Chi tiết tin tức

Tháng Bảy về

20:15:00 - 05/09/2017
(PGNĐ) -  Tháng Bảy đang về. Tháng Bảy có Vu lan, tháng Bảy sám hối, tháng Bảy nhớ mẹ.

10478855_839775329368315_4882714342148137783_n.jpg

1. Nhớ mẹ, tôi nghĩ ngay đến lằn roi đầu đời.

Nhà chín đứa con, mẹ tôi “đối trị” bằng cái roi mây gác dưới bếp. Không phải bạ đâu đánh đó, nhưng nếu có tội thì cây “gia quy” được rút ra liền. Lần đó tôi rằn rực, tráng mắt tráng mũi khi mẹ bẻ đôi trái bắp của tôi chia cho con bé mồ côi hàng xóm. Mất nửa trái bắp, tôi phẫn nộ hét to: “Đồ không biết nhục, suốt ngày đi ăn chực!”. Con bé còn nhỏ mà tự trọng bằng trời. Nó vứt nửa trái bắp xuống đất, ngay chỗ tôi đứng rồi quẹt nước mắt chạy về. Có nhiêu vậy mà cũng ăn roi ngon nghẹn. Mẹ quất cho một roi vào mông và dặn: “Miếng ăn không to đến mức mất một miếng là lộn gan lên đầu. Con cho bạn nửa trái bắp, lần sau sẽ có người cho con lại nửa trái cam. Cho mà người ta nhận thì phải mừng chứ… ”. Hồi ấy ăn roi xong thì nghĩ mình bị oan chứ không hiểu gì về cái lý lẽ sâu xa mà mẹ giảng đó đâu. Nhưng sau này lớn lên, đời dạy tôi cặn kẽ bài học cho - nhận, tôi hiểu được lời dạy của mẹ năm xưa.

Mỗi khi kể lại chuyện ấy, tôi đùa, hồi đó mẹ đánh đau gớm!

2. Nhớ mẹ, tôi nghĩ về những câu hát ru.

Có lẽ mẹ tôi là người đàn bà duy nhất không biết hát (nhạc). Mẹ không thuộc bất kỳ một câu hát nào, chưa bao giờ tôi nghe mẹ ngân nga một điệu nhạc.

Mẹ chỉ biết ru. Lời ru của mẹ là những câu ca dao. Mẹ có hẳn một kho ca dao để hát ru, tôi kinh ngạc vì một chữ bẻ đôi mẹ không biết nhưng những câu hát ru của mẹ tôi có thể in ra thành một pho sách dày. Kỳ lạ hơn, mẹ dạy con cái bằng những câu tục ngữ, thành ngữ có hàm ý sâu xa. Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao mình thích ca dao và thuộc nhiều tục ngữ, thành ngữ đến vậy. Chúng đi vào tiềm thức tôi từ lúc còn nằm nôi, hớp từng giọt sữa ngọt lành từ vú mẹ.

3. Nhớ mẹ, tôi nhớ kỷ niệm về trái chuối chát non.

Ngày xưa cứ tới bữa cơm, mấy chị em chúng tôi có một đĩa cá, hoặc tô canh còn mẹ thì ăn cơm với chuối chát non. Tay cầm trái chuối chấm xuống chén mắm, cắn một miếng chuối, ăn một miếng cơm. Nhìn mẹ ăn ngon lắm. Tôi hỏi, sao mẹ không ăn cá? Chuối chát non rất ngon, không ăn để già uổng. Anh tôi hỏi lại, có ngon hơn cá không? Mẹ nói ngon hơn cá thịt. Mẹ vừa dứt tiếng thì anh bay lại, lấy trái chuối trên tay mẹ, chấm xuống chén mắm cắn một miếng. Trời ơi, nghẹn bứ luôn vì nó chát ngắt, nhả ra không kịp. Làm báo chát miệng, ăn cơm hết được. Mỗi lần anh Năm kể lại chuyện đó thì chị em tôi cười hì hì, cười xong lại mủi lòng muốn khóc.

4. Mẹ tôi bây giờ không thể cầm cây “gia quy” đánh thật đau vào mông con để răn dạy bài học làm người, không thể ru cháu bằng những câu ca dao nghĩa tình với giọng ru mềm ngọt, càng không thể cầm trái chuối chát non ăn với cơm.

Mẹ già rồi…

Những nốt đồi mồi nổi dày trên đôi má nhăn nheo, đó là vết tích của những ngày mẹ lầm lụi nắng mưa vì chén cơm con trẻ. Đôi mắt to đen đã trũng sâu và nhờ nhờ đục, thời gian đã làm mắt mẹ yếu đi nhưng vẫn không thể cướp được ánh nhìn vị tha. Đường rẽ ngôi trên tóc mẹ bữa nay rất rộng, tóc mẹ trắng hơn màu cước.

Tôi yên lặng ngồi nhìn mẹ, nghĩ đến lời ru “mẹ già như chuối chín cây”, thấy nhói…

***

Tháng Bảy về…

Mùa Vu lan này tôi sẽ lại lên chùa, sẽ thành kính cài lên ngực mình một bông hồng đỏ thắm, đỏ như sự bất diệt của tình mẫu tử, để tri ân công lao trời bể của mẹ.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin