Chi tiết tin tức

Cảm xúc trên đường tu

21:14:00 - 22/02/2022
(PGNĐ) -  Mấy hôm trước tôi có xem một chương trình thực tế đầy tính nhân văn trên truyền hình, thấy những cảnh đời rất thương tâm, tự dưng lòng xúc cảm dâng trào, thương quá những con người như thế, nước mắt cứ vậy trào ra lăn dài trên đôi má.

Ảnh minh họa

Tôi ý thức rất rõ về mình, biết rõ cảm xúc đang dâng lên, biết rõ những giọt nước mắt rơi xuống. Tôi cảm nhận cảm xúc ấy thật đẹp, những giọt nước mắt ấy cũng thật đẹp, long lanh đong đầy những xúc cảm yêu thương vô cùng. Nhưng rồi tôi tự hỏi, liệu một người thực hành đạo Phật thì có nên có những cảm xúc như thế hay không? Một người thực tập con đường giải thoát thì không được phép có bất cứ loại cảm xúc nào? 

Lúc xem chương trình, tôi ý thức rất rõ về bản thân, về những gì diễn ra trên truyền hình, nhưng tôi không tài nào ngăn chặn được cảm xúc đó. Nó dâng lên một cách tự nhiên khi mắt duyên vào cảnh tượng thương tâm ấy. Từ kinh nghiệm đó, tôi biết rằng mục đích của người thực hành đạo Phật không phải là tiêu diệt hết mọi cảm xúc để trở nên gỗ đá, dửng dưng vô cảm. Câu chuyện bà lão đốt am trong Góp nhặt cát đá sau đây, theo tôi, là ngụ ý vấn đề cảm xúc, nhằm thức tỉnh những ai có cái nhìn sai lạc về cảm xúc trên bước đường thực tập tâm linh của mình:

Có một bà lão dựng cái am và chu cấp nhu yếu phẩm cho một ông Tăng chuyên tu tập trong suốt hai mươi năm trời. Một hôm, bà muốn biết ông Tăng tu tập tiến bộ thế nào, bèn nhờ cô gái đưa cơm cho ông Tăng, ôm lấy ông ấy với những cử chỉ đầy tình tứ, rồi hỏi ông ấy cảm thấy thế nào. Ông Tăng đáp: “Như cây khô kề đá lạnh, như trời đông băng giá không chút hơi ấm”. Cô gái trở về thuật lại sự việc, bà lão tức giận, than rằng: “Uổng công cung dưỡng ông ấy trong hai mươi năm”. Nói xong, bà liền đuổi ông ấy đi và thiêu rụi cái am.

Thực tập đạo Phật để trở nên gỗ đá, chai lì, mất hết cảm xúc là một nhận thức lầm lạc. Cảm xúc là tự nhiên, vì vậy vấn đề không phải là tiêu diệt cảm xúc, mà làm chủ nó, ngang qua tỉnh thức, không để mình bị đồng hóa với cảm xúc rồi để chúng dẫn mình đi trong vô minh thất niệm. Điều cốt yếu trong thực hành Phật giáo là phải luôn tỉnh thức để thấy ra bản chất thật sự của cảm xúc là gì, chúng sinh diệt, đến đi như thế nào. Đó cũng là cách kiểm soát, làm chủ cảm xúc theo đạo Phật, vì công năng của tỉnh thức chánh niệm luôn có sức mạnh soi sáng và chuyển hóa mọi cảm xúc mà không phải trấn áp hay phải cố sức tiêu diệt hết mọi cảm xúc không cho chúng sinh khởi. 

Bài kinh Niệm xứ (Satipatthana sutta), thuộc Trung bộ kinh, là bài kinh dạy về thiền tập cốt lõi trong đạo Phật. Ở đấy, Đức Phật không dạy ta trấn áp hay phải làm sao để tiêu diệt hết mọi cảm xúc, mà Ngài chỉ nói khi có cảm xúc gì khởi lên thì biết rõ cảm xúc đó, khi không có cảm xúc gì thì cũng biết rõ là không có cảm xúc gì. Cảm xúc tự nhiên cứ vậy đến đi, sinh diệt dưới ánh sáng của tỉnh thức nên ta luôn có tự do đối với chúng. Đức Phật dạy:

“Khi có một cảm thọ khoái lạc, vị khất sĩ ấy ý thức rằng ta đang có một cảm thọ khoái lạc. Khi có một cảm thọ khổ đau, người ấy ý thức rằng ta đang có một cảm thọ khổ đau. Khi có một cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau, vị ấy ý thức rằng ta đang có một cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau. Khi có một cảm thọ khoái lạc vật chất, vị ấy ý thức rằng mình đang có một cảm thọ khoái lạc vật chất. Khi có một cảm thọ khoái lạc tinh thần, vị ấy ý thức rằng mình đang có một cảm thọ khoái lạc tinh thần. Khi có một cảm thọ khổ đau vật chất, vị ấy ý thức rằng mình đang có một cảm thọ khổ đau vật chất. Khi có một cảm thọ khổ đau tinh thần, vị ấy ý thức rằng mình đang có một cảm thọ khổ đau tinh thần… Và như vậy, vị ấy an trú một cách tự do, không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận”.

Thái độ tỉnh thức chánh niệm là thái độ của tự do, buông xả, tức không đeo bám vào cảm xúc tốt, cũng không cố diệt trừ cảm xúc xấu.

Cảm xúc là tự nhiên, vấn đề là thái độ của ta đối với cảm xúc mới là điều then chốt trong thiền tập. Ta luôn trông đợi những cảm xúc tốt đẹp đến với mình và cố loại trừ những cảm xúc không tốt ra khỏi ta, đấy là sai lầm căn bản trong thiền tập, đi ngược lại với tinh thần chánh niệm tỉnh giác của đạo Phật. Thái độ luôn ưa thích những cảm xúc tốt và loại trừ những cảm xúc xấu là thái độ dính mắc, bám chấp vào cảm xúc, không phải thái độ của tỉnh thức chánh niệm. 

Thái độ tỉnh thức chánh niệm là thái độ của tự do, buông xả, tức không đeo bám vào cảm xúc tốt, cũng không cố diệt trừ cảm xúc xấu. Mark Epstein, nhà tâm lý trị liệu người Mỹ, nghiên cứu chuyên sâu đạo Phật, áp dụng phương pháp tâm lý trị liệu Phật giáo vào việc chữa trị những bệnh nhân của ông, đã có phát biểu về điều này rất chính xác. Ông nói: “Khi ta thiền tập với ý định loại trừ những cảm xúc của mình, là ta vô tình ban cho chúng nhiều quyền năng hơn. Quan điểm của đạo Phật nhấn mạnh về sự chuyển hóa hơn là sự tiêu diệt mọi cảm xúc. Và ta thực tập chuyển hóa không phải bằng cách loại trừ những tình cảm khó khăn, mà bằng cách nhìn cho sâu sắc, bằng sự thấy ra”.

Trong rất nhiều bài kinh, ta thường bắt gặp lời dạy này của Đức Phật: “Này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; Khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết pháp, không có ưa thích, không có ghét bỏ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác”.

Không có ưa thích, không có ghét bỏ, ta thường nhầm lẫn đó là cảm xúc, nhưng thật ra đó là thái độ của ta chứ không phải cảm xúc. Nếu khi mắt thấy sắc, khi tai nghe tiếng…, không có cảm giác, cảm xúc gì cả, vậy là gỗ đá, là dửng dưng vô cảm hay sao? Đạo Phật có bao giờ giáo dục triệt tiêu cảm xúc của con người đâu. Trước một bông hoa đẹp hay một khung cảnh yên ả thanh bình nên thơ, ta cảm nhận một sự nhẹ nhàng lâng lâng thư thái. 

Cảm giác ấy, đạo Phật không bắt ta phải diệt và cũng không thể diệt được. Làm sao ta diệt được cảm giác khi mắt ta thấy sắc, tai ta nghe tiếng, mũi ta ngửi mùi, thân ta xúc chạm…? Cho nên, “mục đích giáo dục của đạo Phật không phải là chấm dứt những trải nghiệm về cảm xúc mà là tránh trở thành nô lệ cho chúng. Thật vô nghĩa khi cố gắng ngăn chặn những suy nghĩ và cảm xúc phát khởi bởi dù sao đi nữa thì chúng sẽ vẫn dâng trào trong tâm trí” (Matthieu Ricard).

Cảm xúc là điều tất yếu phải xảy ra khi căn cảnh tiếp xúc với nhau. Cho nên cảm giác, cảm xúc là bản chất tự nhiên của con người. Cảm giác, cảm xúc ấy, trong tâm lý học truyền thống Phật giáo, gọi là thọ. Thọ là tự nhiên. Có xúc thì có thọ. Đạo Phật không dạy ta diệt thọ, chỉ dạy ta diệt ái. Ái là thái độ phản ứng đằng sau thọ. Hai bộ mặt của ái thường biểu lộ: đó là ưa thích và ghét bỏ. Ưa thích là thái độ của tham. Ghét bỏ là thái độ của sân. 

Cho nên ưa thích và ghét bỏ không phải nói đến cảm xúc hay thọ, mà nói đến thái độ tham sân, tức ái. Không ưa thích, không ghét bỏ, nghĩa là ta dừng lại cảm nhận nơi cảm xúc, nơi thọ mà không bước thêm bước nữa. Bước nữa sẽ rơi vào ái. Ví dụ, ngắm một bông hoa đẹp, ta có cảm giác vui thích nhẹ nhàng và dừng lại ở cảm giác vui thích thanh tao nhẹ nhàng đó mà không thêm gì nữa. Trên cái vui thích nhẹ nhàng đó mà lòng ta cựa quậy muốn chiếm hữu nó, muốn nó thuộc về mình, đó là ta đã vượt qua thọ bước đến ái. Cái ái này được Trúc Lâm Tam tổ Huyền Quang diễn tả bằng hình ảnh qua thơ:

Năm năm nở đúng tiết thu qua

Gió dịu trăng thanh ý mặn mà

Cười kẻ không hay hoa huyền diệu

Khi về, mái tóc giắt đầy hoa.

(Trích bài thơ Hoa cúc)

“Khi về, mái tóc giắt đầy hoa” là hình ảnh của ái, của sự chiếm hữu. Ngắm một bông hoa đẹp, lòng lâng lâng nhẹ nhàng, đó là sự huyền diệu của hoa, cũng là sự huyền diệu của cảm xúc, nhưng khi lòng móng khởi chiếm hữu nó, để làm sở hữu cho riêng mình thì sự huyền diệu của hoa, của lòng xúc cảm tuyệt vời đó không còn nữa. “Cười”, ấy là thương. Đức thiền sư thi sĩ thương cho những người không biết tận hưởng cảm xúc tuyệt diệu khi ngắm một bông hoa đẹp của đất trời ban tặng, mà để ái xen vào làm hoen ố cảm xúc ấy đi.

Trên con đường thực hành Phật giáo, mục đích là loại bỏ tham ái chứ không phải tiêu diệt cảm xúc. Một bậc thánh giác ngộ trong đạo Phật là người đã đạt đến trạng thái “trong cảm thọ chỉ là cảm thọ”, nghĩa là trong cảm xúc chỉ là cảm xúc mà không có thái độ bám luyến hay xua đuổi cảm xúc. 

Cho nên, trên đường tu, hãy để cảm xúc “chỉ là cảm xúc” mà thôi, đừng thêm gì nữa! 

 

Hoàng Nguyên

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin