Chi tiết tin tức Học cách yêu thương để hóa giải hận thù 09:33:00 - 13/08/2015
(PGNĐ) - Tiếp tục câu chuyện “Để tình yêu không thành nỗi đau” (GN 806), kỳ này, ĐĐ.Minh Niệm (tác giả cuốn Hiểu về trái tim), hiện đang hướng dẫn thiền và tâm lý trị liệu tại Hoa Kỳ đã dành thời gian chia sẻ với bạn đọc.
ĐĐ.Thích Minh Niệm (ảnh) phân tích:
- Tình yêu chân thật bây giờ cũng không chốn dung thân. Người trẻ đến với tình yêu chỉ vì nhu yếu, cần được yêu và cần có người để yêu, để thỏa mãn bản năng, để cho có chỗ dựa tinh thần, để trang trí cho cái tôi, để khỏa lấp nỗi cô đơn trống trải, để làm cho giống hay đối phó với những người xung quanh. Họ dần quên đi ý nghĩa cao đẹp của tình yêu, đó là sự hiến tặng và chia sớt, là sự nâng đỡ và bao dung. Yêu nhau, họ chỉ mang đến cho nhau những cảm giác thỏa mãn trong nhất thời nhưng lại gieo rắc nỗi khổ niềm đau cho nhau triền miên khôn xiết. Đúng ra, yêu cũng phải học. Vì nếu chỉ có bản năng ham thích và cuồng nhiệt thôi, chỉ có sự đòi hỏi và vắt kiệt năng lực nhau thôi, thì sớm muộn gì tình yêu ấy cũng sẽ lụn bại. Chán chường rồi từ bỏ. Từ bỏ không được thì làm khổ nhau. Nhiều người trẻ lớn lên chỉ biết có học hành, chỉ biết kiếm tiền, chỉ biết làm đẹp bề ngoài, chỉ biết gây sự chú ý cho người khác, chứ họ không có khả năng lắng nghe, cảm thông hay nhường nhịn ai cả. Họ không nghĩ rằng muốn thương yêu ai đó thì phải buông bỏ bớt cái tôi ích kỷ của mình. Mà dù có biết cũng không làm được, vì họ đâu có chịu rèn luyện kỹ năng và hàm dưỡng tâm hồn. Họ không có hơi sức để làm những chuyện đó. Tình yêu mà được xây dựng trên nền tảng của sự vị kỷ, của sự lợi dụng, của sự thỏa mãn nhục dục, thì tình yêu ấy không có sức sống, không có thật. Đó chỉ là sự trá hình. Vì khi yêu thương thật lòng một ai đó thì ta sẽ không bao giờ để cho họ khổ, chứ nói gì muốn làm cho họ khổ. Thưa Đại đức, Đức Phật đã dạy về tình yêu nam nữ như thế nào? - Trong một luôn chứa cái tất cả. Cũng như hoa sen được làm bởi những yếu tố phi hoa sen. Nước, không khí, ánh nắng mặt trời, khoáng chất hay bùn cũng đều không phải là hoa sen, nhưng nếu không có chúng thì không có cái gọi là hoa sen. Chỉ cần một yếu tố trong đó không có mặt thì hoa sen cũng không thể có mặt. Có thể nói chẳng có gì là hoa sen cả, hoa sen chẳng qua chỉ là sự tập hợp của những yếu tố không phải hoa sen. Thế nên, nếu hoa sen biết rõ sự thật này thì hoa sen sẽ không thấy mình là đặc biệt, là đáng tự hào hay kiêu ngạo. Hoa sen sẽ tôn trọng và yêu thương những gì làm ra nó. Hoa sen không vun vén quyền lợi cho cái tôi riêng biệt nào của hoa sen cả. Kinh tế hay tình yêu cũng vậy, cũng không phải là một cái gì đó riêng biệt. Kinh tế được làm bởi những yếu tố phi kinh tế và tình yêu cũng được làm bởi những yếu tố phi tình yêu. Kinh tế không thể đứng vững khi những yếu tố không phải là kinh tế như chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo… bị lung lay; tình yêu cũng không thể tồn tại khi những yếu tố có vẻ như không có liên quan gì đến tình yêu như sức khỏe, trí tuệ, lý tưởng, niềm tin… bị suy sụp. Vậy nên khi ta quan tâm những yếu tố phi kinh tế hay phi tình yêu, thì cũng tức là ta đang làm kinh tế hay nuôi dưỡng tình yêu. Yêu nhau mà suốt ngày chỉ quấn chặt vào nhau chứ chẳng quan tâm gì đến những mối liên hệ xung quanh hay bất cứ những giá trị cơ bản nào khác của một sự sống cân đối, thì ta đã tự cô lập tình yêu của mình rồi. Ta không biết nuôi dưỡng những yếu tố phi tình yêu thì cũng tức là ta đang hủy diệt chính tình yêu của mình. Cho nên, Đức Phật khuyên chúng ta nên thực tập giới, giữ lằn ranh không thể vượt qua, chỉ nên trao thân với người đã thực sự là vợ hay chồng của mình, người mà mình đã thực sự thấu hiểu và sẵn sàng chia sớt những khó khăn và cả những nguyện vọng lớn lao trong cuộc đời với mình. Nếu không, tình yêu sẽ rất dễ giới hạn trong nhục dục, và ta sẽ chịu đau đớn dai dẳng khi mình không giữ được người đó. Giữ giới chính là giữ gìn cho nhau. Đức Phật thường đề cập đến 4 chất liệu chính của tình thương chân thật: từ, bi, hỷ và xả. Từ (maitri) là khả năng hiến tặng những gì đem tới giá trị hạnh phúc đích thực cho đối tượng thương yêu; bi (karuna) là khả năng chia sớt những khó khăn hay nỗi khổ niềm đau; hỷ (mudita) là khả năng khuyến khích và nâng đỡ những cái hay cái đẹp hay ước vọng; xả (upeksha) là khả năng bao dung và buông bỏ những yếu kém hay lầm lỡ của người mình thương. Bốn khả năng này nếu luyện tập thì có thể mở rộng tới mức không biên giới, yêu thương mà không điều kiện, thì gọi là tứ vô lượng tâm. Yêu thương bấy giờ không còn là nhu yếu của bản ngã, mà vì đối tượng. Theo khám phá mới nhất các nhà thần kinh học ở Mỹ, thì sự quan tâm (caring) hay chia sớt là trạng thái hạnh phúc cao nhất của con người. Nó đứng trước cả sự hài lòng (contentment) và bình yên nội tại (inner peace). Trong vị trí xếp hạng này hoàn toàn không có chỗ đứng cho sự thỏa mãn (satisfaction) hay sự hưng phấn (excitement) - định nghĩa về hạnh phúc xưa cũ của nền văn minh nhân loại. Tóm lại, sự vị tha đem lại hạnh phúc cho con người gấp bội lần sự vị kỷ. Thầy có thể đề xuất một số phương pháp giúp giới trẻ vượt qua những bất ổn trong tâm lý của tuổi trẻ khi họ bị người yêu chối bỏ tình cảm? - Khi một con hổ bị thương thì nó lập tức rút lui về hang để tự chữa trị. Nó ý thức rằng nó phải có trách nhiệm chữa trị vết thương của nó chứ không chờ đợi sự cứu giúp của kẻ khác; và nó cũng ý thức là trong bản thân của nó có khả năng tự chữa trị rất cao. Nó chấp nhận nhịn đói suốt vài tuần lễ không đi săn mồi để nằm yên và liếm láp vết thương. Nếu nó không chịu nổi cảm giác nhịn đói mà phải rời hang để săn mồi thì nó sẽ chết. Nó không bị bầy thú hung dữ khác tấn công, thì chính con mồi mà nó đưa vào bụng cũng sẽ giết chết nó vì nó không còn sức để tiêu hóa. Khi bị trọng thương, dù ngoài thân hay trong tâm, thì chúng ta cũng cần có thời gian dừng lại nghỉ ngơi để tịnh dưỡng và điều trị. Thay vì tiếp tục rượt đuổi theo kẻ mà ta nghĩ rằng đó là nguyên nhân đem tới nỗi khổ niềm đau cho ta, thì ta hãy quay về chính mình để hàm dưỡng tâm hồn. Hàm dưỡng có nghĩa là tạm thời cắt đứt những liên hệ bên ngoài để dồn hết năng lượng quay vào bên trong. Tâm hồn của ta cũng giống như một mảnh đất, nếu bỏ bê không chăm sóc thì dây leo cỏ dại mọc đầy. Tâm hồn ta sở dĩ bị thương tổn cũng là do một thời gian quá lâu ta đã ruồng bỏ nó để chạy theo những đối tượng bên ngoài. Ta tin rằng những đối tượng thương yêu hay hấp dẫn bên ngoài có thể làm cho ta hạnh phúc. Nhưng ta đã lầm. Không ai có thể làm cho ta hạnh phúc ngoài chính ta cả. Khổ đau cũng vậy. Bởi hạnh phúc hay khổ đau là do sự cảm nhận của con tim chứ không phải là do ngoại cảnh. Ngoại cảnh hay kẻ khác chỉ đóng vai trò tác nhân. Khi đã quyết tâm không truy cứu kẻ khác nữa, thật lòng muốn chịu trách nhiệm cho vết thương của chính mình, thì có 3 giải pháp mà chúng ta có thể chọn lựa để thực hiện chương trình “hàm dưỡng tâm hồn”. Một là, ta nên tham dự vào một khóa thiền tập 7 ngày hoặc 10 ngày. Đây là sự chọn lựa tối ưu nhất, vì trong suốt thời gian này tâm ta rất ít có cơ hội nghĩ tưởng vẩn vơ để dẫn đến những hành động dại dột. Những bài thiền tập sẽ giúp ta quay về nương tựa chính mình. Trong thời gian đó dù ta không đạt được những kết quả cao, nhưng ít nhất là ta được gửi thân và tâm vào một môi trường lành - nơi có những con người quyết tâm chuyển hóa phiền não.
Giải pháp dễ hơn đó là trở về gắn kết với thiên nhiên. Ta có thể thực hiện những chuyến đi cắm trại vài ngày nơi miền hoang dã, vì thiên nhiên luôn ứa ra năng lượng an lành, tươi mát, và từ thiên nhiên chúng ta sẽ học được rất nhiều nguyên tắc sống. Giải pháp dễ hơn nữa đó là làm thiện nguyện. Công tác thiện nguyện cũng mang lại cho ta nhiều niềm vui, có thể giúp ta tạo thêm phước lành, và ngoài ra còn giúp ta tiếp cận với những đối tượng không may mắn để ta được đánh thức và trân quý những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có trong tầm tay. Tuy nhiên công tác thiện nguyện cũng nên cân nhắc chọn lựa cho phù hợp, vì nếu không khéo ta lại chạy theo ngoại cảnh, đánh mất cơ hội và quay vào bên trong để chữa lành vết thương. Khi vết thương đã lành lặn, khi tâm hồn ta đã yên ổn, thì việc yêu thương một người nào không còn là thái độ tìm kiếm chỗ dựa dẫm hay phục tùng cho những ham muốn ích kỷ. Theo thầy, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc tâm lý con em như thế nào khi các em có những rung động đầu đời? - Nếu gia đình là môi trường thoải mái, ấm áp, và ngập tràn yêu thương thì sẽ giúp cho người trẻ có điểm tựa an toàn. Họ sẽ bớt lao ra ngoài tìm kiếm và dựa dẫm tình cảm vào những đối tượng khác. Ngoài ra, để người trẻ có thể lắng nghe và học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước, thì cha mẹ cũng cần phải học hỏi cách truyền thông làm sao để không tạo ra sự ngăn cách hay phản tác dụng. Cha mẹ nếu thực sự thương con, muốn cho con có hạnh phúc thì cha mẹ cũng phải tu luyện rất nhiều mới có thể buông bỏ bớt những định kiến hay thói quen áp đặt của mình. Thay vì ngăn cấm con mình không được thương yêu người nào đó thì mình nên mở lòng ra đón nhận, quan sát, và hướng dẫn con mình một lối đi an toàn và vững chắc. Ta đã từng thấy có những bậc cha mẹ thương con mà đã làm khổ con vì những kiến chấp và sự hẹp hòi của mình. Các bậc cha mẹ đừng bao giờ quên rằng hạnh phúc con mình là do con mình quyết định, mình chỉ đóng vai trò tác nhân, vai trò tưới tẩm và chỉ dẫn mà thôi. Và khi con mình bị thất bại trong tình cảm, chọn nhầm người, thì mình phải mở rộng vòng tay ra đón con mình về liền thay vì trách giận hay trừng phạt. Cha mẹ nếu nắm vững nghệ thuật lắng nghe và chia sẻ thì con mình dù có lớn cỡ nào nó cũng sẽ mãi chọn mình làm điểm tựa tinh thần, nhất là mỗi khi chúng sa cơ lỡ vận. Xin cám ơn thầy đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này! Đức Nhân - Lê Hà thực hiện
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |