Chi tiết tin tức Công nghệ kỹ thuật số: Cánh tay đắc lực trong công tác bảo tồn di sản 21:17:00 - 11/01/2021
(PGNĐ) - Khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi nhiều lĩnh vực trong đời sống. Để bắt kịp xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi để phát triển nguồn tài nguyên số có vai trò ngày càng tăng. Trong hoạt động bảo tồn di sản, công nghệ số cũng góp phần giữ gìn, phục dựng những yếu tố đã mất.
Hang Mạc Cao được phục dựng bằng công nghệ 3D trong một triển lãm tại Los Angeles, Hoa Kỳ
Việc áp dụng công nghệ vào bảo tồn, phục hồi di sản không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Năm 2008, sau khi cổng thành Namdaemun của Hàn Quốc bị lửa thiêu rụi, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản của nước này đã nhanh chóng phục dựng lại di sản hơn 600 năm tuổi nhờ trước đó, Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đã số hóa di tích này rất chi tiết. Sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) đầu năm 2019, việc khôi phục di sản này cũng không quá khó khăn bởi các chuyên gia đã lập hồ sơ và có sẵn một kho tư liệu liên quan. Một trong những di tích được số hóa thành công nữa là hang Mạc Cao (Đôn Hoàng, Trung Quốc). Đây là kho tàng nghệ thuật Phật giáo lớn nhất thế giới, gồm hàng nghìn pho tượng điêu khắc và các bích họa Phật giáo. Gần 2.000 năm qua, do tác động của động đất, bão cát cũng như từ lượng khách du lịch khổng lồ mỗi năm nên hang động này ngày càng ẩm, lượng khí carbon dioxide tăng lên, tác động xấu đến những bức bích họa và các pho tượng điêu khắc. Trước nguy cơ này, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hongkong đã quyết định lưu lại tất cả tranh bích họa và tượng Phật bằng máy ảnh công nghệ cao và máy quét laser 3D. Những ví dụ trên cho thấy, việc áp dụng công nghệ số thích hợp với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi lẽ, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn khác, đồng thời có độ tin cậy cao. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều sống động. Các di sản ở dạng số hóa cũng được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ. Là một trong những khu vực tiên phong áp dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản, nhiều năm qua, Ủy ban Châu Âu đã dành một khoản kinh phí lớn cho các quốc gia thành viên để đẩy nhanh tiến trình số hóa cũng như xây dựng thư viện điện tử cho hàng nghìn kho lưu trữ và bảo tàng khắp châu lục. Kế hoạch này không chỉ giúp giữ gìn kho tàng văn hóa, lịch sử quý báu của cựu lục địa mà còn giúp người dân dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin. Năm 2019, 26 quốc gia châu Âu đã ký Tuyên bố hợp tác về thúc đẩy số hóa di sản văn hóa, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính: Số hóa theo hình thức 3D các đồ tạo tác, di tích và địa điểm di sản văn hóa; tăng cường hợp tác xuyên ngành, xuyên biên giới và nâng cao năng lực trong lĩnh vực di sản văn hóa kỹ thuật số; thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quá trình số hóa di sản, đẩy mạnh sáng tạo trong các lĩnh vực khác. Đầu năm 2020, Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã khai trương Kho lưu trữ kỹ thuật số di sản văn hóa ASEAN (ACHDA) tại địa chỉ https://heritage.asean.org. Trong giai đoạn đầu tiên, ACHDA giới thiệu hơn 160 mẫu vật đã được số hóa của Indonesia, Malaysia và Thái Lan, qua đó cho phép khách tham quan tìm hiểu sâu hơn về các bộ sưu tập của các bảo tàng, phòng trưng bày và thư viện thông qua mô hình ba chiều (3D), các hình ảnh, bản ghi âm và video có giá trị về các di sản văn hóa của ba nước nói trên. Mục tiêu trong giai đoạn hai của dự án là số hóa các bộ sưu tập của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trước khi mở rộng tới các nước ASEAN còn lại. Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội Kung Phoak bày tỏ hy vọng, qua trang web, các công dân ASEAN sẽ đánh giá cao các di sản văn hóa được chia sẻ, thấm nhuần sâu sắc ý thức khu vực và cùng chung tay thúc đẩy mạnh mẽ bản sắc ASEAN. Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản cho rằng, theo thời gian, tất cả các di sản đều có thể bị hư hại hoặc bị phá hủy bởi các nguyên nhân đa dạng từ tự nhiên hoặc con người như: Ô nhiễm, lũ lụt, ô xy hóa, các hành động phá hoại hoặc chăm sóc không đúng cách… Vì vậy, việc số hóa di sản có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, nghiên cứu và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc gắn chip cảm ứng cũng giúp hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả hơn.
Quỳnh Chi (theo HNMCT)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |