Chi tiết tin tức

Hệ phái Khất sĩ Việt Nam trong dòng chảy thời đại

16:05:00 - 22/12/2022
(PGNĐ) -  Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam hiện được gọi là hệ phái Khất sĩ, một trong các hệ phái tham gia vào ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một truyền thống Phật giáo ra đời trên mảnh đất Nam bộ, do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng vào năm 1944. Với tôn chỉ “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, Phật giáo Khất sĩ đã thổi một luồng gió mới vào đời sống Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Đến nay, hệ phái này đã phát triển mạnh mẽ với những đóng góp quan trọng cho Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. 

SỰ XÁC LẬP TÔN CHỈ CỦA ĐỨC TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Đường lối của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang là “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”. Lời tuyên bố ấy tuy ngắn gọn nhưng đóng vai trò rất quan trọng, vừa thể hiện mục tiêu của hệ phái Khất sĩ, vừa khẳng định giá trị của giáo pháp Khất sĩ, đồng thời là định hướng để đoàn thể Khất sĩ triển khai hoạt động hoằng pháp. Nói cách khác, nội dung tư tưởng và hình thức hành đạo của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam suy cho cùng là hướng về tâm điểm “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”.

Ở góc nhìn xã hội, Đức Tổ sư xác lập đường lối cho trường phái Phật giáo mới là một khuynh hướng rất đặc sắc. Bởi, trong bối cảnh Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng mới ra đời, nhưng ít có tổ chức đưa ra một tôn chỉ cụ thể. Điều đó cho thấy sự chuẩn bị rất chu đáo của Đức Tổ sư khi “lập giáo khai tông”.

“Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ” (Hình ảnh bế mạc khóa tu lần V Chư Ni trực thuộc Giáo đoàn 6, Hệ phái Khất sĩ – phathocdoisong.com)

Trong phạm vi tôn giáo, những biến động thời cuộc đã ảnh hưởng lớn đến Phật giáo. Từ đó, xuất hiện ba khuynh hướng nổi bật: (1) Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) phát động phong trào Chấn hưng. (2) Phật giáo Nam tông (Thượng tọa bộ) du nhập vào cộng đồng người Việt, bên cạnh Phật giáo Nam tông có truyền thống lâu đời của cộng đồng người Khmer. (3) Các tôn giáo mới ra đời, xuất phát từ Phật giáo hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng Phật giáo, do hàng ngũ cư sĩ khởi xướng. Điều thú vị là cả ba xu hướng này đều xuất hiện ở miền Nam.

Trước tình hình đó, Đức Tổ sư nhận xét: “Đạo Phật lâu nay ví như cái bát bể chẳng nguyên lành, giới luật phân chia không còn Giáo hội. Do đó mà ai cũng đạo Phật, ai cũng Tăng-già, kẻ giống ba, người giống bảy, làm cho ngoại khách xem vào như là trong cõi đời chưa có Tăng sư cùng đạo Phật” [1]. Từ sự nhìn nhận về bối cảnh Phật giáo đương thời, “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” trở thành chí nguyện mà Ngài xác lập để hành đạo. Cần lưu ý, giữa bối cảnh Phật giáo đang bước vào thời kỳ chấn hưng, mặc dù các nhà nghiên cứu thường nhận định hệ phái Khất sĩ là sự dung hợp từ tư tưởng Phật học Thượng tọa bộ và Đại thừa, tuy nhiên đó chỉ là về mặt “sự”. Còn về mặt “lý”, Phật giáo Khất sĩ theo quan niệm của Đức Tổ sư không phải Nam tông, không phải Bắc tông, càng không phải “đạo tổng hợp”, mà y cứ trên Pháp bảo để vận hành. Đức Phật cũng khẳng định: “Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo sư của các ngươi” [2].

VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ TRONG DÒNG CHẢY THỜI ĐẠI 

Trở về truyền thống ban sơ của Phật giáo

Khẳng định lại vị thế của người xuất gia

Trong Phật giáo Nguyên thủy, Tăng sĩ là đối tượng chính trên đạo lộ giải thoát. Đến Phật giáo Đại thừa, vai trò của cư sĩ được nâng cao. Do vậy, các quốc gia Phật giáo Đại thừa có xu hướng đề cao cư sĩ, thậm chí đến mức độ ngang bằng với Tăng sĩ. Từ đặc điểm đó, cộng thêm tình hình Phật giáo Việt Nam khủng hoảng thời bấy giờ, xuất hiện tình trạng một bộ phận cư sĩ không cung kính đúng mực với Tăng sĩ. Xuất hiện trong bối cảnh đó, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang khẳng định: “Đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật. Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy”[3]. Quan điểm này đã xác lập lại vị thế xứng đáng của người xuất gia trong Phật giáo mà kinh điển luôn đề cập.

Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều trào lưu được triển khai trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam, nhằm xiển dương những giá trị của đạo Phật trong thời đại mới. Giữa bối cảnh ấy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện như một nhân vật quan trọng và đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Ngài sáng lập đã mang đến một luồng sinh khí mới. (Ảnh Tổ sư Minh Đăng Quang (1923-1954) – thuvienhoasen.org)

Tuy vậy, không phải cứ xuất gia thì sẽ được cư gia kính trọng. Trái lại, Đức Tổ sư yêu cầu người xuất gia phải thực hành giới luật và trên thực tế Tăng Ni hệ phái luôn giữ gìn giới luật một cách nghiêm cẩn. Trong truyền thống Khất sĩ, mối quan hệ giữa người xuất gia và người tại gia (thậm chí giữa những người xuất gia với nhau) đều dựa trên giới luật, theo đó người giữ ít giới phải kính trọng người giữ nhiều giới hơn. Giới luật là bậc thang để mỗi người tiến hóa trên hành trình tu tập, mỗi người phát triển bản thân từ giữ ít giới đến tập dần giữ nhiều giới. Đó là quan điểm lớn được Đức Tổ sư triển khai nhiều lần trong bộ Chơn lý.

Pháp học: Giới – Định – Huệ là nền tảng

Lấy Giới – Định – Huệ làm nền tảng trên tiến trình tu tập là chủ trương lớn mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang trình bày xuyên suốt bộ Chơn lý. Trong đó, lời khẳng định ngắn gọn nhưng quan trọng của Ngài là: “Người Khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ” [4]. Bởi lẽ trong Phật giáo, Giới – Định – Huệ là sự thâu tóm từ Bát Thánh đạo: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc về Giới, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc về Định, Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc về Huệ. Đây là con đường chấm dứt khổ đau mà Đức Phật đã tuyên bố lần đầu tiên sau khi Ngài giác ngộ. Sau đó trong suốt sự nghiệp hoằng pháp, Đức Thế Tôn luôn đề cao tầm quan trọng của Thánh đạo tám ngành. Ngài khẳng định: “Trong Pháp, Luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đấy không có (đệ nhất) Sa môn, cũng không có đệ nhị Sa môn, cũng không có đệ tam Sa môn, cũng không có đệ tứ Sa môn” [5]. 

Khi chủ trương trở về với giáo pháp ban sơ của đạo Phật trên nền tảng Giới – Định – Huệ, Đức Tổ sư đã đề cao vai trò của mỗi cá nhân trong con đường tu tập. Tuy vậy để có được thành tựu, hành giả cần chuyển hóa bản thân bằng sự nỗ lực của chính mình, không nương tựa vào ai khác. Trong bối cảnh bấy giờ, chủ trương của Đức Tổ sư đã theo đúng tôn chỉ của Đức Phật, xem con người là trung tâm của lộ trình giải thoát.

Pháp hành: Tứ y pháp là trụ cột

Dù cho phép một số môn đệ hành đạo riêng lẻ, nhưng tinh thần chung mà Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đề cao là sống chung tu học. Để sống chung tu học, mỗi cá nhân cần xây dựng đời sống phạm hạnh dựa trên giới luật, mà trong đó Tứ y pháp là trụ cột. Tứ y pháp gồm: Ăn thực phẩm khất thực, mặc y từ vải bỏ, ngủ dưới gốc cây, dùng cỏ cây làm thuốc. Đây là phép hành trì truyền thống của Phật giáo, được đề cập trong Luật tạng của sáu bộ phái mà nhân loại còn giữ được. Tứ phần luật của bộ phái Dharmaguptaka (Pháp tạng bộ) quy định: “Từ nay về sau, trước hết thọ giới rồi sau mới thọ tứ y” [6]. Do vậy có thể nói, Đức Tổ sư đã khẳng định lại giá trị của Tứ y pháp trong Phật giáo.

Người Khất sĩ có ba tấm y (y thượng, y trung, y hạ) và một bình bát đất, mỗi sáng đi khất thực hóa duyên. Trong quan niệm của hệ phái, thực hành khất thực xoay quanh mối quan hệ xin – cho. Khất sĩ xin thức ăn để nuôi thân, ngược lại cho giáo pháp đến cư sĩ. Cư sĩ xin giáo pháp để nuôi trí, ngược lại cho thức ăn đến Khất sĩ. Ngoài khất thực mỗi sáng, Khất sĩ xem mình là “du Tăng” đi khắp nơi hành đạo. Những chiếc y vàng phấp phới trên mọi nẻo đường từ thôn quê ra phố chợ, từ miền Nam ra miền Trung trong những thập niên 1950-1980 đã gây ấn tượng và cảm hóa hàng vạn con người. Những vị Khất sĩ đã làm sống lại hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật, khôi phục phương pháp giáo hóa mà Đức Thế Tôn đã thiết lập, mở ra cơ hội truyền bá chánh pháp và hóa độ người hữu duyên. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Phật giáo Khất sĩ phát triển với tốc độ rất mạnh mẽ.

XÓA BỎ RÀO CẢN PHÂN BIỆT

Từ nhỏ, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tiếp cận với Phật giáo Đại thừa, theo đức tin truyền thống của gia đình. Nhờ vậy, Ngài hiểu sâu sắc trường phái này. Lúc trưởng thành, Ngài sang Campuchia học Phật giáo Thượng tọa bộ. Khi đó, Ngài nhận thấy trường phái nầy giữ gìn được nét đẹp của Tăng đoàn thời Đức Phật, nhưng nhiều khía cạnh khác biệt với truyền thống Phật giáo Việt Nam có bề dày hai ngàn năm. 

Những chiếc y vàng phấp phới trên mọi nẻo đường từ thôn quê ra phố chợ, từ miền Nam ra miền Trung trong những thập niên 1950 – 1980 đã gây ấn tượng và cảm hóa hàng vạn con người. Những vị Khất sĩ đã làm sống lại hình ảnh Tăng đoàn thời Đức Phật, khôi phục phương pháp giáo hóa mà Đức Thế Tôn đã thiết lập, mở ra cơ hội truyền bá chánh pháp và hóa độ người hữu duyên. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Phật giáo Khất sĩ phát triển với tốc độ rất mạnh mẽ.
(Ảnh: sưu tầm)

Đức Tổ sư nhận định chính xác rằng, do sự khác biệt của mỗi dân tộc, quốc độ mà đạo giáo từ đó có những khác biệt. Để rồi, chính những khác biệt ấy có thể trở thành rào cản, ngăn con người tiếp cận chơn lý, nhưng thực chất con đường đi đến giác ngộ không có sự phân chia. Để xóa bỏ những rào cản phân biệt, Ngài kêu gọi người xuất gia hòa hợp trên nền tảng giới luật, tu tập theo gương Phật, thực hành đúng Chánh pháp. Ngài cho rằng: “Chúng ta là phải quên mình, quên giáo pháp ý riêng của mình, hãy ngó ngay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tức là ngó ngay giới luật, ông thầy thiện lành trong sạch, mà hiệp hòa bình đẳng nơi giới luật Phật” [7]. Trong Kinh Trung Bộ, Tôn giả Ānanda cũng từng trả lời Bà-la-môn Gopaka Moggallāna rằng: “Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thi thiết học pháp, đã tuyên bố giới bổn Pātimokkha cho các Tỳ kheo. […] Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính pháp xử sự chúng tôi” [8].

Đức Tổ sư tin tưởng, nếu ai ai đều làm được như thế, đạo Phật ắt sẽ hiệp hòa. Với ý tưởng nói trên và quá trình miệt mài hiện thực hóa ý tưởng ấy của Đức Tổ sư và hàng ngũ đệ tử, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng tôn giáo nổi bật ở Nam Kỳ giữa thế kỷ XX. Một câu hỏi được đặt ra, xóa nhòa khoảng cách giữa Nam tông và Bắc tông, nhưng lại hình thành đoàn thể Khất sĩ, phải chăng là sự chia tách một tông phái mới? Dĩ nhiên, từ góc nhìn xã hội, mọi người đều thừa nhận Phật giáo Khất sĩ là một tông phái mới. Tuy nhiên, từ góc nhìn Phật giáo, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam là một danh xưng đặt tạm để giao tiếp ở thế gian mà thôi. “Khất sĩ ấy là đạo, là đường đi; mượn tạm đường đi ấy để đi đến nơi chơn thật, mục đích kết quả của mỗi người; chớ đạo ấy không phải là tên chi” [9]. 

Ở một góc nhìn khác, Phật giáo Khất sĩ là sự tích hợp có chọn lọc từ những giá trị tinh hoa trong hai dòng chảy Phật giáo Nam phương và Bắc phương. Bởi thế, dù hình thành một truyền thống tu học mới, các thực hành tôn giáo được cách tân, nhưng hệ phái vẫn giữ được sự kế thừa cả hai truyền thống Phật giáo [10]. Điều đó giải thích vì sao chúng ta có thể cảm nhận một dòng chảy Phật giáo mới mà không lạ, đủ khả năng kết nối những con người đến từ các truyền thống Phật giáo khác nhau.

GÓP PHẦN XÂY DỰNG MỘT NỀN PHẬT GIÁO DÂN TỘC

Việt Nam tiếp xúc với cả văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa và đón nhận các truyền thống Phật giáo từ hai nền văn minh lớn này. Các thế hệ tổ sư nước ta đã dày công vun đắp một truyền thống Phật giáo phù hợp với căn tính dân tộc Việt Nam.  Do vậy, một mặt từ chí nguyện “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang tìm về sự hành trì nguyên thủy của Phật giáo. Mặt khác từ thực tiễn đất nước, Ngài mong muốn giảm bớt những ảnh hưởng của văn hóa ngoại nhập không phù hợp trong bối cảnh bấy giờ. Hai điều đó đòi hỏi Ngài kiến tạo một hình thái Phật giáo vừa không xa rời văn hóa dân tộc, vừa không xa rời giáo pháp Đức Phật. Đây cũng là đặc điểm nổi bật của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam mà chúng ta dễ dàng nhận thấy.

Trước tiên, kinh điển Phật giáo khi đó được Việt hóa một phần, nhưng phần lớn còn nằm trong kho tàng chữ Hán và Pāli. Để hoằng pháp một cách nhanh chóng, dễ dàng, gần gũi, Đức Tổ sư biên soạn bộ Chơn lý, gồm 69 tiểu luận, viết bằng chữ Quốc ngữ. Tác phẩm trình bày nhiều vấn đề cốt lõi trong Phật giáo, hướng dẫn đường lối tu hành đúng Chánh pháp, quét sạch mê tín, thần quyền, tà kiến… Ngoài trước tác, Ngài còn làm một cuộc thay đổi lớn trong Phật giáo đương thời khi sử dụng kinh tụng bằng tiếng Việt hoàn toàn, thay vì phiên âm Hán Việt (Bắc tông) hoặc tiếng Pāli (Nam tông). Trong nghi lễ, Phật giáo Khất sĩ đơn giản hóa hình thức, không âm nhạc, tán xướng, trì chú… Chuông gia trì là pháp khí duy nhất được sử dụng, không có mõ, trống, khánh, tang, bảng… Lễ phục của Tăng Ni là trang phục thường nhật, không có thêm các loại áo mão khác. Tăng Ni đắp y theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, nhưng có một số cách tân, đặc biệt là đưa áo dài cổ truyền Nam bộ làm y hậu cho Ni giới và áo giới cho cư sĩ. 

Ngoài ra, Phật giáo Khất sĩ có nhiều dấu ấn đặc thù về văn hóa rất phong phú. Chẳng hạn, Đức Tổ sư thiết kế hình ảnh đèn chơn lý làm biểu trưng cho đạo Phật Khất sĩ Việt Nam với ba bộ phận là mặt nước, hoa sen, ngọn đèn. Cơ sở tôn giáo được gọi là tịnh xá, hình bát giác, trung tâm có tháp Pháp tôn trí duy nhất tượng Đức Phật Thích Ca. Tăng Ni ăn mỗi ngày một bữa theo Phật giáo Nam tông, nhưng ăn chay theo Phật giáo Bắc tông… Sự định hình phong cách cho một hệ phái hoặc tổ chức tôn giáo là công việc quan trọng. Có thể nói, Đức Tổ sư là kiến trúc sư tài ba trong công cuộc góp phần xây dựng một nền Phật giáo dân tộc mang đậm hơi thở thời đại.

KẾT LUẬN

Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều trào lưu được triển khai trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam, nhằm xiển dương những giá trị của đạo Phật trong thời đại mới. Giữa bối cảnh ấy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuất hiện như một nhân vật quan trọng và đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Ngài sáng lập đã mang đến một luồng sinh khí mới. “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” là một tuyên ngôn hùng tráng, qua đó Đức Tổ sư kêu gọi người xuất gia trở về với truyền thống ban sơ thời Đức Phật. Ngài chủ trương hòa hợp Tăng-già dựa trên giới luật. Với pháp học lấy Giới – Định – Huệ làm nền tảng, pháp hành lấy Tứ y pháp làm trụ cột, Phật giáo Khất sĩ đã tái khẳng định vị thế của người xuất gia trong lộ trình giải thoát. Mặt khác, đạo Phật Khất sĩ Việt Nam ra đời ở Việt Nam trong bối cảnh giao thoa hai nền văn minh Đông – Tây. Đức Tổ sư đã khéo léo xây dựng một nền Phật giáo mang đậm dân tộc tính từ hình thức đến nội dung. Nhờ vậy, hệ phái Khất sĩ dễ dàng đi vào lòng người, thu hút đông đảo quần chúng mến mộ, đồng thời đóng góp vào kho tàng văn hóa đa dạng của dân tộc.

 

Vĩnh Thông/TCVHPG403

Chú thích:

[1] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.697.

[2] Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo, tr.337.

[3] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Sđd, tr.721.

[4] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Sđd, tr.166.

[5] Thích Minh Châu dịch (2013), Sđd, tr.335-336.

[6] Thích Đỗng Minh & Thích Đức Thắng dịch, Thích Nguyên Chứng hiệu chính & chú thích (2006), Tứ phần luật, Quyển 4, Ban Tu thư Phật học, tr.160.

[7] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Sđd, tr.697.

[8] Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung bộ (tập II), Nxb. Tôn giáo, tr.333-334.

[9] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Sđd, tr.724-725.

[10] Thích Như Nguyệt (2015), “Nét đặc sắc của Phật giáo vùng Mê-kông”, Phật giáo vùng Mê-kông: Di sản và văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia TP HCM, tr.94.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thích Minh Châu dịch (2012), Kinh Trung bộ (tập II), Nxb. Tôn giáo.

2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường bộ, Nxb. Tôn giáo.

3. Thích Như Nguyệt (2015), “Nét đặc sắc của Phật giáo vùng Mê-kông”, Phật giáo vùng Mê-kông: Di sản và văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia TP HCM.

4. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn lý, Nxb. Tổng hợp TP HCM.

5. Thích Đỗng Minh & Thích Đức Thắng dịch, Thích Nguyên Chứng hiệu chính & chú thích (2006), Tứ phần luật, Quyển 4, Ban Tu thư Phật học.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin