Chi tiết tin tức

Hà Nội: Khi hoa hiếu đạo đi tới những phố đêm…

17:32:00 - 28/08/2015
(PGNĐ) -  Với mong muốn ngày lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ của Phật giáo, mà đó còn là ngày lễ của cả dân tộc Việt – của những trái tim biết tri ân và báo ân, Tối ngày 26 tháng 08 năm 2015, nhằm ngày 13 tháng 07 năm Ất Mùi, được sự chỉ dạy của Hòa thượng ân sư Thích Bảo Nghiêm, Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng kết hợp với Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử chùa Lý Triều Quốc Sư – Hà Nội đã mang những bông hoa hồng hiếu đạo mùa Vu Lan tới từng con phố đêm, cài lên ngực áo những người vô gia cư và những người lao động ban đêm trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.
Lần này, với sự giúp đỡ của bạn Nguyễn Tuấn – chủ nhiệm câu lạc bộ “Lotus – lan tỏa yêu thương”, một câu lạc bộ luôn có những hoạt động rất ý nghĩa với người vô gia cư trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, các bạn Thanh thiếu niên Phật tử đã có một chuyến đi thiện lành vô cùng đáng nhớ.
Ngay từ 20h00, các bạn Phật tử trẻ đã cùng nhau về chùa Bằng, chuẩn bị 200 phần quà và 500 bông hoa cài áo để mang tới những người lao động ban đêm và những người vô gia cư.
Đúng 22h00, cuộc hành trình xuất phát. Các bạn Thanh thiếu niên Phật tử đã cùng nhau đi tới từng góc phố để thăm hỏi và chia sẻ với những người vô gia cư, hay gặp gỡ những người lao động về đêm như: cô công nhân vệ sinh, bác xe ôm, những cô bán hoa đêm…và trao tặng cho họ những phần quà nhỏ, cài lên ngực áo họ những bông hoa hiếu đạo mùa Vu Lan bằng sự sẻ chia yêu thương chân thành nhất.
Trong Đạo Phật, Tâm hiếu chính là tâm Phật – Hạnh hiếu chính là hạnh Phật. Ai cũng cần phải có chữ Hiếu trong lòng, phải biết tri ân và báo ân với bốn ơn trọng:  ơn Tam Bảo, ơn đất nước, ơn cha mẹ thầy cô và ơn nhân dân. Vì thế, chuyến đi này đã giúp tất cả các bạn Thanh thiếu niên Phật tử thực tập được sự tri ân đối với những người lao động ban đêm vất vả. Bởi nhờ có những cô công nhân vệ sinh đang phải cật lực làm lụng vất vả, quét dọn từng tuyến phố, chúng ta mới có một thủ đô sạch sẽ văn minh, một bầu không khí trong lành của những sớm mai thức dậy. Nhờ có những người bán hàng nước ban đêm, mà những người lao động mới có chỗ để giải khát, để nghỉ ngơi. Và khi nhìn vào những người vô gia cư, mỗi chúng ta đều thấy rằng mình còn quá may mắn với cuộc sống này. May mắn bởi chúng ta còn có một mái ấm để đi về, có những bữa cơm ngon đang chờ, có cha mẹ để yêu thương chăm sóc, có đôi tay để đỡ ta dậy khi vấp ngã. Còn họ - những người đang phải nằm đất phơi sương, họ không còn cha mẹ trên đời, họ cũng chẳng còn mái ấm để về, cũng không có những bữa ăn nóng sốt chờ họ ở nhà. Họ tự mưu sinh để đổi lấy từng ngày được sống.
Các bạn Thanh thiếu niên Phật tử đã được lắng nghe những câu chuyện, những sự sẻ chia của họ - các ông các bà vô gia cư, các cô các bác lao động ban đêm đầy khổ cực. Họ kể về những mảnh đời, những sự đau lòng, những nỗi buồn thương hằn sâu trong lòng họ. Và các bạn cũng chẳng thể quên giọt nước mắt rơi trên má một cụ ông tuổi ngoài 80 khi cài lên ngực áo bông hồng trắng đơn côi, cụ nhớ cha mẹ khôn nguôi mà chẳng còn cơ hội được gặp lại, được báo đền công ơn cao dầy của cha mẹ. Rồi có người đàn ông vô gia cư trên phố Lê Thánh Tông, khi nghe các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chia sẻ về ý nghĩa mùa Vu Lan báo hiếu, người đàn ông ấy đã quay mặt đi che giấu những giọt nước mắt, chỉ kịp nói “Mai chú cũng lên chùa Quán Sứ, chú sẽ thắp hương cho bố mẹ chú. Chú nhớ bố mẹ lắm, chú ra đi khi bố mẹ còn sống ở nhà. Bây giờ bố mẹ mất rồi chú không muốn về nữa, chú lang thang thôi. Chú hối hận lắm rồi…Chú nhớ lắm cháu ạ”….
Con có mẹ  - con còn tất cả,
Mẹ đi rồi, tất cả cùng đi
Trong huyệt lạnh mẹ có nghe con khóc
Khóc bây giờ và mãi mãi ngàn sau.
Vô vàn những câu chuyện éo le, đầy ắp những nỗi đau bất hạnh, có những người mẹ phải đi nhặt rác để nuôi con đang nằm viện chữa bệnh, có những người con cãi nhau với cha mẹ bỏ đi và khi quay lại cha mẹ cũng đã không còn trên đời này, cũng có cả những người bà bị con cháu mình đuổi ra khỏi nhà, phải đi tìm chốn nương thân…Tất cả những con người ấy đều đang phải chịu đựng một cuộc sống vô cùng vất vả, khó khăn. Và khi nhận được những món quà từ các bạn Thanh thiếu niên Phật tử họ vô cùng bất ngờ, họ hạnh phúc và thấy mình ấm áp vì có được những sự sẻ chia, sự quan tâm chân thành từ những người trẻ, họ hiểu về tinh thần hiếu đạo của người Việt qua từng bông hoa cài áo. Bông hoa đó không đại diện cho Đạo Phật, mà đại diện cho tinh thần Hiếu đạo của dân tộc Việt, của mỗi người con Việt. Bông hoa đó không phân biệt tầng lớp trong xã hội, bất kể chúng ta là ai, bất kể chúng ta làm gì ở đâu, chúng ta đều có thể cài lên ngực áo bông hoa hiếu đó. Để chúng ta nhận ra giá trị sống của bản thân mình, nhận ra tình yêu thương bao la vô bờ bến và tự nhủ biết sống sao cho tốt với công lao sinh thành dưỡng dục tựa biển trời của cha mẹ.
 
  
   
   
  
   
  
   
   
   
   
  
   
   
  
   
  
  
  
   
   
 
Đúng 4h00 sáng, Đoàn thanh thiếu niên Phật tử của hai câu lạc bộ đã kết thúc chuyến hành trình ban đêm, trở về Tổ đình Bồ Đề - quận Long Biên – HN để chuẩn bị thực hiện nghi thức cúng dàng chư Tăng nhân ngày Tự tứ. 
Phật dạy: Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của các chư tăng, sau ba tháng An cư Kiết hạ, thân tâm rất thanh tịnh, vì vậy lời chú nguyện của các chư tăng có nhiều năng lực giải trừ phần nào các nghiệp chướng. Phật khuyên Ngài Mục Kiền Liên mua sắm lễ vật dâng cúng lên chư tăng và các Hiền Thánh ngày Rằm tháng Bảy và xin các ngài chú nguyện cho, thì cha mẹ bảy đời quá vãng cũng như hiện tiền đều được nhiều ơn phước cứu độ. 
Ngài Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày Rằm tháng Bảy mua sắm lễ vật dâng cúng các Chư Phật, các Hiền thánh và xin các Ngài chú nguyện cho mẹ. Ngay trong ngày đó Mẹ ngài Mục Kiền Liên được giải thoát kiếp ngạ quỷ và sinh lên cõi Trời.
Vì thế, các bạn Thanh thiếu niên Phật tử hai câu lạc bộ đã chuẩn bị 115 phẩm vật tùy hỷ, tùy tâm để dâng cúng dàng chư Tăng Ni hành giả an cư nhân ngày Tự tứ, noi theo gương hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả.
Đồng thời, trong dịp này các bạn cũng đã có phúc duyên được cài lên ngực áo chư tôn đức hiện diện những bông hoa vàng giải thoát nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, được tận tay dâng phẩm vật cúng dàng trong sự chứng minh của mười phương chư Phật và sự hoan hỷ của chư tôn đức.
 
  
  
   
  
  
  
  
   
   
   
  
  
   
Nguồn: Chùa Bằng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin