Chi tiết tin tức

Sri Lanka: Hòn đảo thiêng lưu truyền Chánh pháp

17:17:00 - 14/05/2017
(PGNĐ) -  Năm nay, Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 14 diễn ra tại Sri Lanka do chính phủ nước này đăng cai tổ chức. BBT giới thiệu tới bạn đọc vài nét về Phật giáo trên đất nước này.

Ba lần Đức Thế Tôn đến quốc đảo

Căn cứ vào 2 bộ sử liệu quan trọng của Sri Lanka là Mahāvamsa (Đại sử) và Dipavamsa (Đảo sử): trước khi Phật giáo được truyền bá chính thức đến Sri Lanka bởi ngài Mahinda - con trai vua Asoka (A-dục) thì Đức Phật đã đến Sri Lanka tổng cộng ba lần. 

srinlanka1.jpg
Tháp Dagoba - Sri Lanka được xem là công trình kiến trúc độc đáo điển hình nhất của Phật giáo cổ đại

Vấn đề trên vẫn còn trong vòng tranh cãi về tính lịch sử và tính xác thực của sự kiện. Liệu đây là sự thật lịch sử hay chỉ là dã sử, huyền thoại được các nhà sử học thêm vào 2 bộ sử liệu trong các lần biên tập theo thời gian. Lần đầu tiên, Đức Phật đến Mahinyangana của đảo quốc - nơi tụ lạc Yaksa vào tháng Duruthu (tháng Giêng) ngày rằm (1 B.E hay 528 B.C) sau 9 tháng Ngài thành đạo. Tại đây, Đức Phật đã chiến thắng và quy y cho những yaksa cũng như vua Rồng Maniakkhika từ Kelaniya đến Mahinyangana để diện kiến và quy y theo Phật.

Lần thứ hai là 5 năm sau ngày Đức Phật thành đạo (5 B.E hay 523 B.C). Bằng thần thông, Đức Phật thấy cuộc chiến tranh do mâu thuẫn giữa hai chú cháu vua Rồng Culodara và Mahodara giành ngai vàng, ngài đã đến Nagadipa (đảo Rồng, nay thuộc tỉnh Jaffna) hòa giải tranh chấp và trao lại ngai vàng cho vua Rồng Maniakhika ở Kelaniya.

Lần thứ ba, Đức Phật đến theo lời mời của vua Rồng Maniakkhika đến Kelaniya vào năm 9 B.E (khoảng 519/520 B.C) cùng với 500 vị đệ tử của Ngài. Trong lần viếng thứ ba này, Đức Phật đã in bàn chân trái của Ngài lên trên đỉnh núi Sumanakuta (nay là Samanalakanda) theo lời thỉnh nguyện của thái tử Rồng tên Sumanasaman. Đỉnh Sumanakuta sau thời thuộc địa đổi tên thành Adam’s Peak.

Chánh pháp truyền trao

Cũng theo 2 bộ sử Mahāvamsa và Dipavamsa thì ngài Thánh tăng Mahinda, con trai vua Asoka là người truyền bá Phật giáo vào quốc đảo vào khoảng giữa thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Thánh tăng Mahinda thọ Đại giới năm 20 tuổi, làu thông kinh tạng, nghiêm trì giới luật và nhận trọng trách đến Sri Lanka truyền pháp theo lệnh của vua cha Asoka - vốn là bạn thân và là anh em kết nghĩa của vua Devanampiya Tissa đang trị vì vương quốc Tích Lan (Ceylon) lúc bấy giờ.

Ngài cùng 4 vị Tỳ-kheo khác là Itthiya, Uttiya, Sambala và Bhaddasala, Sa-di Sumana, cận sự nam Bhanduka cùng đến đảo quốc. Biết vua Devanampiya Tissa sẽ đi săn bắn ở ngọn núi Missaka (nay là Mahintale) - cách kinh thành Anuradhapura khoảng 12 cây số, Thánh tăng Mahinda diện kiến đức vua và thuyết kinh Dấu chân voi (Culahatthipadopanna sutta, Trung bộ I) và quy y Tam bảo cho nhà vua cùng đoàn tùy tùng.

Nhà vua hạnh phúc và hoan hỷ thỉnh đoàn của ngài Mahinda về cung để được cúng dường, nghe pháp nhưng đoàn xin ở lại trên núi và đến hoàng cung vào ngày hôm sau. Ngày hôm sau đến kinh thành, sau khi thọ trai, ngài Mahinda thuyết pháp từ 2 bài kinh Vimanavatthu và Petavatthu và kết thúc bằng giảng Tứ diệu đế trong Samyuttanikaya. Sau đó, vua dâng cúng vườn thượng uyển Mahamegha để lập Tăng xá cho Tăng đoàn trú ngụ. Tăng đoàn cuối cùng được thành lập và vườn thượng uyển sau này trở thành ngôi đại tự Mahavihara - trung tâm văn hóa Phật giáo của Sri Lanka sau này.

Hoàng hậu Amula và nhiều nữ nhân nghe kinh thuyết pháp cảm mến đạo Phật muốn xuất gia. Vua gửi cháu tên Arittha đến Ấn Độ thỉnh vua Asoka giúp đỡ, vua Asoka gửi con gái là Sanghamitta cùng Ni đoàn mang theo nhánh cây bồ-đề đến hải cảng Jambukola, Sri Lanka. Dân chúng và vua tiếp đón long trọng phái đoàn và cây bồ-đề. Cây bồ-đề này đến nay vẫn còn được chiêm bái, cúng dường hàng ngày tại Anuradhapura. Ni đoàn được thành lập sau đó không lâu. Số lượng Tăng chúng ngày một đông đảo, Tăng chúng trong chùa Mahavihara trong lịch sử ghi nhận có lúc lên đến 2.000 người, đánh dấu thời kỳ phát triển rực rỡ huy hoàng của Phật giáo tại Tích Lan (Sri Lanka). 

srinlanka5.jpg
Núi Mahintale - nơi ngài Thánh tăng Mahinda gặp gỡ vua Devanampiya Tissa lần đầu tiên khi vua cùng đoàn tùy tùng đi săn bắn. Trong cuộc gặp này, nhà vua đã quy y với Thánh tăng Mahinda và thỉnh phái đoàn về cung để cúng dường và thuyết pháp cho triều đình

Kinh tạng lưu truyền và bước qua giông bão

Phật giáo trở thành quốc giáo dưới thời cai trị của vua Devanampiya Tissa. Từ ngày Phật giáo có mặt ở Tích Lan, sắc lệnh của các triều đại ghi rõ chỉ có Phật tử mới được làm vua và vị vua này phải hộ trì và xiển dương Phật pháp theo truyền thống Caritam để điều hành đất nước theo Chánh pháp. Truyền thống Caritam quy định rõ chỉ có các bậc hiền nhân (Saddara) mới được lên ngôi vua trị vì và thiết luật bảo vệ giá trị tâm linh, văn hóa Phật giáo.

Tăng đoàn đóng vai trò quan trọng trong triều đình, nhiều vị quốc sư đóng góp lớn vào sự thịnh vượng và phát triển của đất nước. Giáo hội trở thành một bộ của chính phủ. Những chính sách, luật lệ quốc gia được ban hành dựa trên Chánh pháp. Theo đó, người dân không được buôn bán vào những ngày Poya (ngày trai giới), sắc lệnh Maghata cấm giết hại động vật, tra khảo tù nhân, những người săn bắn phải đổi nghề. Xá-lợi răng Phật và bình bát của Phật thỉnh từ Ấn Độ được thờ tự như bảo vật vô giá của quốc gia, là thần hộ mạng của quốc gia mà các vị vua kế thừa phải luôn giữ gìn bên mình như nắm giữ vận mệnh dân tộc. Những ai nắm giữ hai bảo vật này sẽ lên ngôi vua. 

srinlanka4.jpg
Bảo tháp xây dựng trên nền ngôi Đại tự Mahavihara, cái nôi và cũng là trung tâm Phật giáo Sri Lanka. Mahavihara được vua Devanampiya Tissa cúng dường cho phái đoàn ngài Thánh tăng Mahinda nhân dịp phái đoàn lần đầu tiên đến kinh thành Anuradhapura thuyết pháp và quy y cho hoàng tộc

Các triều đại sau đó, đất nước Tích Lan bị quân Tamil (vua Sena, Guttika, Elara từ Ấn Độ) xâm chiếm, Phật giáo bị tàn phá nghiêm trọng. Đứng trước nguy cơ diệt vong, các bậc cao tăng cùng các nhà lãnh đạo quyết định kết tập kinh điển để duy trì Chánh pháp tồn tại muôn đời. Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, 500 bậc danh tăng thạc đức dưới sự bảo trợ của dân chúng và quan quân đã tụ tập tại núi Aluvihara (nay thuộc Matale cách thành phố Kandy 30 km) để chép lại toàn bộ Tam tạng và các bộ luận, sớ, chú giải bằng chữ khắc trên lá bối bằng tiếng Sinhalese vào thế kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên. Nhờ sự kiện lịch sử này mà Tam tạng Thánh điển của Phật giáo được lưu giữ gần đầy đủ nhất và lưu truyền cho đến ngày nay. Sri Lanka có công lao to lớn trong việc giữ gìn Pháp bảo tạng của Phật giáo cho nhân loại nói chung và Phật giáo Theravada nói riêng.

Cuối cùng, đêm trường đen tối mất chủ quyền của Sri Lanka cũng chấm dứt, thoát khỏi sự cai trị của vua Tamil (Ấn Độ) nhờ cuộc cách mạng của vua Vattagamani Abhaya đánh bại quân đội Tamil giành lại độc lập cho đất nước.

Phật pháp ngàn đời và cho đến mai sau

Phật giáo Sri Lanka trải qua nhiều bước thăng trầm, có lúc phát triển rực rỡ huy hoàng, có lúc cũng rơi vào sự diệt vong, Tăng đoàn biến mất. Vua Coranaga - con trai vua Vatagamani đã đốt phá 18 ngôi chùa không giúp đỡ ông chống lại cậu ruột của mình là vua Mahaculika Mahatissa. Tuy nhiên nhiều vị vua có công lao lớn đối với Phật pháp như vua Bhatikabhaya bảo trợ chư Tăng nghiên cứu Tam tạng giáo điển, vua Mahadathika Mahanaga (67-79) là quốc vương thuần tín, bảo hộ Chánh pháp, hộ trì Tăng chúng tu tập, vua Vasabha (127-171) tu sửa chùa chiền, bảo tháp, xây dựng giảng đường và nâng cao đời sống cho Phật tử, Tăng Ni tu học, hoằng truyền Chánh pháp.

Tích Lan không chỉ có công lưu giữ Kinh tạng Nguyên thủy mà còn đóng góp rất lớn vào nền văn học Pali cho Phật giáo. Nhiều nhà học giả Pali lỗi lạc, thông tuệ đã để lại nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển, quý giá và có giá trị cho đến tận ngày hôm nay. Một trong những học giả nổi tiếng lỗi lạc ấy là nhà đại luận gia Buddhaghosa từ Ấn Độ đến cư trú trong chùa Mahapadhanaghara - chi nhánh của chùa Mahavihara (Sri Lanka) đã phiên dịch những luận sớ từ tiếng Sinhalese ra tiếng Pali (Mahavamsa, xxxvii, trang 244). Buddhaghosa cũng là tác giả của bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga) nổi tiếng, uyên thâm. Những bộ sớ giải bằng tiếng Pali, những tác phẩm của ngài đã làm giàu có phong phú kho tàng văn học Pali, nâng tầm Sri Lanka trở thành cái nôi nghiên cứu, học thuật Phật giáo Theravada số một thế giới cho tới tận hôm nay.

Triều đại Polonnaruwa đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển rực rỡ nền văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo Sri Lanka do vua Vijayabhahu I giành lại độc lập chủ quyền từ năm 1235-1236 qua 16 đời vua thay nhau trị vì.               

Từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ thứ XV, các triều đại vua chúa đã thi hành các công cuộc chấn hưng Phật giáo, trùng tu xây dựng chùa chiền, tổ chức đại giới đàn và giảng dạy Tam tạng cho Tăng Ni tu học. Sau triều đại vua Parakramabahu I, Phật giáo rơi vào giai đoạn suy thoái trở lại, có lúc Tăng đoàn hoàn toàn bị mất đi trên đảo quốc, công cuộc phục hưng và bảo tồn Phật giáo được đặt ra và thi hành triệt để. Vua Buvanekabahu thỉnh phái đoàn 22 Tỳ-kheo từ Miến Điện (Myanmar) đến Sri Lanka truyền giới nhằm khôi phục Tăng đoàn và được nhà vua tiếp đón nồng hậu, trọng thể. 

srinlanka2.jpg
Chùa Xá Lợi Răng Phật - Maligawa, toạ lạc tại Kandy, nơi tôn thờ xá-lợi răng của Đức Phật. Xá-lợi răng Phật cùng với bình bát được xem là 2 món bảo vật thiêng liêng của quốc gia gắn liền với vận mệnh dân tộc Sri Lanka

Dưới thời kỳ đô hộ của quân Bồ Đào Nha (1505), quân đội Hà Lan cũng như dưới quyền đô hộ của thực dân Anh, Phật giáo có lúc gặp pháp nạn và suy thoái, công cuộc chấn hưng Phật giáo luôn được thực thi và quan tâm. Đại đức Mohottiwatte Gunananda, đại tá Olcott, Anagarika Dharmapala, Sir Jayatillake, Senanayake, de Silva là những người có công lao trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, giúp Phật giáo vượt qua thời kỳ khó khăn và vững mạnh trở lại.

Dù trải qua bao thăng trầm, biến động nhưng với lòng tin, niềm yêu quý Phật giáo, người dân và vua chúa Sri Lanka qua các triều đại thà chấp nhận hy sinh quốc gia để bảo tồn Phật pháp cho đến nay. Sri Lanka đã thành công trong việc duy trì và bảo vệ được tài sản vô giá thiêng liêng của dân tộc: Phật pháp. Một khi người dân Sri Lanka vẫn một lòng nương tựa và bảo vệ Phật pháp, gìn giữ truyền thống văn hóa ngàn đời của tổ tiên, cha ông để lại thì Phật giáo sẽ còn có mặt và phát triển mãi cho đến mai sau.

Thích Đồng Tâm

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin