Chi tiết tin tức Thù hận 11:15:00 - 29/10/2015
(PGNĐ) - Trong tháng 9 vừa qua có một sự kiện được báo chí và dư luận quốc tế bàn cãi nhiều là chuyện một cậu bé học sinh người Mỹ gốc Trung Đông bị bắt tại Trường Trung học Mac Arthur nơi cậu đang học.
Cậu tên là Ahmed Mohamed bị bắt khi bị cô giáo hiểu lầm chiếc đồng hồ điện tử tự chế của em là bom hẹn giờ. Một sự hiểu lầm tai hại.
Cha của em, ông Mohamed Elhassan Mohamed nói: “Ngày 11-9 đã biến tất cả những ai có họ hay được đặt tên là Mohamed trở thành kẻ sai lầm”. Câu nói của ông Mohamed thật đúng, khi trong cùng ngày, từ Florida đến North Calorina, nhiều học sinh chơi cùng loại đồng hồ điện tử ấy mà không sao cả, không ai nghi ngờ gì cả, đơn giản vì các em không có ai mang họ Mohamed. Phải chăng đó là di hại của lòng thù hận ngày 11-9? Cũng may mà cảnh sát phát hiện sai lầm của trường kịp thời vì nếu không sẽ xảy ra bạo động sắc tộc như thường thấy trong xã hội đa sắc tộc như ở Mỹ. Và không nơi nào có đủ khôn ngoan như ở Mỹ. Ngay sau sự kiện này, Tổng thống Barack Obama mời em Mohamed đến Nhà Trắng để trình bày trò chơi của em! Đọc xong tin này tôi nhớ đến mấy câu chuyện dân gian Việt Nam. Một ông thợ đẽo cày mất cái búa. Làm thợ mà mất dụng cụ rất cần thiết là tai họa. Vì thế, nhìn ai ông cũng ngờ ngợ là thủ phạm lấy búa của mình. Cho đến khi ông tìm thấy cái búa của mình bỏ quên hôm trước cạnh một gốc cây… Một người vốn rất sợ rắn. Đêm hôm nọ khi trên đường thấy một cuộn dây thừng cuộn tròn, ngỡ là rắn, anh ta la lên. Mọi người được một phen cười vỡ bụng. Con người đâu chỉ thấy bằng mắt. Rõ ràng ông thợ đẽo cày và chàng sợ rắn dùng mắt mà đã thấy sai. Khi trong tâm mình chứa hình ảnh toàn là người gian, hình ảnh của rắn thì thấy đâu là người lương thiện, đâu là cuộn dây? Khi trong lòng đã nghi kỵ nhau, nhất là mang mối hận thù, thì thấy đâu cũng là khủng bố là một điều dễ hiểu. Mới đây, thế giới bàng hoàng khi hình ảnh chú bé Aylan Kurdi ba tuổi người Syria nằm chết úp mặt trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-9 được công bố trên các phương tiện truyền thông. Người ta thấy gì qua hình ảnh đó? Chiến tranh, thù hận, xung đột sắc tộc, tranh giành đất đai… mãi mãi diễn ra trên hành tinh này ngày càng khốc liệt. Mấy chục năm về trước, một bức ảnh cũng đã gây chấn động, bức ảnh “Em bé Napalm” do đặc phái viên hình ảnh Nick Út chụp vào ngày 8-6-1972. Bà Phan Thị Kim Phúc là người trong ảnh năm nào, nay có lần phát biểu: “Nhìn bức hình chú bé Aylan, tôi đã khóc rất nhiều. Vì sao ngày càng nhiều trẻ em vô tội phải chết như vậy. Tôi biết bức ảnh sẽ thức tỉnh toàn thế giới. Chúng ta phải giúp đỡ họ”. Ôi thiên thần bé nhỏ
Bé Aylan ơi, xin học cách của người mẹ thân yêu, ru em bằng cách kể một câu chuyện này: Cách đây gần 2.600 năm ở một khu rừng của xứ Ấn Độ, một người dáng gầy gò nhưng bước chân vững chãi tiến đến bờ sông Ni-liên-thiền. Đặc biệt đôi mắt sáng quắc có thể nhìn xuyên suốt mọi vật. Tắm xong người ấy nhận một bát cháo sữa từ một cô gái chăn cừu và một bó cỏ cát tường do một nông dân dâng cúng. Thọ trai xong, người ấy trải bó cỏ dưới gốc cây bồ-đề và ngồi tham thiền nhập định trong 49 ngày… Chắc bé sẽ hỏi người ấy là ai? Người ấy đã bỏ cung vàng điện ngọc, bỏ cả phương pháp tu khổ hạnh sai lầm với quyết tâm tìm đường cứu khổ cho nhân loại. Người ấy là Đức Phật. Đức Phật của em, của tôi, của toàn thể nhân loại và cả chúng sinh. Rồi đây từ bi sẽ chiến thắng hận thù, trí tuệ sẽ soi sáng nhân loại. Bé ơi, hãy ngủ ngoan đi nhé. Em xứng đáng được tự do vui chơi của tuổi thơ. Em xứng đáng sống trong môi trường hiền hòa, đầy hương sắc và rộn rã tiếng chim. Cao Huy Tấn ______________ (*) Tinh thần Kinh Pháp Cú
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |