Chi tiết tin tức Lớp học chan chứa tình người tại Bệnh viện An Bình 17:13:00 - 17/03/2017
(PGNĐ) - Đó là lớp học mỹ thuật, kết hợp điều trị cho các bệnh nhân sau tai biến, chấn thương sọ não, bị mất ngôn ngữ, khó nói, diễn tả không được, hoặc cho các em nhỏ chậm phát triển…
Những tấm lòng kiên nhẫn Thấy chúng tôi bước vào lớp học, chú Phan Minh Đức mỉm cười chào, giọng vẫn còn bập bẹ sau lần tai biến dẫn đến liệt nửa người bên phải, mất khả năng nói, viết. Sau thời gian được trị liệu với các hình thức khác nhau tại Bệnh viện An Bình, trong đó có lớp học mỹ thuật cho bệnh nhân, chú đã có thể tự chăm sóc bản thân, tự đi xe xích-lô đến bệnh viện trong những ngày lớp học diễn ra và tự vẽ bằng tay trái những bức tranh màu nước.
Là người nhà của bệnh nhân đang đợi chồng ngoài cửa lớp, cô Đặng Thị Cẩm Vân cho biết, tháng nào cũng từ Khánh Hòa đưa chú Đỗ Hữu Thiệt bị tai biến vào điều trị một tuần. “Ban đầu chú không nói được, vào đây các chuyên viên tập nói cho chú, và được hướng dẫn tập các quy trình rửa tay, tắm giặt, nấu cơm, luộc rau... để muốn nói gì thì phải sắp xếp ý diễn đạt từ đầu đến cuối. Rồi đến khi nói được thì chú không nhớ gì. Nên phải tập lại từ đầu về họ tên, địa chỉ, rồi vợ tên gì, con tên gì, các loại trái cây, đồ dùng… Phải tập miết, tập miết”, cô Cẩm Vân kể. Cô cho biết, lúc ở nhà không biết cách chăm sóc nên cô dặn chú chỉ cần nói ý chính sau đó cô diễn đạt lại. Khi vào đây điều trị, được dạy phương pháp rất khoa học, cô kiên nhẫn tập cho chú. Giờ chú tiến bộ nhiều lắm. “Hiện nay, bệnh tai biến không chỉ có người lớn mà đã trẻ hóa, nếu không hòa nhập được với cuộc sống thì tội lắm, họ sẽ sinh ra trầm cảm”, cô tâm sự. Là tình nguyện viên hướng dẫn vẽ cho các bệnh nhân hơn một năm nay, bạn Kim Ngân đang là sinh viên khoa Mỹ thuật - Đại học Sài Gòn, cho biết: “Nghe các anh chị khóa trước kể về lớp hướng dẫn vẽ giúp cho các bệnh nhân nên tôi thích và đăng ký. Khi hướng dẫn các bệnh nhân vẽ từng nét, thấy các chú tiến bộ từng ngày, tôi rất vui, nhất là khi các chú nhận ra mình, rồi nhớ tên từng đứa nữa. Nhiều khi hướng dẫn các bệnh nhân ở đây - mình phải kiên nhẫn nói đi nói lại nhiều lần các cô chú mới vẽ. Nhờ vậy, tôi học được nhiều điều về cách giảng dạy, sự kiên nhẫn, học được cách truyền đạt...”. Chị Trần Thị Anh Thư, chuyên viên Âm ngữ trị liệu tại Bệnh viện An Bình thì chia sẻ: “Bệnh nhân đến đây ban đầu họ chưa nói được, chỉ phát ra âm thanh, sau một thời gian điều trị có thể nói được một số từ dù chưa rõ nghĩa nhưng làm cho mình vui, người nhà vui”. Vì hữu ích cho bệnh nhân Lớp mỹ thuật tại Bệnh viện An Bình được thành lập từ tháng 12-2013, là hình thức điều trị kết hợp cho những người bị rối loạn về khả năng nói chuyện, giao tiếp bằng mỹ thuật và hoàn toàn miễn phí. Thạc sĩ Lê Khánh Điền, Phó Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Y học cổ truyền Bệnh viện An Bình cho biết, Âm ngữ trị liệu ở thành phố mới chỉ có một số bệnh viện có và là một ngành mới tại Việt Nam. “Khi bệnh nhân bị tổn thương sau tai biến, tai nạn… không nói được thì không biết làm gì hết”. Chính vì lẽ đó, sau khi học 2 năm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch do chuyên gia Úc hướng dẫn và có học bổng đi Úc 3 tháng, thấy có một lớp làm về mỹ thuật - Art Express Group của Bệnh viện War Memorial, thạc sĩ Điền đã đọc thêm những nghiên cứu của thế giới và từ sách vở để áp dụng cho bệnh nhân tại Việt Nam. “Chúng tôi làm những việc này là vì thấy hữu ích cho bệnh nhân. Bởi đa số người bệnh khi bị liệt, mất ngôn ngữ… thì dễ bị tách biệt ra khỏi gia đình và xã hội, nên vấn đề điều trị cho họ là mong muốn đưa họ trở về hòa nhập cuộc sống gia đình, xã hội và cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của họ”.
Khoa Vật lý trị liệu - Y học cổ truyền Bệnh viện An Bình có nhiều dạng bệnh nhân như người lớn sau tai biến, chấn thương sọ não, bị mất ngôn ngữ, khó nói, diễn tả không được, hoặc em nhỏ chậm phát triển. Có nhiều cách, có thể điều trị cho từng bệnh nhân một, để xem khiếm khuyết về mảng nào như về nói, viết, về hiểu, ghép từ, tìm từ, về phát thanh, phát âm…; hoặc điều trị theo từng nhóm và song song đó có những chương trình giúp người bệnh tăng sự tự tin, tăng khả năng giao tiếp thông qua mỹ thuật như học vẽ, học làm thiệp, học cắt dán, nặn đất sét, thư pháp… “Lớp mỹ thuật là một trong những cách giúp cho người bệnh có nhiều cơ hội giao tiếp hơn với những người bệnh giống mình, với thân nhân, với thầy thuốc, sinh viên mỹ thuật - để họ gia tăng sự tự tin”, thạc sĩ Điền cho biết. Người bệnh hoàn tất được một bức tranh giống như hoàn thành một công việc, điều đó đem lại cảm giác hữu ích cho họ vì họ có cảm thấy đã hoàn thành được công việc gì đó, vượt qua cái khó khăn của chính họ trong khi vẽ, nặn đất sét, cắt giấy dán… “Rồi bệnh nhân suy nghĩ dùng màu gì, phối màu cho tốt cũng giúp não hoạt động. Và họ học được kỹ năng mới về mỹ thuật. Nhiều bệnh nhân vô đây, giờ họ thành bạn với nhau, nói chuyện vui tươi với nhau, thấy cuộc sống ý nghĩa…”, thạc sĩ Điền chia sẻ.
Nhã An
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |