Chi tiết tin tức Đại lễ Phật Đản và dân tộc Việt 21:40:00 - 05/05/2022
(PGNĐ) - Dẫn lại vài dòng trong sử ký để thấy những tấm gương tiền nhân xưa đã khéo léo bằng những phương tiện thiện xảo để dung hợp Phật giáo, bản địa hóa Phật giáo để hài hòa cùng nền văn hóa bản địa của dân tộc.
Dưới đây là một trích đoạn từ " Đại Việt sử ký toàn thư" nói về việc tắm Phật và từ đó có ra truyền thống đến nay. (Năm Nhâm Tý, Thần Vũ năm thứ 4 (1072). “Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, vua (Lý Thánh Tông) tham dự lễ tắm Phật”. "Ất Dậu, Long Phù, năm thứ 5 (1105), (Tống Sùng Ninh năm thứ 4). Mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu, ba ngọn tháp chỏm đá ở chùa Lãm Sơn. Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường". Khởi đầu của nghi thức tắm Phật của nước ta là từ đó và về sau thành lệ. Vua và quần thần đích thân đến dự lễ tắm Phật. Điều này chứng tỏ, ngay từ thời Lý, năm 1105, nghi thức tắm Phật đã trở thành một lễ mang tầm vóc quốc gia, đạo Phật là quốc đạo của dân tộc. Đó là những dòng chép ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu chúng ta muốn biết cụ thể về nghi thức đẹp đẽ này, văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh đã miêu tả rất chi tiết: “Nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng; tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa”. (…) “Sai phụng thường chỉnh đốn kiệu xe, khiến phong bá quét sạch bụi bặm. Khói trầm đàn như mây toả khắp sơn khê, bóng cờ Phướn như ráng phô đầy các ngả. Chuông trống vang ầm, khánh tiu rộn rã. Phía trước xe mây Tam bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung, về hết trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước, chùa Phật mở rộng bên trong. Hội tăng ni trai khiết, diễn Giác Đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ. Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa múa ca. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường, phát tiền quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn. U hiển đều về, thiên long cùng đến; đem lực công tối thượng, phúc đức vô lường, ca ngợi hoàng cương vững bền như trời đất. Cầu mong bảo vận vằng vặc như trăng sao; sớm sinh thái tử, nối mãi mệnh trời. Mong gốc ngành muôn thuở, cầu xã tắc muôn năm. Cỏ lướt nhiều phương, quỳ nghiêng muôn nước”. Đọc sử để biết cha ông ta đã làm gì để hôm nay ta có truyền thống được gìn giữ lưu truyền. Lịch sử dân tộc đã có những vị vua là Phật tử, là thiền sư. Chư vị ngồi trên ngai vàng nhưng đã “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”, hiểu tử sinh là lẽ thường và không để những tham vọng của quyền lực của cá nhân mình khiến cho muôn dân loạn lạc. Ngô Sĩ Liên, dưới cái nhìn của mình đã viết: “Vua (Lý Thánh Tông) khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt”. Và vua Nhân Tông “thường nhân việc mở hội Phật mà tha cho người hết tội. (…) Còn như vua Thần Tông không có việc gì mà cũng tha bổng”. Dẫn lại vài dòng trong sử ký để thấy những tấm gương tiền nhân xưa đã khéo léo bằng những phương tiện thiện xảo để dung hợp Phật giáo, bản địa hóa Phật giáo để hài hòa cùng nền văn hóa bản địa của dân tộc. Chư vị đã biến Phật giáo trở thành nền Phật giáo thế sự với hai mục đích chính: Bảo vệ dân tộc và đem lại lợi ích cho muôn dân. Từ đó, dân tộc Việt có những vị vua anh minh, lấy đức và lòng từ để dẫn dắt dân tộc đi tới hòa bình, phát triển. Cũng từ đó, chúng ta có những Phù Đổng từ hình tượng Tỳ Sa Môn Thiên Vương như vị thần bảo hộ biên cương, lại che chở cho dân như một vị phúc thần… Lịch sử khoảng từ ngàn năm trở lại đây thôi cũng phải kể nhiều ngày không hết những tấm gương như thế. Những vị minh quân, những vị thiền sư đã hết lòng với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quốc gia được hòa bình, thịnh vượng. Tham gia vào chính sự triều đình được ban tước hiệu Khuông Việt như Thiền sư Ngô Chân Lưu hay như Thiền tăng Minh Không Nguyễn Chí Thành, thiền sư Thảo Đường, Thông Biện, quốc sư Phù Vân... là để vì lẽ ấy, vì nước độc lập có tự chủ giàu mạnh, Phật giáo mới phát triển. Mùa Phật đản năm nay, chúng tôi lại có thêm may mắn được đón nhận tác phẩm mới tái bản của Thiền sư Sử gia Lê Mạnh Thát hiệu Trí Siêu ra mắt đúng dịp Đại Lễ Phật Đản. Kính ngưỡng tri ân Thầy đã một đời tận tụy với sự nghiệp lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam, đóng góp to lớn cho đất nước và Phật giáo. Đọc "Thiền uyển tập anh" để thấy những nhận định của Thầy về các danh tăng Thiền sư của thời đại Lý - Trần. Đó là quan điểm xuyên suốt lịch sử phát triển của Phật giáo: "Đất nước có tự chủ và hưng thịnh Phật giáo mới phát triển". Nhận thức ấy của tiền nhân các bậc danh tăng, hay đó cũng là quan điểm ngày nay của Thiền sư Lê Mạnh Thát là nhất quán không ra ngoài cuộc sống, nhận chân giá trị sinh tồn để đóng góp vào vận nước của giới Phật giáo nói chung./.
Thượng toạ Thích Tâm Hiệp
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |