Chi tiết tin tức Giá trị nội dung của thơ văn trên báo chí Phật giáo trước 1945 20:04:00 - 10/07/2022
(PGNĐ) - Ở nước ta, những sáng tác văn học trên báo chí Phật giáo trước 1945 ra đời nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo, nên những tác phẩm này có giá trị giáo dục tư tưởng đạo đức Phật giáo rất lớn. Thông qua bài thơ, câu chuyện, tác giả đã gửi gắm những bài học, những lời răn giàu tính nhân văn và tính truyền thống theo tinh thần Phật giáo.
1. GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO Ở nước ta, những sáng tác văn học trên báo chí Phật giáo trước 1945 ra đời nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo, nên những tác phẩm này có giá trị giáo dục tư tưởng đạo đức Phật giáo rất lớn. Thông qua bài thơ, câu chuyện, tác giả đã gửi gắm những bài học, những lời răn giàu tính nhân văn và tính truyền thống theo tinh thần Phật giáo. Từ cái nhìn con người và muôn vật đều vô thường biến chuyển, không có gì tồn tại vĩnh cửu, tác giả Diệu Không trên Tạp chí Viên Âm số 9 đã đăng bài thơ Khuyên người học đạo, nói lên sự thực tồn của muôn loài chỉ là giả huyễn: “Cả thế sự như in giấc mộng Khuất lần theo với bóng tà dương Chấp chi những cái vô thường Đem tâm phân biệt mà thương ghét hoài…”. Nếu Diệu Không chỉ mới nói thế sự như giấc mộng, có rồi lại tan để diễn tả về vô thường, thì Cổ Mai trong Viên Âm số 6 cho chúng ta thấy rõ hơn, chi tiết hơn về triết lý này qua bài thơ Khuyên người. Đồng thời tác giả chỉ rõ nguyên nhân tại sao con người phải gánh chịu khổ đau và qua đó gửi lời nhắc nhở muôn người cần phải thức tỉnh, nương về cửa Phật để thanh tịnh hóa thân tâm: “Bể trần chìm nổi thấy mà đau Lạc hướng bờ mê dễ biết đâu Tham dục lòng gây Nhơn ở trước Não phiền lụy để Quả về sau
Nước không động gió nào nhăn mặt Núi có phơi sương mới bạc đầu Ai nấy sớm nên nhờ cửa Phật Trên đường giải thoát dắt dìu nhau”. Đặc biệt, Lương Duyên Tuệ với bài Lời khuyên tu đạo Phật trên Đuốc Tuệ số 70, đã nhấn mạnh việc tu hành không phải dành riêng cho người xuất gia, hay đợi khi xuất gia mới tu được, mà bất cứ ai cũng có thể ứng dụng giáo pháp chân chính để tu tập, tránh xa tà đạo: “… Khuyên nên theo chính bỏ tà Noi con đường giác để mà độ tha Cứ gì thế phát xuất gia Mới là đắc đạo, mới là pháp thân Tinh nghiêm giới hạnh chuyên cần Hằng theo Phật giáo rõ ràng chân tu”. Ngoài việc giáo dục con người lòng dũng cảm, Nguyễn Thiện Chính trong Đuốc Tuệ số 43 còn nhắc nhở tín đồ phải biết thể hiện lòng tri ân và báo ân. Người biết nhớ ơn chính là người biết làm điều lành và sống an vui trong những hành động tốt đẹp mà mình đã tạo: “Ăn quả trồng cây ấy kẻ khôn Rễ sâu lá tốt quả ra luôn Sinh nơi gốc thiện màu sao đẹp Bọc cái mầm nhân vỏ cực tròn
Tam giới phàm phu theo dễ được Thập phương chư Phật hãy thường còn Điều lành là báu ta nên chuộng Nếm thử mà xem vị ngọt ngon”. Đạo hiếu, là triết lý sống đạo đức cao cả mà có lẽ đạo Phật xem đó là quan trọng hàng đầu, vì bàng bạc trong các kinh điển Phật giáo đã đề cập rất nhiều về tinh thần này. Trên Bồ Đề Tạp chí số 2, Văn Thị Nga đã góp lời giáo dục con người qua bài Hiếu dưỡng phụ mẫu diễn ca. Bài thơ chứa đựng những lời khuyên chân tình về đạo hiếu. Dù bất cứ ai, đã tu theo đạo Phật thì không thể quên đạo hiếu, kinh điển Phật truyền lại cho thấy Ngài luôn dạy đệ tử phải lấy chữ hiếu làm đầu: “… Làm người thời phải lo âu, Thảo nuôi là trước cạn sâu mọi bề, Quyết lòng giữ đạo Bồ đề Ân cha nghĩa mẹ, chớ hề vội quên… Phật kinh truyền để xưa nay, Lắm sự tích, dạy thảo ngay làm đầu”. Trần Huy Hân trong Đuốc Tuệ số 73 năm 1937 lại cho thấy triết lý giáo dục Phật giáo còn khuyên con người biết thể hiện lòng vị tha trong cuộc sống hiện tại. Bài thơ Cảm tưởng nạn dân bị lụt, tác giả đã lên tiếng khuyên con người sống trên đời hãy luôn biết thương yêu, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Có như thế thì cuộc đời mới bớt khổ đau và con người sẽ mãi sống an vui, hạnh phúc: “Nước lớn năm nay lớn lạ lùng Đê ba, bốn tỉnh vỡ lung lung Dân thì đói bụng ngồi trên nước Quan phải nhọc lòng nghĩ dưới sông
Lúa mất nhà trôi bao nỗi khổ Thóc cao gạo kém lấy gì đong? Ai ơi để của làm chi nhỉ? Để của làm chi chẳng giúp cùng?”. Nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức Phật giáo qua thơ ca trên báo chí Phật giáo trước 1945 như đã phân tích tập trung thể hiện các nội dung: Lẽ vô thường, nguồn gốc khổ đau, tính thiện, tri ân báo ân… nhằm truyền giảng giáo lý Phật giáo. Những bài thơ được viết giản dị, gần gũi với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi để dễ đọc, dễ nhớ. Nhờ thế, những giáo lý cao sâu của nhà Phật dễ dàng đi vào đời sống nhân dân, để bảo lưu, gìn giữ và phát huy những phẩm chất, lối sống cao đẹp của con người Việt Nam. Cho nên nói, việc khơi lại, giữ gìn và phát huy những tư tưởng đạo đức Phật giáo qua thơ ca trên báo chí Phật giáo cũng chính là việc giữ gìn, bảo lưu truyền thống quý báu của con người và dân tộc Việt Nam. Đó cũng là sự đóng góp thiết thực có giá trị của những bài thơ và nhà thơ theo tinh thần Phật giáo. Văn xuôi trên báo chí Phật giáo giai đoạn này gồm các thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, tùy bút… Đầu thế kỷ XX, nếu các tác phẩm văn học thế tục đã có những cách tân, đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức thì những tác phẩm văn học sáng tác theo tinh thần Phật giáo giai đoạn này cơ bản vẫn có nội dung và hình thức của văn học trung đại. Các tác phẩm văn xuôi trên báo chí Phật giáo thể hiện sâu sắc những tư tưởng, triết lý Phật giáo. Thông qua những câu chuyện kể, triết lý đạo Phật được cụ thể hóa sinh động và thân thuộc, tạo lòng tin cho người đọc rằng: Đạo Phật có thể an định xã hội, tịnh hóa lòng người, khiến cho người ta có đầy đủ tín tâm để sống an vui trong hiện tại và còn mang đến kết quả tốt đẹp ở tương lai, giúp cho con người có được nếp sinh hoạt hợp với đạo lý. Dưới đây, xin lược thuật một số tiểu thuyết tiêu biểu thể hiện nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức Phật giáo trên báo chí Phật giáo trước 1945. Tác phẩm Tu là cội phước, tình là dây oan của Liên Tôn đăng trong Từ Bi Âm số 3 là một tiểu thuyết ngắn. Câu chuyện xảy ra vào đời nhà Đường, niên hiệu Nguyên Hòa, xứ Hiệp Hữu, có một người con gái tên Quỳnh Liên, xuân xanh xấp xỉ đến tuổi cập kê, sắc nước hương trời. Các chàng trai nhìn thấy nàng đều ngày đêm mơ tưởng, nhờ người mai mối, mong được kết duyên cùng nàng. Nhưng nàng đã ra điều kiện với các chàng trai rằng, trong một đêm nếu ai học thuộc phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa thì nàng đồng ý gửi thân cho chàng trai đó. Sáng hôm sau, đã có hai mươi người học thuộc phẩm Phổ Môn. Nhưng nàng tiếp tục ra điều kiện, nếu ngày mai ai học thuộc bộ kinh Kim Cang thì nàng đồng ý làm vợ. Hôm sau lại có được mười người học thuộc. Nàng phải ra điều kiện tiếp rằng, ai thuộc hết bảy quyển kinh Pháp Hoa trong ba ngày ba đêm thì người đó sẽ là duyên tiền định của nàng. Tưởng là không có ai, đâu ngờ đã có chàng Mã Sanh học thông suốt kinh Pháp Hoa. Thế nên nàng phải đồng ý kết duyên cùng chàng. Nhưng ngay trong đêm tân hôn, nàng đã lìa trần, khiến chàng Mã Sanh mê mẩn tinh thần, khổ sầu vô độ, muốn chết cùng nàng. Sau đó có vị Hòa thượng đến gặp Mã Sanh hỏi thăm sự tình và nói cho chàng biết rằng nàng Quỳnh Liên chính là do ngài Quán Thế Âm Bồ tát hóa hiện ra, để cứu độ chúng sinh. Đồng thời, khuyên chàng cùng mọi người hãy hồi tâm hướng thiện, sám hối những tội lỗi trước. Nói xong Hòa thượng biến mất. Từ đó về sau, người dân trong xứ Hiệp Hữu vì thấy được sự linh hiển ấy, nên ai ai cũng thờ Phật ngày càng đông và nơi ấy trở thành đô hội của Phật giáo. Tiểu thuyết Duyên trước tình sau của Chánh Niệm trong Tạp chí Từ Bi Âm số 5, nội dung nói về đôi trai tài gái sắc là chàng Vương Hi và nàng Thiều Hoa, là gái Nam Giang và trai Đông Sàng rất xứng đôi vừa lứa. Họ vừa kết hôn, mừng vui chưa trọn vẹn thì cha mẹ của Thiều Hoa đều lìa trần. Việc tang chế của cha mẹ nàng Thiều Hoa vừa xong thì mẹ của Vương Hi cũng tiếp nối ra đi. Trước tình cảnh đau thương đó, Vương Hi mới rõ thấu triết lý vô thường sanh, lão, bệnh, tử của đạo Phật, nên chàng lìa bỏ tất cả vào núi ẩn tu. Sau đó Thiều Hoa cũng phát tâm xuất gia. Mỗi người mỗi nơi chuyên lo tu trì và cả hai đều chứng được đạo quả an vui, giải thoát. Truyện Đốt đuốc ban ngày của Viên Quang đăng trên Đuốc Tuệ số 169-170, nói về ông Phạm Chí trí tuệ rộng sâu, thông suốt nhiều kinh sách, không có gì là không biết và ông luôn tự khen là không có ai sánh bằng mình. Một hôm giữa ban ngày, ông cầm đuốc đi vào trong thành, đã làm cho mọi người chê bai ông ngu dốt. Từ câu chuyện, tác giả đã nhấn mạnh trên thế gian, cũng có lắm kẻ như anh mù cầm đuốc, tự mình chưa tỏ lại còn dám ngông nghênh với người khác. Chưa hiểu đã nói là hiểu, chưa đáng ngôi cao đã tự tôn, như thế có khác nào một anh mán trong rừng xanh, tưởng mình tài giỏi hơn hết mọi người. Nào có biết đâu, trên đời vẫn còn những bậc siêu phàm xuất chúng mà họ chưa từng gặp. Hiểu như vậy để tự thức tỉnh mình mà dập tắt tính kiêu ngạo và sự tu đạo của ta mới mong có ngày thành tựu. Tác giả kết thúc truyện bằng câu phương ngôn rất ý nghĩa: “Ở nhà nhất mẹ nhì con Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Nội dung những tác phẩm trên cho thấy công danh, tài sắc, lợi lộc… chỉ là phù du, là vô thường biến đổi. Do đó, nhà Phật khuyên con người không nên tham luyến quá mức, mong cầu quá độ để phải chuốc lấy khổ sầu, mọi hạnh phúc thế gian chỉ là tạm bợ mà thôi. Duy có sự tu phước tu huệ, sống có hiếu nghĩa, đạo đức thì mới có được bình an, hạnh phúc. Hơn thế nữa, là biết tránh xa danh lợi, tình ái mà chọn đời sống thoát tục thì sẽ có được hạnh phúc lâu bền hơn. Với nội dung đơn giản, quen thuộc như truyện cổ tích, các tiểu thuyết Phật giáo trên đã thể hiện sinh động và sâu sắc những tư tưởng đạo đức của giáo lý nhà Phật. Những tác phẩm này là sự kế thừa và kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa triết lý dân gian và Phật giáo. Điều này giúp các tác phẩm dễ đi vào lòng quần chúng và gắn kết đời sống nhân dân như những câu ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích. Từ đó, những tư tưởng đạo đức Phật giáo được truyền giảng, tạo nên nếp sống từ tâm trong mỗi người dân Việt. Đồng thời, đóng góp thiết thực của các tác phẩm văn học trên báo chí Phật giáo trước 1945 góp phần phục hưng và lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. 2. THỂ HIỆN TINH THẦN DÂN TỘC Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước và lòng từ bi của nhà Phật đã dung hòa với nhau. Đạo Phật đã sử dụng các dữ liệu tích cực của văn hóa và tôn giáo dân gian để góp phần xây dựng và phát huy nền văn hóa dân tộc. Trong đó, thuyết “Tứ ân” mà báo chí Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX nhiều lần nhắc đến đã thể hiện rất ý nghĩa, làm cho tinh thần yêu nước và lòng nhân từ ngày càng gắn kết. Thơ văn trên báo Phật giáo giai đoạn trước 1945 cho ta thấy rõ nét tinh thần gắn kết của Phật giáo với dân tộc. Nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi của những nhà văn, nhà thơ có tín tâm với Phật giáo đã chứa đựng tư tưởng yêu quê hương, vì đất nước rất cụ thể và mang tính thiết thực. Tinh thần yêu nước của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện phong phú và đa dạng. Có người thì can đảm xông pha nơi trận mạc để chiến đấu với quân thù, có người thì bền chí hy sinh, trợ duyên và khuyên nhủ chồng phải biết sống hết lòng cho Tổ quốc, phải kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh để mang lại hòa bình, ấm no cho dân tộc… Những sự hy sinh của người phụ nữ vì Tổ quốc ấy vẫn luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc. Trên Tạp chí Quan Âm số 26, tác giả Vương Linh đã đăng bài thơ Vì lý tưởng để ca ngợi tinh thần yêu nước của người phụ nữ Việt Nam: “Vì lý tưởng chàng đi không trở lại Thiếp năm chờ tháng đợi biết bao công… Chàng hỡi, kẻ anh hùng đừng thối chí, Dẫu trăm lần thất bại, nản đừng nên Thiếp nguyện xin già làm kẻ vô duyên, Nhưng được thấy chàng trở nên “Đại sĩ”. T.B thì bày tỏ cảm xúc của mình về Cảnh đền Kiếp Bạc trong Quan Âm Tạp chí số 24, vừa mang tính thiêng liêng vừa mang âm hưởng thoát tục. Có lẽ, đây là sự hòa nhịp giữa việc thể hiện lòng tri ân những anh hùng chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc với ân quốc gia của Phật giáo (một trong Tứ ân): “Trời đất dành riêng một miếu đường Đời đời khánh niệm đức Trần Vương Chuông Tào, mõ Đẩu khêu hồn tục Rừng cấm, giếng rồng ẩn bóng dương…”. Bày tỏ lòng báo ơn bằng việc thực hiện nghi thức cầu siêu độ trong Phật giáo là việc làm rất phổ biến và đầy ý nghĩa. Phật giáo quan niệm con người chết là chỉ mất đi thể xác nhưng nghiệp thức vẫn còn tồn tại và phải chịu luân hồi sanh tử trong nhiều cảnh giới khác nhau. Vì thế, nhà tu hành phải thể hiện lòng từ bi cứu độ, bằng cách làm lễ kỳ siêu, thuyết pháp để cứu rỗi những vong linh chưa giác ngộ, vẫn còn bơ vơ, lạc lõng trong cảnh giới khổ đau được trở về cảnh giới Cực lạc an vui. Thấm nhuần tư tưởng đó, chi hội Phật giáo Hải Dương đã làm lễ phổ độ cho tướng sĩ Việt Nam trận vong bên Pháp quốc và ở Lạng Sơn, cùng những người dân bị nạn bom Hải Phòng, trong đó, Công Chân có Bài văn truy triệu Lễ phổ độ chiến sĩ trận vong, được Đuốc Tuệ số 141 chọn đăng: “Than ôi, âm dương đôi ngả cách xa Thác là thể phách còn là tinh anh Nào là tướng sĩ tòng chinh Nào là lạc đạn vô tình xảy ra Cùng chung một gánh quan hà Thác vì việc nước ai mà không thương
Trời long đất lở khôn lường Người ta hai chữ vô thường đó thôi… Nay nhân tảo mộ lễ thường Phật đài thắp một tuần hương khấn nguyền Anh linh giáng phó đàn tiền Chúng sinh công đức vô biên vô lường…”. Người có tín tâm với Phật giáo là người có lòng từ bi. Người có lòng từ bi là biết nghĩ đến sự an nguy của đất nước và hết lòng nhớ nghĩ về công ơn của cha ông đi trước đã tạo dựng nên đất nước gấm hoa. T.T.T với bài Thơ mừng Tết trong Viên Âm số 2 đã đưa muôn người về với mùa xuân của cả nước, cùng chúc mừng nhau thêm tuổi mới, nhưng không quên cội nguồn Tổ tiên của dân tộc Việt Nam: “Thấm thoắt xuân về đã hết đông Bắc Nam đâu đó cũng trời chung Cỏ cây thấm gội ơn mưa móc Hoa gấm tô bồi vẻ núi sông
Rước tổ Hồng Bàng, hương một nén Đuổi ma khủng hoảng, pháo vài phong Mừng nay năm mới thêm nhiều tuổi Hai chữ từ bi giữ vững lòng”. Ngôi chùa hiện hữu giữa cuộc đời đã góp phần tô điểm rất nhiều cho nét đẹp đất nước. Nơi đây, chúng ta có thể học Phật, tìm hiểu lịch sử Phật giáo và cả lịch sử dân tộc, là cả một kho tàng đạo đức, đạo lý sống cho những ai có tai để nghe và có tâm hồn để thể nghiệm. Đúng như dân gian đã từng nói: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Ngôi chùa hiện hữu như là một biểu tượng văn hóa, thể hiện tính chất bao dung của người Việt, của văn hóa Việt Nam. Nguyễn Thiện Chính với bài Vịnh chùa Kiến Sơ đăng trên Đuốc Tuệ số 13 đã nói lên đầy đủ giá trị và ý nghĩa cao cả về sự hiện hữu của ngôi chùa giữa quê hương: “Đem đạo từ bi để gọi hồn Đổi cong làm thẳng, dại làm khôn Sử Nam tự tích xưa chưa có Đất Bắc sơn môn bấy hãy còn
Chùa lập cùng làng ngài Đổng Thánh Phật truyền vào nước tổ Vô Ngôn Tín đồ con cháu rồng tiên cả Bồ tát công duyên rạng nước non”. Tất cả những cảnh trí thiên nhiên, những tình cảm gắn bó sâu đậm với dân tộc qua những trang thơ đã thể hiện trên báo chí Phật giáo trước 1945 càng trở nên tha thiết và gợi cho ta những tình cảm đáng trân trọng. Có thể nói, báo chí Phật giáo thời bấy giờ đã góp phần đưa văn học về với cội nguồn và chứa đựng những giá trị lâu bền trong đời sống văn hóa dân tộc. Những bài thơ trên cũng cho thấy tính thế sự hóa nội dung trong tác phẩm thơ Phật giáo. Nội dung những bài thơ thể hiện được sự gắn bó giữa đạo và đời. Đời sống là sự thể hiện sinh động và phong phú nhất của giáo lý Phật giáo, đồng thời cũng thể hiện được sự thay đổi trong nội dung thơ gắn với tính thời sự, đời thường. Không ít tác phẩm văn xuôi cũng mang chủ đề yêu nước. Tác giả T.V, trên Quan Âm Tạp chí số 23, với tác phẩm Lạc đường đã thể hiện rất rõ tinh thần vì dân tộc, muốn khuyến hóa quần chúng, cụ thể là giới học sinh, phải biết ý thức rõ về vai trò của mình, để cùng chuyển hóa xã hội Việt Nam ngày một giàu mạnh: Trong một bài pháp của Lã Phụng Tiên có nói: “Cái lỗi của mình như cái túi đeo sau lưng..”., khi nào có người quay cái túi ấy ra trước mặt mình mới biết rõ được… Đó, chúng ta đã nghe rõ chưa? Chúng ta đã tỉnh giấc chưa? Chúng ta đã trông thấy rõ cái túi trước mặt chúng ta chưa? Chúng ta đã nhận thấy cách ỷ lại lười biếng của chúng ta chưa? Chúng ta đã nhận thấy quãng đường sai lạc chưa? Vậy, nay chúng ta cần phải đả đảo ngay cái “óc” làm ông tham, ông phán… mà kíp khuynh hướng về kỹ nghệ thương mại, canh nông… thì mới cứu vãn được cái xã hội Việt Nam đương ốm yếu này! Trong bài viết Nhân tài nước Nam của Trương Vĩnh Ký, được đăng trên Quan Âm Tạp chí số 24, ra ngày 03/12/1941, tác giả cũng đã nhấn mạnh rất rõ về ý chí và trách nhiệm của một thanh niên Việt Nam. Ông khẳng định thanh niên thời bấy giờ chính là nhân tài của đất Việt, nên phải thấy rõ trọng trách của mình trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương. Nói đến truyện ngắn, tác giả Thiện Minh có lẽ đã rất thâm thúy khi viết Những lời ấy xa xăm còn vang mãi đăng trên Quan Âm Tạp chí số 26. Hệ thống nhân vật trong truyện ngắn này được xây dựng đơn giản. Ngôn ngữ truyện chủ yếu là lời trần thuật của người kể chuyện. Thỉnh thoảng có những lời đối thoại với ngôn ngữ thường nhật, nhưng đã làm nổi bật nội dung, tư tưởng của câu chuyện là nhằm giáo dục thế hệ trẻ. Tác giả đã tha thiết kêu gọi thanh thiếu niên phải biết yêu non sông đất nước, nơi đã sinh ra mình và phải sống làm sao cho xứng đáng, đem lại lợi ích cho xã hội: “Này nhé, các con ơi, các con trông xem, sông cong queo chảy, núi sừng sững và oai hùng, đất màu tươi tốt. Biết bao nhiêu khí thiêng sông núi, đất nước chung đúc nên người ta, sinh ra ta, sinh ra các con, sinh ra từng lớp người… Các con ơi, các con nghe lời ta, một người từng trải, bây giờ các con chỉ nên chăm học và yêu hết mọi người, bởi ở đó các con sẽ nên người hữu ích cho mai hậu”. Truyện cũ nước nhà (Trá Hòa thượng để dò mưu giặc) của Thiện Bảo đăng trên Đuốc Tuệ số 40, là tác phẩm được viết lại, dựa vào câu chuyện có thật của lịch sử, nói về việc Nguyên triều nghe tin vua Thái Tông nhà Trần băng hà, muốn nhân dịp trong nước có tang, gây sự khởi binh, mới sai Lễ bộ Thượng thư Sài Thung sang dụ vua Nhân Tông vào chầu. Vua sai người mời Sài Thung vào quán sứ và sai quan Tướng quốc Thái úy Trần Quang Khải ra tiếp. Thung cậy mình là Nguyên triều sứ thần, đến tiểu quốc không coi ai ra gì cả. Khi tướng Quang Khải ra mắt, ông vắt vẻo nằm trên sập, không thèm đứng dậy mà cũng không đáp lại một lời. Đức Hưng Đạo Vương nghe chuyện, căm tức vô cùng, muốn vào thẳng xem Sài Thung ra sao, nhưng ngại sẽ không được tiếp chuyện. Hưng Đạo Vương vốn giỏi tiếng Hán, bèn khoác áo cà sa, đeo tràng hạt, giả làm Hòa thượng đến xin vào bái kiến. Sài Thung được tin báo, ngỡ có nhà sư từ phương Bắc đến nên cho lính ra rước vào. Thung đứng dậy chào hỏi, tỏ ý vui vẻ, rồi sai pha trà ân cần tiếp đãi. Hai người tiếp chuyện thật vui. Sau khi Hưng Đạo Vương từ biệt đi ra, Sài Thung mới biết nhà Sư đó là Hưng Đạo Vương và cảm thấy hối hận cho sự khờ dại của mình. Câu chuyện trên cho thấy Phật giáo đã thực sự có được chỗ đứng vững chắc trong cuộc sống và tâm linh của đông đảo người dân, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Cho nên ngay cả Hưng Đạo Vương, vị anh hùng cũng đã biết ứng dụng đạo Phật trong đời để mang lại lợi lạc cho Tổ quốc. Nhìn chung, các tác phẩm văn học trên báo chí Phật giáo đã thể hiện rõ tinh thần đạo Phật vì dân tộc. Qua đó, cho thấy giá trị cao quý của đạo Phật là tư tưởng từ bi, khoan dung, vô ngã, không nghĩ tới cá nhân mà chỉ nghĩ đến những điều lợi ích lớn lao cho muôn người, cụ thể là xây dựng một xã hội an lạc, một đất nước hòa bình. Chính điều đó đã giúp cho con người nhận thức được chân giá trị của mình trong đời sống xã hội, triệt tiêu mâu thuẫn giữa phe này nhóm khác, để rồi cùng nhau đoàn kết bảo vệ cuộc sống bình yên, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. 3. THỂ HIỆN TINH THẦN NHÂN ĐẠO Tư tưởng vô ngã vị tha, từ bi hỉ xả, bình đẳng… và cả sự khuyến thiện từ triết lý nhân quả trong tư tưởng Phật giáo có khả năng hòa giải, hòa hợp, tác động tích cực và ảnh hưởng sâu rộng trong mọi thành phần và giai tầng xã hội. Vì vậy, báo chí Phật giáo bấy giờ đăng tải rất nhiều tác phẩm truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo và triết lý Nhân quả. Truyện ngắn, tiểu thuyết trên báo chí Phật giáo viết về triết lý nhân quả mang âm hưởng nhân đạo tương đối nhiều, mỗi tác phẩm đều để lại cho người đọc bài học về cách sống ở đời, khuyên con người luôn biết thể hiện cách ứng xử tốt đẹp trong đời sống hằng ngày, không gây ảnh hưởng xấu cho mình và người. Như thế mới có thể gặt hái được kết quả hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội. Dưới Chơn Phật của Kim Xuân viết trong Tạp chí Từ Bi Âm số 4 là tiểu thuyết viết về đời sống thực của gia đình quan Phủ Minh Huệ. Quan Phủ lâu ngày làm việc không liêm chính, bà Phủ thấy vậy rất đau lòng và tìm cách khuyên ông Phủ nên tin vào lý nhân quả của đạo Phật mà làm việc chánh trực, để tích đức cho con cháu, bởi hiện tại đứa con của họ tên Minh Thành cũng hư hỏng, không ra gì. Riêng bản thân bà Phủ nhờ thấm nhuần thuyết nhân quả của Phật giáo nên bà sống rất lương thiện, nhân hậu, không đua chen, đua đòi như những người giàu có khác. Từ cách sống của bà Phủ cùng những lời khuyên có lý của bà, lâu ngày đã khiến ông Phủ thấu hiểu và từ đó ông quyết chí làm một vị quan Phủ thanh liêm, thương yêu giúp đỡ mọi người. Về sau được mọi người cảm ơn mến đức, tiếng lành đồn xa. Nhờ đó, con trai Minh Thành của họ cũng cảm phục nhân đức cha mẹ mà hồi tâm chuyển ý, sống làm người tốt. Tiểu thuyết Sám hối được sanh về Thiên đường nói về một câu chuyện có thật trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Lương Võ Đế – một vị Hoàng đế sáng lập ra nhà Lương và trị vì Nam triều từ năm 502 đến năm 549. Câu chuyện đã được ghi chép rõ trong kinh Lương Hoàng sám, Bích Liên đã kể lại và đăng trên Từ Bi Âm số 6, Lương Võ Đế có quen thân với một vị Hòa thượng hiệu là Chí Công. Hoàng hậu Hi Thị rất ghét Hòa thượng và luôn tìm cách can ngăn vua đừng qua lại với Hòa thượng, nhưng vua không nghe. Hoàng hậu liền bày mưu tính kế để hại Hòa thượng. Có lần Hoàng hậu cho mời Hòa thượng và chúng Tăng đến để cúng dường trai tăng và đã làm bánh bao nhân thịt chó để thiết đãi. Đến ngày cúng dường, bà thấy Hòa thượng và chúng Tăng vẫn ăn bánh bao, nên lấy cớ đó mà chê bai Hòa thượng, khiến vua đem kiếm đến giết ngài. Khi vua đến gặp, Hòa thượng mới nói rõ hết sự tình và dẫn vua đi xem bánh bao nhân thịt chó đã được Hòa thượng chôn dưới đất. Vua cho người đào lên thì thấy những bánh bao ấy biến thành những con chó. Từ đó, Hòa thượng giải thích chuyện ân oán nhiều kiếp giữa Hòa thượng và Hoàng hậu. Lâu sau, Hoàng hậu lìa đời, vì tội ác quá nặng, nên bị quả báo đọa làm con rắn mãng xà sống dưới hầm xí rất khổ sở. Hoàng hậu báo mộng cho vua biết nỗi khổ và nhờ vua cầu cứu Hòa thượng làm lễ sám hối cho bà. Hòa thượng cho thiết đàn tràng để sám hối tội lỗi cho hoàng hậu, nhờ đó bà thoát được kiếp loài vật và sanh về thiên giới. Bài học nhân quả ở đây là nghiêng về hoàng hậu Hi Thị. Vì bà sống với ác tâm, nên phải lãnh chịu quả báo xấu. Nhờ bà biết hối hận, nhận ra lỗi lầm và thành tâm sám hối, cùng với sức chú nguyện của Hòa thượng, nên đã chuyển được nghiệp xấu của bà thành nghiệp tốt. Giá trị nhân đạo của tác phẩm là ở sự bao dung, rộng lượng. Dù con người mê muội, sống với tâm niệm xấu xa, nhưng chỉ cần biết sửa đổi, chuyển tâm ác thành tâm thiện thì quả lành sẽ đến với họ. Trên Tạp chí Từ Bi Âm, tác giả Thiện Dụng đã viết rất nhiều truyện ngắn. Những tác phẩm của Thiện Dụng đa phần nêu lên luật nhân quả ở đời, mỗi câu chuyện đều có nội dung hay, kết cấu hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, tiêu biểu như: Nhờ vợ tu hành mà chồng khỏi đọa đăng ở số 17, Một nàng con gái 13 tuổi ngộ đạo đăng ở số 21, Lòng từ bi cảm đến loài vật đăng ở số 35, Phật hóa độ người có duyên lành đăng ở số 36… Còn Tạp chí Viên Âm dành riêng cả một mục để đăng những câu chuyện về nhân quả, với tiêu đề Chuyện về nhân quả. Như chuyện Đại vương và khỉ chúa, Người thợ may Bố thí, Lành gặp lành ác gặp ác, Hoàng tử A Xà Thế, Chết vì ác… Các truyện tuy nội dung khác nhau, nhưng tựu trung đều xoay quanh vấn đề nhân quả. Những ai sống với tâm hung ác, với hành động xấu phải gánh chịu kết quả xấu, dù đến sớm hay muộn. Còn ai biết suy nghĩ, nói năng và làm điều lành thì sẽ luôn được kết quả tốt đẹp trong cuộc sống. Tóm lại, tìm hiểu nội dung chính yếu của một số tác phẩm văn xuôi tiêu biểu trên báo chí Phật giáo trước 1945, cho thấy nội dung mà các nhà văn thể hiện trong tác phẩm mang tính thiết thực và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Nhìn chung, nội dung các tác phẩm đã cho ta thấy được sự đóng góp có ý nghĩa của báo chí Phật giáo lúc bấy giờ đối với cuộc chấn hưng nền văn học Việt Nam. Giá trị nổi bật nhất mà các truyện để lại là chỉ rõ con người là chủ nhân chính mình, chỉ cần tự mình phấn đấu nỗ lực và sống lương thiện, nhất định sẽ có ngày vinh quang. Từ đó, có thể hiểu đặc trưng hướng nội của Phật giáo là giúp con người biết sống thân ái, yêu thương nhau và làm cho xã hội yên bình. Những thể hiện trên chứng tỏ những sáng tác văn học trên báo chí Phật giáo trước 1945 có sự gắn kết, gần gũi với cuộc sống đời thường của con người. Có thể nói, nội dung tác phẩm gần gũi với cuộc sống là một trong những đóng góp đưa văn xuôi trung đại chuyển dần sang văn xuôi hiện đại. TẠM KẾT Báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945 là cơ quan ngôn luận của các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở Việt Nam, tuy xuất hiện muộn, nhưng phát triển khá nhanh và phong phú. Qua các trang báo, nội dung kinh điển, tư tưởng văn hóa và văn học Phật giáo được phổ biến đến với đông đảo độc giả và các chức sắc, tín đồ Phật giáo Việt Nam. Định hướng cho mọi người, đặc biệt là các thanh niên tân học thấy được đạo Phật là đạo mang tính khoa học, nhân bản, thực tế và thích ứng với từng thời đại. Những tư tưởng, triết lý Phật học chung nhất mà báo chí Phật giáo thể hiện là triết lý nhân quả, đức tin, đạo hiếu, lòng vị tha, tư tưởng vì dân tộc, thuyết vô thường, vô ngã, nhân duyên… Ngoài ra, Phật học trên báo chí Phật giáo còn cho thấy tinh thần Phật giáo vì dân tộc và đại chúng một cách thiết thực, hữu ích qua việc giáo dục đạo đức và tuyên truyền lòng yêu nước, thương dân. Về phần văn học, việc phiên dịch kinh Phật trên báo chí Phật giáo trước 1945 có thể coi như một loại hình dịch văn học đặc biệt để chuyển tải giá trị tinh hoa của văn học Phật giáo nước ngoài vào Việt Nam. Đây là sự đóng góp to lớn của văn học Phật giáo đối với nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bộ phận sáng tác văn học trên báo chí Phật giáo trước 1945 cũng là một loại hình sáng tác đặc biệt. Với các thể loại văn thơ truyền thống, văn học trên báo chí Phật giáo đã thể hiện tư duy, tình cảm của Phật tử và những bài học về đạo đức, góp phần phát huy tinh thần Phật giáo cũng như truyền thống văn hóa dân tộc. Xét chung về nội dung và nghệ thuật, các tác phẩm văn học từ thơ ca đến văn xuôi trên báo chí Phật giáo lúc bấy giờ đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển ngôn ngữ Việt Nam.
Dương Thụy/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 392
Danh mục báo chí Phật giáo Việt Nam trước 1945 (xếp theo năm xuất bản): [A] Tạp chí Pháp âm (1929), Chủ nhiệm: Lê Khánh Hòa, Sài Gòn. [B] Tạp chí Phật hóa Tân Thanh niên (1929), Quản lý: Trương Tấn Phát, Sài Gòn. [C] Tạp chí Từ Bi Âm (1932-1945), Chủ nhiệm: Lê Khánh Hòa, Sài Gòn. [D] Tạp chí Viên Âm (1933-1945), Tổng biên tập: Lê Đình Thám, Huế. [E] Tạp chí Tiếng chuông sớm (1935-1936), Chủ nhiệm: Đỗ Văn Hỷ, Quản lý: Đinh Xuân Lạc, Hà Nội. [F] Báo Đuốc Tuệ (1935-1945), Tổng biên tập: Nguyễn Năng Quốc, chùa Quán Sứ, Hà Nội. [G] Tạp chí Duy tâm Phật học, (1935-1943), Tổng biên tập: Nguyễn Văn Ân, Trà Vinh. [H] Tạp chí Bồ Đề (1936), Tổng biên tập: Lê Phước Chí, Sóc Trăng. [I] Tạp chí Bát nhã âm (1936-1943), Chủ nhiệm: Đỗ Phước Tâm, Bà Rịa. [J] Tạp chí Pháp âm Phật học (1937-1938), Chủ nhiệm: Lê Văn Hậu, Chợ Lớn. [K] Tạp chí Tam bảo (1937-1938), Chủ nhiệm: Trần Văn Uyển, Đà Nẵng. [L] Tạp chí Tiến hóa (1938-1941), Chánh Hội trưởng: Đỗ Kiết Triệu, Hội Phật học Kiêm Tế, Rạch Giá. [M] Tạp chí Quan Âm (1938-1943), Chủ nhiệm kiêm Chủ bút: Lương Văn Tuân, Hà Nội. [N] Tạp chí Phật pháp chỉ Niết bàn (1941), Tổng biên tập: Hồ Ngọc Sung, Sài Gòn. [O] Báo Tinh tiến (1945), phụ trương của Đuốc Tuệ, Quản lý: Cung Đình Bính, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo: [1] Nguyễn Văn Ẩn (1972), Báo chí tôn giáo tại Việt Nam (Khảo luận Ban Báo chí học, Phân khoa VH&KHNV), Viện Đại học Vạn Hạnh. [2] Thích Thanh Đạt (1994), Báo chí Phật giáo với phong trào Chấn hưng Phật giáo (1930-1945) (khóa luận tốt nghiệp đại học), Đại học Tổng hợp Hà Nội. [3] Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [4] Nguyễn Đại Đồng (2008), Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam (1929 -2008), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. [5] Nguyễn Đại Đồng (2009), “Tạp chí Viên Âm”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 3, tr. 21-23. [6] Nguyễn Đại Đồng (2009), “Tạp chí Đuốc Tuệ”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Số 4, tr. 26-28. [7] Nguyễn Đại Đồng – Nguyễn Thị Minh (2008), Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. [8] Đỗ Quang Hưng (chủ biên) (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. [9] Nguyễn Công Khanh (2006), Lịch sử báo chí Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (1865-1995), Nxb. Tổng hợp TP HCM.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |