Chi tiết tin tức

Đức Pháp chủ GHPGVN tưởng niệm chư vị Thánh tử đạo tại Huế

20:50:00 - 18/07/2024
(PGNĐ) -  Sáng nay, 18-7-2024, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng về Huế, đến Đài Thánh tử đạo (tọa lạc tại Công viên số 19 Lê Lợi, đầu phía Nam cầu Trường Tiền) tưởng niệm chư Thánh tử đạo đã hy sinh trong Pháp nạn 1963.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tưởng niệm chư Thánh tử đạo đã hy sinh trong Pháp nạn 1963
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tưởng niệm chư Thánh tử đạo đã hy sinh trong Pháp nạn 1963

Hiện diện cùng Đức Pháp chủ tại lễ tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ; cùng chư tôn giáo phẩm Thành viên Hội đồng Chứng minh trú xứ tại Thừa Thiên Huế.

Tháp tùng có các vị Ban Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ: Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Giác Dũng, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ.

Cung nghinh Đức Pháp chủ có chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế; cùng chư vị Ban Thường trực, Ủy viên Ban Trị sự và chư Tăng Ni, Phật tử tại Huế.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và chư vị giáo phẩm đã dâng hương, hữu nhiễu Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tưởng nhớ sự hy sinh của Tăng Ni, Phật tử trong Pháp nạn 1963, đặc biệt là các Phật tử bị sát hại tại Đài Phát thanh Huế đêm rằm tháng Tư năm Quý Mão, Phật lịch 2507.

Trang nghiêm khóa lễ
Trang nghiêm khóa lễ

Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tại Huế hiện tọa lạc tại Công viên 19 Lê Lợi bên bờ Nam sông Hương, gần giao lộ Lê Lợi - Hùng Vương ở đầu cầu Trường Tiền, thuộc P.Vĩnh Ninh, TP.Huế (trước đây thuộc khuôn viên Đài Phát thanh Huế). Đây là một di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh đặc biệt không chỉ riêng đối với Huế và Phật giáo Huế mà còn có một vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như lịch sử dân tộc thời hiện đại.

Nơi đây ghi dấu một trang sử bi tráng, hào hùng, được viết lên bằng máu của giới Phật giáo trong Pháp nạn năm 1963, nhằm phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm thời bấy giờ, đặc biệt là lệnh triệt hạ cờ Phật giáo, biểu tượng thiêng liêng của tín đồ đạo Phật. Đã có hàng trăm đồng bào Phật tử tập trung yêu cầu phát lại chương trình ghi âm lễ Phật đản ngày rằm tháng Tư năm Quý Mão (8-5-1963) như thường niên, nhưng đã bị đàn áp. 8 Phật tử tuổi còn thanh xuân đã bị sát hại, nhiều người bị thương sau một cuộc bố ráp lạnh lùng của chính quyền.

Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN hữu nhiễu Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tưởng nhớ sự hy sinh của Tăng Ni, Phật tử trong Pháp nạn 1963

Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN hữu nhiễu Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tưởng nhớ sự hy sinh của Tăng Ni, Phật tử trong Pháp nạn 1963

Bia đá khắc ghi phương danh 8 Phật tử đã vị pháp vong thân, đó là anh linh chư Thánh tử đạo: Tâm Đồng Đặng Văn Công, Tâm Thành Dương Viết Đạt, Tâm Thanh Nguyễn Thị Yến, Tâm Thọ Nguyễn Thị Phúc, Tâm Hiển Lê Thị Kim Anh, Tâm Thuận Trần Thị Phước Trị, Tâm Chánh Nguyễn Thị Ngọc Lan và Tâm Tôn Huyền Tôn Nữ Tuyết Hòa.

Nhân lễ vía Đức Phật A Di Đà năm Ất Tỵ (1965), Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên đã chính thức đặt đá xây dựng Đài Thánh tử đạo, để tưởng nhớ biến cố đau thương nhưng bi tráng này. Người được giao trách nhiệm vẽ đồ án thiết kế và giám sát thi công Đài kỷ niệm Thánh tử đạo là kỹ sư Ngô Nẫm, dưới sự cố vấn trực tiếp của Hòa thượng Thích Thiện Siêu - Phó Đại diện miền Vạn Hạnh lúc bấy giờ.

Bia đá khắc ghi phương danh 8 Phật tử đã vị pháp vong thân
Bia đá khắc ghi phương danh 8 Phật tử đã vị pháp vong thân

Đài kỷ niệm Thánh Tử Đạo với lối kiến trúc chủ đạo là công trình một đài tưởng niệm, bố cục tổng thể thấp thoáng bóng dáng của một bảo tháp truyền thống Phật giáo. Đài kỷ niệm được thiết kế gồm 3 phần: Phần đế, phần thân và phần đỉnh, với chiều cao tổng thể 5,65m (tính từ mặt nền lên đến đỉnh trên cùng của Chuyển pháp luân).

Ngày mùng 8 tháng 2 năm Bính Ngọ (1966), nhân lễ vía Đức Thích Ca xuất gia, Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên chính thức làm lễ khánh thành Đài kỷ niệm Thánh tử đạo tại hoa viên Đài Phát thanh Huế.

Tưởng nhớ thế hệ anh chị Phật tử bị sát hại trong mùa Phật đản Phật lịch 2507 tại Đài Phát thanh Huế

Tưởng nhớ thế hệ anh chị Phật tử bị sát hại trong mùa Phật đản Phật lịch 2507 tại Đài Phát thanh Huế

Đài kỷ niệm Thánh Tử Đạo tại Huế là một di sản vô giá - cả về ý nghĩa lịch sử lẫn giá trị văn hóa và tâm linh của Phật giáo xứ Huế cũng như Phật giáo Việt Nam, ghi nhớ về biến cố của Phật giáo ở thế kỷ XX tại miền Nam là Pháp nạn 1963, xuất phát tại Huế, sau đó lan vào Sài Gòn, với đỉnh cao là sự kiện hy hữu Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân để lại trái tim bất diệt, thức tỉnh lương tri của nhân loại.

Đài Thánh tử đạo là di sản thiêng liêng không chỉ đối với người Phật tử, không chỉ quan trọng đối với văn hóa Huế - nơi Phật giáo đã làm nên cả phần tâm hồn lẫn thể xác, mà còn có ý nghĩa rất to lớn đối với Phật giáo Việt Nam, giáo dục ý thức trách nhiệm và lòng nhớ ơn đối với những người đã hy sinh cho sự sống còn của Phật giáo hôm nay.

 

Quảng Điền

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin