Chi tiết tin tức

Ngôi chùa nghìn năm tuổi - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta

20:47:00 - 09/09/2020
(PGNĐ) -  Trải qua ngàn năm với biết bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, chùa Quỳnh Lâm - ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa.

Chùa Quỳnh Lâm toạ lạc trên một ngọn đồi thoai thoải được gọi là núi Tiên Du, thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy dài  từ núi Yên Tử, Ngọa Vân xuống vùng đồng bằng.

Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở thế đất “Đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “Rồng chầu, Hổ phục”. Bốn góc chùa có bốn gò đất cao được coi là “Bốn mắt Rồng” tứ trấn xuyên thấu tâm sinh.

Theo truyền thuyết dân gian thì Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Dân gian truyền lại rằng, khi dựng chùa ông đã cho đúc một pho tượng phật Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng (tương đương 20m), pho tượng này được coi là một trong “An Nam tứ đại khí”, pho tượng được đặt trong tòa điện cao bảy trượng. Chính pho tượng này, cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh) - là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.

Trải qua bao biến cố và thời gian nhưng hiện nay trước sân chùa vẫn còn lưu lại tấm bia đá cao 2,46m; rộng 1,53m và dày 0,25m có khắc hình rồng thời Lý nên ta biết chùa có từ thời Lý. Đến thời Trần do có vị trí là cửa ngõ nối trung tâm phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với một số ngôi chùa khác trong vùng nên chùa đã được mở rộng và đầu tư xây dựng. 

Ngôi chùa đang được trùng tu, tôn tạo.

Các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa này và xây dựng Quỳnh Lâm trở thành trung tâm phật giáo của cả nước, từ đó Quỳnh Lâm trở thành một giảng đường quy mô giảng kinh của đạo phật và cũng từ đó Quỳnh Lâm có thêm thiền viện với tên “Viện Quỳnh Lâm”- Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta. Chính từ nơi đây đã đào tạo hàng ngàn tăng ni phật tử và in nhiều kinh phật để truyền bá khắp mọi nơi. Từ đó Quỳnh Lâm Viện đã nức tiếng khắp nơi và được triều đình nể trọng, tôn sùng. Giới quý tộc và triều đình cũng đã cúng rất nhiều ruộng đất và của cải để tu tạo chùa, vì thế dân gian mới có câu: “Ngõ chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh”.

Năm 1319 Pháp Loa đã kêu gọi tăng ni phật tử chích máu in 500 cuốn kinh đại tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm Viện. Tương truyền cũng vào thời nhà Trần các nhà thơ như Nguyễn Xưởng, Nguyễn Ức…thường lui tới đây để làm thơ, như vậy Quỳnh Lâm không chỉ là trung tâm phật giáo mà Quỳnh Lâm còn là trung tâm văn hóa cho cả vùng. Đến đầu thế kỉ XV quân Minh xâm lược nước ta chùa đã bị phá hủy gần hết, sang đến thời Hậu Lê chùa mới được trùng tu lại. Đứng đầu đợt tu sửa này là các Vương Phi trong phủ Chúa Trịnh. Họ xin tiền của kho nhà nước và kết hợp với sự quyên góp của các thiện nam tín nữ trong vùng nên việc tu sửa đã được tiến hành nhanh gọn.

Hố khai quật khảo cổ tam quan chùa Quỳnh Lâm.

Thiền sư Pháp Loa - vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, đã cho đúc pho tượng Di Lặc mới cũng hết sức to lớn vào năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng. Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam và là một trung tâm Phật giáo lớn thời đó.

Tượng cũng bị mất vào thế kỷ XV khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì chìm dần xuống đất.

Hai pho tượng đồng lớn thời Lý, Trần không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của cha ông chúng ta trong việc xây dựng những công trình lớn, càng khẳng định thêm danh tiếng cho Quỳnh Lâm, một thời được mệnh danh là Thiên Nam đệ nhất danh lam cổ tích.

"Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông

Ai qua hãy đứng lại mà trông

Tháp cao chính trượng tầng mây ám

Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng

Trước điện thông reo cùng trúc hóa

Trong am khánh đá với chuông đồng

Vua tu phật hóa vui vui nhỉ".

Đến thời Nguyễn, tại vườn chùa có xây dựng thêm 5 ngọn tháp để ghi nhớ các nhà sư đã trụ trì tại Quỳnh Lâm. Ngoài ra chùa còn có một chuông đồng lớn được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), chuông cao 1,45m; đường kính 0,70m. Nhà tổ của chùa thờ 3 tượng Trúc Lâm Tam tổ, trước nhà thờ có gác chuông gỗ 9 gian to và cao, 3 gian giữa nóc cao hơn gác chuông 2 đầu, mỗi bên 3 gian bên treo chuông, bên treo khánh. Năm 1947, giặc Pháp ném bom chùa bị hủy hoại hoang tàn. 

Trải qua năm tháng, cùng với những biến động của thời cuộc, chùa nhiều lần bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, thiêu rụi rồi lại được trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2016 đến nay, chùa Quỳnh Lâm đang được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn. Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, do BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh - đại diện là Thượng tọa Thích Đạo Quang, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh làm chủ đầu tư. 

Dự án bao gồm 3 tòa thượng điện, hành lang giải vũ, cổng tam quan, sân vườn, nội thất thờ tự và công trình phụ trợ. Kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim, đá thanh, lớp ngói mũi hài truyền thống, gạch bát phục chế theo đúng kiến trúc mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Việc tu bổ, tôn tạo các hạng mục chùa Quỳnh Lâm sẽ được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, phù hợp kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị di tích.

Ngôi chùa nghìn năm tuổi  - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - 8
Ngôi chùa nghìn năm tuổi  - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - 9

"Ngôi chùa dự kiến sẽ được khánh thành giai đoạn I vào 14/11/2020 - thời điểm tổ chức Hội thảo Khoa học: “Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, Thiền học và dấu ấn lịch sử – kỷ niệm 690 năm Đệ nhị tổ Pháp Loa viên tịch” tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà tu hành viết các bài tham luận, hơn 500 đại biểu tham dự", ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu di tích nhà Trần thông tin.

 
Ngôi chùa nghìn năm tuổi  - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - 11
Ngôi chùa nghìn năm tuổi  - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - 12
Ngôi chùa nghìn năm tuổi  - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - 13
Ngôi chùa nghìn năm tuổi  - Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam - 14
 

Ông Sơn cho biết thêm: "Chi phí trùng tu, tôn tạo giai đoạn 1 khoảng 60 tỷ trong đó khoảng 52,4 tỷ là do xã hội hóa, còn lại là ngân sách của thị xã Đông Triều. Giai đoạn 2 tập trung vào chỉnh trang khuôn viên, các hạng mục vườn tháp..."

Trải qua ngàn năm với biết bao thăng trầm, biến cố: lúc chiến tranh, khi thiên tai hỏa hoạn, ngôi chùa đã từng được xem là Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam ngày xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 2 (Âm lịch) du khách các nơi lại đổ về trảy hội Quỳnh Lâm.

 

Toàn Vũ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin