Chi tiết tin tức Người mẹ thân thương 21:19:00 - 19/08/2018
(PGNĐ) - Đi khắp nẻo đường, trải qua nhiều vinh quang, nhọc nhằn, tôi hiểu ra rằng, người mẹ chính là bến bờ hạnh phúc, là điểm tựa sẻ chia bao niềm vui và những nỗi buồn của những đứa con.
1. Mẹ tôi là giáo viên trường cấp 1, 2 (nay được tách ra thành trường Tiểu học và THCS) xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1984, gia đình tôi theo bố vào Sơn Trà, Đà Nẵng mưu sinh. Nghề giáo viên của mẹ chấm dứt từ đấy. Khi ấy, bố tôi là sĩ quan quân đội mới ra trường. Cuộc sống của sĩ quan thời bao cấp với lương “3 cọc, 3 đồng” làm sao nuôi nổi gia đình 5 miệng ăn. Chân ướt chân ráo, lạ nước lạ người, không thể ngồi chờ đồng lương ít ỏi của bố, mẹ bắt đầu nuôi heo. Những lứa heo đầu chết hàng loạt do tiêu chảy làm mẹ khóc nhiều đêm. Không nản chí “thua keo này, bày keo khác”. Mẹ nói vậy và tiếp tục nuôi heo. Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm, gạo không đủ ăn nói gì đến cá thịt. Cơm độn sắn, thức ăn là rau muống luộc chấm mắm cáy là tốt lắm rồi. Mẹ nói “nhà mình nghèo, lương bố ít, nhưng các con phải học. Nhất định các con phải học nên người. Không học là khổ và nghèo mãi”. Nhiều bữa, ba anh em tôi đi học về, bụng đói meo, nhưng ăn bát cơm gạo ít, cám nhiều mà vẫn ngon miệng. Thức ăn là những con cá “đỡ ươn” chọn ra từ đống cá heo vậy mà cứ tranh nhau ăn. Ba anh em có hai cái quần lành lặn, anh mặc đi học buổi sáng, em mặc buổi chiều. Khi học cấp 3, anh em tôi vẫn mặc chung quần áo. Nhiều lúc thấy mẹ vất vả, bố thì biền biệt công tác xa nhà, tôi muốn bỏ học đỡ đần mẹ. Mẹ tôi khóc bảo: “Đời mẹ khổ, nhất định các con phải được học nên người, rau cháo cũng không được bỏ học. Chỉ có cái chữ mới cứu con người thoát nghèo con ạ”. Càng thương mẹ, anh em tôi càng phấn đấu học tập thật giỏi và không có ý định bỏ học nữa. 2. Năm 1986, theo lệnh cấp trên, bố tôi chuyển vào đơn vị mới ở Vũng Tàu công tác. Cả gia đình tôi lại lần nữa chuyển nhà. Nơi ở mới muôn vàn khó khăn. Không có nhà ở, bố mượn tạm một gian nhà của đơn vị gọi là “cho có chỗ chui ra chui vào”. Mẹ lại nuôi heo và mở thêm quán nước nhỏ ven đường kiếm tiền mua gạo. Một buổi đi học, thời gian còn lại, ba anh em tôi giúp mẹ bán quán nước, vớt bèo nấu cám nuôi heo. Từ 3 giờ sáng, tôi đạp xe hơn 7km đi xin cơm thừa của các chú bộ đội. Nhiều bữa, trời mưa đường trơn xe trượt tôi ngã vật ra đường, đầu, mặt, quần áo bết dính cơm thừa. Đổ cơm thừa vào vại, gột cho sạch quần áo tôi vội vã tới trường thì đã muộn giờ học. Thời gian lặng lẽ trôi như chứng kiến bao nhọc nhằn của cả gia đình. Tiền bán từ nuôi heo, mẹ mua cho ba anh em mỗi đứa một bộ quần áo mới và ăn một bữa cơm thịt no nê. Năm 1993, đơn vị chia cho bố tôi một mảnh đất rộng 100m2 để làm nhà ở. Mẹ tôi “mừng như sảy đầu gối”. Mẹ bán hết lứa heo, vay thêm tiền bà con, anh em, đồng đội làm nhà. Vậy là gia đình tôi có nhà mới. Hai em tôi vào đại học, còn tôi ra trường. Đúng lúc ấy, mẹ tôi ngã bệnh. Mẹ bị sỏi thận. Hôm đưa mẹ đến Bệnh viện 175 khám, trời nắng chang chang. Tôi đã khóc khi bác sĩ nói: “Mẹ em bị suy tim độ II, hẹp hở van tim hai lá, nghẹt van tim. Phải điều trị tim trước khi mổ lấy sỏi thận”. Mẹ rất buồn, nhưng bề ngoài cố giữ bình tĩnh - sợ ảnh hưởng đến học tập của hai em tôi. Mẹ đã đề nghị bác sĩ được về nhà điều trị ngoại trú. “Điều quan trọng nhất bây giờ là việc học tập của các con. Mẹ không muốn vì mẹ mà các con sao nhãng việc học hành”. Vì mẹ suy nghĩ nhiều nên chưa đầy hai tuần sau, bác sĩ cho biết “mẹ cháu suy tim độ 3… Phải mổ thay van tim mới có thể sống”. Gia đình tôi như “ngàn cân treo sợi tóc”. Bằng mọi cách để cứu mẹ dù phải bán nhà. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, lối xóm gia đình tôi vay được 45 triệu đồng. Ngày hội chẩn cuối cùng, mẹ vừa khóc, vừa nói: “Mẹ có nguyện vọng là không mổ, vì nhiều người sau mổ sức khỏe yếu hơn và hai năm sau phải mổ lại”. Được các bác sĩ bệnh viện tư vấn và theo nguyện vọng của mẹ, bố con tôi đưa mẹ về uống thuốc Nam, coi như tiền mổ thay tiền thuốc. Tháng 5-2004, mẹ bị nhũn não do biến chứng từ suy tim, người lệch một bên, đi lại khó khăn. Rồi bị tắc mạch máu ổ bụng. Hai chân mẹ cứ khô đi như không còn giọt máu. Đưa mẹ cấp cứu Bệnh viện 175, bác sĩ lắc đầu trả về. Đưa mẹ về nhà, tôi gọi điện khắp nơi nhờ bác sĩ tư vấn. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, mẹ tôi được các bác sĩ chẩn đoán nhanh và quyết định cưa hai chân. Lên bàn mổ mẹ dặn: “Các con nhớ học thật tốt, không được bỏ học”. Anh em tôi ôm nhau khóc, cầu cho tai qua nạn khỏi. Sau 6 giờ phẫu thuật và hơn 3 ngày hôn mê ở phòng hậu phẫu, mẹ tỉnh dậy. Sau hơn hai tháng nằm viện, gia đình đưa mẹ về nhà an dưỡng và uống thuốc. Sau đó nhờ bố tôi chăm sóc chu đáo, mẹ tôi đã khỏe trở lại, chỉ khác là đôi chân lành lặn ngày nào giờ không còn nữa. Ngày ngày trên chiếc xe lăn, mẹ vẫn động viên ba anh em tôi học thật tốt. Có lúc mẹ còn nói bố đi lấy vợ khác để có người lo cho chúng tôi. Mỗi buổi đi làm về, cả nhà hạnh phúc quây quần bên mâm cơm. Các em tôi đã ra trường và có việc làm ổn định ở thành phố Vũng Tàu. Tháng lương đầu tiên, chúng tôi mang về tặng mẹ. Những ngày đi công tác xa nhà, mẹ vẫn là người tôi nhớ nhiều hơn. Từ sâu thẳm lòng mình, tôi nghĩ anh em tôi trưởng thành nên người là nhờ mẹ. Đó là câu chuyện 6 năm về trước. 3. Mùa Vu lan năm nay, thêm một lần nữa tôi cảm nhận sự mất mát khi mẹ đã lìa xa gia đình tròn 6 năm. Mặc dù nỗi đau dịu dần theo dòng chảy của thời gian, nhưng hình bóng mẹ, những điều mà mẹ dạy bảo thì không bao giờ phai nhạt. Dẫu vẫn hiểu âm dương cách trở, dẫu vẫn biết chuyện sinh tử là quy luật vô thường, nhưng tôi vẫn thấy lòng mình đau nhói mỗi lần cầm nén hương thắp lên bàn thờ mẹ. Mẹ đã cho tôi hành trang vào đời, hành trang ấy không phải vàng bạc của cải, nhưng quý giá gấp triệu lần và chẳng có gì sánh được. Hành trang ấy được chắt lọc từ bao khổ đau trải nghiệm đầy nước mắt của mẹ, đó là đức hy sinh giàu lòng nhân ái, là tình thương yêu và ý chí kiên cường, sống vì mọi người, niềm tin vào cuộc sống con người. Để rồi mùa Vu lan năm nay, thêm một lần nhớ mẹ thân thương Mai Thắng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |