Kà Ốt - xóm chùa bình yên
20:38:00 - 15/04/2018
(PGNĐ) - Tôi đến Kà Tum - Tân Châu, Tây Ninh đã nhiều lần, nhưng vì nhiều lý do mà chưa lần nào ghé qua Kà Ốt. Những ngày sau Tết, khí trời lành lạnh, sương mù trải dài trên những thảm cỏ xuân dễ gây cho lòng người những cảm giác tươi lạ. Thế là tôi quyết định lên ấp Kà Ốt và viếng thăm ngôi chùa Khmer duy nhất ở huyện này.
Chùa Kà Ốt
Nếu tính từ thị trấn Tân Châu đến ấp Kà Ốt thì cũng không xa lắm. Cứ đi theo trục lộ 785 đến chợ Kà Tum rẽ vào chừng hơn hai cây số nữa là đến ấp Kà Ốt. Xã Tân Đông là một xã biên giới của huyện, nơi đây có nhiều đồng bào người Khmer sinh sống lâu đời, mà cụ thể và tập trung nhất là ở ba ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm. Nhưng về sinh hoạt văn hóa thì Kà Ốt nổi trội hơn cả vì nơi đây có ngôi chùa khá lớn.
Trong ấp có tổng cộng 164 hộ dân sinh sống, con đường trong ấp được trải nhựa bằng phẳng và rất sạch sẽ. Bà con ở đây vẫn còn giữ sinh hoạt theo nếp cũ, những ngôi nhà sàn rộng rãi, vững chãi vẫn còn đó mang một nét kiến trúc nhà ở đặc trưng của người Khmer. Trong ấp cũng có nhiều quán bán hàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con. Rải rác có những tiệm may, tiệm đồ cưới theo phong cách Khmer rất riêng và đẹp.
Theo lời anh Sây trưởng ấp kể lại, thì năm xưa chiến tranh xảy ra ở nơi đây rất ác liệt, bom đạn dội xuống như vãi thóc. Nhà cửa bị đốt, phá hết, bà con phải bồng chống nhau và ôm cốt Phật chạy qua bên kia biên giới Campuchia để tránh đạn. Mãi đến những năm 1979, bà con mới lần lượt trở về mảnh đất này để sinh sống làm ăn cho đến ngày hôm nay…
Lang thang trong xóm ấp Kà Ốt có một cảm giác rất thanh bình của một miền quê. Vẳng xa những tiếng gà trưa như cắt cái không gian im ắng, theo những sợi nắng mà xuyên qua lá cành, rơi xuống lòng nghe thanh thản làm sao. Trẻ con ở đây thường tụ tập dưới những bóng râm chơi đùa rất vô tư, mà những nơi khác đã dần dần biến mất, thay vào đó là những trò game, điện tử… Bà con Khmer ở đây đều theo đạo Phật. Chính vì vậy mà ngôi chùa là trung tâm văn hóa, tâm linh của họ.
Theo con đường từ phía chợ chạy vào, vừa qua khỏi ấp Đông Tiến là gặp ngay cổng chào của ấp văn hóa Kà Ốt. Chạy qua khỏi cổng chừng trăm mét là đến ngay ngôi chùa của bà con. Chùa này theo tôi được biết là bắt đầu xây dựng từ năm1980 và mãi đến năm 1996 mới hoàn thành. Chùa có tên ban đầu là Kiri Sattray Menchey Kà Ốp, có nghĩa là “danh thơm của người phụ nữ chiến thắng ở gần núi”, sau này thì bỏ đi phần sau, chỉ còn lại là Kiri Sattray Menchey như hiện nay. Nhưng người dân ít gọi đúng tên chùa mà quen gọi là chùa Kà Ốt vậy.
Thật ra, cách gọi tên Kà Ốt là vô nghĩa mà phải là Kà Ốp mới đúng. Vì Kà Ốp có nghĩa là hương thơm. Nếu Kà Tum có nghĩa là trái cây chín, hay tên một loại bánh nếp đậu hấp thì Kà Ốp là hương thơm của hai loại ấy. Tính chất lãng mạn trong cách đặt tên của người xưa là vậy.
Trong toàn tỉnh Tây Ninh có tổng cộng 6 ngôi chùa Nam tông Khmer, thì huyện Tân Châu có một ngôi duy nhất đó là chùa Kirisattaymenchey. Quần thể kiến trúc chùa, tượng tọa lạc trong một khu đất khá rộng, có cả rừng cây và tre rất đẹp. Ngôi chánh điện được xây trên một nền cao vuông vức, có bậc thang đi lên ở bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Nhưng hướng chính của ngôi chánh điện vẫn là hướng Đông, vì theo triết lý của người Khmer là Phật ở phương Tây, ngồi nhìn qua hướng Đông, và hướng Đông là hướng của Phật vậy. Ngôi chánh điện xây theo phong cách các chùa Khmer truyền thống, tuy không có nhiều tầng mái, nhưng vẫn là mái nhọn, lợp ngói, trên có trang trí các đầu rồng trông rất tao nhã.
Phía trước sảnh của chánh điện vẽ một bức tranh trong tích Đức Phật đang chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như trông rất sống động. Bên trong chánh điện bài trí các đồ thờ và các tư thế của tượng Thích Ca Mâu Ni một cách trang nghiêm và đúng theo triết lý văn hóa Phật. Mặt phía sau chánh điện là bức tranh 5 vị Phật, trong đó có 4 vị đã thành quả Phật theo thời gian, 1 vị chưa đắc quả là Di Lặc (còn mặc thần phục).
Bên trái chánh điện là ngôi tháp thờ cốt của các nhà sư đã viên tịch và cốt của Phật tử. Có một điều đặc biệt, người Khmer ở đây sau khi mất họ không thực hiện nghi lễ hỏa thiêu như bà con Khmer ở Tây Nam Bộ, mà họ chôn như người Việt, rồi sau đó mới lấy cốt đưa vào chùa.
Sau ngôi chánh điện là khu bài trí các pho tượng. Nổi bật nhất là pho tượng Phật Thích Ca to lớn trong tư thế kết ấn xúc địa ngồi trên một bệ cao. Phía bên trên là bánh xe pháp luân có tám nhánh tượng trưng cho Bát chánh đạo. Hai bên tôn tượng là hai con kỳ lân được chạm trổ khá công phu tượng trưng cho sức mạnh của trí tuệ tầng trên. Phía sau là tượng Chằn cầm chày vồ canh giữ như thần hộ pháp, xua đuổi cái ác cái xấu ra khỏi nơi chánh đạo.
Đâu lưng với tôn tượng Thích Ca là tượng một người phụ nữ trong trang phục truyền thống Khmer, đó là tượng Bà Mẹ Đất, vị thần chứng giám cho sự thành đạo của Đức Phật. Sau cùng là bàn thờ chư thiên. Ngôi sala xây lệch ra góc trái phía sau chùa trông rất đẹp và sạch sẽ. Nơi đây để sư trụ trì và ban quản trị làm việc các vấn đề có liên quan đến Phật sự của nhà chùa.
Sinh hoạt của đồng bào Khmer tại chùa Kirisattraymenchey
Chùa Kirisattraymenchey là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho bà con người Khmer trong ba ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm. Chùa có ban quản trị, nhưng người quan trọng nhất ở đây vẫn là Sư cả Sơn Bình Định. Sư cả không chỉ là người tu hành mà còn là một nghệ nhân. Vì kinh phí của chùa hạn hẹp, nên hầu như các công việc trang trí, sửa chữa các hoa văn kiến trúc đều một mình sư làm. Ngoài công việc Phật sự thường nhật và việc dạy chữ, dạy kinh kệ cho các Sa-di, vốn là con em trong ấp đến chùa tu học, thì sư dành nhiều thời gian cho việc sửa sang lại các hạng mục của chùa để phục vụ cho bà con Phật tử.
Có một lần vào buổi trưa nắng, tôi ghé thăm chùa, thấy sư đang bắc giàn, vẽ hoa văn cho tượng Phật. Sư vừa làm, vừa tiếp chuyện rất cởi mở. Sư không những am tường giáo lý, hệ thống kinh, luật, luận Pali mà còn rất thông hiểu về biểu tượng học Phật giáo. Song, sư cũng than phiền rằng bà con Khmer ở đây còn khá rụt rè, chỉ làm theo cái vốn có, chứ không chịu tìm hiểu kỹ mọi chuyện để mở rộng tầm hiểu biết về văn hóa Phật. Có những vấn đề họ đi khá xa với triết lý Phật, nhưng vì thói quen theo tập tục, nên nói họ không nghe. Rằng việc khai hóa văn hóa là một chặng đường còn dài và sư vẫn mãi một lòng kiên nhẫn vì bà con Phật tử của mình.
Hàng năm, ngôi chùa còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa đậm màu sắc của bà con Khmer trong xã như lễ Tắm Phật, lễ Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sel Donta…rất đông vui, hoành tráng.
Có thể nói, tại trung tâm Kà Tum ồn ào náo nhiệt bao nhiêu, thì xóm ấp Kà Ốt lại yên bình bấy nhiêu. Nơi đây con người sống gần như tách biệt với thế giới bát nháo bên ngoài, những ngôi nhà nấp dưới những tán cây vươn mình trong nắng đầy tiếng chim ca. Rừng trong khuôn viên chùa thì mát rượi, gió thổi rì rào như phảng phất lời kinh tiếng kệ.
Trẻ con trong ấp vào chùa chơi với các Sa-di nhỏ tuổi, áo đời áo đạo hòa lẫn vào nhau trông rất hồn nhiên như một bức tranh đa chiều của sự sống. Đó có khác gì cái mộng bình yên của bao kiếp làm người, thế giới vật chất nuôi dưỡng phần xác, thế giới tâm linh nuôi dưỡng phần hồn. Đời và đạo như không có gì là ranh giới, mà hầu như được gói tròn trong sự mong cầu hạnh phúc ấm no.
Bài, ảnh: Đào Thái Sơn
Nguồn: GNO
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|