Chi tiết tin tức Ngôi chùa nơi làng quê cố Tổng Bí thư Đỗ Mười 21:20:00 - 04/10/2018
(PGNĐ) - Chùa Hưng Long hay còn gọi là chùa Long Hưng, chùa Hưng Hóa, chùa Nhót, chùa Phù Liệt, chùa Đông Phù...tất cả những tên gọi đó đều là ngôi chùa cổ Hưng Long tọa lạc tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội – vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, có nhiều người đỗ khoa bảng: Nơi sinh thành Tăng thống Thiền sư Huệ Sinh (đời vua Lý Thánh Tông); nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười; Giáo sư Viện sĩ Phạm Minh Hạc...
Chùa Hưng Long được khởi dựng năm 1011, năm Thuận Thiên thứ 2 (Tân Hợi) do chính vua Lý Thái Tổ ban chiếu và cấp tiền để xây dựng. Đời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) đã có hai vị công chúa là Lý Từ Thục và Lý Từ Huy cùng hai vị thị giả Quỳnh Hoa, Quế Hoa đã về chùa Hưng Long xuất gia đầu Phật và thu thần thị tịch tại Lăng Liên Hoa (cách chùa Hưng Long 1km) vào ngày 15/03 năm Ất Hợi, niên hiệu Hội Phong thứ 4, năm 1095 đời vua Lý Nhân tông với đạo hiệu Đại Thánh Bồ Tát Lý Từ Thục và Đại Thánh Bồ Tát Lý Từ Huy từ đây trở thành Thánh Tổ của chùa (nhân dân địa phương thường gọi là Nhị vị Bồ Tát). Hàng năm vào ngày 14, 15 và 16 tháng 3 Âm lịch, nhân dân các làng Đông Phù, Đông Trạch, Mỹ Ả, Chanh Khúc, Văn Uyên, Tương Trúc, Tự Khoát, Mỹ Liệt và Ninh Xá tổ chức mở hội tri ân công đức, công lao của hai vị công chúa nhà Lý đã cấp đất cho người dân sản xuất, dạy dân làm nghệ phụ lúc nông nhàn.
Chùa Hưng Long được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1990 và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận là di tích cách mạng năm 2004.
Trải qua 1000 năm tồn tại và phát triển, chùa Hưng Long luôn nhận được sự phát tâm công đức của nhiều phật tử. Tháng 9 năm 2008, nhà chùa phối hợp với UBND xã cùng các phòng ban chức năng của huyện Thanh Trì và thành phố Hà Nội tổ chức quy hoạch tổng thể các hạng mục công trình tại chùa Hưng Long. Ngày 08 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (2009) nhà chùa đã chính thức tổ chức khởi công trùng tu, tôn tạo toàn thể các công trình, đến tháng 11 năm 2009 đã cơ bản hoàn tất các hạng mục công trình, đưa vào sử dụng để nhân dân đón tết Canh Dần. Kiến trúc chùa Hưng Long
Kiến trúc của chùa mang đậm nét truyền thống của ngôi cổ tự miền Bắc theo kiến trúc nội công ngoại quốc, tiền Phật hậu Thánh.
Tam Bảo: Tòa Tam Bảo hay còn gọi là Đại hùng Bảo điện hoặc gọi là Chính điện là nơi tôn trí thờ Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng. Chính điện gồm có 07 gian nhà tiền đường và hậu cung. Tiền đường thờ hai tượng Hộ Pháp, tượng Tuyết Sơn và Quán Thế Âm Bồ Tát tọa sơn. Nối tiếp tiền đường là hậu cung: Trên cùng là Phật Tam Thế (biểu trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai). Tiếp theo là Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Kế tiếp là Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh Tăng A Nan và Thánh Tăng Ca Diếp. Tượng Bồ Tát Chuẩn Đề 24, tay được đặt chính giữa ở bên tiếp theo và sau cùng là tòa tượng Cửu Long. Tả hữu hậu cung là thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Bồ Tát Tống Tử, Bồ Tát Nam Hải, Thánh Tăng, Thổ địa và Thập điện.
Nhà Chương: (là Điện thờ Nhị vị Bồ Tát và thị giả Quỳnh Hoa, Quế Hoa ) được bố trí trang trọng sau tòa hậu cung Tam Bảo. Với 03 gian tiền đường và 03 gian hậu cung. Theo các sắc phong của các triều đại trước đây thì Nhị vị Công chúa được tôn vinh là Đại Thánh Bồ Tát, nhị vị Thị giả được tôn vinh là Thượng đẳng Thần. Nhà thờ Thánh Mẫu: được bố trí kế tiếp sau nhà thờ Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát, gồm có 05 gian tiền đường và 05 gian hậu cung (kiến trúc chữ nhị). Các ban thờ trong nhà Mẫu gồm có: Thánh Mẫu; Sơn Trang Tiên Chúa; Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu; Đức Thánh Trần; Tôn Ông; Quan Lớn; Tượng Cô; Tượng Cậu và Hạ ban Ngũ Hổ.
Tổ đường: gồm có 7 gian (kiến trúc chữ nhị), ban thờ chính giữa là thờ tượng Phật, Bồ Tát và Thánh Tăng. Ban thờ bên là thờ Tổ Tăng, Tổ Ni và thờ Tứ Ân. Nhà thờ tổ cùng với dãy nhà Tăng, phòng khách và giải vũ bên trái chùa đã tạo thành một quần thể khép kín khu vực nội tụ, thuận lợi cho việc tổ chức sinh hoạt Phật sự của tăng ni, Phật tử.
Hoành phi câu đối cửa võng: Chùa Hưng Long được làm bằng gỗ, nên mỗi cột, mỗi gian nơi thờ chính đều có câu đối, cửa võng, hoành phi.
Nhà tăng – phòng khách: Nhà Tăng và phòng khách là một dãy nhà gồm 12 gian, gồm có 06 phòng nghỉ và 06 phòng tiếp khách chạy dài 50 m, được bố trí bên trái chùa, phối hợp với hệ thống tường bao tạo thành khu vực nội tự khép kín bên trong.
Tượng đá ở ngoài sân: Giữa ao vuông bên trái chùa là tượng Phật A Di Đà ở tư thế đứng làm bằng đá xanh trắng, cao hơn bệ đá 5m. Giữa ao tròn bên phải chùa là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát làm bằng đá trắng đục, cao hơn 4m. Cổng chùa: Chùa Hưng Long có 03 cổng ra vào, đây cũng là sự khác biệt so với chùa trong khu vực. Cổng Tam Quan được bố trí ở phía trước chùa, kết cấu xây bằng gạch nung Bát Tràng có niên đại hơn 300 năm.
Nhà chuông, nhà trống và vườn tháp: Nằm phía trước sân chùa với kiến trúc cổ kính mái đao cong 8 mái, kiến trúc thường gặp ở những nơi cổ tự khu vực phía Bắc. Nối tiếp là 5 Bảo tháp làm bằng gạch nung Bát Tràng, kiến trúc hài hòa như những ngôi bảo tháp xưa.
Hiện vật có giá trị lịch sử: Trải qua quá trình hình thành và biến thiên của lịch sử, những cổ vật thời Lý hầu hết không còn nguyên vẹn. Trong quá trình trùng tu các hạng mục công trình của chùa, đã phát lộ những nền móng cũ của chùa với đặc trưng của nhiều niên đại. Trong đó có những viên gạch vồ (loại gạch rộng và dày) được chạm khắc tinh xảo các hình rồng, voi, ngựa, hoa sen, lá dừa mang dấu ấn thời nhà Lý và nhà Trần, cũng như một số câu đối ca ngợi chùa Hưng Long và đức hạnh tu tập của Nhị vị Công chúa nhà Lý. Chùa Hưng Long hiện còn lưu giữ được một số cây có tuổi thọ trên 700 năm như cây hoa đại, cây nhãn, cây mít.
Ngày 16/4/2011, chùa Hưng Long đã tổ chức lễ kỷ niệm tròn 1000 năm xây dựng, phát triển chùa và lễ hội truyền thống tri ân công đức nhị vị Bồ Tát.
Trí Dũng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |