Chi tiết tin tức Danh lam cổ tự ở xứ Kinh Môn 18:50:00 - 18/04/2023
(PGNĐ) - Vừa qua, chúng tôi có chuyến điền dã nông thôn mới tại Hải Dương. Một trong những điểm đến vô cùng ấn tượng với dày đặc di tích văn hóa lịch sử, đó là thị xã Kinh Môn nằm ở phía đông bắc của tỉnh Hải Dương.
Đền An Phụ và chùa Tường Vân Kinh Môn, còn gọi là dãy núi An Phụ, dãy núi này thấp, nhưng rất dài, tới 17km, phía Đông bắc nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây bắc là động Kính Chủ, có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi. Tọa lạc ở đỉnh cao nhất, cao 246m so với đồng bằng dưới chân núi, đền An Phụ còn gọi là đền Cao, thờ An Sinh vương Trần Liễu. Đền được xây dựng từ thế kỷ XIII. Đến thời Hoàng Định (1600-1619), triều đình nhà Hậu Lê trích công quỹ giao cho sư Nam Nhạc tu bổ. Đến năm Gia Long 16 (1817), ông Nguyễn Văn Tài làm quan chức Hữu quân lệ úy, khâm sai Kinh Môn phủ xây thêm hai nhà giải vũ. Sau đó, đền tiếp tục được trùng tu vào năm Thánh Thái thứ 15 (1903). Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm nhà tiền tế, trung từ và hậu cung. Ngay dưới chân đền An Phụ, đi xuống vài chục bậc xây là một khoảng sân rộng bao quanh hai giếng nước một to một nhỏ, là giếng Mắt Rồng và giếng Ngọc. Nghe nói hai giếng này quanh năm không bao giờ cạn nước, màu nước trong vắt dù nằm trên đỉnh núi.
Sát phía bên kia giếng Mắt rồng to hình tròn, tọa lạc ở vị trí cao hơn chừng 2 mét là chùa Tường Vân cổ kính, dân thường gọi là chùa Cao. Ấn tượng đầu tiên, khi từ giếng nước nhìn lên, phía trước chùa Tường Vân có 3 cây cổ thụ vô cùng to lớn, gồm một cây đa và 2 cây đại. Được biết 3 cây này đều đã 700 năm tuổi, và do đích thân Trần Liễu trồng – như những nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này. Ra khỏi cổng khu đền chùa, đi xuống chừng 50m, rẽ trái theo đường bậc đá, đến chân núi là gặp chùa Gạo. Tương truyền, Trần Liễu lên núi An Phụ ngắm cảnh, quan sát toàn bộ địa thế, sau đó cho lập ấp chiêu binh, xây dựng chùa ở khe núi gọi là chùa Gạo. Chùa Gạo xưa cũng là kho thóc gạo của An Sinh vương Trần Liễu dựng lên để trữ lương thực. Những năm mất mùa, đói kém, An Sinh vương mở kho phát lương thực cho dân. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, chùa Gạo được vua Trần chọn làm căn cứ hậu cần, chứa toàn bộ lương thảo của quân dân nhà Trần phục vụ cho cuộc kháng chiến. Những năm trước đây, chùa Gạo hoang vu, chỉ có những cây mít lâu năm và một số tháp đá cổ. Năm 1985, chính quyền và nhân dân địa phương đã phục dựng lại chùa và đến năm 2007, khu di tích được trùng tu trên quy mô lớn. Qua chùa Gạo, đi xuống chút nữa sẽ gặp tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tọa lạc ở độ cao 200m. Tượng Đức Thánh Trần cao gần 10m, được tạc bằng đá xanh khai thác từ núi Nhồi Thanh Hóa. Bên cạnh tượng đài là bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m do các nghệ nhân Long Xuyên - Bình Giang - Hải Dương thực hiện. Đây là bức phù điêu bằng đất nung lớn nhất nước ta, tái hiện lịch sử 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đền Cao An Phụ và chùa Tường Vân được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Ngày 22-12-2016, khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương của huyện Kinh Môn được Nhà nước xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Không chỉ chùa Tường Vân, trên địa bàn thị xã Kinh Môn còn có hệ thống kiến trúc Phật giáo với nhiều ngôi chùa được xây dựng từ thời Trần. Trong đó chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự), được khởi dựng từ thời Trần, trở thành trung tâm Phật giáo lớn của khu vực vào thời Lê, là nơi đào tạo Tăng tài của Thiền phái Tào Động. Chùa Nhẫm Dương - trung tâm của Thiền phái Tào Động Phường Minh Tân của thị xã Kinh Môn có chùa Hàm Long, đây là ngôi chùa trong động, có từ thời nhà Trần. Động chùa Hàm Long ở chân núi Khánh Đức (núi Khánh Nghiêm). Tại cửa động có 7 tấm bia đá khắc từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, cho biết đây từng là căn cứ chống quân Nguyên của danh tướng Yết Kiêu. Các nhà khảo cổ khi tiến hành khảo sát nghiên cứu các chùa thời Trần trên địa bàn thị xã Kinh Môn, đã tìm thấy nhiều hiện vật như: tháp, đồ gốm sứ, tiền cổ, bia đá, gạch, đồ trang trí, chân kê cột... là minh chứng rõ nét về sự phát triển phồn thịnh của thương mại ở Kinh Môn thời nhà Trần. Nét độc đáo nữa ở những ngôi chùa xây dựng từ thời Trần là vật liệu kiến trúc để lại có rồng, phượng, hệ thống đồ gốm, sứ trong chùa là dòng cao cấp.
Bên bờ sông Kinh Thầy thơ mộng, trên sườn dãy núi Kinh Môn có động Kính Chủ (còn gọi là động Dương Nham), là danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Động Kính Chủ lưu giữ chiến tích của quân và dân nhà Trần. Nơi đây một bên là núi non hiểm trở, một bên là bến Đầu Chủ, rất thuận tiện giao thông đường thủy và chỉ cách chiến trường Bạch Đằng Giang hơn 30km. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Dương Nham ở cách huyện Giáp Sơn 6 dặm về phía bắc, liên tiếp với núi Yên Phụ, cao 160 trượng. Vua Trần Nhân Tông (1278-1293) nhà Trần chống cự quân Nguyên đóng quân trên núi”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288) của quân dân thời Trần, nếu như ở các địa danh như Vạn Kiếp (Chí Linh - Hải Dương); Bạch Đằng Giang (Tràng Kênh - Hải Phòng) được biết đến là chiến trường với những trận thắng vang dội thì động Kính Chủ chính là “Đại bản doanh” của triều Trần. Từ đây, vua Trần chỉ huy các mũi tiến công của quân ta để đánh giặc. Ngày nay trong động Kính Chủ có chùa cổ Dương Nham. Sách Đại Nam nhất thống chíchép: “Chùa Dương Nham trải qua chiến tranh, đã bị tàn phá, chỉ còn tượng Phật, nay được thờ trong động. Đây cũng là nơi thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và nhiều tượng Phật tạc bằng đá. Bên trong động có ngôi chùa thờ Phật và là nơi thờ vua Lý Thần Tông, vua Lý Chiêu Hoàng, Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả…”. Trên vách chùa động Kính Chủ hiện còn hệ thống văn bia ma nhai trở thành kho bảo vật quốc gia, với những văn bia trải dài hơn 6 thế kỷ, từ năm 1368 đến năm 1940. Từ phường Phạm Thái đi khoảng 12km đến phường Duy Tân, nơi đây có hệ thống núi Nhẫm Dương với nhiều hang động lớn nhỏ cùng những hiện vật khảo cổ đặc biệt. Chỉ trong phường Duy Tân đã có tới 3 ngôi chùa thời Trần: chùa Nhẫm Dương (Thánh Quang tự), chùa Châu Xá (Hoa Nghiêm tự), chùa Xanh (Thiên Quang tự). Đặc biệt, chùa Nhẫm Dương (tên chữ Thánh Quang tự) khởi dựng từ thời Trần, được tôn tạo và khá sầm uất vào các thời Lê, Nguyễn. Chùa Nhẫm Dương từng là trung tâm Phật giáo lớn, từ thời Trần và thế kỷ XVII-XVIII. Thế kỷ XVII, chùa Nhẫm Dương là nơi tu tập, hoằng pháp và đào tạo tăng tài của phái Tào Động do Thiền sư Thủy Nguyệt làm Hòa thượng đầu đàn. Theo sách Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ, phái Thiền Tào Động được Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1637-1704) truyền tới Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ XVII. Ngài có pháp danh là Thông Giác Đạo Nam Thiền sư, tu hành đến bậc Bồ-tát Nhục Thân. Năm Đinh Sửu đời vua Lê Thần Tông (1637), ngài thác thai vào nhà họ Đặng ở phủ Tiên Hưng, Đạo Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Năm 18 tuổi ngài thi đỗ Cống cử tứ trường. Năm 20 tuổi xuất gia đầu Phật tại chùa Nhẫm Dương. Sau 6 năm xuất gia học đạo, vì vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát giác ngộ nên ngài xin phép sư phụ đi tham thiền học đạo khắp các chốn tổ, già-lam trong nước. Năm 28 tuổi, ngài quyết định cùng đệ tử hành hương sang phương Bắc (Trung Quốc). Một ngày kia đến động Sơn Lương giới trên núi Phượng Hoàng, nhờ duyên lành, hai thầy trò được yết kiến và thỉnh giáo Hòa thượng Trí Giáo Nhất Cú – Tổ đời thứ 35 của Thiền tông Tào Động Trung Hoa. Từ đấy ngài đã trải qua những năm tháng miệt mài học tập, kiên trì khổ luyện dưới sự chỉ dạy của Tổ Nhất Cú. Khi nhân duyên đã đủ, tâm đạo đã đầy, ngài Thủy Nguyệt được Hòa thượng Trí Giáo Nhất Cú truyền giới Cụ túc, trao cho Tâm pháp và trở thành Tổ đời thứ 36 của Bắc tông Tào Động của Trung Quốc. Ngài được ban pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư và cho phép về Việt Nam để truyền tông phái Tào Động. Năm 1667, Thiền sư Thủy Nguyệt trở về Đại Việt, Ngài trở lại chùa Nhẫm Dương hành đạo, từ đó trở thành Đệ nhất Tổ của tông Tào Động tại đất nước ta. Chu Minh Khôi
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |