Chi tiết tin tức

Chùa Cổ Lễ

12:49:00 - 23/12/2013
(PGNĐ) -  Chùa Cổ Lễ tên tự là chùa “Thần Quang” tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ thành phố Nam Định, qua cầu Đò Quan xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 16 km về phía đông nam, tới thị trấn Cổ Lễ, qua nhịp cầu nhỏ rẽ trái chúng ta sẽ tận mắt chiêm ngưỡng ngôi chùa nguy nga, tráng lệ với tòa Bảo tháp trầm mặc vươn lên nền trời xanh cao lồng lộng.

Truyền thuyết dân gian và những tư liệu lịch sử ghi chép trong các sách: Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Đại Nam nhất thống chí, Nam ông mộng lục… cho biết: Chùa do Quốc sư Minh Không xây dựng từ thế kỷ XII thời Lý. Bài minh khắc trên chuông đồng đúc năm 1799, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 còn lưu giữ tại chùa, có câu (dịch): “Chân cảnh trời Nam, Thánh tổ đản giáng, dựng chùa Thần Quang”. Sau này, ghi nhận công lao trời biển của Đức Thánh tổ, nhân dân trân trọng tạc tượng thờ ngài tại chùa theo nghi thức: Tiền Phật, hậu Thánh.

1.jpg
 

Đức Thánh tổ thế danh là Chí Thành, pháp hiệu Minh Không, quê làng Đàm Xá (Đàm Giang) thuộc đất Trường Yên, nay là xã Gia Thắng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Ngài xuất thân bình dân, sau là bậc thánh, bậc cao tăng nổi tiếng và là ông tổ nghề đúc đổng của Việt Nam. Ngài thường đi chu du khắp nơi thi thố nhiều pháp thuật kỳ diệu, chữa bệnh cứu dân và đã từng cứu vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh quái ác “vua hóa hổ”, được nhà vua phong Quốc sư.

Ngày nay, nhân dân trong vùng Cổ Lễ vẫn đang truyền tụng nhiều hành tung siêu phàm và kỳ tích phi thường của đại sư Minh Không. Tại các vùng thôn xóm quanh Cổ Lễ vẫn còn dấu chân trên đá của ngài thời còn hàn vi: Cổ Lễ (nơi đặt đó bắt cá), Tương Nam (nơi có chiếc lều nghỉ chân) và Liên Tỉnh, thôn Nội là nơi ngài thường qua lại:

“Liên Tỉnh trước chùa trông ra,
Đá tiên, gót ngọc rõ là thần thông”.

(Bài kệ chùa cổ Lễ)

Chùa Cổ Lễ được khởi dựng từ thời Lý nhưng trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, dấu tích cổ xưa bị phai mờ hoang phế. Đến cuối thế kỷ XIX, cảnh chùa chỉ còn lại một am nhỏ với nhiều di tích đổ nát. Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đến trụ trì tại chùa. Ông là một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác, có biệt tài kiến trúc chùa tháp. Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa. Trong khoảng thời gian từ 1914 – 1919 và sau đó, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan, mang phong cách “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp phương Tây”.

Nhà sư Phạm Quang Tuyên chủ trì công việc xây dựng chùa, quả là một công trình sư uyên bác. Ông không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại là xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng chùa. Tiếp bước Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, Hòa thượng Phạm Thế Long và các thế hệ sư trụ trì kế cận đã hoàn thiện thêm những công trình nhỏ, tạo thêm sự nguy nga cho ngôi chùa.

Chùa Cổ Lễ hiện nay có nhiều nét khác với chùa cổ Việt Nam bởi sự kết hợp khéo léo các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gôtích của Gia tô giáo. Chùa cổ Việt Nam thường thấp và trải rộng về bề ngang với bộ khung gỗ lim vững chắc. Nhưng chùa Cổ Lễ không những rộng mà còn rất cao. Kiến trúc mái vòm để chịu lực được xử lý rất hợp lý. Nếu nhìn từ xa ta có cảm giác như một nhà thờ nhưng nhìn kỹ thì lại là một ngôi chùa bởi đôi rồng chầu rất lớn ở phía trước và các họa tiết trang trí khác.

Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng đông – tây, trên  một diện tích gần 10 mẫu Bắc Bộ xếp từ ngoài vào trong: Cổng chùa, tháp cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, tam quan, nhà hội quán, đền Thánh, đền Mẫu, hai cầu núi, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, tòa kim chung bảo các, vườn tháp…Trong đó, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao là tháp cửu phẩm liên hoa…

Chùa Cổ Lễ hiện lưu giữ được nhiều di vật văn hóa quý hiếm như: Tượng đức Phật Thích Ca, cao 4,20m ngự trên tòa sen trong tư thế nhập Thiền, phía sau có vầng hào quang tỏa sáng thiêng liêng; một chuông đồng thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799); một chuông đồng nặng hơn 9 tấn đúc năm 1936; một trống đồng trơn tương truyền từ thời Lý; một lá cờ thần hai mặt ghi: “Nam thiên Thánh tổ” và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền trải dùng để thi bơi trong lễ hội truyền thống.

Chùa Cổ Lễ còn được biết đến là một di tích cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ nơi đây, nhiều nhà sư đã tạm biệt cửa thiền ra trận. Đặc biệt, ngày 27- 2- 1947, tại ngôi chùa linh thiêng, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Phạm Thế Long, Tỉnh hội Phật giáo Nam Định cùng chính quyền và tín đồ trong vùng đã tổ chức mít tinh làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ tổ quốc. Bản thân Hòa thượng Phạm Thế Long là một nhà hoạt động cách mạng, sau này giữ chức Phó Chủ tịch Quốc Hội nước cộng hòa XHCN Việt Nam khóa VII.

Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đó là ngày hội tưởng niệm Đức Thánh tổ hóa thân (14/9), một ngày trọng đại đã đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng:

“Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mười tư tháng Chín thì về hội Ông”.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như rước kiệu, bơi trải, múa rối, tổ tôm điếm… phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Từ lâu, chùa Cổ Lễ đã trở thành điểm du ngoạn hấp dẫn của khách thập phương trong và ngoài nước. Về thăm chùa, du khách không những được tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, ôn lại công tích, tưởng nhớ tới Quốc sư – Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không mà còn có dịp để lễ Phật, tắm mình trong cõi tâm linh hướng tới “chân – thiện – mỹ”.

Theo: Di tích lịch sử – Văn hóa tỉnh Nam Định

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin