Chi tiết tin tức Ấn Độ: Một di sản Phật giáo thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng 21:14:00 - 19/11/2019
(PGNĐ) - Là nơi chứa đựng nhiều kiệt tác nghệ thuật Phật giáo cổ đại, Quần thể hang động Ajanta ở Ấn Độ - di sản văn hóa thế giới, đang “oằn mình chịu đựng” trước sự tấn công của côn trùng và môi trường tự nhiên - theo tờ The Buddhist Door.
Điều này đã gây ra nhiều sự hư hoại cho các hang động và những di sản bên trong nhiều thập niên gần đây - theo nghiên cứu phát hành trên tạp chí Heritage.
Viện Nghiên cứu Kỹ thuật và Môi trường Ấn Độ (CSIR-NEERI) do chính phủ thành lập và tài trợ hoạt động, đã báo cáo và mô tả chi tiết sự hư hoại đang xảy ra trong các hang động và các giá trị di sản bên trong hang là do côn trùng và tác động của khí hậu gây ra; đồng thời đang nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm giảm bớt “những tác động của vô thường này”. Các hang động nơi đây là “môi trường sinh sống lý tưởng” của các loài vi sinh, nấm mốc, tảo, côn trùng,... và là đa dạng sinh học có một không hai vì nhiệt độ thấp, hầu như không có ánh sáng mặt trời và ẩm độ cao. “Chính những điều kiện này dẫn đến sự phát triển của các loại côn trùng và gây hại cho các hang động” - các nhà nghiên cứu khẳng định. Quần thể hang động Ajanta, thuộc bang Maharashtra gồm khoảng 30 hang đá mang giá trị lịch sử và văn hòa vô cùng quan trọng từ thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch đến khoảng năm 480 Tây lịch. Trong số những di sản trong hang động, các bức vẽ và điêu khắc đá được xem là hình mẫu đại diện cho nghệ thuật Ấn Độ cổ đại, mô tả cảnh vật và các sự kiện từ cuộc đời Đức Phật, hình ảnh chư Thiên cùng sự minh họa các câu chuyện trong Chuyện tiền thân của Đức Phật - Jataka. Ngoài ra, trong các hang còn có các điện thờ Đức Phật và tu viện dành cho chư Tăng học tập, hành thiền. Sự xâm nhập từ phần mái của các hang do rễ cây và thực vật bên trên gây ra sự rạn nứt, các khe hỏng làm ngấm nước vào bên trong hang, dẫn đường cho côn trùng, tảo và các loài vi sinh xâm nhập vào - các chuyên gia nhấn mạnh.
Đáng quan ngại nhất là sự hư hoại của các bức tranh tả thực bằng cảm xúc được thể hiện sống động qua các điệu bộ, cử chỉ và động tác. Theo báo cáo, nước mưa và các dòng chảy gần sông Waghura gây ra tình trạng ẩm thấp bên trong các hang động, điều kiện tốt cho các loài vi sinh, tảo, nấm mốc và côn trùng (nhất là loài bọ bạc, bọ cánh cứng) phát triển mạnh mẽ. Ngoài sự phá hủy trên bề mặt, các loài vi sinh, tảo và côn trùng còn là thức ăn cho côn trùng khác bên trong hang. Sự bài tiết của dơi và chim chóc cũng góp phần vào sự hư hoại này. Điều này làm cho các bức vẽ bị xỉn màu, biến sắc và ¼ các bức vẽ trong hang được báo cáo đã hư hỏng do tác nhân tự nhiên. Thêm vào đó, các cột đá, tượng và chạm khắc trên đá trong hang cũng bị nước làm hỏng đi. Các chuyên gia đang nỗ lực ngăn chặn sự hư hỏng tự nhiên này bằng nhiều cách khác nhau như: sử dụng dầu hạt gai, đất sét và thạch cao vôi để bảo vệ các bức vẽ và khắc chạm trong hang; điều chỉnh độ ẩm của hang và kiểm soát số lượng các loài côn trùng ở đây như sử dụng đèn màu, các loại đèn với bước sóng khác nhau,... Quần thể hang động Ajanta đã được tái khám phá trong lịch sử hiện đại bởi kỵ binh Captain John Smith, trong một chuyến đi săn vào năm 1819. Cùng với sự giúp đỡ của người dân bản địa, Smith đã dọn sạch cây cỏ và các chướng ngại vật dẫn vào hang. Tin tức về sự phát hiện này nhanh chóng lan đi và trong nhiều thập kỷ qua, các hang động này trở thành địa điểm được nhiều chuyên gia và người có đam mê khảo cổ tìm đến.
Năm 1848, Hội Hoàng gia châu Á thành lập Ủy ban Chùa hang Bombay để khai quật và ghi chép các di tích đá quan trọng của vùng. Năm 1861, nơi đây trở thành địa điểm nghiên cứu khảo cổ quốc gia của Ấn Độ và tồn tại như một tổ chức của chính phủ cho đến nay, phối hợp với Bộ Văn hóa Ấn Độ, chịu trách nhiệm nghiên cứu khảo cổ học và bảo tồn cho quốc gia. Quần thể hang được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào năm 1983. Trần Trọng Hiếu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |