Chi tiết tin tức

Vu lan xa xứ

21:16:00 - 14/08/2022
(PGNĐ) -  “Ai đi xa cũng nhớ về nguồn cội/ Nơi đó, cha mẹ hiền luôn dõi mắt theo con”. Mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên đều có quê hương nguồn cội, có ông bà, có cha mẹ để yêu thương.

Nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, người vì đi xa lập nghiệp, người thì lo học hành để có sự nghiệp công danh… Cũng vì cuộc sống mưu sinh mà những người con phải ngậm ngùi xa cha mẹ, để sống nơi xứ lạ quê người.

Ngày ấy, tôi là một sinh viên tỉnh lẻ, mới 18 tuổi đầu phải xa vòng tay cha mẹ, khăn gói lên Sài Gòn vì con đường học vấn. Dẫu biết rằng, lần đầu đi xa nhà, xa cha mẹ sẽ gặp không ít những khó khăn thử thách, nhưng vì tương lai sự nghiệp nên tôi đành chấp nhận.

Cái cảm giác hụt hẫng, nhớ nhà khi ngày đầu tiên bước chân lên thành phố, bắt đầu sống tự lập, cái gì cũng tự lo lấy, không còn được bàn tay thương yêu chăm sóc của cha mẹ. Mọi thứ đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Khi ấy, bao cảm xúc chợt ùa về trong tâm trí tôi.

Tôi nhớ những bữa cơm gia đình, có cha mẹ và các em quây quần bên nhau, những món ăn quê nhà tuy đơn sơ đạm bạc mà đầy ắp nghĩa tình, nhất là tình thương của cha mẹ dành cho các con không bao giờ thiếu. Tôi là đứa con cả trong gia đình, nên cha mẹ luôn kỳ vọng, mong sao tôi lên thành phố học hành cho đỗ đạt thành tài, để sau này có công việc ổn định mà lo cuộc sống của mình. Tình thương của cha mẹ là thế ấy.

“Dù đi góc biển chân trời

Tình thương cha mẹ sáng ngời trong con”.

Thật vậy, tình thương của cha mẹ vô cùng thiêng liêng cao quý, nó chứa đựng biết bao sự hy sinh. Cha tôi là một người nông dân hiền lành chất phác, sớm hôm chân lấm tay bùn dầu dãi nắng mưa trên đồng ruộng, nhưng không bao giờ than vãn, phiền hà, chỉ mong sao các con được chăn êm nệm ấm, được học hành đến nơi đến chốn với người ta. Cha luôn có trách nhiệm với gia đình, bao giờ cũng gánh vác cái nhọc nhằn cho vợ, cho con mà quên đi bản thân mình, có những lúc ốm đau, cha cũng phải cố làm việc không dám nghỉ ngơi.

Ngoài sự hy sinh đó, cha còn là một người mẫu mực rất thương yêu các con. Tuy không bộc lộ những cử chỉ âu yếm, ngọt ngào như mẹ, nhưng tôi biết từ sâu thẳm bên trong là cả một sự thương yêu vô bờ bến. Vậy mà…! Tôi còn nhớ rất rõ, năm đó khoảng 12 tuổi, cái tuổi còn bồng bột ngây thơ, có một lần, tôi vì mắc cỡ với bạn bè mà giấu đi hình ảnh người cha “quê mùa xấu xí”, không dám giới thiệu với bạn bè, vì sợ chúng bạn cười chê. Có lẽ, lúc đó cha tôi buồn nhiều lắm, nhưng cũng không trách giận gì tôi.

Cha ơi! Giờ đây, con cảm thấy có lỗi với cha nhiều lắm. Nơi quê nhà, cha hãy tha lỗi cho đứa con trẻ người non dạ này đã có những phút giây lầm lỗi. Chỉ duy nhất một lần trong đời đó thôi con có hành động dại khờ như vậy.

“Tình cha nghiêm nghị thiêng liêng

Cho con lẽ sống giữa miền trần gian”

Tác giả bài viết thắp hương khấn nguyện

Tác giả bài viết thắp hương khấn nguyện

Còn mẹ thì lúc nào cũng dành cho tôi những tình cảm ngọt ngào “như chuối ba hương, như xôi nếp mật”. Tuy đã là sinh viên năm cuối, mặc dù sống xa cha mẹ đã nhiều năm, nhưng lúc nào tôi cũng khát khao được về bên cha mẹ. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cha mẹ luôn canh cánh bên lòng.

“Tiết tháng bảy mùa Vu lan lại đến

Bao năm trời, con lưu lạc phương xa

Giờ đây chắc ở quê nhà

Mẹ cha dõi mắt theo từng bước con”

Con luôn tự hứa với lòng sẽ cố gắng học hành cho tốt để làm vui lòng cha mẹ. Và xin chắp tay khấn nguyện dâng lên hai đấng sinh thành những đóa hoa hiếu hạnh trong mùa Vu lan để tỏ lòng tôn kính mẹ cha trong quãng đời còn lại.

“Hoa tâm hiếu hạnh thay lời

Cầu cho cha mẹ sống đời bình an”.

 

Minh Tiến

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin