Chi tiết tin tức

Gìn giữ Bồ-đề tâm để vượt qua, vượt qua...

10:49:00 - 09/03/2015
(PGNĐ) -  Có người từng hỏi tôi: Người tu có biết buồn không? Lúc ấy tôi mỉm cười đáp: Buồn chứ, có khi buồn rười rượi đi chứ! Rồi người hỏi: Buồn vậy sao vẫn tu? Tôi trả lời: Nhưng dù sao vui vẫn nhiều hơn buồn.
 
chu tieu.jpg
Phát khởi tâm Bồ-đề rất khó, nhưng để giữ được tâm Bồ đề còn khó gấp bội phần - Ảnh minh họa

Dẫu biết rằng, tu là phải nương thuyền bát nhã tự thân, tự thắp đuốc lên mà đi, nhưng cũng đâu phải vì vậy mà không có bạn bè, huynh đệ; sống trong vòng đối đãi của thế gian thì làm sao không liên đới tới mọi người xung quanh được. Có qua lại đó là quy luật muôn đời, nhưng để qua lại trong yên bình và kết thúc mối quan hệ trong bình yên, để còn lưu giữ những hình ảnh kỷ niệm đẹp về nhau thì lại cả là một vấn đề về nhân cách sống, tư cách đạo đức của một con người hay nói đúng hơn là tư duy nhận thức cá nhân và xã hội của mỗi người. 

Thực tế cho thấy rằng anh em trong một nhà cùng cha mẹ sinh ra mà có đôi khi không thuận thảo, còn cãi cọ tranh giành hơn thua với nhau huống gì ở nơi mà con người ta đang "tập sửa mình". Là con năm cha bảy mẹ, dân tứ xứ cùng ở với nhau thì không lẽ nào lại không có xảy ra chuyện xích mích. Lại như chén bát úp trong sóng với nhau đều được phân chia tỉ lệ rất đều vậy mà còn có lúc va vào nhau rồi bị sứt mẻ, còn có thể vỡ, vậy thì người với người sống cùng nhau thì làm sao chẳng đến chuyện "cơm không lành canh không ngọt được..."?

"Nhân vô thập toàn" - điều này thì ai cũng biết nhưng mấy ai chấp nhận sai lầm của nhau, nhắc nhở, xây dựng, giúp đỡ nhau để cùng phát triển, hoàn thiện đâu. Không phải bản chất của con người là xấu xa nhưng cái xấu và tốt luôn tồn tại trong cùng một con người, quan trọng là con người đó tư duy như thế nào về cuộc sống và mọi người mà thôi.

Vì vậy, không thể đổ thừa "tại..." hay "bị...” gì cả, ăn thua là nơi bản thân mỗi người mà ra. Vì ta dùng nhục nhãn để nhìn và phán xét mọi việc nên có cái nhìn không khách quan về hiện thực - từ đó đưa đến những cái nhìn sai lệch và cuối cùng là dẫn đến hành vi sai lầm.

Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật cũng có nói về viên minh châu trong chéo áo của gã cùng tử, viên minh châu ấy dụ cho Phật tánh vậy, mỗi người đều có, nhưng do chưa nhận chân được nó nên mới có những kẻ vô minh và người mất trí.

Chúng ta cứ mải miết rong ruổi theo cảnh trần bên ngoài mà quên đi bổn tâm của mình. Ta cứ chạy theo tài, sắc, danh, thực, thùy mà quên ngừng lại một chút để nhìn lại mình đang đứng ở đâu bên bến bờ sanh tử. Giữa những thật-hư ta cứ mệt nhoài với nó. Mệt nhoài với những điều tiếng hơn thua, những ghét ganh, tị hiềm. Ta như con cá ngoi ngóp trong lòng đại dương, lạc lỏng và bơ vơ với biển nước và với cả đồng loại.

Tất nhiên, quan trọng là ta nhìn nhận vấn đề như thế nào để ngày một hoàn thiện hơn, làm như thế nào để lúc hoàng hôn buông ta cảm thấy rằng ngày hôm nay ta đã sống tốt hơn ngày hôm qua, rồi sẽ thầm tự nhũ với bản thân rằng ngày mai tôi sẽ sống tốt hơn ngày hôm nay. Để rồi, khi mỗi sáng thức dậy, ta tự hào ngẫm câu:

       Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

        Ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Tu là cội phúc, là từ bỏ danh lợi, là xả ly phiền não, là có quá nhiều điều để nói về chữ tu.

Nhưng một chữ TU viết hoa mấy ai làm được, đó là căn bệnh chung của chúng sanh vậy. "Nhứt niên Phật tại tiền, nhị niên Phật thăng thiên, tam niên Phật nhập diệt", có phải vậy chăng? Mới đầu thì ai nói gì cũng cười, ai la cũng không dám giận, ai trách oan cũng không dám hờn. Nhưng qua một thời gian, ai nói câu nào là trả lại liền câu khác cay nghiệt hơn, cố làm cho người khác đau hơn. Ta đã vô tình nuôi lớn cái TA, vô tình để cho cái bản ngã nó bành trướng và cuối cùng nó đã quay lại hại ta.

Và cũng bởi rằng: "Lời nói không là dao, sao cắt lòng đau nhói/ Lời nói không là khói, sao mắt lại cay cay/ Lời nói không là mây, mà đưa ta xa mãi..", để rồi ai chịu không nổi những chướng duyên ấy thì tự "bứt" vậy.

Khi phát tâm xuất gia thì mang theo biết bao nhiêu chí nguyện, mục tiêu; rồi tự nhủ với lòng mình sẽ cố gắng vượt qua mọi thử thách và cám dỗ của cuộc đời. Nhưng mấy ai ngờ rằng mình dễ dàng bị đánh gục chỉ bởi dăm ba lời nói. Bởi vậy, để vẫn mãi vững bước đi trên con đường mà mình đã chọn thì lẽ dĩ nhiên bản thân mỗi người cần phải giữ vững lòng tin nơi đạo pháp, giữ nguyên vẹn sơ tâm xuất gia, không bao giờ để cho nó phải thối thất, lui sụt.

Cổ đức nói: "Nếu giữ nguyên cái tâm ban đầu khi mới xuất gia thì các vị đã thành Phật cả rồi". Thật vậy, mấy ai nhớ được mình đã từng phát nguyện ra sao trước chư Phật và chư Tổ, nhớ được tâm ta từng dõng mãnh tới mức nào khi từ bỏ mẹ cha trốn nhà đi tu... Cho nên nói phát khởi tâm Bồ-đề rất khó, nhưng để giữ được tâm Bồ đề còn khó gấp bội phần.

Ta cố gắng thoát ra khỏi biển ái, thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi, sự ràng buộc của ba cõi sáu đường..., nhưng ta đã thực sự thoát được chưa khi vẫn còn hơn thua với những điều tiếng. Vẫn còn sân giận với những gì trái ý ta, ta ngụp lặn trong phiền não và ôm mớ đau khổ cho riêng mình, vậy thì "ngày qua tháng lại vẫn hoàn không" . Cho nên chuyển hoá thân tâm đó là điều quan trọng, nhưng làm như thế nào cái đó mới là điều đáng để nói.

Nên chăng, ta hãy bỏ ngoài tai tất cả những câu nói cố ý hay vô tình làm ta đau lòng, hãy tha thứ cho lỗi lầm của người đã gây cho ta và cũng hãy tha thứ cho lỗi lầm của chính ta vậy.

Hãy im lặng khi có những điều bất như ý xảy ra với ta cũng như với người.

Hãy lùi lại một bước để nhìn rõ mọi việc và nếu như cảm thấy chưa đủ thì nên lùi thêm đôi bước để quan sát toàn diện hơn.

Hãy để cõi lòng ta lên tiếng nhưng hãy để lý trí của ta phán xét mọi việc, dần dần ta sẽ chỉ còn thấy kiến cắn trong lòng một chút khi một sự việc không tốt đẹp đến với ta. Và đến một lúc nào đó ta sẽ bình thản đón nhận tất cả mọi sự dù tốt hay xấu.

Hãy vị tha, hỷ xả và từ bi hơn. Một chút thôi nhưng cũng có thể thay đổi cả thế giới ta đang sống.

Đừng tưới tẩm nỗi buồn bằng lời nói và ý nghĩ của người khác về mình, đừng nuôi lớn sự bi quan và tự ti trong ta. Hãy cố gắng làm sao để mỗi ngày trôi qua đối với ta là một ngày có ý nghĩa, để ta không cảm thấy hổ thẹn - ít ra là với chính bản thân mình và để khi ta trở về với cát bụi, ta sẽ không còn điều gì phải hối tiếc...

"Phản quan tự kỷ", đó là điều đầu tiên mà mỗi người xuất gia chúng ta cần phải làm và là việc làm suốt cả cuộc đời. Nên chăng lấy tấm gương của Đạt Ma Tổ sư, quay mặt vào vách đá suốt chín năm ròng làm bài học tự nhắc nhở mình. Có như vậy, ta mới có thể tiến bước trên lộ trình về bảo sở được.

Nếu giữa dòng đời tấp nập, dừng lại là đang đi lùi so với thiên hạ, thì trên con đường về bến giác dừng lại là để bước dài hơn trên con đường giác ngộ và giải thoát.

Đức Phật đã dạy rằng: "Đến cả chánh pháp ta còn phải bỏ huống nữa là phi pháp". Vì các pháp sanh ra rồi cũng sẽ hoại diệt và rằng: "sông ái dài muôn dặm, biển mê sóng vạn tầm", nên điều cấp bách nhất là: Gate, gate, paragate, parasamgate (vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua hoàn toàn). Tuệ giác sẽ sinh ra từ đó...

Ngọc Lãm

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin