Chi tiết tin tức

Tu viện Sakya đầu tiên của dòng Mật tông Phật giáo Tây Tạng

17:10:00 - 18/10/2017
(PGNĐ) -  Tu viện Sakya, tọa lạc cách 25km về phía Đông Nam, 127km về hướng Tây của Shigatse, một đô thị cấp huyện, một thành phố lớn thứ hai tại khu tự trị Tây Tạng, thuộc địa Trung Quốc. Tu viện Sakya là cơ sở tự viện đầu tiên của phái Sakya, đang hoạt động trong số bốn dòng truyền thừa Mật tông Phật giáo Tây Tạng ngày nay.
 

Tu viện Sakya được thành lập vào cuối thế kỷ 11 (1073), do Tổ sư Khon Konchog Gyalpo (1034-1102) khai sơn, Tu viện Sakya trở thành ngôi nhà đầu tiên cho dòng truyền chính pháp Phật Đà, nguồn từ đất Phật Ấn Độ đến Tây Tạng, bởi dịch giả nổi tiếng Drogmi Lotsawa Shakya Yeshe (992-1072) và được hệ thống hóa bởi năm bậc thầy sáng lập của phái Sakya. Thông tin chi tiết về học phái, khởi nguyên và học thuyết của dòng truyền thừa Sakya có thể thấy trong chương 25. Giáo lý chính của học phái Sakya, con đường và kết quả (Lamdre) được đặt nền tảng trên sự thực hành về bản tôn Hỷ Kim cương (Hevajra), quan điểm luân hồi và niết bàn là bất khả phân. 

 

Không giống như những truyền thống khác của Phật giáo Tạng truyền, một số lớn các chi phái đã phát triển trong truyền thống phái Sakya. Các truyền thừa giáo pháp dần được các đệ tử thiết lập như đạo sư Ngorchen Kunga Zangpo (1382-1457) và các bậc thầy tiếp nối mạch giáo pháp này như ngài Konchok Lhundrup (1497-1557), Thartse Namkha Palsang và Drubkhang Palden Dhondup được biết đến là truyền thừa chi phái Ngor.

 

Nhánh truyền thừa này chú trọng nhiều tới truyền thống tự viện và những pháp thực hành giới luật. Truyền thừa từ Đạo sư Tsarchen Losel Gyatso (1502-1556) là truyền thừa Khẩu truyền Tsar, bao gồm các học thuyết bên ngoài, bên trong, bí mật như Đại Hắc Thiên (Mahakala), Kim Cương Du già thánh nữ (Vajrayogini), Bảo Tạng vương (Dzambala) và nhiều Bản tôn khác.

 

Một truyền thống quan trọng nữa là Dzongpa (Sakya) được kiến lập bởi Đạo sư Dzongpa Kuna Namgyal (1432-1496). Hình ảnh minh họa cho sự phát triển này là dòng truyền thừa Sakya bắt đầu từ dòng dõi Khon cao quý như một thân cây, các truyền thừa Ngorpa và Tsarpa như những nhánh cây bắt nguồn từ thân cây tỏa ra các phương hướng khác nhau.

 

Kiến trúc Mông Cổ khá khác với kiến trúc Lhasa và Yarlung. Tòa nhà cổ duy nhất còn lại là Lhakang Chempo hoặc Sibgon Trulpa. Ban đầu là hang động trong sườn núi, nó được xây dựng vào năm 1268, do Dpon-chen Sakya Sangpo kiến tạo và được phục hồi vào thế kỷ 16. Nó được lưu giữ một số tác phẩm nghệ thuật sống động tuyệt vời nhất tại Tây Tạng, gần đây vẫn giữ nguyên vẹn. Khu vườn Gompa bao gồm hơn 18.000 mét vuông, có 108 cung điện, 300 phòng cầu nguyện, bao gồm một sự kết hợp của Tây Tạng và ảnh hưởng Mông Cổ, trong khi Bát Nhã đường rộng 6.000 mét vuông, có thể dung chứa đến 10.000 lượt người cùng một lúc. 

 

Cuộc nổi dậy ngày 10/03/1959 ở thủ đô Lhasa bùng nổ lo ngại về một âm mưu bắt cóc lãnh tụ tinh thần dân tộc Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và đưa ngài về Bắc Kinh. Khi các quan chức quân đội Bắc Kinh mời ngài đến thăm trụ sở của họ, để xem kinh kịch và uống trà, ngài được yêu cầu phải đến một mình và không vệ sĩ hay nhân viên quân sự Tây Tạng nào được phép đi qua ranh giới khu vực trụ sở.

 

Ngày 10/03/1959, 300.000 người Tây Tạng trung thành đã bao quanh cung điện Norbulingka, để ngăn cản đức Đạt Lai Lạt Ma chấp nhận lời mời của quân đội Trung Quốc. Đến ngày 17/03/1959, pháo binh Trung Quốc đã nổ súng vào cung điện và lãnh tụ tinh thần dân tộc Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được sơ tán đến nước láng giềng quê hương đức Phật ở Ấn Độ.

 

Giao tranh nổ ra ở Lhasa hai ngày sau đó, với kết quả là người Tây Tạng nổi dậy bị áp đảo và đánh bại. Sáng sớm ngày 21/03/1959, quân đội Trung Quốc bắt đầu bắn phá Norbulingka, sát hại hàng chục nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em vẫn còn trú ẩn bên ngoài. Sau đó, quân đội Trung Quốc đàn áp sức phản kháng của người Tây Tạng, hành quyết những vệ sĩ của đức Đạt Lai Lạt Ma, phá hủy nhiều cơ sở tự viện lớn ở thủ đô Lhasa, cùng với hàng nghìn người dân sống trong đó. Đa số Chư tôn đức tăng già Phật giáo hệ phái Sakya bị buộc phải rời khỏi quê hương. Như ngài Dawa Norbu tuyên bố trong quyển sách của mình: “Trước đây đã có khoảng 500 vị tăng sĩ trong tu viện Sakya vĩ đại, nhưng đến cuối năm 1959, chỉ còn lại 36 vị tăng sĩ già”. Hầu hết các tòa nhà của tu viện Sakya đều bị phá hủy trong thời “Cách mạng văn hóa”.

 

Ngài Das Sharat Chandra (1849-1917) viết: “Đối với thư viện tuyệt vời tại tu viện Sakya, nó nằm trên kệ dọc theo bức tường của đại sảnh lớn của Lhakhang chen-po. Ở đây còn lưu trữ những cuốn sách này được nạm chữ vàng; các trang giấy dài sáu bộ, rộng 18 inch. Ở lề của mỗi trang là những thứ chiếu sáng và bốn tập đầu tiên trong đó có hàng nghìn hình ảnh chư Phật. Những quyển sách này dùng dây thép buộc rất gọn. Chúng được chuẩn bị theo lệnh của Hoàng đế Mông Cổ Hốt Tất Liệt (Kublai Khan tại vị: 1260-1294) và trình bày cho vị Lạt Ma Chogyal Phakpa (1235-1280), là vị tổ thứ năm sáng lập phái Sakya của Phật giáo Tây Tạng) trong chuyến viếng thăm thứ hai đến Bắc Kinh.

 

Trong tu viện Sakya còn lưu giữ một số kèn ốc loa (Pháp loa còn được xem là biểu tượng cho chánh pháp được lưu truyền khắp nơi do sức vang rền, chấn động không gian của nó - Theo Mật tông Phật giáo thì kèn ốc loa là một trong 8 thứ quý báu để cúng dường cho Bản Tôn)”.

 

Tu viện Sakya hiện lưu giữ hàng ngàn bức tượng, tranh vẽ, bích họa, thangka, mandala và những pháp khí khác nhau, cũng như lưu giữ vô số kinh sách bằng tiếng Tây Tạng, Trung Quốc, Mông Cổ và Sanskrit. Nhiều bức thangka ở tu viện có niên đại từ đời nhà Nguyên (1271-1368). Tu viện hiện lưu giữ hơn 3.000 bức thangka. Những bức thangka này miêu tả những vị thần Phật giáo Tây Tạng, hoặc miêu tả những cảnh lịch sử hay thiên nhiên. Thangka được sử dụng trong Phật giáo Tây Tạng như những phương tiện để truyền bá Phật pháp. 

 

Chủ đề chính của các bức thangka là cuộc đời đức Phật, các vị thần Phật giáo Tây Tạng, những vị Bồ tát, những vị Lama… Bức thangka miêu tả về cuộc gặp của Kublai Khan với Phapka là bức nổi tiếng nhất tại tu viện. Có hơn 40.000 quyển kinh sách được lưu giữ ở đây. Trong đó có tác phẩm vô giá Burde Gyaimalung, một ghi chép về tôn giáo, lịch sử, nông nghiệp và văn học của Tây Tạng. Một số trong những cuốn sách này được nạm chữ vàng.

 

Vào năm 2003, các vị Lạt Ma đã phát hiện một tạng thư chứa đến 84.000 cuốn ở tu viện Sakya, được lưu giữ cẩn thận ở trong một bức tường dài 60m và cao 10m. Hầu hết những cuốn sách này thuộc kinh sách Phật giáo, bên cạnh đó là những tác phẩm về lịch sử, văn học, toán học, triết học, thiên văn, y học và nghệ thuật. Hầu hết những tác phẩm này có niên đại vào thời Nguyên và Minh, được viết tay cẩn thận bằng bột vàng, bạc và mực đỏ, và được buộc lại thành từng cuộn. Viện Khoa học xã hội Tây Tạng hiện đang nghiên cứu và thẩm định những tác phẩm này. Vì là nơi lưu giữ và bảo tồn một kho tàng đồ sộ các kinh sách, tu viện Sakya thường được ví như là Đôn Hoàng thứ hai.

 

Tu viện Sakya được xem là nơi lưu giữ tạng kinh Phật được viết trên lá bối (pattra) lớn nhất. Những bản kinh này được viết bằng chữ Tây Tạng, Mông Cổ và Sanskrit. Những học giả xưa đã sử dụng bút sắt để viết kinh lên trên những lá bối có độ rộng trung bình 5cm. Vì thời tiết ở Sakya lạnh và khô ráo, nên đã giúp bảo quản những bản kinh viết trên lá này đến tận ngày nay.

 

Không chỉ là một tu viện, Sakya còn là một trung tâm học thuật. Khóa học tại tu viện Sakya bắt đầu với việc học thuộc lòng các bản kinh. Nếu những vị tăng qua được kỳ kiểm tra học thuộc lòng, họ sẽ nhận được bằng Kachupa và được phép học tiếp để trở thành một Geshe. Việc học này gồm 6 chủ đề, bao gồm 18 bộ kinh lớn và được thực hiện thông qua phương thức tranh luận. Dựa trên sự tinh thông những chủ đề này, những vị tăng được trao bằng Geshe Rabjampa. Họ sau đó có thể vào trường Dechenling Tantra để học tiếp các Hevajra Tantra. Và bằng được cấp là Lạt Ma Bentsangpa.

 

Năm 1959, khi Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng, vị đứng đầu của phái Sakya đã lưu vong đến Ấn Độ và đã thành lập một tu viện Sakya mới tại bang Himachal Pradesh. Và ở đây, Sakya Trizin - vị lãnh đạo tối cao của truyền phái Sakya, cùng với các vị Lạt Ma khác cũng như đệ tử của mình đã tiếp tục phát triển truyền phái của họ. Họ đã mở nhiều học viện, trường học, bệnh viện, tu viện… để truyền bá Phật pháp khắp nơi.

 

Trong số đó có Trung tâm Phật học Sakya nằm tọa lạc tại 220 Pier Avenue, Santa Monica, CA 90405, Los Angeles, Hoa Kỳ, thuộc truyền thống Sakya Phật giáo Tây Tạng. Trung tâm Phật học Sakya mở các lớp tu học thiền định, các nhóm nghiên cứu Phật học, Kim Cương thừa và tổ chức các lớp giáo lý do các vị Lạt Ma hướng dẫn.

 

Trung tâm Phật học Sakya được ngài Lama Jampa Thaye thành lập vào năm 2010. Nó được đặt tên là Sakya Samten Ling, có nghĩa là "The place of meditation of the Sakyas". Trung tâm truyền thiền định và giáo lý của dòng truyền thừa Sakya 900 năm tuổi của Phật giáo Tây Tạng.

 

Trung tâm là một chi nhánh của tổ chức Phật giáo quốc tế Dechen, dành cho tất cả những ai có nhu cầu thực hành lời Phật dạy thông qua thiền tập. Được thành lập đầu tiên ở Vương quốc Anh vào năm 1977, với nhiều lần viếng thăm và giảng dạy từ những người đứng đầu truyền thống Phật giáo Sakya, Sakya Trizin thứ 41 và 42. Sau này nhiều trung tâm và nhóm đã được thành lập khắp châu Âu và châu Mỹ.

 

Vân Tuyền (Nguồn: Sakya Monastery)

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin