Chi tiết tin tức Trang nghiêm lễ tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ - Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự 20:16:00 - 01/04/2022
(PGNĐ) - Sáng 1-4 (1-3-Nhâm Dần), tại Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phía Nam (thiền viện Quảng Đức, TP.HCM) diễn ra lễ tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự, hiệp kỵ chư tiền bối hữu công đã viên tịch.
Tham dự lễ tưởng niệm lần thứ 38 Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ có sự hiện diện của chư tôn giáo phẩm: Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa thượng Thích Như Tín, đồng Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; chư tôn đức Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Thống; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội; chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Văn phòng II, Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Đại diện môn đồ pháp quyến có Hòa thượng Thích Nguyên Giác, trụ trì tu viện Quảng Hương Già Lam (quận Gò Vấp), cùng đại diện chùa Báo Quốc, Tra Am, Ba La Mật (Thừa Thiên Huế), Tăng Ni các tự viện TP.HCM.
Tại lễ tưởng niệm, Hòa thượng Thích Thiện Thống thay mặt Trung ương Giáo hội cung tuyên tiểu sử, ôn lại hành trạng, công hạnh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị giáo phẩm lãnh đạo, bậc tòng lâm thạch trụ của Giáo hội qua các thời kỳ, có công đức to lớn đối với công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam, suốt đời phụng sự cho Đạo pháp và Dân tộc. Hòa thượng sinh ngày 19-9 năm Kỷ Dậu (1-11-1909), húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ. Xuất thân từ một dòng tộc nối đời sùng mộ Phật pháp tại làng Trung Kiên, tổng Bích Xa, phủ Triệu Phong (nay là xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị. Khi được 17 tuổi (1926), ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Viên Thành tại chùa Tra Am ở Huế. Năm 20 tuổi (1929), ngài được Bổn sư cho thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn chùa Từ Vân - Đà Nẵng. Tại Đại giới đàn này ngài trúng tuyển Thủ Sa-di trong số 300 giới tử. Do đó, Bổn sư đã ban cho ngài pháp hiệu là Thích Trí Thủ, ngụ ý khen tặng chữ “Thủ” là đứng đầu.
Sinh thời, Trưởng lão Hòa thượng giữ chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống Nhất, đến năm 1975 kiêm phụ tá Đức Tăng thống. Sau khi đất nước và đạo pháp chuyển qua giai đoạn lịch sử mới, Hòa thượng được bầu làm Trưởng Ban Vận động Thống nhất Phật giáo; tại Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội ngày 7-11-1981, Hòa thượng được suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ đầu tiên (1981-1986). Ngài đã dẫn đầu đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 5 (1979), lần thứ 6 (1982) của Tổ chức Phật giáo Châu Á Vì Hòa Bình họp tại Mông Cổ. Năm 1980, 1981, ngài làm trưởng đoàn đại biểu tôn giáo Việt Nam dự hội nghị các nhà tôn giáo thế giới vì hòa bình, tổ chức tại Nhật Bản, Liên Xô. Năm 1983, ngài tham dự hội nghị các vị đứng đầu Phật giáo 5 nước Châu Á tổ chức tại thủ đô Veintaine, Lào. Cũng năm này, ngài được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN.
Trưởng lão Hòa thượng làm Đường chủ truyền trao giới pháp đến hàng ngàn Tăng Ni tại các Đại giới đàn Quảng Đức ở chùa Ấn Quang (1976), Đại giới đàn Thiện Hòa tại chùa Ấn Quang (1980), đây cũng là Đại giới đàn cuối cùng của GHPGVNTN, là giới đàn có số giới tử Tăng Ni đông nhất 1.500 người. Hành trạng của Trưởng lão Hòa thượng là sự dấn thân không mệt mỏi, kết nối tâm nguyện lớn lao làm nên sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam giữa các hệ phái, từng giai đoạn lịch sử từ trước 1954 cho đến sau 1975 và cho đến khi hoàn thành bản nguyện. Trưởng lão Hòa thượng dấn thân hành đạo, kiến tạo các tự viện, mở nhiều Phật học viện đào tạo Tăng tài, là nhà giáo dục, hoằng pháp, lãnh đạo Phật giáo ở thời hiện đại. Trưởng lão Hòa thượng là thuyền Bát nhã đưa Phật giáo Việt Nam bước qua lịch sử và làm nên dấu ấn lịch sử.
Ngài đã biên dịch nhiều bộ kinh, luật xuất gia và biên soạn nhiều công trình Phật học, hướng dẫn nếp sống tâm linh cho Phật tử... Tác phẩm của ngài gồm nhiều sáng tác, dịch phẩm có giá trị được kết tập trong bộ Tâm Như Trí Thủ toàn tập (5 tập); chủ trương thực hiện bộ Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam dù chỉ mới ra mắt 2 tập, nhưng đã để lại dấu ấn vô cùng to lớn trong sự nghiệp văn học của Phật giáo nước nhà mà cho tới nay chưa có công trình nào thể hiện ý nghĩa tương đương có giá trị hơn. Trưởng lão Hòa thượng đã mãn báo thân vào lúc 21 giờ 30, ngày 2-4-1984 (ngày 2-3-Giáp Tý), tại tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM); Trụ thế 76 tuổi đời, 56 Hạ lạp.
Tại chánh điện thiền viện Quảng Đức, trước Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ khói trầm quyện tỏa, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương xướng lễ, chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, chư tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN, các ban Viện Trung uơng, Ban Trị sự GHPGVN, cùng chư tôn đức môn đồ pháp quyến đã dâng nén tâm hương thành kính tưởng niệm, tri ân công đức to lớn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, cùng chư vị tiền bối GHPGVN đã viên tịch. Toàn thể đại chúng trì tụng khóa Bát nhã tâm kinh cúng dường đến Trưởng lão Hòa thượng, nguyện noi theo tấm gương về công hạnh rạng ngời đối với Đạo pháp, Dân tộc. Hình bóng từ hòa, hoan hỷ, bao dung của ngài lưu dấu trong lòng bao thế hệ Tăng Ni kế thừa.
* Sáng cùng ngày, tại tu viện Quảng Hương Già Lam, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và môn đồ pháp quyến đã thành kính đảnh lễ Giác linh, niêm hương tưởng niệm lần thứ 38 ngày cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ - Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch. Tại tổ đình Báo Quốc, Tra Am ở cố đô Huế và nhiều tự viện khác đã đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm nhân húy nhật Trưởng lão Hòa thượng.
H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |