Chi tiết tin tức

Quần thể chùa động Ajanta

16:36:00 - 18/11/2013
(PGNĐ) -  Những chùa động Ajanta được khắc đục qua những thời kỳ khác nhau. Ngôi được kiến lập sớm nhất có niên đại vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch  

Quần thể chùa động Ajanta là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Ajanta cách Aurangabad, một thành phố lớn thuộc bang Maharashtra, khoảng 105km về phía Bắc. 

Mot goc Ajanta.jpg

Một góc Ajanta.

Tên gọi Ajanta lấy từ tên gọi ngôi làng Ajanta gần đó. Quần thể chùa này được khắc đục vào một triền núi đá hình móng ngựa, với phía trước là một dòng suối nhỏ có tên gọi là Waghora; và trong quá khứ mỗi chùa động được nối kết với dòng suối bằng con đường bậc thang, tuy nhiên những con đường này ngày nay khó nhìn thấy rõ. Việc các chùa động có đường dẫn xuống suối nước có lẽ liên quan đến việc sử dụng nguồn nước ở dòng suối cho sinh hoạt hàng ngày của chư Tăng. Trong quá khứ, nhưng ngôi chùa đá này nằm riêng biệt với nhau, nhưng nay chúng được nối liền với nhau bằng một con đường và trở thành một quần thể.

Những chùa động Ajanta được khắc đục qua những thời kỳ khác nhau. Ngôi được kiến lập sớm nhất có niên đại vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch, và muộn nhất là vào thế kỷ thứ VI Tây lịch, và cũng có ngôi chùa đang được khắc đục dở dang. Những chùa động được khắc đục thời kỳ đầu, niên đại từ thế kỷ II trước Tây lịch đến thế kỷ II sau Tây lịch, là những chaitya (nơi thờ tự và hành lễ) số 9 và 10, và các vihara (nơi cư trú của chư Tăng) 8, 12, 13 và 30; những hang động này thuộc thời kỳ phân chia bộ phái, trong đó chùa động số 9 được xác định có niên đại sớm nhất. Những chùa động khác có niên đại thuộc thế kỷ V-VI Tây lịch, tức được kiến tạo dưới triều đại Gupta và hậu Gupta, là những ngôi chùa thuộc thời kỳ Đại thừa.

Như vậy quần thể chùa đá Ajanta được kiến tạo qua hàng thế kỷ, từ thời kỳ các bộ phái Tiểu thừa thịnh hành cho đến thời Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là Mật tông, phổ biến ở Nam Ấn. Ở các chùa động thời kỳ đầu, đối tượng thờ phụng chính yếu là bảo tháp, bởi vì thời kỳ này tín ngưỡng thờ phụng tượng Phật chưa thịnh hành, và Đức Phật chủ yếu được tượng trưng qua những biểu tượng như hoa sen, bánh xe Pháp luân, bảo tháp… Còn các chùa động thời kỳ sau, đối tượng thờ phụng là những tượng Phật và Bồ-tát, vì thời kỳ này tín ngưỡng thờ bái tượng Phật đã phổ biến sâu rộng.

Như đã nói, quần thể Ajanta được kiến tạo qua nhiều thế kỷ, và thời kỳ thịnh vượng của nó được cho là khoảng từ giữa thế kỷ V đến giữa thế kỷ VI Tây lịch. Từ đầu thế kỷ VII (TL), khi Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu suy yếu, quần thể chùa động Ajanta dần không có Tăng nhân cư trú và cũng theo đó không còn người viếng thăm, dẫn đến quần thể chùa này bị bỏ rơi và vùi lấp dưới cỏ cây trong rừng hoang. Như vậy từ lúc hình thành cho đến khi suy tàn, quần thể chùa động này trải dài qua 9 thế kỷ.

Nhưng thật khó để biết được sự suy tàn của quần thể này xảy ra như thế nào, và khó biết chắc là sự suy tàn của nó xảy ra vào thời điểm cụ thể nào. Theo những ghi chép của Huyền Tráng khi đến Ấn vào nửa đầu thế kỷ thứ VII thì Phật giáo ở khu vực này vẫn còn khá hưng thịnh, tuy nhiên Huyền Tráng đã không viếng Ajanta nên không cho ta biết những thông tin cụ thể về địa danh này như thế nào vào thế kỷ thứ VII. Một vài học giả cho rằng,Ajanta bị suy tàn đột ngột do những người bảo trợ giàu có bỏ rơi, sau sự qua đời của Harishena (475-500 TL) thuộc triều đại Vākāṭaka, cũng là một Phật tử bảo trợ đắc lực cho Phật giáo.

Bị lãng quên trong nhiều thế kỷ, vào đầu thế kỷ XIX (1819), Ajanta tình cờ được một sĩ quan của quân đội Anh phát hiện nhân một lần vị này đi săn bắn. Sự phát hiện này lập tức cuốn hút sự quan tâm của công chúng, và quần thể này nhanh chóng trở thành một điểm khảo cổ và tham quan nổi tiếng không chỉ đối với người Ấn mà đối với nhiều người ở những nước khác. Quần thể chùa động Ajanta được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1983.

Quần thể này bao gồm 29 ngôi chùa được khắc đục vào trong vách núi, và một vài trong số này đã bị hư hỏng nặng. Năm động 9, 10, 19, 26 và 29 là những chaityagriha, là những nơi thờ phụng hay nơi dành cho việc hành lễ tu tập; những động còn lại là những vihara, là những tịnh xá dành cho chư Tăng cư trú, đặc biệt là vào mùa mưa.

Một trong những điểm đặc biệt của quần thể chùa động Ajanta là những bức bích họa ở đây. Những bức bích họa này diễn tả lại một số sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật, cũng như diễn tả những câu chuyện được đề cập trong Jataka (chuyện tiền thân). Bên cạnh, một số bích họa cũng đề cập đến một vài nếp sinh hoạt của xã hội đương thời. Có 16 ngôi chùa được trang trí với những bức bích họa này, nhưng nổi bật nhất là các chùa được đánh số 1, 2, 16, 17 và 19. Những bích họa đẹp nhất là ở các chùa 1, 4, 17, 19, 24 và 26.

Những bích họa ở Ajanta được xem là những kiết tác nghệ thuật Phật giáo. Nhưng đáng tiếc là chúng ta không biết ai đã sáng tác nên những bích họa này. Ở những chùa động Ajanta, ta có thể biết được danh tính của một số người hiến cúng cho việc khắc đục chùa qua chữ viết còn lưu lại, nhưng không biết được danh tính của những thợ thủ công cũng như những họa sĩ đã làm nên công trình vĩ đại này. Có ý kiến cho rằng, hầu hết những thợ thủ công làm nên công trình này là chư Tăng, những người trước đó xuất thân từ những gia đình làm nghề khắc đục đá. Bên cạnh, một số học giả khác cho rằng, những bích họa ở Ajanta do những họa sĩ, những người từng họa vẽ tranh ở trong hoàng cung và đền đài, sáng tác nên. Bởi vì, như những gì được thể hiện qua một số bích họa, người họa sĩ đã có một sự am hiểu sâu sắc về đời sống ở trong hoàng cung cũng như của giới quý tộc. Ngoài ra, việc làm sao có thể sáng tác nên những bích họa ở trong những động đá tối tăm cũng là một ẩn số. Những sử gia cho rằng, những thợ thủ công đã sử dụng đèn dầu hoặc dùng gương phản chiếu ánh sáng từ bên ngoài vào trong khi vẽ...

Cách đến Ajanta

Để đến Ajanta, đối với những du khách đến từ những nước khác, thông thường sẽ đi bằng tàu lửa hoặc máy bay đến Aurangabad và sau đó thuê xe đến địa danh này. Ga tàu (Aurangabad Railway Station) và sân bay (Chikkalthana Airport) ở Aurangabad đều nối tuyến đường với những thành phố lớn của Ấn như Delhi, Mumbai,Hyderabad… Như vậy ta có thể đi tàu hay máy bay từ Delhi hay Mumbai đến Aurangabad và sau đó thuê xe đếnAjanta. Ngoài ra, cách Ajanta khoảng 52km còn có một ga tàu khác, ga Jalgaon Railway Station.

Thời tiết ở vùng này có thể chia làm ba mùa: mùa hè, mùa mưa và mùa đông. Mùa hè bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5; mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10; và mùa đông từ tháng 11 đến tháng 2. Nhiệt độ vào mùa hè có khi lên đến 45°C, nhưng thường là từ 21-37°C; còn nhiệt độ thấp nhất vào mùa đông là 7°C, tuy nhiên nhiệt độ trong suốt mùa đông thường từ 10-22°C. Và đối với việc tham quan địa danh này, thời điểm thích hợp nhất vẫn là mùa đông.

 

 

Nguyễn Đăng (GNO)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin