Chi tiết tin tức

Cái “Tâm” của người làm thầy

20:40:00 - 16/11/2021
(PGNĐ) -  Dân tộc ta vốn có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, nên thời kỳ nào “nghề giáo” cũng luôn được coi trọng. Bởi người làm nghề giáo ngoài “Tài” và “Đức” còn đòi hỏi phải có cái “Tâm” sáng với trái tim đầy nhiệt huyết, hết lòng vì tiền đồ đất nước thì mới có thể làm được. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin có đôi lời về cái “Tâm” của người làm thầy để góp phần tôn vinh những người làm “nghề giáo”…

Ở Việt Nam, “nghề giáo” luôn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Hình ảnh người thầy luôn được mọi người yêu quý, tôn trọng vì rất nhiều lý do, nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất chính là lòng kiên nhẫn, khả năng truyền đạt cho các thế hệ con người, bởi người làm nghề giáo là những người dìu dắt thế hệ trẻ của đất nước. Để làm được như thế, chỉ có thể là những người thật sự có cái “Tâm” sáng trong trái tim đầy nhiệt huyết, với tấm lòng vì mọi người, vì tiền đồ của đất nước thì mới có thể làm được. Theo đó, trong mỗi thời kỳ cách mạng, “nghề giáo” vẫn luôn nhận được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội, vì hình ảnh người thầy không chỉ đơn thuần là những người dạy học mà còn là những người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận giáo dục nước nhà.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc. Đồng thời, Người đánh giá cao vai trò của người làm nghề giáo trong việc mở mang dân trí, chăm lo sự nghiệp giáo dục. Người cũng đặt ra những yêu cầu đối với người làm nghề giáo: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” [1] và muốn làm được như thế thì người làm thầy phải thật sự có cái “Tâm”…

THẾ NÀO LÀ CÁI “TÂM” CỦA NGHỀ GIÁO?

Trong lịch sử nước ta, không thể kể hết những tấm gương nhà giáo có cái “Tâm” sáng. Từ buổi bình minh của nền giáo dục phong kiến Việt Nam, Chu Văn An nổi danh là người thầy mẫu mực, đức độ, tâm huyết với nghề dạy học và được các vua Trần trọng dụng, suốt đời luôn là người thầy lỗi lạc. Nhiều thế hệ học trò của ông dù đã đỗ đạt, có chức tước cao, có địa vị nhưng vẫn kính nể, cúi mình trước ông. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã nhận định: “Cụ rất đáng là ông tổ của nhà Nho Việt” [2], ông là bậc “vạn thế sư biểu” – như theo cách gọi của các sử gia Việt Nam. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức và trình độ phân tích tình hình chính trị xuất chúng thời Nam – Bắc triều. Nhà bác học Lê Quý Đôn là một nhà Nho, nhà giáo nổi tiếng cuối thời Lê Trung Hưng, biên soạn nhiều công trình có giá trị văn hiến sâu sắc. Thầy giáo Cao Bá Quát cũng là người thầy nổi tiếng, yêu nước, thương dân. Cụ Đồ Chiểu – Nguyễn Đình Chiểu, là tấm gương sáng về sự hiếu thảo, hiếu học, có cái “Tâm” nhà giáo và thầy thuốc… Chúng ta còn biết đến người thầy Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, là người luôn hết lòng truyền đạt tri thức và tư tưởng tiến bộ, gieo vào tâm trí thế hệ tương lai nỗi niềm trăn trở về vận mệnh đất nước, là người thầy tận tình chỉ bảo, đào tạo nên những chiến sĩ cộng sản xuất sắc. Người từng dạy: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước” [3]… Còn như nhà giáo Lê Thước, Giáo sư Đặng Thai Mai, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà giáo Văn Như Cương… là những người thầy lớn đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục và được nhiều thế hệ học sinh kính trọng.

Qua hình ảnh của những người thầy, có thể thấy, dù ở chế độ xã hội nào, hoàn cảnh đất nước ra sao, luôn luôn có những nhà giáo với cái “Tâm” sáng. Họ đều có những điểm chung, là tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự mẫu mực, đức độ, tâm huyết với nghề; là những người tận tình chỉ bảo, đào tạo học trò, cương nghị và nghiêm khắc trong việc dạy – học, lấy lòng bao dung, nhân hậu, vị tha mà đối đãi học trò,… Tất cả những điều đó chính là cái “Tâm” của người thầy và không hề cao xa đối với người thầy thời nay. Những đức tính ấy, người giáo viên nào cũng có thể noi theo!

VÌ SAO NGƯỜI THẦY CẦN PHẢI CÓ CÁI “TÂM”?

Cái “Tâm” đối với nghề giáo là yêu cầu quan trọng không thể thiếu. Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Vì thế, ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học cũng luôn được xã hội tôn vinh.

Ai cũng biết, muốn có những học sinh giỏi thì phải có người thầy tốt. Người thầy tốt, theo chúng tôi, phải hội tụ đủ các yếu tố “Tâm”, “Tài” và “Đức”. Tuy nhiên, vì có “Tâm” nên mới yêu nghề, yêu các thế hệ học trò của mình, từ đó làm động lực để chuyên tâm bồi dưỡng, tôi luyện “Tài”, “Đức”. Cái “Tâm” sẽ là điều kiện, là chất xúc tác duy trì và phát triển “Tài”, “Đức” của người thầy. Mặt khác, sự nghiệp trồng người không chỉ là truyền bá kiến thức, cung cấp lý thuyết khô khan, mà còn là cả quá trình quan sát và truyền đạt kinh nghiệm về mọi mặt của đời sống xã hội, sao cho vừa là người thầy đáng kính, vừa có thể trở thành một người bạn đáng tin cậy của học trò. Hình ảnh người thầy tốt sẽ góp phần hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Thông qua việc dạy học bằng cái “Tâm”, người thầy đã gieo mầm để phát triển những phẩm chất tốt đẹp trong học sinh, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết, hình thành nhân cách tốt để trở nên người có ích cho xã hội.

Nghề giáo – người chèo đò tốt là người không chỉ là biết chèo là đủ, mà còn phải là người tận tâm, tận tình chỉ bảo cho học trò của mình, để các em có thể tự thân vận động giữa biển cả cuộc đời, kể cả khi không có người chèo đò bên cạnh. Vậy nên, người thầy rất cần phải có cái “Tâm”.

LÀM GÌ ĐỂ NGƯỜI THẦY LUÔN GIỮ ĐƯỢC CÁI “TÂM”?

Đạo làm người đã khó, đạo làm thầy còn khó hơn. Chọn nghề giáo tức là đã chọn cho mình con đường đi đến chân lý, đi đến sự hoàn thiện. Con đường này không dễ dàng cho những ai không xem trọng cái “Tâm” làm thầy, không vững vàng trước nghịch cảnh, không chịu đựng được gian khổ, mềm lòng trước vật chất, tiền tài của xã hội phù hoa,… Để giữ được cái “Tâm”, người thầy phải không ngừng rèn luyện, hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình, có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự, nghề nghiệp.

Dù trong thời đại nào, những người thật sự yêu quý nghề giáo đều luôn trong tâm thế cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, mang trong mình khát vọng lớn lao đào tạo, gọt giũa và hoàn thiện phẩm cách người học trò để đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình và xã hội. Muốn được như thế, người thầy càng phải không ngừng trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, học tập, cập nhật tri thức, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học; góp phần làm phát triển nền giáo dục, xây dựng con người mới và đất nước để xứng đáng với sứ mệnh cao quý của người thầy trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Trong sâu thẳm của tình yêu nghề, thông qua hoạt động dạy học, người thầy giáo bao giờ cũng là “kim chỉ nam” giúp học sinh tiến xa hơn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Thế nên, người thầy còn phải tích cực đồng hành với học trò, thắp lên khát vọng hùng cường của dân tộc để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Việc “trồng người” xưa nay vốn đã khó, nay lại có phần khó hơn. Trước sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, xã hội biến chuyển nhanh chóng, đối tượng người học cũng khác xưa, tác động từ các nhân tố ngoài nhà trường đến học sinh ngày càng lớn, đòi hỏi nghề giáo cũng phải biến đổi thì mới có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao, mục tiêu ngày càng lớn, áp lực ngày càng nhiều do muôn mặt cuộc sống mang lại. Cho nên, đứng trước những thay đổi nhanh chóng của xã hội, cái “Tâm” người thầy giáo cần phải vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của mình, không vì những khó khăn bản thân, không vì những tác động của cái tiêu cực mà lung lay cái “Tâm”… Xã hội càng phát triển, đòi hỏi người thầy phải nâng cao phẩm chất và năng lực của mình, giữ vững cái “Tâm” để thực hiện đạo làm thầy.

Hiểu rõ trách nhiệm của mình trong dòng chảy phát triển của lịch sử dân tộc, người thầy cũng phải thường xuyên rèn giũa để củng cố tấm lòng nhiệt huyết với nghề, cùng với cái “Tâm” chân thành, niềm khát khao cống hiến và dẫn dắt thế hệ trẻ để tạo ra các thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt,… Tâm có sáng thì đạo mới sáng; đạo sáng thì hình tượng người thầy mới tỏa hào quang, xứng đáng với sứ mệnh cao cả được Đảng, Bác Hồ và nhân dân tôn vinh, tin tưởng giao phó!

 

Ths. Trần Quốc Giang/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 378

 

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, tr. 747.

[2] Theo Nguyễn Hữu (12/2014), “Vạn thế sư biểu Chu Văn An – Người thầy của muôn đời”, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Truy cập 11/2021, từ www. baotanglichsu.vn.

[3] Đoàn Hồng Thái (11/2007), “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành”, Báo Tuổi trẻ Online, Truy cập 11/2021, từ https://tuoitre.vn.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Bất Khuất (2018), Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi, Nxb. Thông tin và Truyền thông.

2. Nguyễn Ngọc Ký (2016), Tôi học đại học, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

3. Trần Hữu Tá (2018), Từ bục giảng đến văn đàn – Chân dung 25 người thầy, Nxb. Trẻ.

4. Đoàn Hồng Thái (2007), Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Truy cập 10/2021. từ https://tuoitre.vn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin