Chi tiết tin tức

Thực tập chánh niệm để vững chãi

21:55:00 - 12/12/2020
(PGNĐ) -  Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều trải nghiệm ít nhiều những khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid. Một khi dịch bệnh được kiểm soát, sự phục hồi sau đó có thể còn là một con đường dài với nhiều thử thách. Sự cân bằng, vững chãi tự thân của mỗi người chưa bao giờ lại cần thiết như lúc này.

Khi có được vững chãi và cân bằng sẽ giúp cho chúng ta nhìn nhận, đối diện và giải quyết khó khăn một cách thông thái, hiệu quả nhất.

 

Một trong những cách đơn giản, thuận tiện, miễn phí giúp vun bồi sự cân bằng, vững chãi tự thân chính là thực hành chánh niệm. 

 

amhoa thien.jpg

 

Chánh niệm được hiểu như sự chú ý, nhận biết những gì đang diễn ra trong hiện tại với thái độ cởi mở, không phê phán, xua đuổi, níu giữ. Việc thực hành chánh niệm đều đặn cho chúng ta nhiều lợi ích cả về mặt cơ thể và tâm trí. 

 

Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những ích lợi của việc thực hành chánh niệm đối với sức khỏe trong việc quản lý lo âu, giảm thiểu stress, những cơn đau nhức cũng như các triệu chứng của những bệnh lý, rối loạn khác như cao huyết áp, trầm cảm và nghiện. Thực hành chánh niệm còn thúc đẩy phát triển mạnh sự tập trung, trí nhớ, khả năng giải quyết vấn đề, ra quyết định và điều chỉnh cảm xúc. 

 

Bên cạnh đó, kết quả trên sự gia tăng độ nhanh nhạy và linh hoạt của chú ý cũng được ghi nhận ở những người thực hành chánh niệm đều đặn. Khả năng này cho phép chúng ta dễ dàng nhận diện những điều dễ thương khác đang hiện diện trong cuộc sống mà không chỉ chú tâm quá mức về những khó khăn, cho phép chúng ta vẫn trải nghiệm được sự vui vẻ và hạnh phúc dù vẫn trong thời gian thử thách của dịch.

 

Việc thực hành chánh niệm đơn giản nhất chính là thực hành chánh niệm đối với hơi thở. Tìm một nơi yên tĩnh, thoải mái, tránh việc bị làm phiền. Bạn có thể nằm, hoặc ngồi miễn sao cảm thấy mình thoải mái, thoải mái một tâm thế rằng đây là khoảng thời gian bạn dành cho bản thân, khoảng thời gian bạn hiến tặng cho mình sự nuôi dưỡng, hồi phục, chế tác nguồn năng lượng tích cực, khoảng thời gian bạn toàn tâm toàn ý có mặt cho bản thân mình. Sau đó bạn nhẹ nhàng đem sự chú ý của mình vào hơi thở ra và hơi thở vào, chú tâm nhận biết những gì cơ thể đang cảm nhận. Cứ tiếp tục duy trì như vậy. 

 

Khi có yếu tố làm bạn xao nhãng, có thể là suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác dù khó chịu hay dễ chịu bạn chỉ đơn thuần nhận diện, không phán xét, không xua đuổi cũng không níu giữ, đơn thuần nhận diện và nhẹ nhàng đem chú ý của mình quay trở về với hơi thở. Những yếu tố làm bạn xao nhãng có thể xuất hiện nhiều lần khi bạn mới bắt đầu thực tập và có thể bạn sẽ cảm thấy chán nản, ghi nhận sự chán nản theo cách ở trên và quay trở về với hơi thở, kiên trì và đều đặn bạn sẽ cảm nhận được khác biệt.

 

Có thể trong thời gian này chúng ta đã thua lỗ ở một vài hoạt động, khía cạnh. Nhưng việc dành cho mình một khoảng thời gian 10 - 20 phút để thực hành như vậy là công việc mà chúng ta không hề bỏ ra đồng vốn nào nhưng lại mang đến rất nhiều lợi ích. 

 

Chúng ta khó hoặc không thay đổi được những gì đã, đang và sẽ diễn ra nhưng ta có thể chọn cho mình cách thức tiếp cận, phản hồi với những điều đó. Một tâm trí cân bằng sẽ đưa ra được những phản hồi, quyết định thông thái. Sự thông thái này sẵn có ở mỗi người chúng ta, hãy cho phép ta được trở về, tiếp xúc với sự thông thái này bằng những việc hết sức đơn giản như thực hành chánh niệm.

 

Đông Phong *

 

________

 

* Bút danh của Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Bảo Ân, thành viên nhóm biên dịch sách Thiền sư và em bé 5 tuổi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin