Chi tiết tin tức Ăn Tết kiểu Mỹ 18:38:00 - 08/02/2015
(PGNĐ) - Mỗi năm khi mùa xuân đến mọi người rộn rã đón xuân. Không khí xuân dường như phảng phất đâu đây khiến lòng mình cũng lâng lâng, thơ thới. Nhà nhà bận bịu lo dọn dẹp, trang hoàng. Người người xúng xính áo quần đi lễ Phật đầu năm cầu chúc nhau mọi điều như ý, vạn sự bình an suốt năm. Nhưng sau ba ngày tết thì xếp cất tất cả mọi thứ và rồi trở lại sống như năm cũ, tánh nào tật nấy, chẳng có thay đổi gì ráo trọi. Bình mới mà rượu thì cũ. Thật là đáng tiếc! Vậy thà đừng có ăn tết gì hết vì có gì mới mẻ đâu mà chào với đón. Áo mới xúng xính đầu năm, nay nằm trong kẹt tủ. Quần là, áo lụa nay ‘xếp lại để dành hương.’ Mọi hứng khởi, cầu nguyện, chúc tụng của năm mới đều bị lãng quên. Như vậy có phải là cách đúng đắn để chúng ta chào đón mùa xuân mới hay không?
Thử nhìn sang phong tục của người Mỹ xem họ ăn tết thế nào! Thông thường, họ cũng ăn diện bảnh bao để đón chào năm mới. Họ cũng ăn uống thịnh soạn, linh đình. Nhưng có một điều hay mà chúng ta nên học hỏi từ họ. Đó là mỗi năm khi đón chào năm mới đến, họ thường có một cam kết, hay lời hứa, định hướng cho năm mới tiếng Mỹ gọi là: resolution. Ví dụ như họ cam kết sẽ bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu, bỏ bài bạc, sụt cân, v.v… Đa phần là chừa bỏ những thói hư, tật xấu. Tất nhiên, có người làm được có người không. Nhưng điểm đáng nói ở đây là năm mới mọi người có một cam kết mới với một cách sống mới tích cực hơn. Đôi khi chỉ cần một quyết định nhỏ trong đời sống có thể thay đổi cả cuộc đời mình. Thông thường, khi bắt đầu một cái gì mới chúng ta rất phấn khởi và luôn có một kế hoạch to lớn. Kế đến, là làm sao mau thành tựu được mục đích đã chọn. Xin đơn cử một trường hợp điển hình: Ăn chay. Mới bắt đầu ai cũng nghĩ mình sẽ ăn chay ít nhất là một tháng 4 ngày; có nghĩa là mỗi tuần một ngày. Một vài tháng đầu chúng ta ăn đúng theo quy định của mỗi tuần. Nhưng sau nhiều lần ăn chay ‘đụng’, mình cảm thấy ăn chay coi vậy mà khó chớ không phải dễ! Tất nhiên chúng tôi không nói đến người thực hiện được sự cam kết của mình. Ở đây, chúng tôi muốn trình bày việc chế tác ra một thói quen mới. Theo kinh nghiệm, mình đừng nên có những kế hoạch quá lớn lao, ngoài sức mình có thể thực hiện được. Mình nên bắt đầu bằng một thay đổi nhỏ. Ví dụ, khơỉ đầu phát nguyện ăn chay, mình thử 1 tháng 1 ngày, thay vì là 4 hay 10 ngày. Thậm chí, có thể bắt đầu bằng nửa ngày khi mới bắt đầu. Ông bà mình có câu: ‘Vạn sự khởi đầu nan,’ khi nào bắt đầu làm một chuyện gì mà mình chưa từng làm, đều khó cả! Thế nên, muốn bắt đầu và duy trì một thói quen mới mình chỉ nhắm vào một việc mà mình muốn làm, đừng để tâm vào nhiều việc cùng một lúc. Kết quả sẽ chẳng ra gì vì năng lượng bị phân tán khắp nơi. Như việc mình hứa sẽ ăn chay mỗi tháng 1 hay, 2, hay 4 ngày gì đó trong năm thì mình sẽ tạo mọi điều kiện để cho thói quen ăn chay được bắt rễ trong đời sống của mình, bằng cách duy trì liên tục việc làm trên trong suốt 3 hoặc 6 tháng. Khi nó đã trở thành thói quen thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều! Điểm chủ chốt ở đây là phải làm sao cho việc bắt đầu thói quen tốt thật là dễ dàng, thuận lợi. Đừng bắt mình phải làm quá nhiều vì nó sẽ đưa đến sự chán ghét việc đổi mới này. Lại nữa, khi bị thất bại, đừng nản lòng và tự trách vì chúng chỉ khiến mình tìm đủ mọi lý do để bỏ cuộc. Làm tùy theo khả năng của mình và, nếu có, sáng tạo những cách làm mới, những món ăn mới (trong trường hợp ăn chay), để mình luôn thưởng thức thói quen mới. Đời sống vốn đã khó khăn, đừng làm chúng khó khăn hơn nữa! Điểm quan trọng kế đến là phải giữ cho liên tục, không gián đoạn. Theo những nghiên cứu gần đây của các nhà xã hội học: Nếu chúng ta duy trì, không gián đoạn một việc làm mới, một thói quen mới trong 3 đến 6 tháng, chúng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều sau đó vì thói quen này đã bắt đầu mọc rễ. Bạn thử nghĩ lại xem lúc mình bắt đầu uống cà phê, uống rượu bia, hay ăn ớt như thế nào!? Ngoài ra, đừng bắt đầu bằng điểm cuối. Nghĩa là, mình phải khởi đầu từ vị trí thấp đầu tiên, rồi dần dần tăng đều lên vị thế cao hơn. Đừng đặt nặng vấn đề mình phải luôn luôn hoàn hảo vì mình đang ở mức độ sơ cơ nên đương nhiên mình sẽ có sai phạm. Bằng không, gánh nặng này sẽ khiến mình bị căng thẳng và tự trách mình quá yếu kém. Hãy chú tâm đến sự tiến bộ của mình, dù rất nhỏ, mà bỏ qua những điều mình lỡ sai phạm. Đừng quên mình là người mới vào cuộc nên đừng nhìn quá xa và mong mỏi thành công mau chóng và to lớn quá sớm! Riêng những người xem tâm linh là phần quan trọng thì năm mới mình phải xét lại tự thân và có một cam kết mới, một thói quen mới để chuyển hóa con người mình thêm an lạc và hạnh phúc hơn; cũng như đóng góp vào việc làm mới cho những người xung quanh và xã hội. Nói về việc thay đổi về mặt vật chất hay tâm linh đều có những khó khăn riêng của nó. Tuy nhiên, mặt tâm linh đòi hỏi nhiều nổ lực để thay đổi vì mình phải biết cách dừng lại và quán chiếu, trong nhà thiền gọi là: Chỉ và Quán. Chỉ khi nào mình có ‘Chỉ’ tức là dừng lại thì mình mới có thể ‘Quán’ tức là xem xét được. Như vậy, người nào khi bình tâm (dừng lại) thì thấy (quán) mình còn nhiều giận hờn, si mê, và những tâm hành xấu khác. Tuy nhiên, mình cũng nhìn thấy những từ bi, hỷ xả, và những tâm hành tốt mà mình đang có. Trong pháp môn Niệm Phật cũng vậy, như trong kinh Phổ Môn có câu: Người nào nhiều giận hờn, khi niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm sẽ bớt lòng hờn giận (Nhược đa sân nhuế, thường niệm cung kính Quán-Thế-Âm Bồ-tát, tiện đắc ly sân…). Như vậy giống như thiền, khi niệm Phật chúng ta cũng đang dừng lại và có thể thấy rõ những tâm hành xấu, tốt hoạt dụng ra sao! Nhưng nhờ niệm danh hiệu Đức Bồ-tát nên những niệm sân hận bị lãng quên, và loại trừ. Do vậy mà được ‘ly sân.’ Năm mới, chúng ta đón chào một mùa xuân mới được nhiều phước lộc, và học thay đổi cách sống mới để làm đời mình thêm tươi vui, hạnh phúc. Nhưng nếu năm mới mà mình lại bắt đầu âu lo vì là ‘năm tuổi’ thì dù mình có ăn tết kiểu nào cũng mang đến sự sợ hãi, phiền muộn. Vì quá lo âu, sợ hãi nên năm mới chưa đến mà mình đã lo mua sắm lễ vật linh đình để ‘hối lộ’ thánh thần, cầu xin cho mình tai qua, nạn khỏi. Theo suy luận hợp tình hợp lý, tất cả những khái niệm về ‘năm tuổi’ đều do ‘con người’ phát kiến ra mà nói; không có một vị thần linh nào xác chứng điều này là đúng! Vì do tập quán, hủ tục lâu đời nên ai cũng tin theo. Đúng ra, mình phải ăn mừng ‘năm tuổi’ thì hợp lý hơn vì mình đã sống được một vòng 12 con giáp mà vẫn còn ‘sống nhăn răng!’. Như vậy, tại sao phải lo sợ, buồn lo? Đó chính là lối sống theo kiểu người Mỹ vì họ cho rằng mình đã sống được đến ngày hôm nay là một điều may mắn cho nên cứ mỗi năm đến ngày sinh nhật là mình phải ăn mừng lớn! Xuân về ai cũng chào đón một mùa mới, bắt đầu một đời sống mới. Vậy nếu chúng ta hiểu được nguyện tắc đón chào xuân mới thì sao không học cách sống mới theo kiểu người Mỹ: Thay đổi, từ giã con người cũ xấu xí để khoác lên mình một chiếc áo mới, hoan hỷ đón chào những ngày xuân mới tươi sáng, khỏe mạnh, và an bình. Xin kính chúc tất cả một mùa xuân mới an lành và thịnh mãn. Hoa Kỳ, trước thềm Xuân Ất Mùi - 2015 Thiện Ý
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |