Chi tiết tin tức Kỷ cương là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 22:57:00 - 06/01/2022
(PGNĐ) - Nhìn vào định hướng “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, có thể thấy nổi bật lên tính khoa học và thực tiễn mà Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đề ra. Qua đó, chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của chư Tôn đức Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) trong việc nỗ lực hoàn thiện bộ máy điều hành và quy hoạch nhân sự, nhằm nâng cao chất lượng cho sự phát triển bền vững của GHPGVN.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, một sự thực không thể phủ nhận là chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức do hoàn cảnh khách quan của thời hội nhập và cả yếu tố chủ quan phát sinh ngay trong lòng Phật giáo. Thực tế, nếu không hóa giải được những thách thức khó khăn, chúng ta khó có được sự ổn định về mặt chiến lược nhân sự, phương thức điều hành cũng như hiệu quả phụng sự trước yêu cầu của thời đại. Những thách thức khó khăn do yếu tố chủ quan lẫn khách quan mà chúng tôi đề cập ở đây chính là vấn đề kỷ cương trong sinh hoạt Giáo hội hiện nay. Trong tổ chức GHPGVN, kỷ cương trở thành vấn đề chung và là vấn đề lớn đòi hỏi mọi thành viên Giáo hội phải tuân thủ nhằm trang nghiêm tự thân, đó cũng là yếu tố cần thiết cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội. Trong đời sống sinh hoạt của người xuất gia, kỷ cương thể hiện qua thái độ, cung cách ứng xử, chủ yếu là nghiêm trì giới luật, biểu hiện qua oai nghi đạo hạnh. Do vậy, mỗi cá nhân muốn thăng tiến trên con đường tu hành và Giáo hội muốn phát triển bền vững thì vấn đề kỷ cương phải được đặt lên hàng đầu. Đây là trách nhiệm mà mỗi cá nhân cần nhận thức sâu sắc trên bước đường tu hành cũng như đóng góp vào sự nghiệp xương minh Phật pháp. Trên tinh thần tự giác của người con Phật, chúng ta nên nhìn nhận những quy định trong Hiến chương, quy chế, nội quy, thông tư và các quy định khác của Giáo hội, là tiêu chuẩn nhất định nhằm ổn định tổ chức, chứ không nên cho rằng đây là điều lệnh mang tính áp đặt nhằm trói buộc mọi người. Có như vậy, việc giữ vững kỷ cương trong sinh hoạt của Giáo hội mới thể hiện tinh thần tự giác của đạo Phật, mới đạt hiệu quả đem lại nguồn an lạc cho từng cá nhân và sự hưng thịnh cho Phật pháp. Kỷ cương là phép tắc, là những quy định được đặt ra trong các tổ chức nhằm tạo sự ổn định và thăng tiến của tổ chức đó; kỷ cương vừa là những quy định, vừa là biện pháp để thực hiện quy định đó. Những biện pháp ở đây có thể hiểu là những hình thức chế tài tương ứng với hành vi sai phạm của các thành viên; chung quy lại không ngoài mục đích ổn định trật tự trong tổ chức, từ đó tiến đến sự phát triển bền vững. Trên phương diện hình thức, Phật giáo là một tổ chức như bao tổ chức khác trong đời sống xã hội, do vậy GHPGVN cũng có Hiến chương với những điều khoản, luật định rất cụ thể nhằm ổn định nhân sự, làm nền tảng cho mọi hoạt động của các thành viên trong ngôi nhà Giáo hội. Về bản chất, Phật giáo là nền giáo dục hoàn thiện và đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát, tinh thần tự giác là thuộc tính quan trọng của đạo Phật, là yếu tố phát khởi ở một người xuất gia tu hành và luôn đi đầu mọi sinh hoạt của Tăng, Ni, Phật tử. Chẳng hạn, khi một người phát tâm xuất gia để trở thành một tu sĩ thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, hầu hết đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện chứ chẳng ai có thể áp đặt hay bắt buộc người đó xuất gia làm tu sĩ. Hay một người tu sĩ nhập thất công phu hành trì là do tự nguyện nên các vị hành giả, hầu hết đều tự giác chấp hành những quy định trong thời gian nhập thất. Trên tinh thần tự nguyện tự giác của đạo Phật, tất cả người xuất gia đều nghiêm trì giới luật và tự giác chấp hành những quy định trong Hiến chương Giáo hội. Do vậy, có thể nói, Phật giáo là một tổ chức hy hữu trong đời sống xã hội chú trọng yếu tố tự giác và đây là nét đặc thù của Phật giáo mọi thời đại. Với tinh thần tự giác, giới luật nhà Phật luôn được Tăng, Ni, Phật tử thừa hành tùy theo cấp độ thọ lãnh và Hiến chương Giáo hội luôn được mọi thành viên tuân thủ. Từ nền tảng này, có thể nói, Phật giáo nước nhà sẽ trở nên hưng thịnh và ngôi nhà GHPGVN sẽ phát triển vững mạnh trên một nền móng vô cùng kiên cố đó. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan từ nhịp sống thời đại và do yếu tố chủ quan từ một bộ phận người xuất gia vẫn chưa thật sự tự giác trong đời sống tu hành, nhất là với giới Tăng, Ni trẻ tuổi. Trước yêu cầu phát triển bền vững, thiết nghĩ, vấn đề kỷ cương trong sinh hoạt đạo pháp của GHPGVN phải được công tâm nhìn nhận khách quan, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm kịp thời khắc phục, tiến đến sự ổn định làm nền móng cho công cuộc xây dựng và phát triển Giáo hội trong thời gian tới. Trong các lĩnh vực hoạt động khác của Giáo hội như Tăng sự, hoằng pháp, giáo dục, nghi lễ…, nhất là lĩnh vực thông tin truyền thông, thiết nghĩ vấn đề kỷ cương cũng cần xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên điểm chung vẫn là những nguyên tắc chuẩn mực đã được các Ban, Viện quy định và nhất là phải thừa hành theo sự sắp xếp điều phối của Giáo hội. Trong đời sống xã hội, việc chấp hành pháp luật là thể hiện văn hóa cuộc sống, qua đó cho thấy kỷ cương thông qua những quy định cụ thể là nhân tố quan trọng kết tinh thành nền tảng văn hóa, liên hệ đến lĩnh vực hoạt động Phật sự. Nếu mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội đều tự giác chấp hành Hiến chương và những quy định khác của GHPGVN, điều này cũng có nghĩa chúng ta không chỉ thực hiện tốt kỷ cương quy định của Giáo hội, thể hiện văn hóa trong hoạt động Phật sự, mà còn trực tiếp duy trì và bảo tồn bản sắc đặc thù của văn hóa Phật giáo. QUY HOẠCH NHÂN SỰ LÀ MỘT TRONG NHỮNG GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI Đại hội Đại biểu Phật giáo các cấp luôn là ngày hội lớn vô cùng thiêng liêng trọng đại đối với toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam. Bởi qua mỗi kỳ Đại hội, Phật giáo nước nhà lại có thêm những sách lược, định hướng thể hiện tầm nhìn trí tuệ, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tất cả đều được đưa ra bàn thảo công khai dân chủ để đi đến sự nhất quán trên tinh thần đoàn kết hòa hợp và từ cơ sở này, chất lượng phụng sự đạo pháp và dân tộc của Giáo hội ngày càng nâng cao và hiệu quả. Trong xu thế hội nhập, phát triển toàn diện của đất nước, tất nhiên có sự phát triển lớn mạnh của GHPGVN suốt 40 năm qua, để đạt được sự phát triển bền vững, có chất lượng, mang tính thiết thực trong sự nghiệp tu hành giải thoát và hoằng pháp độ sanh, chúng ta cần có một sách lược tối ưu, một chiến lược khả thi nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn. Do vậy, GHPGVN rất cần một định hướng mang tính chiến lược, thích ứng với nhu cầu thời đại, sâu sát tình hình thực tiễn, nhất là phải mang tính khả thi, mới có thể thỏa mãn yêu cầu phát triển bền vững… Một khi đề cập đến chiến lược phát triển GHPGVN trong bối cảnh thời đại, theo tôi, trước hết, chúng ta rất cần đến sự dung hòa một cách trí tuệ giữa hình thái truyền thống và hiện đại. Yếu tố truyền thống của đạo Phật là tu hành giác ngộ giải thoát, dấn thân phụng sự đạo đời trên tinh thần vị tha vô ngã; yếu tố hiện đại là những phương tiện thích nghi tạo điều kiện thuận lợi nhằm hanh thông Phật sự, đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại. Sự kết hợp dung hòa một cách trí tuệ giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp chúng ta thăng tiến và dễ dàng nhận ra những tồn tại trên bước đường hướng tới những mục đích cao cả trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo hội. Nhận chân điều này, chúng ta sẽ dễ dàng đưa ra chiến lược thích ứng cho sự phát triển GHPGVN trong thời đại mới, chính là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, là cơ sở để đưa ra những giải pháp khắc phục, định hướng chuẩn và đặt nền móng cho tiến trình cải cách, đổi mới từ khâu nhân sự đến công tác giáo dục và hoằng pháp… Để xây dựng một chiến lược phát triển GHPGVN tròn đầy Phật chất, kiên cố vững bền, dồi dào nguồn sinh lực kế thừa, trước mắt chúng ta cần quy hoạch một cách có trí tuệ và khoa học, nhất là khâu nhân sự đến cơ chế vận hành, từ phương thức hoạt động đến từng nội dung công tác Phật sự một cách cụ thể. Nếu nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta sẽ thấy ngay, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển bền vững của GHPGVN trong thời gian tới là những giới hạn ở khâu nhân sự. Tất nhiên khó khăn ấy chỉ có thể khắc phục bởi tinh thần tự giác nỗ lực hành trì và nâng cao nghiệp vụ nơi mỗi thành viên Giáo hội, về việc chấp hành các quy định đã đề ra. Trên thực tế, khả năng thay đổi để thích nghi hòa nhập hầu như chưa được vận dụng thỏa đáng, khiến Phật giáo ngày nay, từ cơ cấu tổ chức đến nhân sự, từ quan niệm, khuynh hướng đến cách thức điều hành, công tâm mà nói dường như chưa thể bắt nhịp với sự phát triển nhảy vọt của thời đại. Điều này đã đặt ra trong bản thân Giáo hội một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực, lẫn về mặt tổ chức điều hành Giáo hội. Nói đến phát triển Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của Tăng già và khả năng hoàn thiện của Giáo hội về mọi mặt, đặc biệt là về nhân sự và tổ chức; nhân sự có tốt thì Giáo hội mới vững mạnh; tổ chức có tốt thì Giáo hội mới phát huy hết vai trò của nó. Thực tế cuộc sống cho thấy, nếu Phật giáo thiếu định hướng giáo dục đào tạo hợp lý, ắt sẽ khó tránh khỏi những hoạt động yếu kém. Do đó, một khi đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn và thách thức, góp phần phát triển bền vững GHPGVN, phải tập trung vào yếu tố con người, sau đó mới bàn đến phương hướng kế hoạch để vượt qua những thử thách khó khăn. VỀ CƠ CHẾ TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA GHPGVN Ngoài yếu tố căn bản là phẩm hạnh đạo đức, niên cao thì yếu tố năng lực, trình độ và sức khỏe (tuổi tác) cũng là những yếu tố rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Đây còn là nền tảng để quy hoạch chiến lược phát triển nhân sự Giáo hội một cách bền vững về lâu dài. Chính vì vậy, Giáo hội cần chọn ra những vị vừa có phẩm hạnh đạo đức, vừa có tầm nhìn, năng lực, sức khoẻ, có nhiệt huyết phụng sự đạo pháp và dân tộc, biết trọng dụng những nhân tài, biết cấu trúc tổ chức và phân bổ công việc hợp lý, để hoạch định sự phát triển của Giáo hội. VẤN ĐỀ THÔNG SUỐT TƯ TƯỞNG, QUY HOẠCH NHÂN SỰ Quy hoạch nhân sự và thông suốt tư tưởng là yếu tố hàng đầu trong việc xác định trách nhiệm của mỗi thành viên Giáo hội, qua đó mỗi người tự có thái độ sống tích cực cũng như bổn phận phải thừa hành những trọng trách được giao trên tinh thần tự giác dấn thân phụng sự, nghiêm túc chấp hành những quy định của Giáo hội. Để thực hiện tốt điều này, ngoài vấn đề quy hoạch và bố trí nhân sự có năng lực và tâm huyết một cách hợp lý trong cơ cấu tổ chức, thiết nghĩ, Giáo hội nên có những khóa bồi dưỡng định kỳ về nghiệp vụ chuyên môn về công tác tư tưởng cho các thành viên trong Giáo hội.
Đồng thời thông qua đó, nắm bắt tư tưởng, thái độ sống của từng thành viên, từ đó có kế hoạch gạn lọc và bổ sung nhân sự mới hội đủ điều kiện phục vụ lâu dài cho Giáo hội. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội nên có kế hoạch lập ban chuyên trách về công tác tư tưởng và giao hẳn cho Ban này công tác tổ chức quy hoạch, đào tạo tuyển dụng nhân sự. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những phương cách cải thiện bộ máy hành chánh và kế sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của Giáo hội. PHÁT HUY UY ĐỨC TRONG ĐIỀU HÀNH PHẬT SỰ Phật giáo có ba thuộc tính rất quan trọng để xây dựng nên một biểu tượng Bồ tát nhập thế độ sanh, đó là Bi – Trí – Dũng. Nếu chỉ có từ bi, mà không có trí huệ và uy dũng, chúng ta sẽ khó có thể đạt được những hoài bão cũng như nguyện vọng trên bước đường tu hành giải thoát, đó là chưa nói đến việc hành sự nhập thế độ đời. Nếu mỗi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội đều toát lên sự tôn nghiêm và uy đức, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trang nghiêm thanh tịnh của Giáo hội, Phật giáo sẽ tạo nên lực cảm hóa rất lớn trong đời sống con người. Điều này giúp chúng ta dễ dàng thu phục và nhiếp dẫn chúng sanh vào con đường chánh pháp. Trong đời sống, một người không có uy đức thì lời nói không có giá trị; một tập thể không đủ uy đức thì trên nói dưới không nghe. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội nên có quy chế làm việc nghiêm túc giữa Trung ương Giáo hội với các cấp Phật giáo tỉnh, thành, quận, huyện phải xây dựng quy chế, nghiêm minh kỷ luật và tuyên dương tán thưởng. Đây cũng là phương cách xây dựng nền tảng phát triển của Giáo hội. Cách đây đúng 40 năm, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, sự thống nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam đã hình thành nên GHPGVN với phương châm, định hướng: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tại Đại hội kỳ VIII, GHPGVN đã đưa ra chủ đề: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” và định hướng 9 mục tiêu phát triển bền vững của GHPGVN. Đây đích thực là động cơ giúp cho Phật giáo đồ Việt Nam ý thức trách nhiệm cao cả của mình đối với vận mệnh đất nước trên bước đường đồng hành cùng dân tộc. Cơ sở này đã định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng, Ni, Phật tử đóng góp công sức trí tuệ vào sự hưng thịnh của đạo pháp và sự trường tồn của dân tộc. Hơn nữa, chính phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” đã khẳng định sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa Phật giáo với dân tộc trong thời đại, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững, vượt bậc của Phật giáo trong lòng dân tộc suốt 40 năm qua. Và đây cũng sẽ là nền tảng để Giáo hội tiếp tục phát huy cao hơn trong giai đoạn phát triển và hội nhập của thời đại mới. Chúng ta đang sống trong bối cảnh hội nhập, thời kỳ mà nền tảng tri thức đang được mọi tổ chức đề cao, do vậy, công tác giáo dục và tuyên truyền sẽ là trọng tâm cho việc ổn định và tăng cường kỷ cương Giáo hội. Thiết nghĩ, nếu công tác tuyên truyền vận động và giáo dục đào tạo tốt, chúng ta sẽ có những vị Tăng, Ni hiểu đúng đường lối, chủ trương Giáo hội, từ đó sẽ có nhiều đóng góp thiết thực cho đất nước và Giáo hội. Ngược lại, nếu công tác tuyên truyền và đào tạo không được triển khai tốt, lối sống tùy tiện vô tổ chức cùng với những tư kiến, quan điểm chủ quan sẽ mãi tồn tại và là rào cản cho sự phát triển Giáo hội, đồng thời chính bộ phận này sẽ là gánh nặng cho Giáo hội. Giải pháp thiết thực nhất chính là tất cả đệ tử Phật đều phải nghiêm trì giới luật, phải tuân theo lời Đức Phật dạy trong tu tập và hành trì. Đồng thời Trung ương Giáo hội nên mở cuộc vận động lớn về việc thực hiện kỷ cương của GHPGVN, cụ thể là tuân thủ các nguyên tắc của Giáo hội và những quy định đặc thù của từng hệ phái. Chúng tôi cho rằng, để cuộc vận động đi sâu vào tâm trí của mọi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, trước hết rất cần sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp Giáo hội, các Ban, Viện đặc biệt là Ban Giáo dục, Ban Hoằng pháp và nhất là vai trò cực kỳ quan trọng của Ban Thông tin truyền thông trong việc phổ biến tuyên truyền chủ trương của Giáo hội. Phát triển trên nền tảng kỷ cương là quy tắc chung của mọi quốc gia, mọi tổ chức và Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật này. Ngược lại, một tổ chức yếu kém về kỷ cương sẽ không thể nào phát triển và tạo được vị thế trong đời sống xã hội. Những thành tựu vượt bậc của Phật giáo nước nhà suốt 40 năm qua đã cho thấy tất cả Tăng, Ni, Phật tử đều có chung tâm huyết góp phần làm đạo pháp và GHPGVN phát triển. Do vậy chúng ta có quyền tin tưởng, nếu được sự đồng thuận của chư Tôn đức Tăng Ni, sự quan tâm chỉ đạo đúng mức của Trung ương Giáo hội và trên tinh thần tự giác của Tăng, Ni cả nước, việc tăng cường kỷ cương đời sống sinh hoạt và mọi hoạt động Phật sự trong ngôi nhà Giáo hội sẽ thành công mỹ mãn.
HT. Thích Huệ Thông/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 381
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |