Phật A Di Đà so với các cõi Phật khác chính là: Ngoài tự lực của hành giả trì niệm danh hiệu Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, Kinh Vô Lượng Thọ còn đề cao tha lực của Đức Phật A Di Đà trong việc tiếp dẫn hành giả vãng sanh một cách tối đa. Trừ những người phạm tội hủy báng Tam bảo và ngũ nghịch ra, thì bất kỳ ai, chỉ cần có niềm tin kiên cố vào Đức Phật A Di Đà đều có thể vãng sanh về cõi nước của Ngài. Ngoài những cõi Tịnh độ nêu trên, còn có nhiều cõi Tịnh độ khác do các Đức Phật tạo thành dành cho hướng nguyện sanh về của từng hành giả. BÀN VỀ NGUYỆN LỰC TRONG TỊNH ĐỘ Ba-la-mật được chia thành 3 bậc: (1) Hạ: phát nguyện Ba-la-mật trong tâm; (2) Trung: phát nguyện Ba-la-mật bằng lời nói nơi miệng; (3) Thượng: phát nguyện thực hành Ba-la-mật nơi thân. Tương ứng theo đó sẽ có Thanh văn thường, Đại Thanh văn và Thanh văn Thượng thủ là bậc có thể thực hành 10 Ba-la-mật nơi thân ngay trong đời sống hiện tại giống như chư Phật và Bồ tát. Trong tất cả các Nguyện thì Bồ đề tâm nguyện (nguyện thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác) là tối thượng nhất. Trong Buddhavamsa (Phật sử), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua 3 giai đoạn phát nguyện thực hành Ba-la-mật, cộng với 10 nghìn đại kiếp trái đất mới thành tựu được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy chúng ta thấy rằng nếu không có Nguyện thì không thể thực hành trọn vẹn Ba-la-mật, mà không thực hành trọn vẹn các pháp Ba-la-mật thì không thể thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nguyện lực: Là năng lực, sức mạnh được phát sanh từ nguyện mà hành giả đã thệ lập. Sức mạnh này nuôi dưỡng các hạt giống Thiện, tăng trưởng Thiện tâm và giúp hành giả vượt qua được những chướng duyên. Thực hành Ba-la-mật cũng giống như làm việc lớn, việc càng lớn thì chướng duyên, trở ngại càng khó vượt qua, khiến cho hành giả dễ thoái thất tâm Bồ đề. Nguyện lực chính là sức mạnh phi thường giữ vững Bồ đề tâm, đẩy hành giả tiến thẳng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chỉ có Nguyện lực (sức mạnh vĩ đại nhất) mới có thể chiến thắng được Nghiệp lực (sức mạnh đáng sợ nhất). Sức mạnh của Nguyện giúp cho hành giả từ phẩm vị thấp tiến lên phẩm vị cao, rồi dần tiến đến Thánh vị. Nhờ có Nguyện lực mà hành giả có thể tự do ra vào ba cõi để độ sanh mà không bị dòng Nghiệp lực cuốn trôi, nhấn chìm vào sanh tử luân hồi. Bổn nguyện: Tịnh độ có một đặc điểm mà các tông phái khác không có, đó chính là Bổn nguyện tha lực (Nguyện ban sơ). Vì chúng sanh mà phát nguyện trợ giúp, dìu dắt họ. Bổn nguyện sanh ra Tha lực. Tha lực đấy sẽ luôn song hành và hỗ trợ cùng Tự lực của chúng sanh trên bước đường tu tập. Một hành giả phải có tấm lòng Đại từ bi và Đại trí tuệ mới có thể tạo nên Bổn nguyện kiên cố, vĩ đại (Đại nguyện). Quan điểm tu tập Tịnh độ của ngài Vĩnh Minh Diên Thọ Ngài cho rằng: “Vạn sự tịnh nhiễm vốn bắt nguồn từ Tâm”. Tâm có hai phương diện Thể và Dụng: Thể là tâm chân thật, thanh tịnh, là cửa chơn như; Dụng là tâm duyên lự, lúc tịnh, lúc nhiễm, vọng động, là cửa sanh diệt. Thể và Dụng tuy hai mà một, không thể tách rời, đều trực thuộc tâm. “Tâm này bình đẳng thì pháp giới thản nhiên, tâm này biến dịch thì ngàn sai tranh khởi”. Thành Phật hay thành chúng sanh cũng đều do tâm. Cho nên, Tịnh độ tại tâm, mà Địa ngục cũng từ tâm khởi tạo. Chính quan điểm này của Ngài mà mở ra cánh cửa cho sự hợp nhất Thiền – Tịnh song tu. Tư tưởng Tịnh độ của ngài Long Thọ (Nargajuna) Có câu hỏi rằng: Tại sao phải cầu vãng sanh về Tịnh độ? Ngài Long Thọ giải thích như sau: Năng lực và trí tuệ của chúng sanh cõi Ta bà giống như chiếc bè mục trên biển, ấm nước sôi để giữa băng tuyết. Bè chưa đến được bờ đã bị tan rã, bị nhấn chìm trong biển, nước chưa kịp dùng đã bị băng làm cho nguội lạnh. Chúng sanh cõi trần cũng vậy, sợ rằng trước khi đạt được bất thoái đã bị nhấm chìm trong vũng lầy sanh tử. Chỉ có cầu sanh về Tịnh độ, thân cận chư Phật, đầy đủ thiện căn, trau dồi nhân duyên, phước đức, tránh xa các ác, bất thiện pháp mới có thể mau chóng tu tập thành tựu. Để được thân cận chư Phật, phải thực hành hai hạnh: (1) Sanh nhẫn (nhẫn người): Thực hành tâm từ sẽ thành tựu sanh nhẫn, tăng trưởng phước đức, đối trị được sự sanh khởi của các tâm ác, bất thiện. (2) Pháp nhẫn (nhẫn hoàn cảnh): Thực hành pháp nhẫn sẽ thấy được tính duyên sinh, tương quan tương duyên của vạn pháp, nên có thể phá trừ vô minh, tăng trưởng trí tuệ. Ý nghĩa vãng sanh: Vãng sanh không phải thoát khỏi nơi này và tìm một nơi khác tốt hơn sanh về để hưởng thụ. Vãng sanh chính là buông bỏ mọi chấp thủ, vượt qua Nhị nguyên đối đãi, sống với sự bình đẳng không phân biệt, sống với trí vô ngã, vô lậu, mà vô lậu chính là Ba-la-mật. Cho nên, Tịnh độ không phải một nơi để chúng sanh cầu xin được về đó, mà phải dùng chính niềm tin kiên cố và trí tuệ vô lậu, vô phân biệt của mình để tự bước vào. Trong chú giải của Thập Trụ Tỳ-bà-sa luận, ngài Long Thọ có trình bày hai pháp: Dị Hành (dễ thực hành) và Nan Hành (khó thực hành) để góp thêm kiến giải về pháp môn Tịnh độ. Pháp Dị Hành sẽ giúp hành giả chứng được bất thoái nhờ trì niệm danh hiệu Phật và Bồ tát sáu thời, kết hợp với 4 pháp Sám hối, Khuyến thỉnh, Tùy hỷ và Hồi hướng để khiến cho nghiệp giảm, phước tăng và nhờ tha lực của chư Phật hỗ trợ, mau được thành tựu. Bên cạnh đó, Ngài còn đề cập đến ba bậc vãng sanh (Thượng, Trung và Hạ) để nói lên ý nghĩa đây là con đường dễ thực hành cho mọi căn cơ của chúng sanh. Qua hai tác phẩm Đại Trí Độ và Thập Trụ Tỳ-bà-sa luận, ngài Long Thọ đã đề cập đến Tịnh độ Tây phương từ quan điểm pháp hành, tôn chỉ cũng như quan điểm xuyên suốt trong hành trạng và sự nghiệp của Ngài chính là Trung đạo Duyên khởi. Từ đây góp phần khẳng định về niên đại và vai trò của các bản Kinh Tịnh độ trong lịch sử phát triển tín ngưỡng và tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ cho đến ngày nay. Những đặc tính của Tịnh độ Thứ hai là trang nghiêm, thanh tịnh: Chỉ cho Chánh báo là sự thanh tịnh và trang nghiêm của con người từ ăn mặc, nói năng, cư xử đều vắng mặt tham, sân, si, giãi đãi…. Và Y báo là sự thanh tịnh và trang nghiêm của cảnh giới, thể hiện ở chỗ: Xã hội thì phồn thịnh, sung túc, bình an; Thiên nhiên, cảnh vật thì bằng phẳng, ngay thẳng, sang trọng, đẹp đẽ, thanh khiết… Thứ ba là luôn hướng thượng: Nhờ gần gũi chư Phật, hiền Thánh mà được thuận duyên tu tập hướng đến tối thượng thừa. Tịnh độ không phải cảnh giới sau khi sanh về chỉ lo hưởng thụ phước đức của mình, mà chính là nơi tạo thuận duyên cho sự tu tập của hành giả. Một hình ảnh rất đặc biệt của cõi Tịnh độ chính là tòa sen to nhỏ, màu sắc, ánh sáng khác nhau dưới chân vị hành giả, thể hiện cho công phu tu tập sâu cạn của vị ấy. Thứ tư là hướng đến một xã hội đạo đức, luân lý, thánh thiện: Tịnh độ như một hình mẫu lý tưởng để xây dựng một đời sống phạm hạnh thanh tịnh qua việc đoạn tận các ái, thủ, vô minh, giải thoát tất cả các lậu hoặc. Chúng sanh sanh về Tịnh độ đều là những hành giả đi trên con đường của Giới, Định, Tuệ, được quả vị bất thoái chuyển, A La Hán, Bồ tát, thậm chí có vị là Nhất sanh bổ xứ thành Phật. Điều này còn thể hiện tính nhất quán trong lộ trình tu tập và chứng ngộ của vị hành giả Phật giáo. Thứ năm là âm thanh lưu xuất từ tự tánh của chúng sanh và chư Phật: Âm thanh này chính là tự tánh vô thanh, phát xuất từ tự tánh niệm Phật của vị hành giả đã thuần thục trên con đường giải thoát và âm thanh của chư Phật thuyết giảng chánh pháp. Âm thanh này có sức chuyển hóa mạnh mẽ đối với tự thân hành giả và cả những chúng sanh khác, vì nó lưu xuất từ trong bản thể thanh tịnh, vắng lặng. Âm thanh này thể hiện qua những hình ảnh chim thuyết pháp, tiếng gió thổi qua những hàng cây báu… ở cõi Tịnh độ được ghi lại trong Kinh A Di Đà. Thứ sáu là thế giới của Nguyện lực: Nếu cõi Ta bà là thế giới của Nghiệp lực, thì cõi Tịnh độ là thế giới của Nguyện lực thù thắng. Chính nguyện lực mạnh mẽ này sẽ giúp hành giả sắp lâm chung được đới nghiệp vãng sanh. Đới nghiệp giống như một khối đá dù lớn mà được chiếc bè chở đi thì không thể nào chìm xuống nước và dần dần sẽ bào mòn hết nhờ năng lực tu tập của hành giả. Thông qua sáu đặc tính này, chúng ta như thấy cõi Tịnh độ đang hiển hiện trước mắt mình. Giống như hình ảnh chiếc bè vững chắc cứu vớt chúng sanh, dù đang mang khối nghiệp nặng trĩu trên vai vẫn có thể thuận lợi tu tập, vượt qua biển sanh tử, đến được bến bờ của sự vô lậu, an vui, giải thoát. Pháp môn Tịnh độ ở tại Việt Nam ta đã có một lịch sử lâu dài, ít tách rời khỏi các pháp môn khác mà thường hòa quyện cùng với Thiền tông và Mật tông. Sự không tách biệt độc lập này có lẽ do đặc tính của dân tộc ta. Trong truyền thống của Phật giáo Việt Nam, với sự ra đời, sinh hoạt và truyền thừa của các dòng Thiền, dẫu là Thiền sư, nhưng trong việc thực hành đời sống tâm linh vẫn trì tụng các thần chú và niệm danh hiệu Phật. Đến nay, pháp môn Tịnh độ hầu như phổ biến khắp đất nước ta, ngày càng ăn sâu và bén rễ trong lòng dân tộc, luôn đồng hành và tương trợ cùng với Thiền pháp và Mật pháp để tạo thành một Phật giáo đầy màu sắc của tính tùy duyên, hòa hợp.
Hạc Lâm Điểm Tuyết/TCVHPG415
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |