Chi tiết tin tức Tết sớm của người Việt ở Oxford 22:25:00 - 04/02/2024
(PGNĐ) - “Đối với một người con đất Việt sống xa quê hương, mỗi lần đón Tết xa nhà giống như một nốt trầm trong cuộc sống ở xứ người. Vì vậy được tham gia các sự kiện Tết của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Oxford là một sự háo hức, vui mừng, phấn khởi".
Đó là lời phát biểu chào mừng của bà Đào Thị Hồng, Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục, Đại Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh khi tham dự chương trình Tết Oxford 2024 - Giáp Thìn do Hội sinh viên Việt Nam tại Oxford (VOX) tổ chức tại St.Hilda’s College - Đại học Oxford, Vương quốc Anh, ngày 27-1.
Tết nhớ nguồn Anh Nguyễn Đức An, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Chủ tịch VOX và Trưởng ban Tổ chức Tết Oxford 2024 cho biết Tết Oxford được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 khi Hội VOX được thành lập và nay đã trở thành truyền thống hàng năm của Hội. Tham dự sự kiện năm nay có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh, đại diện tổ chức Việt Nam - UK Network, các giáo sư, cán bộ của Đại học Oxford và các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Oxford và các thành phố khác ở Anh. Đây là dịp để cộng đồng sinh viên Việt Nam tại thành phố Oxford cùng gặp gỡ, kỷ niệm Tết cổ truyền dân tộc, đồng thời là cơ hội để quảng bá với bạn bè quốc tế về các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Ngoài các phần như hội thảo “Net Zero” (“Không phát thải ròng”), phát biểu của các vị khách quý, với đầy đủ các tiết mục văn nghệ vui nhộn, các món ăn cổ truyền, mừng tuổi đầu năm, Tết Oxford 2024 năm nay với chủ đề “Tết nhớ nguồn” còn có thêm phần lễ Phật và Tổ tiên, cầu an đầu năm mới. Xúc động nghi thức lễ Tổ tiên Ấn tượng và xúc động khi dự phần nghi lễ truyền thống này, bà Đào Thị Hồng chia sẻ: “Đặc biệt nhất là các khách mời đều thực sự xúc động trước giây phút thiêng liêng trước nghi lễ cúng Tổ tiên cầu nguyện năm mới bình an, hạnh phúc dưới sự chủ trì của Đại đức Thích Nhuận Tú. Nghi lễ cúng Tổ tiên và cầu nguyện năm mới bình an, hạnh phúc với bàn thờ gia tiên, cành đào, bánh trưng và thắp nén hương trầm trong tiếng thỉnh chuông, tụng kinh, gõ mõ nhẹ nhàng, sâu lắng của Thầy đã chạm đến sâu thẳm trái tim của những người dự lễ. Có lẽ đây là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất trong năm để mọi người tưởng nhớ về cội nguồn, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên, cùng hướng về quê hương và nguyện cầu cho một năm mới tốt đẹp cho mọi người dân Việt Nam và thế giới.” Bà Phạm Bảo Hà, hiện đang sinh sống và làm việc tại London, UK, trong nỗi niềm chung của những người con Việt Nam, cho dù đang ở bất cứ phương trời nào, cũng cùng hướng về quê hương, tổ tiên và gia đình trong những ngày Tết đến xuân về. Bà xúc động nói: “Đứng trước bàn thờ trang nghiêm, ngẫm câu đối đỏ, nghe lời tụng cầu an đầu năm, nghe tiếng chuông đổ, nhìn làn khói hương nghi ngút, những người con Việt trên đất Anh quốc và bạn bè quốc tế tham gia sự kiện vô cùng cảm động cùng hướng về quê nhà trong giờ phút thiêng liêng cầu mong một năm mới bình an.” Cũng vậy, anh Đỗ Đặng Nhật Huy, sinh viên trao đổi ngành Kinh tế tại Đại học Oxford, cảm thấy rất vui và ấm cúng vì được cùng mọi người chuẩn bị và đón một cái Tết nho nhỏ, được kết nối với cộng đồng người Việt vì ở Oxford không có nhiều người Việt lắm. Anh Huy cũng chia sẻ thêm: “Tôi là người Công giáo nên đây cũng là lần đầu tiên được dự một buổi lễ cầu an chào năm mới. Phần lễ Tổ tiên giúp tôi hiểu thêm một phần của văn hóa dân tộc và tinh thần Phật giáo mà trước giờ mình chưa có cơ hội để tiếp xúc. Tôi rất là ấn tượng, vì trong tất cả các phần của buổi lễ, tôi thấy đều có tinh thần dân tộc bao trùm, không phân biệt và rất ý nghĩa”. Giới thiệu văn hóa truyền thống đến bạn bè quốc tế Sự kiện cũng đã để lại dấu ấn sâu đậm cho bạn bè quốc tế tại Đại học Oxford về nét văn hoá truyền thống và giá trị tâm linh của con người Việt Nam. Giáo sư Malcolm McCulloch, chuyên ngành năng lượng tại khoa Khoa học Kỹ thuật, Đại học Oxford cho biết lễ hội Tết Việt rất sống động, với những nụ cười, sự phấn khởi, tươi vui và các món ăn ngon. Ông đặc biệt ấn tượng với nghi lễ cúng tổ tiên, dù nghi thức bằng tiếng Việt, nhưng ông vẫn cảm nhận được lòng biết ơn đối với cội nguồn của những người dự lễ. Và, Giáo sư McCulloch cho biết Tết Oxford đã truyền cảm hứng để ông tìm hiểu về đất nước và nền văn hóa Việt Nam và nhất định ông sẽ sang thăm Việt Nam.
Bà Lesley Bleakley, Chủ tịch của Blue Dragon Children’s Foundation UK, kể: “Khi tôi sống ở Việt Nam, tôi luôn muốn đến thăm viếng và dự lễ ở chùa, nhưng tôi luôn có cảm giác mình là một vị ‘khách không mời mà đến’, nên tôi đã chưa bao giờ đi chùa ở Việt Nam. Do đó, khi buổi lễ truyền thống bắt đầu là một khoảnh khắc tuyệt vời của sự bình an và tĩnh lặng đối với tôi. Hương trầm thoang thoảng, tiếng chuông du dương hòa vào tiếng tụng kinh đã cho tôi giây phút chánh niệm và giúp tôi kết nối với hai đấng sinh thành vừa mất cách đây vài năm”. Bà cũng chia sẻ rằng bà vốn là người rất ngại tham gia các sự kiện, tuy nhiên Tết Oxford lần này là một ngoại lệ, vì mọi thứ từ các tiết mục đến đồ ăn đều rất tuyệt vời. Đặc biệt, bà cảm thấy rất thoải mái và được chào đón nồng hậu từ các bạn bè Việt Nam. Do đó, bà mong muốn sẽ tham dự Tết Oxford lần sau. Gìn giữ và tiếp nối văn hóa dân tộc Đối với các bậc cha mẹ, làm thế nào để cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên tại hải ngoại có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về văn hóa dân tộc, để từ đó gìn giữ và tiếp nối cái hay, cái đẹp của Tổ tiên luôn là niềm trăn trở lớn. Anh Trần Công Minh, nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Oxford, đã rất vui khi thấy các con mình được trải nghiệm Tết truyền thống năm nay: “Gia đình tôi có hai bé 4 tuổi và 1 tuổi sinh ra ở Oxford. Các bé chưa có dịp về Việt Nam ăn Tết bao giờ. Do đó, tôi không thể bỏ qua sự kiện Tết của Hội người Việt tại Oxford. Đây là dịp để con tôi được trải nghiệm văn hóa dân tộc, để con thêm yêu và tự hào về quê hương của mình. Bé Công Vinh 4 tuổi rất hiếu động và tò mò về Tết. Tôi cũng thường chỉ cho con về những phong tục ngày Tết, giải thích cho con ý nghĩa về dịp đặc biệt này. Bé đã rất háo hức và vui mừng khi được tận mắt thấy câu đối đỏ, bánh chưng xanh, cành đào cành mai, được nhận lì xì và được ăn những món ăn truyền thống. Trong sự kiện có buổi lễ cầu an, cậu bé chăm chú nhìn như để ghi nhớ hết mọi chi tiết. Bé tươi cười thích thú khi nghe thấy tiếng chuông tiếng mõ, bé cũng học theo bố mẹ chắp tay cầu khấn. Đến tối trở về nhà, bé vẫn có hàng ngàn câu hỏi vì sao? Có qua bao nhiêu tranh ảnh, bao nhiêu câu chuyện, bé cũng không thể hiểu và học nhanh bằng một lần được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm một buổi lễ ý nghĩa như vậy. Tôi mong bé sau này lớn lên, dù có ở nơi đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội của mình, nhớ về Tết như nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc”.
Đi du học cũng là cơ hội để hiểu hơn về văn hóa dân tộc Có lẽ, chính các bạn sinh viên Oxford cũng đã có cho mình những kỷ niệm đáng nhớ trong đời sinh viên khi tham gia chuẩn bị cho sự kiện. Anh Nguyễn Đức An cho biết sự kiện được diễn ra chu đáo là nhờ sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của mỗi thành viên Ban Tổ chức và sự ủng hộ tích cực từ những khách mời tham dự. Với những khó khăn ban đầu từ việc liên lạc với trường đại học để có được địa điểm tổ chức sự kiện, cho tới việc lên khung và các tiết mục trong chương trình, cũng như chuẩn bị đồ ăn truyền thống Việt Nam (được đóng góp bởi chính công sức các bạn sinh viên Việt Nam). Với tấm lòng hướng về cội nguồn, về truyền thống dân tộc, Ban Tổ chức đã nỗ lực và cố gắng hết mình để có thể tái hiện một sự kiện Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc và đem hình ảnh Việt Nam tới các bạn bè, giáo sư quốc tế. Đối với riêng bản thân anh An, năm nay là Tết Nguyên đán thứ ba xa quê hương và gia đình. Anh An thổ lộ: “Với vai trò là Chủ tịch VOX và Trưởng ban Tổ chức sự kiện, cũng như là một người con xa xứ hướng về quê hương, sự kiện Tết năm nay đem lại cho em rất nhiều sự bồi hồi và xúc động, đặc biệt là trong khoảnh khắc dâng hương hướng về Tổ tiên cội nguồn. Em thực sự có cảm giác như đang được đón Tết cùng một đại gia đình tại Oxford”.
Là thành viên trong Ban Tổ chức Tết Oxford và cũng là thành viên trẻ tuổi nhất của Hội VOX, bạn Đặng Nhã Trúc, đang theo học Cử nhân Kinh tế và Quản trị, bộc bạch: “Đây là năm thứ hai em đón Tết xa quê hương và gia đình. Ở một môi trường đầy cạnh tranh và áp lực như tại Đại học Oxford, em đã trải qua khá nhiều khó khăn trong khoảng thời gian đầu nhập học. Việc tham gia Ban Chấp hành VOX và tổ chức những sự kiện tôn vinh văn hoá như thế này đã giúp em hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống ở UK, nhắc em nhớ về trách nhiệm xây dựng và kết nối cộng đồng người Việt mà mình đang được vinh dự đại diện”. Bạn Phan Ngọc Linh, sinh viên trao đổi ngành Khoa học Vi tính tại St Catherine’s College, Oxford, phụ trách vị trí Event Coordinator (Điều phối viên tổ chức sự kiện), đảm bảo ngày Tết được trơn tru hết mức có thể. Đối với Linh, Tết ở VOX bắt đầu khi các bạn gói 200 summer roll (gỏi cuốn) từ 6 giờ đến 10 giờ đêm trước sự kiện. Linh cảm giác như được hưởng không khí Tết như ở nhà khi mọi người vây quần và chuẩn bị mọi thứ cùng nhau. Là một học sinh trao đổi đến từ Mỹ, Linh so sánh: “Cộng đồng người Việt của trường em bên Mỹ không nhiều và Tết thường rơi vào dịp lễ lớn, nên ở trường sẽ không có ai. Em nhớ năm đầu đón Tết ở Mỹ, em chỉ đi qua chỗ các bạn Châu Á và nói “Happy Lunar new year” rồi lại đi học bình thường. Thế nên được tổ chức Tết ở Oxford là một niềm vui lớn với em.” Đặc biệt, việc tổ chức này giúp các bạn hiểu sâu hơi về Văn hóa Việt Nam. Ví dụ khi chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều bạn học gói gỏi cuốn lần đầu, hoặc khi các bạn nghiên cứu về cách chuẩn bị mâm ngũ quả thì nhận ra rằng mỗi vùng miền có mâm ngũ quả khác nhau và ý nghĩa của các quả cũng khác nhau. Linh nói đùa với các bạn rằng mình đi du học nhưng lại học được nhiều hơn về văn hóa Việt. Ở Việt Nam, Linh chuẩn bị Tết với gia đình theo phong tục miền Bắc, nhưng ở Oxford, mọi người đến từ nhiều nơi trên Tổ quốc, nên các bạn được học hỏi về các phong tục của các vùng miền khác nhau. Linh cũng cho biết gia đình Linh cũng rất vui vì thấy sự kiện diễn ra nhộn nhịp và vui vẻ như vậy. Linh kể: “Khi em đăng video về quá trình cuốn gỏi rất nhiều người bạn và gia đình đã nhắn tin cho em nói là Tết ở Oxford vui vậy. Mẹ em cũng khá lo lắng về việc em đón Tết nơi xa sẽ bị tủi thân, nhưng vì có sự kiện Tết ở Oxford mà mẹ em đã yên tâm hơn và vui vì em cũng có một cộng đồng để ‘về’ vào dịp lễ Tết.” Dư âm còn vang vọng mãi Đối với người Việt Nam chúng ta, Tết không chỉ là một kỳ nghỉ, một dịp đoàn viên sum họp với gia đình, trao nhau bao lì xì và những lời chúc tụng, mà Tết còn là dịp để tỏ lòng thành kính và tri ân Tổ tiên, là dịp để tưởng nhớ về cội nguồn. Do đó, Tết cổ truyền mang ý nghĩa thiêng liêng, trong đó, phong tục lễ chùa, cúng Tổ tiên ngày Tết của người Việt là những cử chỉ văn hóa và tâm linh thấm đượm tính nhân văn và đạo lý. Thật đáng tự hào và khích lệ khi các bạn sinh viên Oxford đã tổ chức một ngày Tết vừa ấm cúng, trọn vẹn và đầy ý nghĩa như thế cho cộng đồng người Việt tại nơi Anh quốc xa xôi. Anh Nguyễn Đức An, thay mặt cho Ban Tổ chức Tết Oxford 2024 và VOX, gởi lời tri ân đến tất cả các bạn sinh viên và quý khách tham dự đã cùng chung tay tạo nên sự thành công của buổi lễ và mong muốn rằng những hoạt động ý nghĩa này không những sẽ được duy trì tại Oxford mà còn lan tỏa trong các hội sinh viên và cộng đồng người Việt Nam khắp nơi. Đã gần một tuần trôi qua từ hôm dự Tết Oxford 2024, nhưng dư âm vẫn còn rất rõ trong lòng bà Đào Thị Hồng: “Buổi Tết đã khép lại vào thời điểm năm cũ Quý Mão sắp qua đi, chuẩn bị đón một năm mới Giáp Thìn sắp tới, với một tâm hồn tràn đầy ước mơ, hy vọng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống mới, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn đâu đó vẫn luôn nhớ đến câu đối được các bạn sinh viên Oxford muốn gửi gắm trong buổi Tết: ‘Tại đất người không mai một gốc, Xa quê hương chẳng để quên nguồn’”. Một số hình ảnh tại Tết Oxford 2024:
Minh Hợp - Hải Vân - Lê Khoa - Tuấn Huỳnh Oxford, Việt Nam-UK Network Thích Nhuận Tú
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |