Chi tiết tin tức Mình tự tạo hạnh phúc cho mình, được không? 15:41:00 - 08/07/2024
(PGNĐ) - Sáng nay, người viết tình cờ đọc được một dòng trạng thái của một em gái trên Facebook. Em nói về việc bây giờ lên mạng xã hội nhìn thấy ai cũng thành công, giàu có, xinh đẹp, hạnh phúc, nhìn lại bản thân mình thấy thất vọng và kém cỏi. Có rất nhiều bạn bè của em ấy vào bình luận với những chia sẻ đồng cảm.
Sáng nay, người viết tình cờ đọc được một dòng trạng thái của một em gái trong danh sách kết bạn trên Facebook. Em nói về việc bây giờ lên mạng xã hội nhìn thấy ai cũng thành công hơn mình, giàu có hơn mình, xinh đẹp hơn mình, hạnh phúc hơn mình, nhìn lại bản thân mình thấy thất vọng và kém cỏi. Có rất nhiều bạn bè của em ấy vào bình luận với những chia sẻ đồng cảm. Người trẻ đang thiếu điều gì? Chị P.Ly - cán bộ công tác xã hội và cũng là bạn trên Facebook của nhân vật “em” đã nhắn tin và em đã tương tác liền ngay sau đó - một biểu hiện cho thấy em đang rất chơi vơi và chỉ đợi chờ người quan tâm, hỏi thăm. Chị P.Ly chia sẻ: “Tôi hỏi em đã bao giờ đi một chuyến đến bệnh viện tuyến đầu chưa? Năm ngoái tôi từng đi đến các bệnh viện tuyến trên để thăm khám và chữa bệnh, vì phòng bệnh quá chật nên tôi trải chiếu và mang chăn ra hành lang để ngủ. Bên cạnh chỗ tôi là một đôi vợ chồng trẻ, vợ bị bệnh K nặng. Người mẹ trẻ tâm sự phải bỏ hết công việc và con cái ở quê để lên đấy chạy chữa, giờ chẳng ước gì, chỉ cần mau được chữa khỏi bệnh để về nhà với các con. Ước muốn lớn nhất đời bạn ấy khi đó chỉ là được về với các con. Còn chị em mình thì đang có trong tầm tay điều mà người mẹ trẻ ấy ước muốn cả đời”.
Chị P.Ly lại tiếp lời, hỏi không gián đoạn: “Đã bao giờ em đi một chuyến thiện nguyện đến một vùng đất khó nào đó chưa? Hay một nơi đó có những đứa trẻ mồ côi chưa một lần nhìn thấy cha và mẹ? Ao ước trong đời của chúng là được trở về trong vòng tay của cha mẹ chúng, và ao ước đó, cũng nằm trong tầm tay của chị em mình. Hoặc một chuyến đến những vùng miền khó khăn của Tổ quốc, miền Trung - mùa lũ chẳng hạn. Thứ những người dân ở đó cần nhất cũng chỉ là gia đình được bình an, không bị mất mát thiệt hại về người cũng là tốt lắm rồi”. Em nói rằng: “Bờ bên kia sông bao giờ cũng sáng đèn”. Chị P.Ly vẫn kiên nhẫn chia sẻ: “Đúng, chúng ta luôn chỉ nhìn thấy ánh đèn lấp lánh ở bờ bên kia mà chưa từng nhìn thấy bên này bờ mình đang đứng, mình cũng là một trong những ngọn đèn tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh ấy. Thứ mà nhiều người khác ước mong, hóa ra lại trong tầm tay của mình?! Chúng ta có bố mẹ, có gia đình, có người thân, có bè bạn, có sức khỏe, có công việc, vẫn còn có khả năng kiếm ra tiền…, chẳng phải có quá nhiều thứ mà bao nhiêu người khác ước muốn đấy sao. Nhìn lên để học hỏi, điều đó đúng, nhưng cũng phải nhìn xuống để tự dành cho mình một lời động viên. Mình không cần phải trở thành tốt đẹp hơn người khác, cũng không cần sống chạy theo phán xét của người khác, đôi giày chúng ta mang, cái áo chúng ta mặc chỉ chúng ta biết nó vừa hay không, và chỉ cần ngày hôm nay của chúng ta tốt hơn ngày hôm qua đã là một sự thành công rồi”. Đến đây thì em bắt đầu có những suy nghĩ tích cực hơn và có vẻ như hiểu hơn về bản thân mình, hiểu về giá trị bản thân và những tài sản mà em đang có. Kể về nhân vật “em”, chị P.Ly cho rằng, thật ra là do em thiếu kỹ năng sống, thiếu các chuyến đi trải nghiệm thực tế và thiếu những lời khuyên đúng đắn bổ ích, thiết thực từ các mối quan hệ xung quanh. Cho nên em thiếu đi cơ hội để đánh thức, thay vào đó là tư duy lệch lạc. Đó là một trong những sự bơ vơ của người trẻ hiện nay, sống trong môi trường với nhiều mối quan hệ cả trong đời sống thực tế và trên mạng xã hội, nhưng trong 5.000 bạn bè trong Facebook thì mấy ai quan tâm nhau thật lòng? “Điều mà người trẻ cần là những người bên cạnh đủ hiểu biết, kinh nghiệm và kỹ năng sống để cho các bạn lời khuyên đúng đắn. Thế nhưng, điều đó lại phụ thuộc vào nhân duyên và may mắn của mỗi người”, chị P.Ly trăn trở. Trí thức trẻ tái tạo hạnh phúc như thế nào? Tham gia khóa tu dành cho người bận rộn của Phật giáo tổ chức, Phan Ngọc Anh - quản lý cấp trung của một doanh nghiệp tại TP.HCM bày tỏ nỗi lòng: “Mình cảm thấy giới trẻ tụi mình bây giờ có rất nhiều áp lực gánh trên vai, nào là áp lực đồng trang lứa, áp lực phải phát triển bản thân, áp lực đến từ lượng thông tin quá lớn tiếp cận mỗi ngày từ MXH…, dễ gây nên các tình trạng sức khỏe tinh thần không lành mạnh, nó bị ảo và còn bị cuốn theo trào lưu ‘chữa lành’. Đâm ra tụi mình không thật sự nhận thức được bản thân đang mắc phải vấn đề gì”. Đó cũng là lý do vì sao Phan Ngọc Anh quyết định bỏ hẳn công việc của một ngày - việc rất hiếm với bạn, để đến với khóa tu. Ngọc Anh cho biết, mình đến để trải nghiệm, lắng nghe chia sẻ của mọi người - đó chính là chiếc cầu nối đưa bản thân tìm về với chính mình, gột rửa bản thân và tái tạo cảm xúc, hoàn thiện bản thân được nhiều hơn. Với một người quản lý, bạn cho rằng việc tái tạo năng lượng lành rất quan trọng, không chỉ với cá nhân Ngọc Anh, mà nó còn có nhiều ý nghĩa - ảnh hưởng, lan tỏa đến các cộng sự làm việc chung. “Bản thân mình hạnh phúc thì cộng sự làm việc chung cũng ít nhiều được cộng hưởng năng lượng tích cực, công việc sẽ bớt đi phần áp lực”, Ngọc Anh đúc kết.
Tương tự như vậy, Thái Huỳnh - quản lý phòng kinh doanh của một doanh nghiệp cho biết bản thân “dần quen” với các khóa tu của Phật giáo và nhận ra bản thân ngày càng có nhiều thay đổi tích cực. “Tham gia khóa tu lần đầu thì tôi nghĩ mục đích của mình là để đi ‘chữa lành’, vì tôi cũng như đa số những bạn trẻ khác đều có áp lực hay lo lắng trong cuộc sống, suy nghĩ tìm đến Phật giáo hay các khóa tu để chữa lành hay một chỗ dựa để buông bỏ những nỗi lo. Nhưng những lần khóa tu sau thì tôi không còn suy nghĩ đi để chữa lành nữa mà mục đích là để tìm cho mình phương pháp nâng cao đời sống qua việc tu học và thực hành”, Thái Huỳnh chia sẻ thêm. Khác với các anh chị “bận rộn trong công việc”, Mỹ Oanh - sinh viên năm nhất Trường Đại học Văn Hiến TP.HCM lại có nút thắt rất lớn trong lòng về người anh đã mất của mình. “Ý thức được điều đó, em tìm đến thiền, đến các tu sĩ hành thiền với tâm niệm một phần là để chữa lành, và một phần học hỏi cái mà mình chưa biết, để nâng cao đời sống hiện tại”, Oanh vui mừng vì tìm được cho mình hướng đi đúng, trên bước đường xây dựng, hướng đến cuộc sống nhiều ý nghĩa của tuổi trẻ. Người trẻ xây dựng hạnh phúc cho chính mình Qua 8 lần tổ chức “Khóa tu dành cho người bận rộn”, đối tượng là các bạn trẻ, đặc biệt là trí thức, cán bộ - công chức, tôi thấy rằng có một điểm chung đó là: bây giờ các bạn không phải sống nhanh, sống vội mà là sống chìm đắm trong thế giới vật dục - hệ quả hậu hiện đại. Đa số các bạn khép mình trong vòng xoáy đi làm rồi về, thiếu tương tác thật, thiếu những giá trị thật giữa tình cảm con người với nhau; các bạn sống ảo trong không gian và lao vào công việc trong vật chất, dẫn đến mất cân bằng trong cuộc sống, trở nên rối loạn. Nhiều bạn chia sẻ với chúng tôi, tại sao có thể hiểu được “thiên hà vũ trụ” nhưng bản thân mình thì mình không? Đôi khi các bạn không biết tâm trí, cảm xúc của mình bị tổn thương chỗ nào? Các bạn bày tỏ mong muốn lớn nhất khi đối thoại với chúng tôi là: tìm ra phương cách nhận diện được chính mình. Bắt đầu từ thiền, bình tâm, chánh niệm đối thoại với chính mình, các bạn có được định lực, soi sáng góc khuất trong tâm, điểm mù trong trí; để rồi nhận diện trở lại nguồn gốc khổ đau, nó nằm ở chính khuôn mẫu được tạo ra bởi định kiến mà các bạn không thấy. Nó biểu hiện rõ nét nhất là khi các bạn muốn mà không được thì khổ đau. Khi các bạn hiểu các bạn cần gì, muốn gì, hạnh phúc là gì thì sẽ không phản ứng khi bị “dán nhãn đặt tên” và cảm thấy bình an hơn với những gì xã hội đang diễn ra chứ không phải do họ áp đặt. Thay đổi được tư duy thì hạnh phúc, bình an cũng từ đây dần được tái tạo và hiện diện. Ni sư Thích nữ Huệ Dâng, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, trụ trì chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Lan Anh - Khánh Ly
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |