Chi tiết tin tức

Long mã nét đặc trưng văn hóa tâm linh Huế

21:30:00 - 19/04/2016
(PGNĐ) -  Đã từ rất lâu, hình tượng long mã đã đặc trưng cho văn hóa tâm linh ở Huế. Bởi thế nên biểu tượng lễ hội (festival) ở Huế cũng có hình một con long mã.

Truyền thuyết về long mã

Ở các nước có bản sắc văn hóa Đông phương như Trung Quốc, Việt Nam, tranh tượng long mã thường được thực hiện theo mẫu mình ngựa có vẩy rồng, đầu rồng, lưng mang bảng Bát quái Tiên thiên, thế đứng rất uy nghi, phong thái hùng dũng đang tiến về phía trước. Trong nghệ thuật Trung Hoa cổ điển, long   mã cũng thường được trang trí phối hợp với các linh vật trong tứ linh.

Thực chất, Long mã là hóa thân của kỳ lân, là sự kết hợp đặc biệt giữa rồng, lân và ngựa. Đó là một linh vật có sừng và bờm của rồng, mình của con hươu xạ, đuôi bò, trán sói, thân có vảy của kỳ lân, chân và móng của ngựa; cao “tám thước năm tấc, xương cổ dài, cánh bên phải nhúng xuống nước mà không ướt, trên có thánh nhân để bức cổ đồ” (Nguyễn Mạnh Bảo, Dịch kinh tân khảo, Sen Vàng xuất bản, Sài Gòn, 1958, tr.41).

Như vậy, long mã là con ngựa rồng. Trong các bức phù điêu, long mã được thể hiện chạy trên sóng nước, lấy từ tích “Long mã phụ đồ”. Trong Tự điển Cao Đài, tác giả Nguyễn Văn Hồng viết: “Vào thời thượng cổ bên Tàu, đời vua Phục Hy (2852-2737 trước TL), trên sông Hoàng Hà, thình lình một trận giông lớn nổi lên, nước sông dâng cao, có nổi lên một con quái đầu rồng mình ngựa, đứng khơi khơi trên mặt nước, trên lưng có nhiều đốm đen trắng xếp theo một trật tự đặc biệt và   có mang một cây bửu kiếm. Dân chúng thấy chuyện lạ, vội cấp báo cho vua Phục Hy biết. Nhà vua liền đến nơi, đứng trên bờ sông quan sát. Vua Phục Hy là vị Thánh đế nên biết con quái ấy là con long mã, một loại thú linh hiếm có, ít khi xuất hiện. Ngài phán rằng: ‘Nếu phải nhà ngươi đem báu vật đến dâng cho Ta thì hãy lại đây, đến trước mặt Ta’.

Long mã như biết nghe tiếng người, từ từ đi vào bờ, đến trước mặt vua Phục Hy thì quì xuống. Vua Phục Hy thấy trên lưng Long mã có một bức đồ gồm 55 đốm, nhà vua ghi nhớ vị trí các đốm rồi gỡ lấy bửu kiếm. Xong, long mã liền trở ra khơi và đi mất. Mực nước sông Hoàng Hà sụt xuống như cũ. Vua Phục Hy vẽ lại những đốm trên lưng long mã, tạo thành một bức đồ, đặt tên là Hà đồ. Nhà vua quan sát các chấm nầy, kết hợp với sự quan sát các hiện tượng thiên nhiên trong Trời Đất, nghĩ ra cách tượng trưng Âm Dương, Ngài vẽ ra được Bát Quái đồ, gọi là Tiên Thiên Bát Quái đồ.

Như thế, sự tích “Long mã phụ đồ” (Long mã mang bức đồ, về sau gọi là Hà đồ) có liên quan mật thiết với nguồn gốc Kinh Dịch. Vì vậy, hầu hết các bức tranh tượng long mã đều thể hiện hình Bát Quái Tiên thiên trên lưng long mã. Đó là do thiện ý người xưa muốn diễn dịch nguồn gốc của Bát Quái do Vua Phục Hy sáng tác từ sự trực nhận của Ngài trên bức đồ gồm 55 điểm đen trắng. Với “hệ thống” Hoàng hà – Long mã – Hà đồ – Bát quái – Kinh Dịch, ta thấy Long mã đã trở thành một biểu tượng của vũ trụ quan Đông phương.

Ngoài ra, long mã còn là linh vật của Phật giáo, bởi nó thường cõng trên lưng Luật tạng, một trong ba phần cốt tủy của kinh sách nhà Phật (Tam tạng kinh).

Thông qua hình tượng long mã, người ta hiểu rằng: Rồng thường ở trên cao, khi ẩn khi hiện trong mây, vùng vẫy khắp không gian, biểu trưng cho những gì có tính chất cao thượng, mạnh mẽ, linh hoạt, thuộc Dương, và thuộc Tiên thiên, nghĩa là tung, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian. Mã là ngựa, tuy không thuộc linh vật, nhưng là vật rất hữu dụng trong nhân gian, di chuyển nhanh trên mặt đất theo đường thẳng ngang, chở nặng, có sức bền bỉ, có nghĩa khí, thuộc Hậu thiên, là hoành, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian. Như vậy, long mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian, long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân. Có thể nói, long mã tiêu biểu đầy đủ các phạm trù Âm Dương, Vũ trụ, sự kết hợp của Tiên thiên-Hậu thiên, và cuộc tiến hóa của vạn vật (ngựa hóa rồng).

Long mã ở Huế

Tại các đình chùa, điện thờ, miếu mạo ở Huế, long mã thường được khắc họa hay đúc tượng trên các vật thể như bình phong, hoành phi để vừa trang trí chốn tôn nghiêm, vừa có công dụng phong thủy trừ tà, khử trược. Nhưng nhiều nhất vẫn là trên các bức bình phong.

Bình phong là một “sản phẩm đặc trưng” của xứ Huế. Người Huế dựng bình phong ngay sau cửa ngõ để ngăn chặn các loại uế khí và độc khí phát sinh từ các vật lạ thâm nhập vào nhà, đồng thời, khiến cho căn nhà trở nên ấm cúng, an toàn hơn. Bình phong đặt trước nhà còn nhằm cản bớt hỏa khí xâm nhập nội thất, gây hại cho chủ nhân. Và linh vật được chọn lựa để trang trí trên bình phong xứ Huế nhiều nhất chính là long mã. Bình phong long mã nổi tiếng nhất ở Huế chính là bức bình phong xây dựng năm Thành Thái bát niên (1896) ở Trường Quốc Học Huế. Long mã trên bình phong này chính là nguyên mẫu của hình ảnh long mã trên biểu tượng của lễ hội (festival) ở Huế.

Long mã cũng xuất hiện trên các cung môn, miếu môn trong hoàng cung triều Nguyễn và thường đi kèm với các linh vật khác như: quy (ở Trường An môn của Trường Sanh cung); lân và phụng (ở Dục Khánh môn và Hưng Khánh môn của Hưng miếu)… Người Huế thường sử dụng kỹ thuật khảm sành sứ và thủy tinh để tạo hình long mã. Song cũng có những con long mã được đắp bằng vôi vữa, hay được vẽ bằng phẩm màu (như long mã trên bình phong trước phủ Thượng thư Tôn Thất Đàn ở làng Lại Thế).

Bởi thế, du khách đến Huế, khi dạo bước trong hoàng thành, lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, hay rong ruổi trên đường làng, ngõ xóm nơi thôn dã, đều có cơ hội tao ngộ long mã, bởi lẽ long mã đã được“mặc định” là một phần không thể thiếu trong kiến trúc Huế và trang trí Huế.

Viết thêm: ngựa Thượng Tứ

Ở Huế, khi nói về một người đàn bà hung dữ, có lời ăn tiếng nói thô lỗ, cử chỉ vùng vằng, người ta thường ví kẻ đó như“ngựa Thượng Tứ”. Cửa Thượng Tứ có tên chữ là Đông Nam môn, nằm ở góc Đông nam kinh thành. Sở dĩ cửa có tên gọi là Thượng Tứ ngày xưa, ở gần bên trong cửa thành này (khoảng vị trí Trường Trần Quốc Toản hiện nay), triều đình đã thiết lập một cơ quan tên là Viện Thượng Tứ, chuyên trông coi việc nuôi ngựa để kéo xe cho vua.

Những con ngựa này thường là dữ dằn nên phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần. Người đàn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng thì bị gọi là “ngựa Thượng Tứ”, dân gian gọi riết rồi thành thói quen cho đến tận bây giờ.

Và cửa Đông Nam vì ở gần khu Thượng Tứ nên cũng được người dân gọi luôn là cửa Thượng Tứ, không ai còn để ý đến hai chữ Đông Nam ghi trên vọng lâu nữa. •■

 

Bài & ảnh: NGUYỄN VĂN TOÀN

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 195

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin