Chi tiết tin tức

Giá trị tối thượng của sự kiện Đức Phật đản sinh

15:13:00 - 31/05/2023
(PGNĐ) -  ự đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã minh chứng Ngài là con người hiện thực, tự tu, tự ngộ, tự chứng và tự mình tuyên dương chánh pháp. Chính Thế Tôn đã để lại cho nhân loại cả di sản Phật pháp quý giá, cung cấp những chân giá trị để hướng dẫn con người có một cuộc sống tốt đẹp và hiền thiện cho chính mình.

Bởi lẽ giữa thiện và ác là ranh giới rất xa mà con người cần phân biệt rõ ràng như khoảng cách giữa bờ biển bên này với bên kia: “Thật là xa, thật xa, khoảng cách giữa nơi mặt trời lặn và nơi mặt trời mọc. Nhưng còn cách xa, cách xa hơn nữa là pháp của người thiện và pháp của kẻ ác”.

“Vui thay Đức Phật đản sanh

Vui thay giáo pháp cao minh

Vui thay chúng Tăng hòa hợp”.

Đây chính là thông điệp về ý nghĩa Đức Phật đản sinh mà bài Kinh Pháp Cú ghi lại cho nhân loại, để trả lời cho câu hỏi tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện giữa cuộc đời. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, con người phải đối diện những vấn đề nan giải của cuộc sống vốn thường xuyên thay đổi, đôi khi dẫn đến lầm tưởng và hệ lụy, không phân biệt đâu là giá trị thật. Vậy làm thế nào để nhận ra đâu là giá trị thực của cuộc sống và hướng đến một đời sống hạnh phúc, an lạc thật sự.  

Sự đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã minh chứng Ngài là con người hiện thực, tự tu, tự ngộ, tự chứng và tự mình tuyên dương chánh pháp. Chính Thế Tôn đã để lại cho nhân loại cả di sản Phật pháp quý giá, cung cấp những chân giá trị để hướng dẫn con người có một cuộc sống tốt đẹp và hiền thiện cho chính mình. Thế nên, bất cứ ai hướng tâm theo Phật đều có nhiều cơ duyên để suy ngẫm về những chân giá trị đó, thể hiện chúng trong cuộc sống hàng ngày. Càng thể nghiệm, chúng ta càng nhận ra các giá trị đích thực từ cuộc sống đem lại trong chính nội tâm mỗi người.

Sự đản sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã minh chứng Ngài là con người hiện thực, tự tu, tự ngộ, tự chứng và tự mình tuyên dương chánh pháp. Chính Thế Tôn đã để lại cho nhân loại cả di sản Phật pháp quý giá, cung cấp những chân giá trị để hướng dẫn con người có một cuộc sống tốt đẹp và hiền thiện cho chính mình.

Thế nên, mỗi năm đến ngày lễ Phật đản, không chỉ những người con Phật ôn lại lịch sử của Đức Bổn Sư để chiêm nghiệm và hành trì mà những ai có nội tâm hướng thiện, sống đúng giá trị đích thực làm người cũng đều quy hướng về Ngài. Nhân loại quy hướng về đức Thế Tôn, bởi lại sự đản sinh của Ngài là cuộc hành trình minh chứng cho sự sống là bất diệt, con người cần tôn trọng sự sống trong sự bình đẳng tuyệt đối. Đây chính là giá trị tối thượng mang tính nhân văn cao cả nhất để làm nên cuộc sống mầu nhiệm vô cùng. Chính vì vậy, con người có nhu cầu được sống hạnh phúc và trường thọ, thăng tiến trí tuệ và thọ hưởng thành quả đã tạo dựng nên. 

Thế nên, các cá nhân hiện hữu, cần nỗ lực sống, không nên sợ hãi, lo âu khi cái chết đến gần hay đột nhiên qua đời do sự cố. Đức Phật thị hiện dạy chúng ta sự sống là bất diệt và sống chết chỉ là những tiến trình lặp đi lặp lại của một chuỗi luân hồi vô tận. Sinh ra, già đi rồi chết, rồi lại tái sinh… vòng sinh tử luân hồi đó kéo dài mãi đến khi con người giác ngộ và giải thoát. Vấn đề sinh tử thật sự chỉ như bóng mây thoảng qua trên bầu trời, là đợt sóng nhấp nhô trên biển cả. Chết không phải là sự yên nghỉ cuối cùng mà là chuẩn bị cho một cuộc sống mới. Vì vậy, bất cứ ai hiện hữu trên đời này đều nên có thái độ tỉnh thức về sự sống và khi phải đối diện với cái chết. Chết không phải mất hay hết tất cả. Chết là tiến trình chuẩn bị thiết lập một đời sống mới, trong một cõi sống mới, một thân phận mới. 

Do đó, người hiểu đạo không nên quan tâm, lo âu đến sự sống – chết mà chỉ cần quan tâm làm sao cho mỗi lần sống, mỗi cuộc đời phải là một bước tiến dài trên con đường tiến bộ tâm linh, hướng tới giác ngộ và giải thoát. Kinh dạy: “Hữu sinh hữu tử hữu luân hồi, Vô sinh vô tử vô khứ lai” là nghĩa vậy. Và như thế, cuộc sống mới, cõi sống mới và thân phận mới tốt đẹp hay xấu hơn so với hiện nay hoàn toàn tùy thuộc vào những gì con người suy nghĩ, nói năng và làm ở hiện tại, ngay tại cuộc sống này. Hành động của con người (bao gồm cả suy nghĩ và lời nói) càng có ý thức, thì tác động của nó càng mạnh đối với tương lai gần cũng như xa. Hành động đó nếu kèm theo tâm vô lượng từ bi hỷ xả, tác động của nó trong phạm vi không gian và thời gian cũng sẽ vô lượng. 

Thế nên, khi chúng ta bước đầu thực thi đời sống hướng nội, trong khi thực tập hành thiền, theo dõi hơi thở, cần nhớ nghĩ về tâm vô lượng với những lời lẽ đầy cảm hứng như sau: “Mong sao tâm tôi mãi mãi, Trong vắt như ngọc pha lê. Quang đãng như bầu trời không mây, Thanh tịnh như hư không không bụi. Rộng lớn mênh mang như biển cả không bờ, Vững vàng không chuyển như núi đá bất động…” (Kinh Từ Bi).

Trong ý niệm đó, chúng ta cầu mong hằng ngày, ta nghĩ gì, nói gì và làm gì từ việc nhỏ đến lớn đều không tách rời tâm vô lượng, trong đời này và các đời sau nữa, trên con đường dài của tiến bộ tâm linh. Mỗi lần nghĩ tới tâm vô lượng như vậy, chúng ta cảm thấy lòng mình trong sáng, thanh thản và bình lặng hơn. Với tâm như vậy, mọi lo âu và bức xúc về sống chết sẽ được giải tỏa. Thay vào đó là thái độ sống an nhiên tự tại, dành toàn bộ thời gian để tự hoàn thiện bản thân, tích cực đóng góp cho gia đình và xã hội. 

Giá trị tối thượng thứ hai của sự kiện Đức Phật đản sinh ở đời là chỉ dạy cho nhân loại biết tỉnh thức và duy trì chánh niệm. Nhân loại đang sống trong thế kỷ XXI với những thành tựu khoa học công nghệ, một mặt có nhu cầu thụ hưởng vật chất, các phương tiện phục vụ đời sống tiện nghi; một mặt có thái độ sống muốn chiếm hữu, sở hữu của cải, khẳng định cái gọi là ta, của ta và tự ngã của ta. Con người đối diện sự tham lam, suy thoái đạo đức bắt nguồn từ lòng ham muốn, vị kỷ. Chính vì vậy, Đạo Phật khuyên ta phải thường xuyên chánh niệm tỉnh giác từ trong ý nghĩ, cho đến hành vi biểu hiện, ứng xử trong cuộc sống. Một người khi các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với ngoại cảnh, như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì có thể nảy sinh ra những cảm thọ hỷ lạc, ưa thích với mức độ khác nhau. Đức Phật gọi đó là vị ngọt của các dục và Ngài cũng phân tích sự nguy hiểm của các dục để từ bỏ tham dục: “Do lấy dục làm nhân, lấy dục làm duyên mà một người phải trải qua bao nhiêu gian khổ để có được tài sản, phải chống đỡ lạnh, chống đỡ nóng, phải chịu đựng sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, bị chết đói, chết khát bằng chánh niệm” (Trung Bộ Kinh).

Chánh niệm là ý nghĩ chân chánh, không nghĩ xấu, nghĩ ác, nghĩ bậy, có hại cho mình và người khác. Tỉnh giác là tỉnh táo, theo dõi mọi ý nghĩ, mọi niệm, đảm bảo mọi ý nghĩ, mọi niệm trong tâm chúng ta đều chân chánh, không để bất cứ niệm ác nào xen vào niệm thiện. Bởi lẽ giữa thiện và ác là ranh giới rất xa mà con người cần phân biệt rõ ràng như khoảng cách giữa bờ biển bên này với bên kia: “Thật là xa, thật xa, khoảng cách giữa nơi mặt trời lặn và nơi mặt trời mọc. Nhưng còn cách xa, cách xa hơn nữa là pháp của người thiện và pháp của kẻ ác”.

Cho nên, chúng ta cần thường xuyên tỉnh táo đề phòng khi mắt thấy sắc, tai nghe mùi hương, lưỡi liếm vị… Nói chung, khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu trần, nếu có ác niệm nào khởi lên, lập tức phải tìm ra nguyên nhân để đoạn trừ, không cho tâm tham, tâm sân, tâm si khởi lên. Thế nên, Phật dạy: “Với tâm không bị khuấy đục, biết được lợi ích của người hay biết được lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thánh, xứng đáng các bậc Thánh” (Kinh Tăng Chi I). Rõ ràng, tỉnh giác là chìa khóa vàng của lối sống có hiệu năng, tích cực. Đồng thời, cho ta ý thức trách nhiệm về thái độ, hành vi ứng xử với đời trong các mối quan hệ hữu cơ của con người và cuộc sống. Nó giúp ta nhận ra giá trị bản chất của đời sống với tâm trong sáng, nhu nhuyến, khởi đầu bằng sự chánh niệm tỉnh giác. Từ đây, tự thân mỗi người sẽ có đời sống hiền thiện, xa rời đời sống bất thiện. 

Các bản kinh, Đức Phật phân biệt thiện ác theo ba loại: Thứ nhất là thiện ở hành động của thân, tức không sát sinh mà còn phóng sinh, trân trọng sự sống của muôn loài; không lấy của không cho mà còn bố thí, giúp người khác bằng của cải vật chất (tài thí), bằng đạo lý (pháp thí), lấy sức mạnh che chở kẻ yếu (vô úy thí), hay bằng cách chia sẻ niềm vui với người khác (tùy hỷ thí); không tà dâm, tà hạnh mà sống thủy chung trong đạo lý tình yêu, tình nghĩa. Thứ hai là thiện ở lời nói. Cụ thể là nói lời chân thật, không nói dối; nói lời dễ nghe, không nói lời thô ác; nói lời đoàn kết, không nói lời chia rẽ; nói lời hữu ích, có lợi, không nói lời vô nghĩa. Thứ ba là thiện trong ý nghĩ. Cụ thể là không tham lam, không giận dữ, không si mê. Kinh Phật thường gọi là không tham – sân – si. Ba điều thiện này là ba điều thiện gốc, căn bản, từ đó khởi sinh mọi lời nói thiện và việc làm thiện, nền tảng của nếp sống đạo đức hiền thiện.

Giá trị tối thượng thứ ba của sự kiện Đức Phật đản sinh là chỉ đường cho nhân loại thực hành nếp sống tu tập nội tâm, biện tâm làm cho tâm trong sáng hiển bày. Khi tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, được đặt đúng hướng, thì nhất định ai cũng được an trú trong sự bình an nội tại. Tự thân bước ra khỏi vòng tâm lý đấu tranh, cạnh tranh, khẩu tranh hơn thua, dại khôn… trong đời sống thường nhật. Trong cuộc sống sinh tồn đầy biến động, nhờ thường xuyên tu tập tâm mà mọi người lắng nghe được tiếng nói chân thật của con người thật, của cái “ta” thật, vốn là bản chất đích thực của con người. Tiếng nói đó ngày càng rõ, nhờ sự tỉnh giác của chúng ta ngày càng có chiều sâu, nhờ dần dần dẹp yên được tiếng gào thét dục vọng của cái “ta” giả, con người giả, trước đây vốn từng thao túng và chi phối mình. Tiếng nói của nội tâm là sự yên lặng, một sự yên lặng giúp tâm thấy tất cả, biết tất cả. Thiền sư Suzuki từng nói: “Khi bạn tự chiêm nghiệm mình, bạn sẽ thấy tất cả”. 

Rõ ràng, yên lặng ở đây không có nghĩa là không có tiếng ồn. Yên lặng là nội tâm ta trở nên bình lặng, không còn gì bức xúc và mặc cảm, tự ti nữa. Mọi niệm đều dứt, trong tâm hoàn toàn trống vắng, không có ý niệm nào cả. Vì còn có niệm là còn ức chế, bức xúc, khiến chúng ta hao phí năng lượng vô ích. Trái lại, với nội tâm hoàn toàn yên lặng, chúng ta sẽ cảm nhận một trạng thái thư thái và hỷ lạc tuyệt vời. Lúc bấy giờ, năng lượng vận động tự do trong toàn thân, đem lại sức mạnh và một sức sống mới. Trần Thái Tông là vị vua từng ngồi một mình lắng nghe tiếng nói nội tâm mà quyết định trở thành thành thiền sư, đặt nền tảng tư tưởng cho Thiền phái Trúc Lâm ra đời được diễn trình trong Khóa hư lục: “Tâm tịch nhi tri, thị danh chân Phật” (Lòng lặng mà biết, đó là Phật thật). Hóa ra, tiếng nói nội tâm chính là tiếng nói Phật tâm, xuất phát từ cõi lòng mình. 

Còn thiền sư Kiều Trí Huyền mô tả tiếng nói nội tâm thật huyền bí, kì diệu và cụ thể cho mọi người: “Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm, Cá trung mãn mục thị thiền tâm, Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh, Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm” (Trong viên ngọc phát ra âm thanh huyền bí, kỳ diệu, Ở đó, khắp nơi là tâm thiền, Tất cả cảnh giới đều là cảnh giới giác ngộ (Bồ đề), Ấy thế mà lại đi tìm Bồ đề cách xa hàng vạn dặm). Ngọc ở đây là nội tâm, âm thanh kì diệu, huyền bí đó ở đây là sự im lặng. Thiền tâm là tâm giác ngộ. Cảnh Bồ đề là cảnh giác ngộ. Giác ngộ và giải thoát đều ở trong thế giới thực tại này cả, đâu cần đi tìm cách xa hàng vạn dặm?

Con người hiện đại dường như không có thời gian lắng nghe tiếng nói nội tâm và suy nghiệm về đời sống của chính mình. Xung quanh ta, thật sự có quá nhiều tiếng nói, âm thanh, ngôn ngữ khác nhau buộc con người phải nghe, để giải trình cho quan điểm của mình về một đời sống đầy biến động và thay đổi qua tư duy khái niệm hữu ngã. Thật ra, ngôn ngữ và tư duy khái niệm được xem như là công cụ để trao đổi, nhưng vướng mắc, chấp nhặt chúng thì đó chính là hàng rào ngăn cách không cho chúng ta thực nghiệm nội tâm theo chiều sâu. 

Chính sự an trú vào tâm tĩnh lặng trong một thế giới bình an nội tại, sẽ khiến chúng ta có cái nhìn chánh kiến, thiết thực hiện tại: “Thở vào tâm tĩnh lặng, Thở ra miệng nở cười. An trú trong hiện tại, Giây phút thật tuyệt vời” (Thích Nhất Hạnh). Phật tử hiểu đạo phải thường xuyên lắng nghe sự im lặng của nội tâm, âm thanh huyền bí và kỳ diệu của sự im lặng đó. Đây chính là giá trị đích thực của cuộc sống khi chúng ta thực thi lắng nghe tiếng nói đích thực của lòng mình trong sự tìm cầu hạnh phúc an lạc. 

Cuối cùng, điều chúng tôi muốn nói mỗi năm đến ngày Phật đản sinh, mọi người trên hành tinh đều hướng nghĩ đến vị thầy của chúng ta, ca ngợi Ngài đến đâu đi nữa thì tất cả mọi lời tán thán, ca ngợi dù hay đẹp mấy cũng không thể mô tả công hạnh toàn bích của Ngài. Bởi nhân loại đã suy tôn Ngài là bậc thầy của loài trời và loài người, là bậc tôn quý nhất trong cõi thế. Thiết nghĩ cách tán thán và ca ngợi Ngài tốt nhất, làm vui lòng Ngài nhất có lẽ là học tập Ngài, cố gắng tối đa sống theo lời Ngài chỉ dạy, đi theo con đường Ngài đã đi: “Ai dùng các hạnh lành, Làm xóa mờ nghiệp ác, Sẽ chói sáng đời này, Như trăng thoát mây che” (Kệ 173, Kinh Pháp Cú).

 

TT.TS Thích Phước Đạt/TCVHPG409

 

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin