Chi tiết tin tức

Một số học giả góp phần giới thiệu Phật giáo đến nước Anh

22:18:00 - 08/06/2022
(PGNĐ) -  Trải qua hơn 26 thế kỷ, đến ngày nay, Phật giáo đã được lan rộng trên toàn thế giới. Tùy theo mỗi quốc gia mà Phật giáo có cách du nhập, hình thành và phát triển khác nhau. Điều đó khẳng định giá trị lời Phật dạy vốn không giới hạn cho một quốc gia nào, biên giới nào, mà chân lý đó dành cho con người, vì con người.

DẪN NHẬP

Phật giáo khởi nguồn từ đất nước Ấn Độ, như mạch nước ngầm lan rộng đến các quốc gia trên thế giới. Trong khi Phật giáo ở các nước phương Đông đã có nền tảng sâu dày thì ở phương Tây đến thế kỷ XVII-XIX mới bắt đầu biết đến Phật giáo. Trong đó, Phật giáo nước Anh được xem là điểm sáng đầu tiên, đặt nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo tại châu Âu. Công lao của những học giả châu Âu thế hệ tiên khởi trong việc phiên dịch và nghiên cứu Phật giáo thực sự cần được đề cập.

VÀI TIẾP XÚC ĐẦU TIÊN CỦA PHƯƠNG TÂY VỚI PHẬT GIÁO 

Theo sử liệu Sri Lanka, vào thế kỷ thứ III TCN, đại đế Asoka đã cho tám đoàn truyền giáo đi các nước để truyền bá Đạo Phật: “Trên một trong những pháp dụ ở vùng này, đại đế Asoka đã kể ra tên của 05 vị vua các nước phương Tây đồng thời có bang giao… Đó là các vua Antiyoka (Anh ngữ: Antiochos II Theos ở Syria: 261-246 TTL), Turamaya (Ptolemy II Philadelphos của Ai Cập: 285-247 TTL), Antikini (Antigonos Gonatas của Macedonia: 278-239 TTL), Maka (Magas của Cyrene: 300-258 TTL) và Alikasudara (Alexander của Epirus: 272-258 TTT)” [1]. Theo Thích Nguyên Tạng, đại đế Asoka đã gửi các đoàn truyền giáo đến “vùng Tây Bắc và lãnh thổ tự trị như: Xiri, Ai Cập, Macedonia, Cyrene và Epius” [2]. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định giao lưu văn hóa Đông và Tây đã có trước đó. Tuy nhiên, dấu ấn về Phật giáo ở các nơi này vẫn còn đang được nghiên cứu.

Theo các học giả, phương Tây bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo kể từ khi các quốc gia châu Âu tiến hành xâm lược và thiết lập thuộc địa ở châu Á. Vào cuối thế kỷ XIX đã có một số tác giả nghiên cứu về Phật giáo như George Turnour (1799-1843), F. Max Muller (1823-1900), song Phật giáo vẫn chưa hiện diện tại nước Anh. Hầu hết học giả giai đoạn này hứng thú với việc khảo cứu lịch sử hoặc khảo cổ học chứ chưa quan tâm đến Phật giáo như một tôn giáo hay triết lý. Đồng thời, các tác phẩm này mang tính cách cá nhân riêng lẻ, chưa tạo được sự quan tâm rộng rãi của giới nghiên cứu và xã hội bấy giờ. Tuy vậy, nhờ sự nghiên cứu và sự nếm trải pháp vị của lời Phật dạy mà các học giả nỗ lực truyền bá giáo lý Phật giáo. Họ bắt đầu đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho ngôi nhà Chánh pháp được phát triển vững chắc tại nước Anh.

CÁC HỌC GIẢ TIÊN KHỞI 

Chúng ta có thể kể đến một số vị học giả hàng đầu góp công trong việc giới thiệu Phật giáo đến giới nghiên cứu và xã hội nước Anh.

Edwin Arnold (1832-1904) là học giả có khiếu về ngôn ngữ học, biết 19 ngoại ngữ. Ông chịu ảnh hưởng Phật giáo sâu đậm, tự nhận mình là “một Phật tử nhiệt thành” [3]. Do đó, ông chấm dứt hết việc săn bắn động vật sau khi tìm hiểu Đạo Phật. Vào thời điểm hậu bán thế kỷ XIX, Phật giáo vẫn còn xa lạ đối với người Tây phương, vì kinh sách Phật giáo bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác còn khan hiếm. Thi phẩm The Light of Asia của Arnold được xem là món quà pháp bảo vô cùng quý báu đối với sự truyền bá Phật giáo tại phương Tây. Có thể nói, giới trí thức ở phương Tây tìm đến Phật giáo là nhờ đọc qua tác phẩm này. The Light of Asia thịnh hành tại nước Anh và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đồng thời, tác phẩm còn được chuyển thể thành phim, kịch, nhạc… Nhờ vậy, Phật giáo càng được nhiều người Tây phương biết đến. Đây là bản trường ca về Đức Phật, được viết trong văn phong thuộc trường phái lãng mạn của thời Nữ hoàng Victoria (1837-1901) [4]. Như vậy, Arnold đã vận dụng một cách hoàn hảo trào lưu văn học bản địa của nước Anh để cho người dân dễ dàng tiếp nhận, đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng. Học giả Arnold đã tích cực hưởng ứng lời Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, Ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân” [5]. Đồng thời, theo tác phẩm Luận Tỳ Bà Sa, trong các chuyến du hóa, Đức Phật tùy theo ngôn ngữ của từng địa phương để truyền bá giáo pháp. Học hỏi từ Đức Phật, Edwin Arnold đã vận dụng ngôn ngữ địa phương, làm cho sức lan tỏa của Phật giáo ngày càng rộng trên mảnh đất nước Anh.

Dù cách thời Đức Phật đã khá xa, Edwin Arnold bước theo dấu chân của Ngài để truyền bá giáo pháp dưới hình thức cư sĩ. Sự tác động mạnh mẽ của The Light of Asia làm cho người tôn giáo khác phải e dè và gọi hiện tượng này “Sự đe dọa của Phật giáo” (The Buddhist Menace) [6].

Allan Bennett (1872-1923) nhờ đọc tác phẩm trên mà quy y theo Phật giáo. Chỉ vài năm sau, ông đã chính thức là Tăng sĩ người Anh đầu tiên vào năm 1901 với pháp danh là Ananda Metteyya, đánh dấu mốc quan trọng cho việc Phật giáo chính thức có mặt tại nước Anh vào đầu thế kỷ XX. Ni sư Tiến sĩ Như Nguyệt khẳng định: “Phật giáo chỉ được coi là đã du nhập, chỉ khi nào nơi đó có người thuyết giảng giáo lý và xuất gia tu theo đạo Phật. Như vậy mới chính là phát tích của Phật giáo” [7]. Arnold đã tích cực hoạt động sáng tác, phiên dịch kinh điển, diễn thuyết… cho sự nghiệp truyền bá Phật pháp đến cuối cuộc đời. Nhưng quan trọng hơn hết đó chính là giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần vào trong tư tưởng và đời sống qua việc ông dặn dò hỏa táng sau khi ông mất.

T.W. Rhys Davids (1843-1922) bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu ngôn ngữ Pāli từ một vụ kiện trong ngôi làng tại Ấn Độ mà ông phải giải quyết. Ông có bốn bằng Tiến sĩ. Với những khả năng thiên tài về ngôn ngữ học, ông dễ dàng nghiên cứu tiếng Tamil và Sinhale sau một thời gian ngắn giữ chức thẩm phán tại Sri Lanka (Tích Lan) (1871). Theo học với nhà Sư kiêm học giả Tích Lan là Yatramulle Unnanse, Rhys Davids đã thông thạo tiếng Pāli và bắt đầu công tác khảo cổ. Ông dành phần lớn cuộc đời để phiên dịch Pāli và khuyến khích nhận thức đúng về Phật giáo Nguyên thuỷ. Ông xuất thân là con của một mục sư. Có thể thấy, đối với các học giả tinh hoa tri thức của xã hội, khi những triết lý được làm sáng tỏ, đủ sức thuyết phục thì họ sẵn sàng chọn lựa triết lý đó bất kể họ xuất thân từ tôn giáo truyền thống khác.

Đóng góp quan trọng của Rhys Davids là thành lập Hội Phiên dịch Thánh điển Pāli (The Pāli Text Society) năm 1881 tại Anh. Đây là tổ chức Phật giáo đầu tiên với sự tham gia của nhiều học giả nổi tiếng châu Âu và châu Á, để nghiên cứu, biên soạn, chuyển ngữ và in ấn kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pāli và Anh ngữ [8]. Không chỉ tiên phong lĩnh vực này, hội đã đóng góp trong việc công bố văn phạm Pāli tiêu chuẩn, từ điển Pāli, các tác phẩm chú giải và cung cấp những giải thích chuẩn bấy giờ về Pāli Phật giáo. Phật giáo nước Anh non trẻ nhưng đã có bộ Tam tạng Thánh điển và rất nhiều tác phẩm học thuật Phật giáo có giá trị. Đặc biệt, trong khi các quốc gia ở lục địa châu Âu như Pháp và Bỉ nghiên cứu Phật giáo Đại thừa thì nước Anh chuyên nghiên cứu về Phật giáo Nguyên thủy.

Rhys Davids hoạt động không mệt mỏi trong mọi lĩnh vực giáo dục, thuyết giảng, in ấn báo chí… Hoạt động của ông đã tạo ra phong trào học tập, nghiên cứu, phiên dịch kinh điển Phật giáo rất sôi nổi. Những năm cuối đời ông vẫn cùng học giả William Stede biên soạn Từ điển Pāli – Anh. Hoạt động của Rhys Davids là công trình đóng góp vĩ đại cho sự truyền bá, phát triển Phật giáo tại Tây phương. Trong lịch sử, sư Huyền Trang nổi tiếng với chuyến thỉnh kinh “Vô tiền khoáng hậu”, bối cảnh truyền bá Phật giáo của Rhys Davids không giống Huyền Trang, nhưng để khơi dòng Phật pháp hòa nhập vào tư tưởng của nhân dân nước Anh là việc cũng không phải dễ dàng. Vì quốc gia này vốn có truyền thống tôn giáo khác đã tồn tại lâu đời. Do đó, Rhys Davids xứng đáng được vinh danh là người đặt nền móng đầu tiên cho Phật giáo tại phương Tây. Với Rhys Davids, Phật giáo là triết lý sống có giá trị được ông áp dụng trong suốt cuộc đời  và “Thỏa mãn định hướng của mình với con đường (Bát chánh đạo) đó” [9].

Isaline Blew Horner (1896-1981) bắt đầu nghiên cứu Thánh ngữ Pāli của Phật giáo Nam tông sau khi đọc kinh Pháp Cú vào năm 1936. Từ những hiểu biết này, bà I.B. Horner càng thêm hứng thú trong công tác nghiên cứu Phật giáo và Thánh điển Pāli. Bà được mời tham gia vào các chức vụ của hội The Pāli text society với vị trí Tổng Thư ký, Hội trưởng và Phó Hội trưởng Hội Phật giáo (The Buddhist Society) nhiều năm liền. Đặc biệt, bà đã thấm nhuần tư tưởng bố thí, cúng dường bằng việc hỷ cúng 500 bảng Anh để mua đất, xây dựng chùa Phật giáo Luân Đôn (The London Buddhist Vihara). Ngoài sự đóng góp trong công tác nghiên cứu kinh tạng Pāli suốt 40 năm, bà I.B. Horner còn viếng thăm, thuyết trình cho dân chúng và các sinh viên tại Tích Lan. Bên cạnh đó, bà cũng nghiên cứu Phật giáo tại các nước châu Á và viết bài đăng lên các Tạp chí Phật giáo Anh ngữ phát hành tại Ấn Độ, Miến Điện [10]. Với “khả năng trí tuệ siêu phàm, con người mà tuổi tác không làm suy giảm năng lực tinh thần” [11], qua các tác phẩm của mình, bà đã giúp các độc giả Tây phương hiểu biết sâu xa giáo lý Đức Phật.

Đồng thời, Horner là học giả viết nhiều tác phẩm về nữ giới trong xã hội Ấn Độ. Bà góp công biên soạn cuốn Từ điển Pāli – Anh. Theo lời giới thiệu của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ trong tác phẩm “Các học giả Nước Anh và Phật giáo Âu Mỹ”, I.B. Horner xuất gia làm Tỳ kheo ni. Tuy nhiên, theo những tài liệu mà người viết có được thì vẫn chưa có chứng cứ nào xác định được việc này. Mặc dù như vậy, những gì bà đóng góp cho Phật giáo nước Anh nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung thì người viết luôn xem I.B. Horner đi theo con đường Bồ tát hạnh “…hiện thân phụ nữ mà vì đó nói pháp” [12]. Thông qua những gì mà cuộc đời bà đóng góp cho Phật giáo đã khẳng định vai trò của người nữ hoàn toàn có thể sánh ngang cùng với nam giới về mặt học thuật, nghiên cứu. Điều đó tạo niềm tin không chỉ nữ cư sĩ tại gia mà còn đối với hàng Ni giới sau này, có thể lấy đó làm tấm gương cho sự nỗ lực vươn lên, khẳng định vị thế của mình trong việc truyền bá giáo pháp.

PHẬT GIÁO TIẾP CẬN NƯỚC ANH QUA CON ĐƯỜNG TRI THỨC 

Phật giáo được truyền vào châu Âu khá muộn khoảng cuối thế kỷ XIX. Phật giáo ngay từ buổi đầu truyền vào các nước phương Tây đã đem lại cho người dân một cái nhìn mới mẻ, đầy sức thuyết phục. Các học giả phương Tây đã sử dụng mạng lưới thông tin phổ biến nhất lúc bấy giờ là báo chí, nghiên cứu, phiên dịch, sáng tác thơ văn … để phổ biến Phật giáo. Dưới sự nghiên cứu và cống hiến đầy nhiệt huyết của các học giả, ánh sáng của Phật giáo đã được mọi người dân biết đến. Những công trình trước tác, nghiên cứu, phiên dịch, khảo cứu… của các học giả có giá trị ngày càng nhiều và lôi cuốn các nhà tri thức. Ở phương Đông, đạo Phật được dẫn dắt vào bắt đầu từ niềm tin, sau đó mới học hỏi giáo lý bằng những buổi thuyết giảng, xem nhẹ sự truyền thông bằng báo chí, sách vở. Tuy nhiên, việc tiếp cận Phật giáo bằng con đường của tri thức càng làm cho Phật giáo bám trụ trong lòng nước Anh.

Tạm kết

Trải qua hơn 26 thế kỷ, đến ngày nay, Phật giáo đã được lan rộng trên toàn thế giới. Tùy theo mỗi quốc gia mà Phật giáo có cách du nhập, hình thành và phát triển khác nhau. Điều đó khẳng định giá trị lời Phật dạy vốn không giới hạn cho một quốc gia nào, biên giới nào, mà chân lý đó dành cho con người, vì con người. Vì vậy, với những đặc điểm riêng biệt, Phật giáo du nhập và hình thành tại phương Tây mà nước Anh là quốc gia đặt nền móng đầu tiên. Tuy Phật giáo nước Anh non trẻ nhưng đã góp phần không nhỏ cho nền học thuật, nghiên cứu Phật pháp ở châu Âu và thế giới. Điều đó phải kể đến những đóng góp tích cực của các học giả phương Tây như: Edwin Arnold, Rhys Davids, I.B. Horner. Dù nhân duyên tiếp xúc Phật giáo khác nhau, dưới hình thức cư sĩ, nhưng sự nỗ lực truyền bá giáo pháp của họ không kém những tu sĩ Phật giáo. Sự hình thành các hội đoàn, báo chí, tác phẩm văn, thơ… góp phần không nhỏ trong việc hoằng truyền giáo pháp. Phật giáo nước Anh chính thức đã trở thành nhựa sống cho vườn hoa Phật pháp được nở rộ, khoe sắc tại các nước phương Tây.

 

SC. Thích Nữ Hạnh Tri/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 390

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Bùi Thị Hải Yến, Giáo trình kinh tế địa lý thế giới, Nxb. Giáo dục, 2006, tr.29.

[2] Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, Nxb. Phương Đông, 2006, tr.13.

[3] HT. Thích Trí Chơn, Các học giả nước Anh và Phật giáo Âu Mỹ, Nxb. Phương Đông, 2010, tr.18.

[4] Kingfisher, Bách khoa toàn thư lịch sử, Nguyễn Đức Tĩnh và Ngô Minh Châu dịch, Nxb. Từ điển bách khoa, 2014, tr.1022.

[5] TK. Indacanda, Tiểu phẩm tập 2 – chương các tiểu sự, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009,  tr.71 -72

[6] HT. Thích Trí Chơn, Sđd, tr.20.

[7] NS.TS. Như Nguyệt, Bài giảng Phật giáo châu Âu, HVPGVN tại TP.HCM, khóa XII.

[8] Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, Nxb. Phương Đông, 2006, tr.377.

[9] Thích Nữ Tịnh Quang tuyển dịch, Sự quyến rũ của Đạo Phật trong thế giới mới, Nxb. Âu Cơ, 2012.

[10] HT.Thích Trí Chơn, Sđd, tr.98.

[11] Sđd, tr. 97.

[12] HT. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Pháp hoa, phẩm Phổ Môn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội,  tr.542.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin