Chi tiết tin tức Hà Nội: Linh thiêng đêm hội hoa đăng kính mừng ngày Phật thành đạo tại chùa Bằng 21:57:00 - 02/01/2020
(PGNĐ) - Tối ngày 01 tháng 01 năm 2020, nhằm ngày mùng 07 tháng 12 năm Kỷ Hợi, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) kết hợp cùng chùa Hoằng Pháp – TP. Hồ Chí Minh trang nghiêm, long trọng tổ chức đêm hội hoa đăng kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL 2563 – DL 2019.
Cách đây gần 3000 năm, tại khu rừng Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng sông Ni-liên-thiền ngoại ô thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà, một con người với sức mạnh phi thường, đã tự thân tìm ra chân lý giác ngộ, chấm dứt hoàn toàn tiến trình sinh tử luân hồi, vĩnh tận mọi trói buộc đau khổ do tham lam, sân hận và vô minh chi phối. Đó chính là Đức Thế Tôn, Chính Đẳng giác, bậc thầy của trời người, Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Những lời dạy thánh thiện và cao quý đầu tiên của Ngài, mãi về sau vẫn là phương thuốc màu nhiệm trị lành mọi khổ đau của chúng sinh, đưa con người từ phàm phu lên địa vị giác ngộ. Hàng năm, đến ngày mùng 07 tháng 12 âm lịch, vạn người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón mừng sự kiện lịch sử trọng đại này. Vì lý do ấy, tối ngày 01 tháng 01 năm 2020, nhằm ngày mùng 07 tháng 12 năm Kỷ Hợi, chùa Bằng (Linh Tiên Tự) kết hợp cùng chùa Hoằng Pháp – TP. Hồ Chí Minh trang nghiêm, long trọng tổ chức đêm hội hoa đăng kính mừng kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL 2563 – DL 2019. Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN, bậc tôn sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng Yoshimizu Daichi – Nguyên Hội trưởng Phật giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản; Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng ban tổ chức đêm hội hoa đăng; Hòa Thượng Thích Minh Thiện – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An; Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban Hoằng Pháp TƯ, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội; Thượng Tọa Thích Tâm Hải – Ủy viên thường trực BTS kiêm Trưởng ban Thông tin truyền thông BTS GHPGVN TP. Hồ Chí Minh; Thượng tọa Thích Đức Nguyên – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hòa Bình; Thượng tọa Thích Thanh Trung – Phó BTS GHPGVN tỉnh Tuyên Quang cùng chư Tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa, tự viện trong và ngoài địa bàn Hà Nội. Về phía khách mời có: ông Nguyễn Đình Tuất – Bí thư chi bộ khu dân cư Bằng A, NSƯT Đỗ Kỷ, NSND Lan Hương và đông đảo Phật tử đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành phía Bắc đã về tham dự buổi lễ. Đêm hội được chính thức bắt đầu với tiếng xướng kệ thỉnh chuông cúng dường Tam Bảo lắng đọng nhưng đầy thiêng liêng của Đại đức Thích Tâm Hiếu. Tiếp theo chương trình là diễn văn khai mạc của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban tổ chức. Hòa thượng nhấn mạnh: “Ngược dòng thời gian gần 26 thế kỷ, kể từ thời điểm trọng đại, đánh dấu một chiến công lẫy lừng trong lịch sử nhân loại, một con người bình thường bằng đấu tranh nội tại đã tự mình rời bỏ được trói buộc của khổ đau, sinh tử, luân hồi, một bậc vĩ nhân xuất hiện, bậc thầy của trời người, sự giác ngộ như một tiếng chuông làm thức tỉnh sự mê muội bấy lâu của cõi nhân sinh, không ai khác chính là Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhân ngày những người con Phật khắp năm Châu đang tưng bừng chào đón ngày Bồ Tát Tất Đạt Đa thành đạo và chào mừng năm mới 2020 – Đêm nay tại chùa Bằng tổ chức đêm Hội hoa đăng kính mừng ngày Đức Phật thành đạo nhằm khơi nguồn cho cho ánh sáng đạo vàng, sáng soi muôn loài của Đức Phật chuyển hóa vào đời sống, vào thời đại, từng giây từng phút, từng hơi thở của đời mình. Sự thành đạo của Đấng Thế Tôn hy hữu như đám hoa ưu đàm ngàn năm mới nở, nên chúng ta khó có thể hiểu biết trọn vẹn ý nghĩa của sự thành đạo. Vì vậy hãy hướng tâm theo dấu vết hành trình của Đức Thế Tôn từ nơi dòng sông Ni-liên-thiền ngàn năm vẫn rì rào sóng vỗ, cho đến cội Bồ đề trầm lắng thiêng liêng, từng bước, từng bước đến gần Đức Đại Giác để tìm được phút giây hòa hợp, trọn vẹn trong nền giao cảm với đấng từ phụ Chính Đẳng – Chính Giác. Thông qua ánh sáng của những ngọn nến, Ban tổ chức mong muốn gửi đi thông điệp đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới, nguyện hết lòng dấn thân cho sự nghiệp trí tuệ, từ bi xây dựng Tịnh độ nhân gian, góp phần xoa dịu đau thương, ổn định xã hội, chấm dứt chiến tranh, thiết lập nền hòa bình bất bạo động ngay tự thân cá nhân mỗi con người”
Dưới ánh sáng lung linh huyền diệu, hàng vạn trái tim đang dâng trào niềm cảm xúc, hòa trong trong những ngọn nến lung linh ấy, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Tôn sư đạo tràng Pháp Hoa đã từ bi ban bố pháp nhũ cho toàn thể đại chúng. Trưởng lão Hòa thượng bày tỏ sự xúc động vì ngày hôm này là ngày tết của người Nhật Bản nhưng Trưởng lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi vẫn trở về chùa Bằng để tham dự chương trình hoa đăng. Hòa thượng chia sẻ rằng Hòa thượng Yoshimizu Daichi là người bạn lớn của Phật giáo Việt Nam. Năm 1963 của thế kỷ trước, Hòa thượng Yoshimizu Daichi – lãnh đạo thanh niên của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, đã ủng hộ theo phong trào của Phật giáo Việt Nam bằng cách ra trước tòa đại sứ của Việt Nam cộng hòa tuyệt thực để phản đối sự đàn áp Phật giáo Việt Nam chúng ta. Suốt từ đó đến nay trên 50 năm, Ngài luôn gắn bó với Phật giáo Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Ngài luôn tìm mọi cách để ủng hộ Tăng Ni sang Nhật tu học cho đến những năm gần đây, Ngài lại cho tất cả các Phật tử Việt Nam chúng ta đến chùa của Ngài sinh hoạt. Hòa thượng Phó Pháp chủ chia sẻ thêm: “Hôm nay chúng ta có mặt tại đây để thắp sáng ngọn đèn tâm mà Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã truyền trao lại cho chúng ta suốt trong chiều dài lịch sử. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ một con người tu thành Phật qua quá trình 6 năm theo cầu học với đại sư Ca Ma La, từng bước Ngài chứng được ly sinh hỷ lạc, rồi định sinh hỷ lạc, ly hỷ diệu lạc, xả niệm thanh tịnh. Đó là đỉnh cao nhất mà loài người đã tìm ra được, cho nên bây giờ phải bỏ hết đi để tâm chúng ta được thanh tịnh. Khi Đức Phật đạt đến đỉnh cao này thì Ngài thấy chưa phải là chỗ tận cùng hiểu biết, vì lý do an trụ vào xả niệm thanh tịnh tức là bỏ niệm đi không còn niệm. Cho nên Ngài mới nói với ông Ca Ma La rằng “khi mà không còn niệm nữa thì mình trở lại thành gỗ đá, mà khỏi niệm trở lại thì mình trở thành chúng sinh thì chắc chắn vẫn trong sinh tử luân hồi”. Ngài mới bỏ Ca Ma La để đi tìm vị đạo sư thứ hai cao hơn là Uất Đầu Lam Phất đại sư, ông dạy thêm một cái là khi xả niệm thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh thì chúng ta thấy rộng hơn đó là “không vô biên xứ” tức là hư không vô tận. Lúc bấy giờ quán sát hư không vô biên như vậy thì lấy cái gì để quán sát, lấy gì để biết cuối cùng vẫn bị kẹt vào trong tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Cho nên “thức vô bên xứ” là dùng thức để biết hư không vô tận vô cùng cho nên vẫn còn kẹt trong sinh tử. Lên một bậc nữa là “vô sở hữu xứ đỉnh” tức là khi nhập định rồi chúng ta không kẹt vào bất cứ chỗ nào nhưng mà ý tưởng chúng ta khởi ở đâu thì chúng ta liền tới đó, cho nên vẫn còn khởi niệm mà có, vẫn còn kẹt vòng trong khởi niệm. Cuối cùng là “phi tưởng phi phi tưởng xứ”, Uất Đầu Lam Phất dạy Thái tử Tất Đạt Đa đến lúc này tức là không phải tưởng nữa, là không khởi lên hành uẩn thì chúng ta trở thành không biết gì hết. Vì chúng ta khởi lên thì có thức biết, mà bây giờ không khởi lên thì không biết, cho nên không phải là không tưởng mà chỗ này tuyệt thế tuyệt mạng không nói được. Thái tử đã cố thực tập cái này để đạt được đến “phi tưởng phi phi tưởng xứ”, nhưng tới chỗ này rồi thì ông Uất Đầu Lam Phất nói “ta chỉ tới được chỗ này thôi”. Tới đây Ngài thấy cũng không phải cho nên một mình Ngài hướng về Ưu Lâu Tần Loa, vào trong dãy núi cao một mình ẩn cư trong này gọi là “rừng khổ hạnh”. Khi ở trong này, Ngài có thể một ngày ăn một bữa, có thể 2 – 3 ngày ăn một bữa, rồi nhiều tháng không ăn để Ngài cố gắng tìm cái cao hơn những gì Ngài đã học. Thái độ học Phật của chúng ta ngày nay cũng thế, cái gì mà chưa biết trong cuộc đời này thì chúng ta cố gắng học, thực tập để đạt được đến mục tiêu mà ta có. Cho nên cuối cùng dưới cội cây Bồ Đề, Ngài đã thành Phật, Ngài biết tất cả mọi thứ thấy được nhân duyên từ trong quá khứ dẫn đến hiện tại này. Nhân duyên tạo nên con người, thế giới Ngài đều thấy rõ, cho nên bây giờ gọi là thành Phật. Khi chưa thành Phật thì Ngài nói có người nghe, có người không nghe. Những người bạn đồng tu với Ngài như 5 anh em ông Kiều Trần Như cũng không nghe, không bằng lòng. Nhưng khi thành Phật rồi thì 5 ông này thấy Đức Phật tự nhiên hoàn toàn thay đổi. Cho nên trong bước đường tu của chúng ta, nên nhìn vào chiều sâu để chúng ta thấy, người thành Phật khác với người chưa thành Phật, người có đức hạnh khác với người không có đức hạnh. Người có đức hạnh dù họ nói hay không nói cũng làm cho chúng ta cảm phục và cảm mến. Khi Ngài dạy chúng ta cái chính đó là Pháp “Tứ Thánh Đế” để chúng ta thực tập, khi thực tập cái này rồi lên tới đỉnh cao của nó là đắc quả A La Hán, khi đắc quả A La Hán là chúng ta hoàn toàn giải thoát rồi, không còn rằng buộc ở trong Tam giới nữa. Đức Phật bảo con người chúng ta được tạo bởi ngũ uẩn “sắc, thụ, tưởng, hành, thức”. Khi đắc quả A La Hán thì không còn nữa nên hoàn toàn giải thoát. Ta thấy Đức Phật có 10 hiệu, có cái ta đã đạt được, có những cái ta chưa đạt được ví như mới đạt quả vị A La Hán giống như viên thủy tinh. Trí Giả đại sư nói rằng “bây giờ 1000 viên thủy tinh, thả vào nước đục thì nước vẫn đục, nhưng một viên ma ni bảo châu thả vào thì nước đục biến thành nước trong ngay”. Đức Phật có một năng lực đặc biệt tác động vào trong tâm hồn của chúng ta làm cho tâm hồn ta trong sạch. Đức Phật chết thì Ngài còn hay không còn, mà còn dưới hình thức nào? Như vậy đi xa hơn bước nữa, Đức Phật từ đâu Ngài đến với thế giới này, bây giờ Ngài vào Niết Bàn thì Niết Bàn là thế giới chỗ nào? Cho nên bước đường tu của chúng ta đây là hãy tìm xem Đức Phật vào Niết Bàn rồi Ngài đi đâu. Đức Phật dạy mình uống thuốc “Tứ Thánh Đế” vào để mắt sáng ra là sẽ thấy Phật. Tức là chúng ta thực hành Pháp “Tứ Thánh Đế” làm cho tâm mình sáng ra sẽ thấy được Phật. Sau khi thấy được Phật rồi mới nghe Đức Phật thuyết pháp thực thì gọi là Pháp chân thật. Trong Bát Chánh Đạo thì Chánh niệm và Chánh Định là quan trọng nhất. Khi có Chánh Niệm thì chúng ta nhìn đời này sáng nhưng nếu chúng ta có thêm Chánh Định thì sẽ thấy Phật. Cho nên chúng ta thấy Phật ở trong Định, chúng ta nghe Đức Phật thuyết pháp ở trong Định thì lúc đó là pháp chân thực. Mặc dù chúng ta sinh cách Đức Phật mấy ngàn năm nhưng mà Đức Phật dạy rằng “hãy vào Chánh Định thì sẽ thấy Phật”. Người bị ngũ uẩn che thì không thấy Phật mà mà người xả được ngũ uẩn sẽ thấy được Phật, nghe được Pháp. Muốn xả ngũ uẩn thì phải uống thuốc “Tứ Thánh Đế”, cho nên phải thực tập Pháp này cho mắt chúng ta sáng mới thấy được Phật. Trên cuộc đời này tất cả chúng ta chưa sáng mắt, nhưng mà chúng ta sáng được lòng, mà chưa sáng được lòng thì khi đốt ngọn lửa truyền tâm này để rọi vào lòng chúng ta để cho lòng chúng ta sáng lên. Lòng chúng ta sáng lên thì thấy Phật bằng niềm tin, thấy Phật bằng tâm chứ thực ra là chưa thấy Phật thật được vì chúng ta chưa vào Định được. Cho nên tôi mong tất cả các huynh đệ cố gắng đạt được chánh niệm và chánh định để chúng ta thấy Phật, chúng ta nghe được Pháp chân thật và tương lai chúng ta cũng thành Phật”. Từng lời khai thị của Trưởng lão Hòa thượng chính là kim chỉ nam cho hàng Phật tử vững bước trên con đường tu tập đạt đến quả vị giải thoát. Sau đó là nghi thức xưng tán Phật và phần ý nghĩa ngày Đức Phật thành Đạo do Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ tuyên đọc. “Sự kiện Đức Phật thành đạo là một thiên hùng ca bất hữu, thức tỉnh và cổ vũ loài người tự tin vào chân lý loài người hoàn toàn có khả năng tự mình tu tập để đạt đến quả vị cao nhất của muôn loài trong vũ trụ, và con đường tu tập đó là con đường hiện thực hết thảy mọi người đều có thể tự mình tinh tiến, tự mình giải thoát. Sự kiện Đức Phật thành đạo là một thiên tình ca bất tận về tình yêu con người và muôn loài. Đức Phật đã chiến đấu và chiến thắng, trước hết vì tình thương, một tình thương rộng lớn vô bờ bến với tất cả chúng sinh, tất cả các cõi. Vì tình thương tưởng hết thảy mà Ngài thành đạo, và Ngài thành đạo cũng vì tình thương tưởng đó… … Ngày thành đạo của bậc Chính Đẳng Giác lại về, nhắc nhở chúng ta, mỗi người đệ tử của Ngài phải phản quan lại mình, phải tinh tấn hơn nữa để có được an lạc, phải thăng hoa trong đời sống tu tập, phải biết dừng lại để soi chiếu nội tâm, tỉnh giác trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh để xây dựng cho mình một cảnh Niết Bàn ngay trong cuộc sống hiện tại”.
Diệu Tường – Thành Trung – Công Minh – Diệu Bình
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |