Chi tiết tin tức

Phước tuệ an khang khi mùa xuân Di Lặc về

22:06:00 - 02/02/2023
(PGNĐ) -  Phước tuệ an khang là lời ước nguyện của Phật tử Việt Nam khi xuân về Tết đến, cũng là thông điệp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi đến đồng bào Phật tử khắp nơi, thể hiện trong chủ đề “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển” của Đại hội Phật giáo Việt Namtoàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027). Suy cho cùng, chủ trương, đường lối, phương thức hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoài phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật, tất cả vì lợi ích, vì sự an lạc, vì hạnh phúc số đông như Đức Phật thường dạy. Trong ý nghĩa đó, chư Tổ sư, Thiền sư và chư Tônđức lãnh đạo Giáo hội đã chuyển hóa toàn bộ nội dung khát ngưỡng nói trên thành lời cầu chúc “Phúc tuệ an khang” khi xuân Di Lặc về với tất cả niềm tin và lý tưởng thực thi.

 

PHƯỚC ĐỨC DO NỖ LỰC HÀNH THIỆN MÀ THÀNH

Trong Kinh Phước đức, Phật chỉ dạy vấn đề tạo phước đức ở đời, mở đầu bằng lời dạy: “Lánh xa kẻ xấu ác, được thân cận người hiền. Tôn kính bậc đáng kính, là phước đức lớn nhất. Điều này có nghĩa Phước đức của mỗi người không phải Phật thánh, trời đất ban cho mà sự nỗ lực thực hànhđiều thiện. Điều thiện theo quan điểm của Phật giáo là những việc làm của thân, lời nói của miệng, ý nghĩ từ tâm phải đem lại kết quả lợi ích cho mình cho người, cho cả hai trong mọi không gian và thời gian. Khi một người thực thi điều thiện lành, đồng nghĩa đã tạo phước đức. Phước đức chính là sự tích lũy điều thiện lành có khả năng vận hành trong chiều hướng tốt đẹp của quy luật nhân quả nghiệp báo. 

 

Cho nên, người làm việc thiện là người có phước đức, hẳn nhiên phải biết tránh xa điều ác, kẻ xấu ác, thân cận và tôn kính bậc thánh, người hiền. Đó cũng lý do ông bà cha mẹ chúng ta thường dạy: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Gieo gió gặt bão”. Nói cách khác, đó cũng là mục tiêu mà Giáo hội muốn tất cả các thành viên cộng đồng Phật giáo sống đúng kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết và phát triển thì bất cứ người nào hiện hữu trên cõi đời đều an lạc, hạnh phúc, các tổ chức hoạt động của Giáo hội ban/ngành/viện đều phát huy khả năng, tiềm lực, vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc sống vốn thường xuyên biến động này mà đóng góp cho xã hội, cho đất nước. 

Một người có tu tập phước đức là người tự thân khai mở trí tuệ. Trí tuệ và phước đức là hai mặtcủa một vấn đề. Sống có phước đức là sống có giới hạnh, có giới hạnh là định lực, có định lực là có trí tuệ. Đức Phật thường dạy mọi người lấy trí tuệ làm sự nghiệp (Duy tuệ thị nghiệp). Có nhiều bản kinh Nikaya đã xác chứng như thế nào được gọi là trí tuệ khi hành giả tiến sâu vào con đường tuệ giác vô thượng. Trong Kinh Đại Phương Quảng, Đức Phật đã trình bày sự có mặt của trí tuệ là do tu tập và liễu đạt về khổ, nguyên nhân dẫn đến khổ, sự diệt tận về khổ và con đường đoạn tận mọi khổ đau như sau: “Này Hiền giả, như thế nào được gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri, có tuệ tri này Hiền giảnên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri là gì? Có tuệ tri: đây là khổ, có tuệ tri: đây là khổ tập, có tuệ tri: đây là khổ diệt, có tuệ tri: đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ”.

Và như thế, bằng sự tu tập tuệ quán, hành giả tuệ tri như thật các pháp để bước vào lộ trình giác ngộ chân lý, giải thoát, Niết bàn. Điều đáng nói là thông qua con đường tự thân tu tập, với đôi mắt tuệ giác, con người nhìn nhận sự vật các pháp vốn vô ngã, các hành vô thường. Mọi tâm lý của thế giới tư duy hữu ngã thường tình hầu như bị đổ rụng khi tự thân mỗi người đều tuệ quán: “Cái này không phải là tôi, cái này không phải là của tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Thiết nghĩ, một nền văn hoá, giáo dục, kinh tế xã hội của thế giới tư duy vô ngã được vận hành sẽ mở ra chân trời hạnh phúc cho loài người đến với niềm phúc lạc vô biên. 

Đó là lý do người ta mong chờ và đón mừng Đức Phật Di Lặc thị hiện trong cuộc đời. Bởi khát vọng lớn nhất của con người là ước nguyện sống hạnh phúc và an lạc. Cũng vì lẽ đó, bất kì ai hiện hữutrên cõi đời này, mỗi khi thấy hình tượng Ngài Di Lặc đều khởi tâm hoan hỷ và thích ngắm nhìn. Phật tử Việt Nam cũng có tâm lý chiêm ngưỡng, tôn kính Phật Di Lặc (Metteyya) và Ngài trở thànhbiểu tượng cho sự mong cầu an vui, thịnh vượng dài lâu trong tâm khảm của lòng mình. 

MÙA XUÂN DI LẶC

Mùa xuân là mùa đầu tiên trong năm, mùa khởi đầu cho muôn loài thay da đổi thịt, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật đổi thay, tràn trề sức sống mãnh liệt. Con người vì thế háo hức đón chào mùa xuân, cũng là đón mừng mùa xuân Di Lặc, mang theo niềm tin Đức Di Lặc thị hiện ở đời cùng những điều tốt lành sẽ đến với mọi người, mọi nhà. 

 

Kinh Di Lặc Thượng sinh và Kinh Di Lặc hạ sinh cho rằng: Ngài xuất thân trong một gia đình Bà la môn, sau làm đệ tử Phật, nhập diệt trước Phật, dùng thân Bồ tát trụ ở cõi trời Đâu Suất thuyết phápgiáo hóa các vị trời cõi này. Theo truyền thuyết, Bồ tát vì muốn giáo hóa chúng sinh nên không ăn thịt từ lúc mới phát tâm; do nhân duyên ấy mà Ngài có tên là Từ Thị. Bản Kinh Đại Nhật Sớ 1, Bồ tát Từ Thị ấy lấy chữ Từ trong Tứ vô lượng tâm của Phật làm đầu. Lòng từ đó sinh ra từ chủng tínhNhư Lai, khiến hết thảy chúng sinh trong thế gian này không mất hết Phật tính. Đức Thế Tôn từng thọ ký rằng: hết thời kỳ tuổi thọ con người là 4.000 tuổi, ước vào khoảng 57 tỷ 60 triệu năm nữa, lúc ấy Bồ tát hạ sinh xuống cõi này thành Phật dưới cội Long Hoa, chia làm 3 hội thuyết pháp. Do ý nghĩa Ngài thay Phật thuyết giáo nên gọi Bồ tát là Nhất sinh Bổ xứ, Bồ tát Bổ xứ, Bổ xứ tát đỏa. Khi Ngài thành Phật thì gọi là Di Lặc Như Lai, Phật Di Lặc. 

Theo như ý nghĩa trên, chân dung của Ngài, phần lớn được các chùa thờ phụng bằng hình ảnh Di Lặc miệng cười tươi, bụng phơi ra; có khi còn có lục tặc hài nhi đeo quanh mà vẫn thản nhiên, tự tại vô cùng. Thế nên, Phật tử chúng ta có tâm lý yêu thích chiêm ngưỡng Ngài, nhất là vào những ngày đầu xuân trong ý nghĩa “tống cựu nghinh tân”, xóa bỏ những điều xấu xa, không may mắntrong năm cũ, nỗ lực hành thiện để đón chào năm mới với bao điều tốt đẹp.

Hình tượng Đức Phật Di Lặc hiện hữu với nụ cười trên môi, dáng vẻ hiền hòa khiến ai nhìn vào cũng thấy lòng mình nhẹ nhàng, hiền thiện và hoan hỷ hơn bao giờ hết. Ngày đầu tiên của năm mới mà có được cảm nhận hân hoan, hiền thiện của chất liệu từ bi hỷ xả như thế thì không gì phúc lạcbằng, không gì ấn tượng hơn đối với niềm tin vào Tam bảo, đối với niềm tin lẽ sống của người biết sống đạo. Huống chi, bản chất người học đạo vốn là những người biết hướng tâm sống theo nếp sống hiền thiện, chân chất, tùy hỷ với mọi người, yêu thích mọi loài, đầu năm lên chùa lễ Phật, hướng nghĩ về Ngài, phẩm tính Phật Di Lặc “Từ thị” trong mình lại càng dễ hiển lộ ra bên ngoài. Do vậy, tâm tính chúng ta lại càng vui hơn, hạnh phúc nhiều hơn khi tiếp xúc với mọi người trong giờ phút hiện tại, bây giờ và tại đây. 

Mỗi khi con người sống với tâm hiền thiện, có chánh tín vào nếp sống đạo, có hỷ lạc trong việc thực hành pháp thiện, từ bỏ pháp ác, đây chính là niềm tin trong một tương lai gần Đức Di Lặc sẽ thị hiện. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng xác tín rằng, chính nếp sống hiền thiện, hướng thiện của người học đạo, hành đạo, chứng đạo là cơ sở, là nền tảng đón chào Ngài ra đời trên thế gian này. 

Bản Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống (Cakkavatti-sìhanàda-suttanta), Trường Bộ Kinh[1] cho rằng nhân duyên Đức Phật Di Lặc thị hiện hoàn toàn khác với Đức Thích Ca Mâu Ni đản sinh giữa ở cõi đời ô trược, nơi chúng sinh có tâm địa vô cùng phức tạp, tham ái nặng nề. Trong khi đó, Đức Phật Di Lặc chỉ thị hiện vào lúc con người có một đời sống đạo đức hướng thượng, con người biết kết nối yêu thương, sống chân thật, hoan hỷ với nhau chứa chan tình người. Như vậy, sự hiện thân của Đức Phật Di Lặc là biểu trưng cho một nếp sống đạo đức hướng thiện, thuần tịnh, mà đỉnh cao là hướng tâm giải thoát. 

Nói một cách dễ hiểu, bất cứ ai được sinh ra, lớn lên, trưởng thành đều mong cầu được sống hạnh phúc, đầy đủ vật chất, sức khỏe dồi dào, sống lâu trường thọ và trí tuệ minh mẫn. Quan trọng hơn, là người đó cần thể hiện một đời sống tâm linh thánh thiện, giàu chất liệu yêu thương được thể hiệnqua tinh thần từ bi hỷ xả trong đời sống thường nhật. Do đó, mỗi khi Phật tử háo hức đón chào xuân Di Lặc, mong cầu Phật Di Lặc đản sinh có nghĩa trong tâm thức họ ước nguyện sống thiện lành, từ bỏ ác pháp, thực hành chánh pháp trong niềm hỷ lạc vô biên. 

 

Đây chính là điểm cốt lõi của bản kinh này, cũng là thâm ý của chư Phật muốn khuyến cáo Phật tửđón xuân, mừng xuân và căn bản nhất là sống với “mùa xuân thường tại” quanh năm suốt tháng, khi tâm thức thuần tịnh, không nhiễm ô, tuổi thọ sẽ dài ra. Ngược lại, con người sẽ khổ đau khi rong ruỗi theo mùa xuân vật lý với sự mong chờ được hưởng thụ và đắm say dục lạc thế gian, tràn đầy tham ái. Tuổi thọ con người sẽ giảm đi, hẳn nhiên khổ đau và đọa lạc sẽ ập đến.

Phật dạy, con người là chủ nhân của nghiệp, là người thừa tự nghiệp. Do đó con người tự quyết định đời sống hạnh phúc hay khổ đau của chính mình. Một người thân cứ làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ về điều ác thì cấp độ khổ đau theo đó sẽ gia tăng mãi, đồng nghĩa tuổi thọ đi xuống điểm tận cùng. Chỉ khi nào con người nhận chân sự nguy hại của một đời sống bất thiện, khởi tâm sống với điều thiện, hiếu kính Sa môn, tôn trọng bậc trưởng thượng trong gia đình, thực hành chánh pháp thì nguy cơ khổ đau sẽ giảm thiểu và tuổi thọ bắt đầu tăng trưởng trở lại: 

“Này các Tỳ kheo đến một thời kỳ, do nhân làm ác hạnh, tuổi thọ loài người chỉ có mười tuổi,… rồi các loài hữu tình suy nghĩ vì chúng taọ nhân bất thiện nên bà con ta giết hại nhau như vậy. Chúng ta hãy làm các điều thiện. Do hành thiện nên tuổi thọ được tăng thịnh, sắc đẹp tăng trưởng. Vì tuổi thọ được tăng thịnh, sắc đẹp tăng trưởng nên tuổi thọ loài người chỉ 10 tuổi nhưng con của họ sẽ thọ đến 20 tuổi. Rồi suy nghĩ vậy chúng ta làm việc thiện nhiều hơn nữa, sống đúng 10 thiện pháp, hiếu kính với mẹ cha, lễ lạy các vị Sa môn, Bà la môn, cung kính các vị cầm đầu trong gia đình… con cái họ sẽ lên đến 40 tuổi, 80 tuổi….cho đến khi tuổi thọ loài người lên đến bốn vạn tuổi và các người con lên đến tám vạn tuổi…”

Nhờ nỗ lực sống hướng thiện, lại được xác tín bởi niềm tin bất diệt đối với Tam bảo kết quả sắc đẹp, tuổi thọ kéo dài cho đến khi nào mọi người trở nên hiền hòa, an lạc, gia đình hạnh phúc, xứ sở phồn vinh, thế giới hòa bình thực sự… Bấy giờ tuổi thọ của con người có thể lên đến tám vạn tuổi, vị Chuyển luân Thánh vương sẽ xuất hiện, dùng chánh pháp để an dân, khiến cho cả thế gian này thái bình, thịnh trị vững bền. Chính thời điểm này Đức Phật Di Lặc cũng ra đời và chuyền pháp luân, khiến cho ai cũng an trú hạnh phúc trong giáo pháp của Ngài: 

“Bấy giờ có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Sankha ra đời, là vị Pháp vương lấy Chánh pháp trị nước, chinh phục bốn thiên hạ, cai trị các quốc độ, có đủ bảy món báu. Vị ấy vì quả đất này cho đến hải biên, dùng chánh pháp trị quốc, không dùng trượng, không dùng kiếm. Này các Tỳ kheo, khi tuổi thọ loài người lên đến tám vạn tuổi, có Thế Tôn tên là Metteyya sẽ ra đời, là vị A la hán, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự Trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn. Vị này tự mình biết, chứng và tuyên thuyết trên quả đất này, gồm cóThiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới; Thế giới này gồm Sa môn, Bà la môn, loài trời, loài người. Vị này sẽ thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, với nghĩa lý văn tự đầy đủ thanh thịnh và tuyên thuyết đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh như Ta hiện nay thuyết pháp. Vị này sẽ có khoảng vài ngàn vị Tỳ kheo, Tăng đoàn như Ta hiện nay có khoảng vài ngàn vị Tỳ kheo Tăng đoàn”.

 

Rõ ràng, sự kiện đức Chuyển luân Thánh vương và Đức Phật Di Lặc ra đời giữa thế gian này như kinh điển ghi lại là câu trả lời xác tín cho vấn đề tại sao chúng ta phải thực thi nếp sống hiền thiện, sống đúng luật nghi, có chánh kiến và trang trải lòng từ bi hỷ xả đến với mọi người. Tại đây, loài người không còn khởi tâm tham, sân, si trong khi hành xử giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên, môi trường sống. Như vậy, ý nghĩa đón mừng Phật Di Lặc Đản sinh nhân dịp xuân về Tết đến là thông điệp sống theo nếp sống hướng thượng, trên hết là hướng đến mục tiêu giải thoát khổ đau giữa cuộc đời đầy biến động này. 

Đó cũng là con đường sống của Phật giáo xưa nay hướng đến. Cụ thể, mỗi cá nhân hiện hữu ở đời phải biết thực thi nếp sống đạo như ngài Mâu Tử nói“Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì phải biết giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình phải biết tu thân” [2]. Lời dạy trên chỉ cho chúng ta tự thiết lập một nếp sống đạo đức nhân sinh, xây dựng trên nền tảng hiếu thảo mẹ cha, hòa thuận với bà con, biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người trong từng hoàn cảnh cụ thể, trên hết là tu tâm dưỡng tánh để tự điều chỉnh bản thân thích ứng với mọi điều kiện sống mà hành xử cho đúng đạo. Cho nên, mỗi cá nhân hiện hữu phải thường xuyên chánh niệm, sống đúng luật nghi, không ngừng nỗ lực làm thiện, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. 

KẾT LUẬN

Có như vậy, khi bạn làm điều gì cũng sanh tâm hoan hỷ như Phật từng xác tín trong kinh Tăng Chi:“Trước khi làm thiện việc gì, chúng ta cũng sanh tâm hoan hỷ, trong khi làm việc thiện gì cũng sanh tâm hoan hỷ, sau khi làm việc thiện gì cũng sanh tâm hoan hỷ”. Đây cũng là cơ sở để mọi người trên hành tinh này cùng nhau nỗ lực kiến tạo một thế giới an lạc mà Phật Di Lặc thị hiện. Chúng ta có quyền ước nguyện và cùng nỗ lực thực thi, hướng đến xây dựng thế giới hạnh phúcngay từ bây giờ. 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Nguyên, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Xem Kinh Trường Bộ, q.2. Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.353-386.

[2] Lê Mạnh Thát (1982), Nghiên cứu về Mâu Tử, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh, tr.292.- 
(Trích từ tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 405)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin