Chi tiết tin tức Hội thảo về Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở VN 19:30:00 - 17/12/2018
(PGNĐ) - Sáng qua, 16-12, tại Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội (X.Phù Linh, H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội), Học viện cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN tổ chức Hội thảo "Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam".
Tham dự có HT.Thích Trí Tịnh, Phó Pháp chủ HĐCM; HT.Thích Thanh Đạt, UVTK HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư; TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; GS.Lê Mạnh Thát; NT.Thích Đàm Nghiêm, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư; cùng chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ trong ban lãnh đạo Học viện và chư tôn đức một số tỉnh thành, Tăng Ni Học viện tại Hà Nội.
Về dự hội thảo có ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; PGS.TS.Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cùng các nhà nghiên cứu tôn giáo của Viện, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tôn giáo - tín ngưỡng, đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ, các đồng đền, đồng điện, thủ nhang, thanh đồng đạo quan, con nhang đệ tử của Mẫu. Tại buổi lễ, TT.Thích Thanh Quyết đọc lời khai mạc hội thảo, Thượng tọa cho biết: “Tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng văn hóa tín ngưỡng tâm linh độc đáo trong hệ thống tín ngưỡng dân gian đa thần của người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu là nhu cầu xuất phát từ từ tâm linh của người dân Việt nói lên ý thức tưởng nhớ tổ tiên, lòng tôn kính vì sự biết ơn, vì lòng tin tưởng…".
Theo Thượng tọa, điểm thuyết phục để UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là tính bản địa của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, tính dung nạp văn hóa, tính cởi mở đối với nền văn hóa khác, sự giao lưu giữa các cộng đồng, sự đoàn kết giữa các tộc người trong cộng đồng khu vực hay quốc gia. "Những giá trị văn hóa đó được thể hiện qua những bài chầu văn, những nghi thức diễn xướng, trang phục, cách trang trí đền đài, điện thờ", TT.Thích Thanh Quyết nói. Chứng minh cho nhận định đó, TT.Thích Thanh Quyết ví dụ, trong điện thờ Mẫu có thể thấy các yếu tố của đạo Phật, đạo Lão, không chỉ người Kinh thờ Mẫu Tam phủ hay Tứ phủ, một số dân tộc thiểu số cũng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với trang phục, với quan niệm của riêng họ. Từ cái nôi cội nguồn Bắc bộ, khi vào miền Trung, Thánh mẫu Liễu Hạnh tiếp thu thêm các nữ thần xứ sở như Thánh mẫu Thiên Y - Ana của người Chăm, Thiên Hậu Thánh mẫu của người Trung Hoa, đến miền Nam xuất hiện Linh Sơn Thánh mẫu tức Bà Đen Tây Ninh, rồi Bà Chúa Xứ núi Sam… Được biết, đã có nhiều hội thảo khoa học về Phật giáo từ cấp cơ sở tới cấp quốc gia và quốc tế, trong những năm gần đây đã có một số hội thảo về Đạo Mẫu nhưng chưa có hội thảo khoa học nào chuyên bàn về mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu, mà đó là thực trạng đang diễn ra trong đời sống văn hóa, đời sống tín ngưỡng tôn giáo của hàng triệu Phật tử cũng như con nhang đệ tử của Mẫu. Chính vì vậy, theo TT.Thích Thanh Quyết, vấn đề nhận thức, lý luận không được quan tâm giải quyết sẽ để lại không ít khó khăn cho các nhà quản lý, gây mất đoàn kết trong cộng đồng những người có tín ngưỡng tôn giáo… Thượng tọa nhấn mạnh, với chủ đề của hội thảo này, đại biểu cần ghi nhớ câu của Vua Trần Thái Tông (1218 - 1277), người đặt nền móng lý luận cho Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, đã viết trong bài Phổ Khuyến Phát Bồ Đề Tâm: Vị minh nhân vọng phân Tam giáo/ Liễu đắc đề đồng ngộ nhất tâm (Chưa tỏ ngộ, người đời lầm lẫn phân biệt Tam giáo/ Khi đạt chỗ gốc cội rồi thì cùng ngộ một tâm). "Điều quan trọng là vận dụng nó trong những điều kiện mới (mà Phật giáo gọi là Khế lý khế cơ), thực hiện nghiêm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Di sản văn hóa và các bộ luật có liên quan, để đạo Phật ngày một xương minh, đồng thời phát huy được những mặt tích cực, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc trong thờ Mẫu, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện mục tiêu muôn thuở là “Quốc thái Dân an - Thế giới Hòa bình”, TT.Thích Thanh Quyết kết luận.
Tiếp theo là những bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các học giả, chủ đồng đền tham gia hội thảo. Đầu giờ chiều cùng ngày, đại diện các chủ đồng đền, đồng điện, thủ nhang, thanh đồng đạo quan tham dự hội thảo đã thực hành nghi lễ thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt với một số giá hầu đồng tiêu biểu.
Phúc Thịnh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |