Chi tiết tin tức

BÓNG BỒ-ĐỀ CHỞ CHE - Bài 1: Đại đức về núi lập chùa, cưu mang học trò ăn học

18:09:00 - 12/06/2014
(PGNĐ) -  Một hành trình khá dài để đến được ngôi chùa nằm sâu trong vùng đồi núi, đường đi nhấp nhô, quanh co.
Khi đến nơi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì nơi hẻo lánh này lại có một ngôi chùa, rất đông các bạn trẻ được nuôi dưỡng tại đây trong sự bảo bọc của thầy Thích Chơn Nguyên - người khai sơn ngôi chùa Liên Sơn (gần sát Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai), với ước mơ “tụi nhỏ được đến trường, ăn học đàng hoàng, thoát nghèo, giúp đời”…
 
anh 1, PGTT, GN 747.jpg
ĐĐ.Thích Chơn Nguyên xắn tay làm từ thiện tới vùng sông nước còn nghèo - Ảnh: Huy Duy

Con đường thiện nguyện

Sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, trong một gia đình có 6 anh em (4 trai, 2 gái), thầy là người con thứ 5. Khi vừa bước vào độ tuổi 26, đương lúc công danh, sự nghiệp, tiền tài đều có, đời sống thoải mái, sung túc, nhưng thầy lại từ bỏ và quyết chí đi tu. “Lúc đó, gia đình, anh chị em đã phản đối kịch liệt, không muốn cho tôi xuất gia, nhưng khi hiểu được tâm ý của con nên mọi người đành chấp nhận”, ĐĐ.Thích Chơn Nguyên kể.

Thầy xuất gia tại thiền viện Quảng Đức (Thủ Đức, TP.HCM), là đệ tử của HT.Thích Quảng Liên. Tại mái chùa này thầy đã chuyên tâm tu học được 4 năm, với tấm lòng yêu thương mọi người, có hoàn cảnh sống khó khăn mà nhất là các em nhỏ, bé bỏng, phải chịu nhiều mất mát về tình cảm. Trước khi đến với mảnh đất gắn bó này thầy đã nhiều lần thực hiện những chuyến thăm đến các vùng sâu, vùng xa, thấy được sự khó nhọc của các em nhỏ, gia đình không có đủ tiền cho các em ăn học, nhiều em phải chịu nhịn thèm vì không có tiền mua quà bánh...

Đó là động lực thôi thúc, để năm 2012 thầy quyết định về “an cư” tại tổ 7, ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai - mua đất thành lập chùa. Ban đầu, thầy đã nhận 6 em nhỏ gồm 3 trai, 3 gái về chùa nuôi dưỡng, đa phần các em có những hoàn cảnh khá đặc biệt, cha mẹ bỏ nhau, gia cảnh nghèo khó, không đủ lo cho các em - thầy xem các em như những đứa con trong nhà.

Thành lập một ngôi chùa ở miền núi đã khó, nay còn nhận nuôi trẻ trong điều kiện còn khó khăn hơn, ở sâu trong vùng đất vắng người, điều kiện sinh hoạt khó khăn, cả về điện, nước… Thầy vừa quản lý công việc ở chùa, vừa chạy đi chạy về ở Sài Gòn để tiếp tục chương trình học tại Học viện Phật giáo VN (năm 3, khoa Triết). Khó khăn, nhọc nhằn là thế nhưng thầy lúc nào vẫn cười tươi, hoan hỷ, nhất là khi nhắc về các em nhỏ ở chùa.

“Ôi mấy đứa này lì lắm, tối ngày để bị la hoài, nhưng vắng chúng thì buồn lắm”, thầy nói thiệt tình. Đến giờ thì số trẻ của thầy xấp xỉ gần 100, để duy trì và phát triển cho đến ngày nay cũng nhờ vào bàn tay của Phật tử gần xa, các mạnh thường quân biết và quý thầy, đã đến đây tiếp sức. Thầy bảo, ở đây người dân dễ thương lắm, luôn gần gũi và giúp đỡ nhà chùa, các mạnh thường quân xa gần ai có gì giúp nấy: gạo, dầu, nước tương, tập, sách, bút, bàn học… Tất cả đều góp lại cho các em ăn học, có điều kiện cho các em sinh hoạt khỏe mạnh.

Hiện tại khuôn viên chùa khá rộng, chia làm hai khu, một bên cho các em nam, một bên cho các em nữ, em lớn chăm sóc em nhỏ, giờ giấc phải đúng theo quy định, mặc dù sống trong tập thể nhưng các em luôn hòa đồng, biết yêu thương lẫn nhau, xem nhau như anh em trong một gia đình. Đây là thành quả rất lớn từ công lao dạy dỗ và chăm sóc của thầy, vừa đảm nhận vai trò của một người cha, vừa đảm nhận vai trò của một người mẹ, chia sẻ ân cần, cho các em tình thương mà các em thiếu thốn.

Nụ cười từ mảnh đất vắng người

Dù ở nơi vắng vẻ, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng người ta vẫn có thể nghe, cảm nhận được niềm hạnh phúc từ những đứa trẻ. Mỗi mùa Trung thu về, thầy tổ chức nhiều trò chơi dân gian, đốt đèn trung thu, mỗi em đều được thưởng thức mùi vị của chiếc bánh trung thu trong ngày Tết dành cho thiếu nhi. Ngày lễ, Tết, nhà chùa trang bị hai đầu lân cho các em múa vui.

anh 2, PGTT, GN 747.jpg
Các em nhỏ được dưỡng nuôi nơi mái chùa Liên Sơn - Ảnh: Huy Duy

Trong khuôn viên chùa còn có một lớp học - nơi dành cho việc dạy chữ, văn hóa cho các em, nhà chùa đã trang bị được gần hết 100% xe đạp - phương tiện đi lại cho các em đến trường, vì trường cách chùa khá xa, khoảng 5km.

Thầy cười bảo: “Ở đâu cũng có... tai mắt của thầy, đứa nào đi học về mà quậy phá, la cà là người dân điện về cho thầy hay liền, nên đa phần các em rất ngoan ngoãn, đi học lúc nào cũng đi đúng giờ”. Ngày nào thầy vắng nhà, các em cũng có thể tự nấu ăn cho mình, quây quần bên nhau, đứa lớn dạy chữ cho đứa nhỏ. Hiện, thầy còn bảo trợ cho hai sinh viên, một sinh viên học Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, một em Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Trong những lúc tiếp xúc gần gũi với các em, thầy luôn đem những lời dạy của Đức Phật hướng dẫn cho các em biết sống cho tốt, sống ý nghĩa, chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Thầy tâm sự, tâm nguyện của mình là làm việc gì cũng đem lại lợi ích cho mọi người, người dân nơi đây còn nghèo khó, nhà chùa cũng trong lúc khó khăn rất nhiều, tuy nhiên nếu giúp được gì thì nhà chùa luôn giúp cho bà con. “Ở đây có thể không có nhiều, một bữa cơm chay, hay đơn giản là trông nom các em nhỏ cho họ yên tâm đi làm kiếm tiền, là cách hỗ trợ của chúng tôi”, thầy nói.

Về phía chính quyền luôn lấy làm phấn khởi, hoan nghênh công việc của thầy, từ ngày có thầy về đây, mảnh đất vắng lặng hình như có thêm tiếng cười, không khí nhộn nhịp, hoan hỷ hơn.

Trần Hà Vân
 

_____________

>> Bài 2: Rộng lòng đón những mầm non côi cút
Nguồn: Giác Ngộ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin