Chi tiết tin tức

Chùa Nam Hoa - ngôi cổ tự của Thiền tông Nam phái

17:28:00 - 21/12/2017
(PGNĐ) -  Chùa Nam Hoa (南華寺), hay còn gọi là Nam Hoa thiền tự (南華禪寺), là một ngôi chùa nổi tiếng ở Trung Quốc. Địa danh này gắn liền với ngài Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu của Thiền tông và cũng là vị cao tăng được nhiều người biết đến. 


 

hoanam1.jpg

 
Chùa Nam Hoa tọa lạc tại thị trấn Tào Khê (漕溪), huyện Khúc Giang (曲江), cách thành phố Thiều Quang (韶关市) 25km về phía Đông nam, thuộc tỉnh Quảng Đông. Ngôi chùa này vốn do một Tăng sĩ người Ấn Độ tên là Trí Nhạc Tam Tạng (智樂三藏; chưa tìm được tên gốc tiếng Ấn Độ) thành lập vào năm Thiên Giám nguyên niên (502) đời vua Lương Vũ Đế dưới thời Bắc-Nam triều. Ngôi chùa ban đầu được đặt tên là Bảo Lâm (寶林寺), và vào thời Lục tổ Huệ Năng tên gọi này vẫn được sử dụng. Tên gọi Nam Hoa chính thức được sử dụng vào năm 968 dưới triều hoàng đế Tống Thái Tông. Ngôi chùa này được sửa chữa nhiều lần và lần trùng tu quy mô nhất được thực hiện vào năm 1934 dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Hư Vân (虛雲) - cũng là một vị cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc. 
 

hoanam2.jpg


Lưng tựa vào núi, mặt hướng về phía Nam, chùa Nam Hoa tọa lạc trên một diện tích rộng đến 42ha. Quần thể của ngôi chùa bao gồm nhiều công trình nổi bật: Thiên vương điện, Đại hùng bảo điện, Lục tổ điện, Tàng kinh các, Ngũ hương đình, tháp Linh Chiếu và rất nhiều tôn tượng Phật các loại. Ngoại trừ tháp Linh Chiếu và Tổ đường là những kiến trúc cổ còn lại, hầu hết những công trình ở đây được ngài Hư Vân cho phục dựng vào năm 1934 khi ngôi chùa nguyên thủy bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, những công trình mới vẫn giữ được những đặc điểm của kiến trúc Trung Quốc cổ đại. 

Tứ Thiên Vương đường được xây dựng lần đầu vào năm 1474 vào triều nhà Minh (1368-1644) và sau đó được trùng tu vào thời nhà Thanh (1644-1911). Tòa kiến trúc này được gọi là Thiên vương điện bởi vì ở đây có tôn trí tượng bốn vị Thiên vương. Phía sau ngôi điện này là ngôi tháp chuông ba tầng được xây dựng vào năm 1301 dưới triều nhà Nguyên (1271-1368). Ở tháp chuông này có treo một quả chuông lớn có niên đại từ đời Nam Tống. 

Đại hùng bảo điện, vốn được xây dựng vào năm 1306 dưới triều nhà Nguyên, tọa lạc ở trung tâm quần thể ngôi chùa. Trong bảo điện tôn trí ba đại tượng Phật mạ vàng là Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà và Dược Sư. Ngoài ra ở đây cũng tôn trí tôn tượng của những vị Bồ-tát như Phổ Hiền và Đại Thế Chí, cùng với 500 tượng A-la-hán nhỏ. 
 

hoanam3.jpg


Tàng kinh các là nơi lưu giữ kinh sách của chùa. Và trong số này, không thể thiếu cuốn sách gắn liền với Lục tổ Huệ Năng, Pháp bảo đàn kinh. Đây là một tác phẩm rất quan trọng đối với Phật giáo Thiền, và chính nhờ tác phẩm này mà người đời sau ít nhiều biết về hành trạng cũng như giáo thuyết của Lục tổ. Lục tổ Huệ Năng sinh vào năm Trinh Nguyên thứ 12 (638) và tịch vào năm Khai Nguyên nguyên niên (713)dưới thời nhà Đường, là một vị Đại sư nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc. Ngài được xem là vị “cao tăng đắc đạo” để lại thân xá-lợi sau khi qua đời, và nhục thân này hiện đang được thờ tại chùa Nam Hoa. 

Tổ đường là nơi tôn trí nhục thân của Lục tổ Huệ Năng cùng với nhục thân của hai vị Đại sư Hám Sơn và Đan Điền. Những di vật khác của Lục tổ Huệ Năng vốn cũng được phụng thờ tại nơi này cho đến những năm 60 thế kỷ trước và sau đó bị hủy hoại trong cuộc Cách mạng Văn hóa.Trong cuộc cách mạng này, Hồng vệ binh Trung Quốc khi tràn đến chùa Nam Hoa, ngoài việc thiêu đốt và hủy hoại nhiều di sản văn hóa có giá trị, cũng đã dùng búa đập vào ngực nhục thể của Lục tổ Huệ Năng để muốn biết xem đó có phải là nhục thân thật của ngài hay không. Chuyện kể rằng khi dùng búa đập thủng một lỗ trên ngực, họ ngạc nhiên và hoảng sợ khi nhìn thấy các bộ phận cơ thể của vị Đại sư vẫn còn nguyên vẹn, và do đó những người có mặt lúc ấy vội quỳ gối dập đầu vái lạy. 
 

huenang1.jpg


Bên cạnh những công trình chính, ở đây còn có những công trình nhỏ hơn nhưng cũng gợi nhắc những sự kiện gắn liền với lịch sử của ngôi chùa, chẳng hạn như ngôi điện phía sau chùa có tên gọi là Phục Hổ đình. Ngôi điện này kỷ niệm nơi ngài Hư Vân đã hàng phục một con hổ khi ngài trú ngụ nơi này. Tại chùa Nam Hoa cũng có tháp thờ nhục thân Hòa thượng Hư Vân. Cách không xa đó là suối Tào Khê, hay còn gọi là suối Trác Tích (卓錫泉). Con suối này gắn với giai thoại rằng, khi ngài Huệ Năng sống ở nơi này, để tìm nguồn nước sinh hoạt cho Tăng chúng trong Thiền môn, ngài đã đến địa điểm này và khấn với sơn thần cầu tìm nguồn nước; sau đó ngài cắm tích trượng xuống đất và nước theo vết căm tích trượng tuôn tràn khắp mặt đất. Giống như nhiều ngôi Thiền tự khác ở Trung Quốc, ở chùa Nam Hoa có một hồ nước ngay ở lối vào. Hồ nước này với mục đích làm tăng vẻ đẹp của ngôi chùa, nhưng nó cũng trở thành làm nơi phóng sanh. 

Ngoài ra ngôi chùa hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị; và rất nhiều những di sản văn hóa được lưu giữ ở đây được xem là bảo vật quốc gia, có giá trị cho việc nghiên cứu về kiến trúc, điêu khắc, hội họa Phật giáo; đặc biệt trong số đó là 360 bức tượng A-la-hán được tạc bằng gỗ có niên đại từ thời Bắc Tống (960-1127). 

Ngày nay chùa Nam Hoa là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của Phật tử Trung Quốc. Họ đến đây vừa để tham quan và cũng để đảnh lễ nhục thân xá-lợi của ngài Huệ Năng, vị Tổ sư nổi tiếng của Thiền tông Phật giáo nói riêng và của Phật giáo Trung Quốc nói chung.

Nguyễn Đăng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin