Chi tiết tin tức

Lễ hội dâng y Kathina của Phật giáo Nam tông

20:59:00 - 12/12/2021
(PGNĐ) -  Hằng năm, từ 16/6 đến 15/9 âm lịch là khoảng thời gian an cư ba tháng mùa mưa của chư Tăng Phật giáo hệ phái Nam tông. Sau lễ Tự tứ (pavāranā) vào ngày cuối cùng của ba tháng an cư (16/9 ÂL), chư Tăng và tín đồ Phật giáo Nam tông Việt Nam và các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda bắt đầu mùa lễ hội dâng y Kathina. Đây là lễ nghi Phật giáo có từ thời Đức Phật và được truyền thừa, gìn giữ đến ngày nay trở thành một lễ hội Phật giáo đặc trưng của hệ phái Nam tông.

NGUỒN GỐC LỄ DÂNG Y KATHINA 

Cũng như Phật giáo Bắc tông có truyền thống dâng pháp y vào mùa Vu Lan đến chư Tăng Ni hoàn mãn ba tháng an cư kiết hạ, Phật giáo Nam tông cũng có truyền thống dâng y sau ba tháng an cư mùa mưa. Sự việc này được thuật lại trong chương VII bộ Đại phẩm (Mahāvagga) của Luật tạng (Vinayapiṭaka) như sau: “Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại Đại tự viện Jetavana (Kỳ viên) của ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc) gần kinh thành Sāvatthi (Xá-vệ). Khi ấy, có nhóm ba mươi vị Tỳ-kheo ở xứ Pāvā dự định đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn tại Jetavana. Trên đường đi, chưa đến kinh thành Sāvatthi, mới đến xứ Sāketa (Sa-kỳ), nhằm vào ngày 16/6 âm lịch, là ngày các vị Tỳ-kheo phải an cư ba tháng mùa mưa tại trú xứ cố định. Vì thế, các vị đành phải an cư ba tháng mùa mưa tại xứ Sāketa. Khi trải qua ba tháng mùa mưa, vào ngày rằm tháng 9 ÂL, sau khi làm cử hành lễ Tự tứ (pavāranā) xong, sáng ngày hôm sau (16/9), các vị tiếp tục lên đường hướng về kinh thành Sāvatthi. Cuối mùa mưa trời vẫn còn mưa nhẹ hột, trên đường có những vũng nước đầy, đường xá lầy lội, các vị mặc trên thân mình bộ y bị ướt đẫm và dính đầy sình lầy, thân phải chịu vất vả, đi đến Đại tự viện Jetavana vào đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ”.

Đức Thế Tôn đã có những lời thăm hỏi các vị Tỳ-kheo về việc tu tập, sinh hoạt như thế nào trong thời gian qua. Các vị Tỳ-kheo đã thuật lại hành trình vất vả của mình từ Sāketa đến Sāvatthi. Sau khi nghe câu chuyện ấy, Đức Phật cho phép các vị Tỳ-kheo sau khi an cư ba tháng mùa mưa được phép thọ y Kathina. Ngài cho các vị thọ hưởng năm đặc ân:

1- Khi được thỉnh mời, vị Tỳ-kheo ấy có thể ra khỏi chùa, mà không báo vị Tỳ-kheo khác biết.

2- Vị Tỳ-kheo ấy không giữ gìn đủ tam y.

3- Vị Tỳ-kheo ấy được dùng vật thực cùng nhóm (bốn vị Tỳ-kheo trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy.

4- Vị Tỳ-kheo thọ nhận y dư ngoài tam y và cất giữ quá mười đêm.

5- Y phát sinh nơi nào, Tỳ-kheo được phép thọ nhận nơi ấy [1].

Qua câu chuyện duyên sự, chúng ta không thấy được những gì đặc biệt của y Kathina nhưng xem qua những quy định riêng của y Kathina quy định ở chương Kathina của bộ Đại phẩm (Mahāvagga) sẽ thấy những nét đặc trưng của y Kathina mà không phải bất cứ việc cúng dường nào cũng đều có được.

Ý NGHĨA CỦA KATHINA 

“Kathina” là một từ Pāli, vừa là danh từ vừa là tính từ và được phiên âm là Ca-thi-na, Ca-hi-na, Kiết-sĩ-na, Kiết-xỉ-na… Vì thế, Kathina mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo Concise Pāli – English Dictionary, HT. Bửu Chơn dịch là: cứng, dai, thô thiển; áo cà-sa dâng đến chư tăng mỗi năm [2]. Giải thích trong Từ điển Pāli – Anh, Kathina có ba nghĩa: Thô cứng, vững chắc, dữ dội; tấm vải được các cư sĩ dâng cúng đến các Tỳ-kheo để may y ca-sa sau mùa an cư hàng năm; Khung gỗ được các Tỳ-kheo sử dụng trong việc căng bốn góc để may y Ca-sa. [3]

Trong Luật xuất gia tóm tắt, HT. Hộ Tông giải thích về Kathina là “một tiếng trong Phật giáo phát sanh theo lời chuẩn hành của Đức Phật để buộc chặt năm quả báu thành tựu đến Tỳ-kheo, người thọ và người anumodanā, cho đến hết hạn kỳ quả báu ấy” [4]. Theo Trưởng lão Kassapa Thera, trong Vimativinodanī-tīkā nói rằng: “Kathina” có ý nghĩa là sự vững chắc bởi vì làm cho năm quả báu duy trì trong suốt năm tháng [5]. Như vậy, những lời giải thích trên cũng chỉ đề cập đến ý nghĩa của Kathina theo những gì Đức Phật cho phép các vị Tỳ-kheo thọ nhận y Kathina và những đặc ân có phát sinh từ Kathina.

Mặc dù vậy, theo định nghĩa ban đầu, Kathina không phải là tên gọi tấm y Ca-sa dâng cúng đến các vị Tỳ-kheo sau khi mãn an cư ba tháng mùa mưa, mà chỉ có nghĩa là bền vững, chắc chắn (tính từ); và là khung gỗ (danh từ) để các Tỳ-kheo may y mà thôi. Như Tiểu phẩm (Cullavagga) đã đề cập: “Khi ấy, các Tỳ-kheo muốn may y nên đã cắm những cái cọc xung quanh để làm khung sườn căng các góc y để may. Nhưng may xong thì các góc y không được vuông vức, vì thế, Đức Phật đã cho phép các Tỳ-kheo được sử dụng tấm y mẫu (Kathina) và dùng dây buộc vào tấm y mẫu (Kathinarajju) để may y” [6]. Điều này cũng được Luận sư Buddhaghosa đề cập trong Cullavagga-atthakathā rằng: “Kathina là một khung bằng gỗ để căng những sợi chỉ và Kathinarajju là sợi dây buộc trên khung vải trong lúc may y Kathina” [7].

Như vậy, “Kathina” có nghĩa đen là vững chắc, thô cứng và chỉ đơn giản là cái khung để căng vải được các Tỳ-kheo sử dụng trong lúc may y Ca-sa cho vuông vức các góc. Rồi qua thời gian, Kathina được hiểu là tên gọi của tấm y dâng cúng đến các vị Tỳ-kheo sau khi các vị ấy hoàn mãn ba tháng an cư mùa mưa. Theo Bắc truyền, Kathina dịch theo ý, gọi là y công đức như là việc tưởng thưởng cho các vị Tỳ-kheo đã tinh tấn, nỗ lực tu tập trong suốt ba tháng an cư mùa mưa [8].

NHỮNG ĐẶC TRUNG CỦA Y KATHINA 

Ở các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda như: Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka và Việt Nam, thời gian được phép dâng cúng y Kathina luôn là thời gian mà các gia đình thí chủ nhộn nhịp để đi đến các tự viện dâng cúng y Kathina. Bởi vì y Kathina không thể muốn cúng dường là có thể được mà phải có thời gian, có quy định riêng. Vì vậy, y Kathina luôn là loại y đặc biệt và có những đặc trưng riêng biệt như sau:

– Thứ nhất là, vị Tỳ-kheo không được ngỏ lời về tấm y Kathina. Theo luật mà Đức Phật quy định, điều học Ưng xả đối trị (nissagiya pācittiya) thứ sáu [9], vị Tỳ-kheo không được xin hoặc yêu cầu y Ca-sa từ những người gia chủ, ngoại trừ đó là quyến thuộc hoặc những người đã ngỏ lời với vị Tỳ-kheo ấy trước [10]. Khi vị Tỳ-kheo có nhu cầu về y Ca-sa, vị ấy được phép ngỏ lời yêu cầu đến những người thân của mình hoặc những thí chủ đã ngỏ lời tác bạch trước, như vậy thì không phạm tội. Tuy nhiên, với tấm y Ca-sa dùng để làm y Kathina cho các vị Tỳ-kheo thì không được ngỏ lời yêu cầu. Tấm y Kathina này phải được thanh tịnh thì việc thọ y của các Tỳ-kheo mới thành tựu. Chú giải Mahāvagga-atthakathā đã giải thích: “Gọi là vải y Kathina là vật thật sự thanh tịnh mới phù hợp. Ngay cả mẹ của mình cũng không nên xin. Cứ như là vải xuất hiện từ không trung mới là điều tốt đẹp” [11].

Hoàng gia Thái Lan dâng y Kathina đến chư Tăng tại Thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai. Ảnh: budsas.asia

Trong chương về y Kathina, Đức Phật dạy: Kathina không được thành tựu do sự ra dấu hiệu gợi ý để thí chủ dâng. [12] Ví dụ như là vị Tỳ-kheo nói ướm, nói gợi ý cho thí chủ việc dâng cúng y Kathina vì chùa mình chưa có thí chủ, dâng cúng vậy là hợp thời, có nhiều phước báu… Việc làm như vậy là không đúng, khiến cho Kathina của các vị Tỳ-kheo không được thành tựu. Cũng tương tự như vậy, trong luật Tứ phần, y có được do sự tà mạng, do lời nói gợi ý, hoặc ra dấu để thí chủ dâng cúng đều không thể thọ làm y Kathina được [13].

– Thứ hai là, dâng cúng y Kathina là dâng cúng đến tập thể Tăng (sanghikadāna). Việc dâng cúng y Kathina không phải muốn dâng cúng lúc nào và như thế nào cũng được, so với việc dâng cúng y ca-sa bình thường thì việc dâng cúng y Kathina đòi hỏi nhiều thủ tục và điều kiện ràng buộc. Ví dụ: gia chủ có tấm y, muốn dâng cúng vị nào mình tôn kính hoặc nơi ngôi chùa nào mình tịnh tín đều được, không có vấn đề chi. Nhưng với y Kathina, việc dâng cúng phải là dâng cúng đến Tăng, gọi là Tăng thí (sanghikadāna) chứ không phải nhân danh một cá nhân vị Tỳ-kheo nào. Cũng là một tấm y Ca-sa, nhưng dâng cúng đến vị Tỳ-kheo đích danh thì đó gọi là cá nhân tuyển thí (puggalikadāna), phước báu chỉ đơn giản là cá nhân thí thôi. Còn dâng cúng y Ca-sa để các vị Tỳ-kheo làm y Kathina thì y đó gọi là bố thí đến Tăng, do tăng quyết định vị Tỳ-kheo nào sẽ đại diện thọ nhận, dĩ nhiên phước báu sẽ thù thắng hơn.

Phật tử nhiễu Phật ba vòng quanh chánh điện, sau đó các thiện tín tập trung lại bên trong Phật điện và cung thỉnh chư Tăng quang lâm chứng minh lễ dâng y Kathina. (Ảnh: bvhttdl.gov.vn)

– Thứ ba là, Thời gian dâng cúng y Kathina (kāladāna). Việc dâng cúng y Ca-sa thông thường, thí chủ muốn dâng cúng bất cứ khi nào cũng được, nhưng muốn dâng cúng y Kathina thì phải chờ đến thời gian cho phép. Trong một năm có mười hai tháng, Ấn Độ chia ra làm ba mùa: mùa nóng (gimha), mùa mưa (vassa) và mùa lạnh (hemanta), mỗi mùa có bốn tháng. Thời gian chư Tăng an cư mùa mưa là ba tháng. Mười hai tháng chỉ nhận được trong một tháng cuối mùa mưa, một tháng đó chỉ chọn ra một ngày duy nhất, chỉ được nhận một lần duy nhất. Ngoài thời gian này ra, việc dâng cúng y Ca-sa chỉ gọi là y Ca-sa thường chứ không gọi là y Kathina được. Nói về thời gian của y Kathina, Đức Phật dạy: “Nên biết về tháng của sự thành tựu Kathina: là nên biết về tháng cuối cùng của mùa mưa” [14].

Như vậy, việc dâng cúng y Ca-sa đến các vị Tỳ-kheo để các vị làm y Kathina chính là thiện pháp dâng cúng đến Tăng chúng cao quý thì chắc hẳn phước báu sẽ được thù thắng cả người thọ nhận và người dâng cúng. Đó cũng là những đặc trưng riêng biệt của y Kathina mà không phải y Ca-sa nào cũng có được.

LỄ HỘI DÂNG Y KATHINA 

Ngày nay, lễ hội dâng y Kathina trong thời hiện đại có thể được thay đổi nhưng trên tinh thần lấy luật làm trọng thì những nghi lễ chính vẫn được gìn giữ và thực hành. Trong thời gian một tháng của lễ hội dâng y, ngày nào cũng có chùa tổ chức lễ, vì lẽ đó, lễ hội Kathina trở thành lễ hội truyền thống đặc sắc của hệ phái Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Các thiện tín thường hay gọi một tháng này là “Mùa dâng y Kathina”. Nhận định về lễ hội Kathina, HT. Thích Thiện Tâm phát biểu: “Đây là nét đẹp của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy. Đối với những người theo Phật giáo Nguyên thủy, lễ dâng y Kathina mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng, vừa thể hiện thiện tâm của Phật tử đối với việc hộ trì Tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội, đồng thời nhắc nhở cho tứ chúng luôn nhớ về và trân trọng tấm lòng của đàn na tín thí” [15].

Về nghi lễ dâng y Kathina tại các chùa Nam tông Việt Nam đều đa phần giống nhau về các phần nghi thức. Buổi sáng ấy, các thiện tín vân tập về chùa cùng với những lễ phẩm, y Ca-sa, vật dụng dâng cúng đến chư Tăng. Sau đó, các tu nữ, thiện tín mở đầu lễ dâng y bằng nghi thức tụng kinh lễ bái Tam bảo. Đại diện chư Tăng sẽ có một vị trưởng lão ban thời pháp thoại giảng giải về ý nghĩa, phước báu… của lễ dâng y đến chư thiện tín. Tiếp theo, các thiện tín sẽ đội những y Ca-sa, lễ vật dâng cúng lên đầu và đi nhiễu xung quanh Phật điện ba vòng để bày tỏ lòng tôn kính đến Đức Phật theo truyền thống Ấn Độ thuở xưa. Trong khi đi nhiễu Phật, các vật dụng sẽ được đội lên đầu tượng trưng cho sự tôn kính và mọi người đồng nhau đọc bài kệ:

“Ca-sa oai đức chi bằng

Sắc vàng thanh bạch của hàng Sa-môn

Noi gương Từ phụ Thế Tôn

Hoằng khai Giáo pháp tám muôn bốn ngàn…” [16].

Sau khi kết thúc ba vòng nhiễu Phật, các thiện tín tập trung lại bên trong Phật điện và cung thỉnh chư Tăng quang lâm chứng minh lễ dâng y Kathina của thí chủ. Tùy theo mỗi chùa, có chùa sẽ có thí chủ xin làm thí chủ chính thức dâng cúng y Kathina đến chư tăng; hoặc có chùa không có thí chủ chính thức thì các thí chủ đồng hùn nhau và làm thí chủ tập thể [17]. Khi chư Tăng đã vân tập nơi Phật điện, thí chủ chính thức hoặc đại diện các thí chủ tập thể sẽ dâng lời phát biểu cảm nghĩ của gia đình thí chủ. Sau đó, vị kinh sư sẽ hướng dẫn toàn thể thí chủ và các thiện tín đọc lời tác bạch dâng cúng y Kathina đến các vị Tỳ-kheo theo ngôn ngữ Pāli và tiếng Việt. Tiếp theo, y Ca-sa do thí chủ dâng cúng được chư Tăng nhận lấy và làm lễ tuyên ngôn tăng sự theo hình thức nhị bạch tuyên ngôn (dutiyañattikammavācā).

Hiện nay, y Ca-sa được may sẵn nên thí chủ dâng cúng và chư Tăng chỉ cần làm lễ giao y và thọ y Kathina chứ không cần phải cắt, may và nhuộm như thời Đức Phật. Vị Tỳ-kheo được chư Tăng chọn ra để thọ y sẽ làm lễ thọ y ngay tại ấy, với sự chứng minh của toàn thể chư tăng và các gia đình thí chủ, thiện tín tham dự. Sau khi thọ y Kathina thành tựu, chư Tăng và các thí chủ cùng chư thiện tín hoan hỷ đồng thanh “Sādhu, sādhu” (lành thay) tượng trưng cho sự hoan hỷ của chư thiên và nhân loại với việc y Kathina được thành tựu và quá báu phát sanh đồng đều đến các vị Tỳ-kheo Tăng và các thí chủ. Khi ấy, chư Tăng sẽ khai mở khóa kinh an lành, chúc phúc đến toàn thể quý thiện tín. Trước khi hoàn mãn buổi lễ, chư thiện tín hồi hướng phước báu đến chư Thiên, thân bằng quyến thuộc và chư Tăng Ni, thiện tín dùng bữa cơm với ban tổ chức buổi lễ.

Chư Tăng chùa Candaransi (TP.HCM) cử thành nghi thức hành Tăng sự, giao y và thọ y.
(Ảnh: Đăng Huy)

Như vậy, sau khi kết thúc ba tháng an cư mùa mưa, lễ hội dâng y Kathina tại các chùa Nam tông Việt Nam lại bắt đầu. Việc dâng cúng y Kathina đến tăng chúng, không phân biệt vị Tỳ-kheo nào, vượt ra ngoài quan niệm cá nhân thường tình còn nói lên tinh thần “lợi hòa đồng phân” của hội chúng tăng vì chuyên chở những giá trị truyền thống tốt đẹp của chư Phật và chư Thánh để lại từ thuở xưa [18]. Lễ hội dâng cúng y Kathina là tài sản vô giá của Phật giáo, đóng góp cho sự nghiệp gìn giữ và truyền bá Phật pháp.

 

VĂN HÓA PHẬT GIÁO 379

Chú thích:

* Tỳ-kheo Định Phúc (Samādhipuñño): Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học khóa 1 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Vin.i.254. Indacanda (dịch) (2009), Đại Phẩm, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.111.

[2] Buddhadatta (2016), Bửu Chơn (dịch), Từ Điển Pāli-Việt, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.99.

[3] Rhys Davids T.W., William Steden (eds.) (1952), Pāli – English Dictionary, PTS, London, p.196.

 [4[ Hộ Tông (1993), Luật Xuất Gia Tóm Tắt, Thành hội Phật giáo TP HCM, tr.472.

[5] Vmt.194.

[6] Vin.ii.117. Indacanda (dịch) (2010), Tiểu Phẩm, tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.33.

[7] VinA.vi.1206.

[8] Thích Phước Sơn (2010), Một số vấn đề về giới luật, Nxb. Phương Đông, tr.173.

[9] Vin.iii.213. Indacanda (dịch) (2009), Phân tích giới Tỳ khưu, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.531.

[10] Vị thí chủ có đức tin muốn dâng cúng đến vị Tỳ-kheo và tác bạch: “Con xin dâng cúng bốn món vật dụng, nếu Đại đức cần dùng món chi, xin cho con biết, con sẽ dâng cúng”. Khi được ngỏ lời, vị Tỳ-kheo cần món nào có thể yêu cầu thí chủ hộ độ.

[11] VinA.v.1111.

[12] Vin.i.255. Indacanda (dịch) (2009), Đại phẩm, tập 1, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.113.

[13] Thích Đỗng Minh (dịch), Thích Tuệ Sỹ (hiệu chính và chú thích) (2019), Luật tứ phần, tập 2, Nxb. Hồng Đức, tr.1447.

 [14] Vin.v.177. Indacanda (dịch) (2010), Tập yếu, Tập 2, Buddhist Cultural Centre, Sri Lanka, tr.181.

[15] Cẩm Vân (11/2018), “Lễ dâng y Kathina tại chùa Phổ Minh (Q.Gò Vấp)” [Online], truy cập 10/4/2020, từ https://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2018/11/07/56F681/

[16] Tăng Định (biên soạn) (2009), Kinh nhật tụng cư sĩ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.76.

[17] Thiện Minh (2017), Giáo trình lược sử Phật giáo Nam tông Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.99.

[18] Ngọc Bích (8/2017), “Đại lễ dâng Y Kathina của Phật giáo Nam tông tại Huế”, truy cập 10/4/2020, từ www. khamphahue.com.vn/kham-pha/lich-su-van-hoa/tid/Dai-le-dang-Y-Kathina-cua-Phat-giao-Nam-tong-tai-Hue/newsid/E26C918B-87C5-4356-91CF-9F232105B5FD/cid/136C365B-C86B-44E6-AF59-BE5BB3C3F56E.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin