Chi tiết tin tức

Những hiện vật quý giá trong viện bảo tàng lâu đời nhất ở châu Á

20:05:00 - 11/02/2023
(PGNĐ) -  “Triển lãm các bảo vật đến từ bảo tàng lâu đời nhất của Á châu: Nghệ thuật Phật giáo từ bảo tàng Ấn Độ, Kolkata” là nơi trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ Phật giáo có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II trước Tây lịch đến thế kỷ thứ XVII sau Tây lịch.

Vừa qua, để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Singapore, cũng như đánh dấu 50 năm độc lập của quốc gia này, một sự hợp tác đầu tiên giữa các bảo tàng Ấn Độ và Singapore đã diễn ra tại Bảo tàng Văn minh Châu Á của Singapore mang tên “Triển lãm các bảo vật đến từ bảo tàng lâu đời nhất của Á châu: Nghệ thuật Phật giáo từ bảo tàng Ấn Độ, Kolkata”. Triển lãm là nơi trưng bày các tác phẩm lấy cảm hứng từ Phật giáo có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II trước Tây lịch đến thế kỷ thứ XVII sau Tây lịch.

Từ thế kỷ thứ XIV, các thương nhân đã đến vùng biển giữa cảng Singapore và Calcutta (nay là Kolkata) ở Ấn Độ. Năm 1818, Thomas Stamford Raffles đã đi thuyền từ Calcutta đến Singapore để tuyên bố đây là thuộc địa của Anh. Từ năm 1983 đến 1867, Singapore được điều hành bởi Công ty Đông Ấn ngoài Calcutta. Ngay cả sau khi Singapore độc lập vào năm 1965, hai thành phố vẫn liên kết chặt chẽ với nhau trên nhiều phương diện. 

Bảo tàng Kolkata của Ấn Độ là bảo tàng lớn nhất và lâu đời nhất ở châu Á, được thành lập bởi Hiệp hội Châu Á của Bengal vào năm 1814 và chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật Phật giáo. Bảo tàng Văn minh châu Á, tọa lạc tại Empress Place lịch sử ở cửa sông Singapore.

Dạo quanh các phòng trưng bày các tác phẩm điêu khắc ấn tượng, chúng ta như bước vào một chuyến du hành ngược thời gian và chứng kiến các tiền kiếp của Đức Phật như đã được kể trong các câu chuyện Jataka, toàn bộ cuộc đời của Ngài hầu như đã được mô tả lại, thái tử Siddhartha, thành đạo dưới cội bồ-đề, chuyển pháp luân tại vườn Nai ở Sarnath, và nhập Vô dư y Niết-bàn dưới tán cây sa-la. 

Thông qua tiểu sử trực quan này, người ta nhận ra sự phát triển và các khái niệm của Phật giáo qua từng giai đoạn lịch sử, từ Nguyên thủy đến Đại thừa, đến Kim Cang thừa; từ những hình ảnh mang tính biểu tượng ban đầu đến các hình tượng khác nhau đã được nhân hóa của Đức Phật; hay những tượng thờ của các vị Bồ-tát và chư thiên được truyền cảm hứng từ truyền thống văn hóa Ấn Độ đa dạng và phong phú.

Một trong những hiện vật có niên đại sớm nhất tại cuôc triển lãm lần này là những chiếc “huy chương” lớn, hình tròn từ các trụ lan can bao quanh bảo tháp Bharhut. Được nhà khảo cổ học người Anh Alexander Cunningham khai quật tại quận Satna của bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, bảo tháp Bhahut được cho là do hoàng đế Asoka xây dựng trong thời đại Mauryan (322-180 trước Tây lịch). Trong giai đoạn mà tất cả mọi thứ đều được thể hiện bằng biểu tượng, thì hình ảnh của Đức Phật không bao giờ xuất hiện trực tiếp, mà chỉ hiện diện thông qua các biểu tượng như Pháp luân tượng trưng cho những lời dạy phổ quát của Ngài, cây bồ-đề đại diện cho sự giác ngộ và dấu chân Phật, kim cang tòa, sư tử hay hoa sen,…

Những câu chuyện về Jataka hay còn gọi là Tiền thân của Đức Phật là những chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo dưới mọi hình thức. Một trong bốn bức phù điêu từ bảo tháp Bharhut khắc họa câu chuyện của hoàng tử Vessantara, người nổi tiếng với tâm bố thí rộng rãi phi thường của mình.

Trong thời kỳ Kushan (thế kỷ I-III), các hình tượng nhân hình của Đức Phật bắt đầu xuất hiện ở miền Bắc của Ấn Độ. Vào thời của đại đế Kanishka (vào khoảng năm 127-51 trước Tây lịch), vương quốc Kushan đã mở rộng đến mức quốc gia này có đến 2 thủ đô: Mathura ở miền Bắc Ấn Độ và Purushapura (nay là Peshawar) gần đèo Khyber; cùng với sự cường thịnh của đất nước, hai trung tâm nghệ thuật lớn tương ứng là Mathura và Gandhara cũng bắt đầu phát triển, mỗi trường phái mang những phong cách nghệ thuật khác biệt.

Phong cách Mathura phát triển từ truyền thống bản địa của người dân da đỏ, có nguồn gốc từ các triều đại Mauryan và Shunga (vào khoảng năm 185-73 trước Tây lịch). Được chạm khắc từ đá sa thạch đỏ, tượng Phật Mathura có thân hình đầy đặn, được khoác lên mình chiếc y bằng vải dạ mỏng để che đi vai trái. Thông thường, lòng bàn tay và bàn chân có hình bánh xe pháp và Ngài an tọa trên đài hoa sen.

Ngược lại, trường phái Gandhara lại bị ảnh hưởng rất nhiều từ nghệ thuật Hy Lạp và La Mã, do chiến dịch hướng về phương Đông của Alexander đại đế vào thế kỷ thứ IV trước Tây lịch và khái niệm “người-thần” được lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp. Được tạo ra từ đá phiến, vữa hoặc đất nung màu xám đậm, những hình ảnh của trường phái này mang chủ nghĩa lý tưởng thực tế, kết hợp từ các đặc điểm, tỷ lệ và cảm xúc của con người với cảm giác thoát tục và hoàn hảo của một bậc thánh. Các hình tượng được phục trang theo phong cách toga (một loại trang phục trong thời La Mã cổ đại), mái tóc gợn sóng và mũi thẳng kiểu La Mã.

Sự khác biệt giữa hai phong cách được minh họa một cách rõ ràng bởi hai tác phẩm điêu khắc về cùng một chủ đề và cùng một thời kỳ, đó là vị thần Hariti và vị phối ngẫu, Panchika. Trong khi Mathura mô tả hai nhân vật ngồi xổm, hài hước và Pachika với một cái bụng lớn, thì các nhân vật của Gandhara lại mảnh khảnh, thanh lịch với những nét ngoài giống như các vị thần Hy Lạp cổ đại.

Vương triều Gupta (thế kỷ IV-VI) là thời kỳ hoàng kim của Ấn Độ, với sự phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực, từ kỹ thuật, văn học, tôn giáo, triết học cho đến nghệ thuật. Trong thời kỳ này, Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ cùng với sự thống trị của Ấn Độ giáo. Nghệ thuật Phật giáo cũng đạt đến đỉnh cao, đá đã được chạm trổ thành những hình ảnh có vẻ đẹp tuyệt vời thông qua độ chính xác và độ tinh xảo gần như hoàn hảo. Nghệ thuật Gupta đã trở thành hình mẫu cho các thế hệ sau này và mang tầm ảnh hưởng rộng lớn khắp cả châu Á.

Các hiện vật từ thời đế quốc Pala (thế kỷ VII-XII) cũng là một phần quan trọng trong triển lãm. Các vị vua Pala là những người ngoại hộ vĩ đại của cả Phật giáo Đại thừa và Kim cương thừa. Các vị Bồ-tát như Avalokiteshvara và Manjushri được khắc họa chung với Đức Phật Shakyamuni lịch sử. Mặc dù không rõ các vị vua Pala có phải là Phật tử hay không, nhưng Phật giáo và nghệ thuật của giai đoạn này đã phát triển mạnh; những người hành hương Phật giáo, các vị tu sĩ và sinh viên từ khắp châu Á đến chiêm bái các thánh tích gắn liền với cuộc đời của Đức Phật, cũng như đến tham học tại nhiều tu viện và trường đại học Phật giáo ở Ấn Độ. Vì vậy, phong cách của thời đại Pala đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật Phật giáo của Miến Điện, Nepal, Tây Tạng, Shrivijaya và cả Java.

Cũng vào thời điểm này, cuộc đời Đức Phật đã được hệ thống thành “Tám sự kiện vĩ đại”: đản sinh, chiến thắng ma quân, thành đạo, chuyển pháp luân, thể hiện thần thông ở Shravasti, trở về từ cõi trời Đao lợi (Trayastrimsha), thuần hóa voi dữ, thọ nhận sự cúng dường mật ong từ khỉ và nhập Vô dư y Niết-bàn.

Kim Cang thừa đã bắt đầu phát triển mạnh vào thế kỷ thứ V với nhiều loại hình nghi lễ và các hình tượng trong Phật giáo cũng trở nên đa dạng hơn. Các bức tượng và tranh vẽ của chư Phật và Bồ-tát, các vị thần với nhiều khuôn mặt và cánh tay là sự kết hợp giữa Ấn giáo, Phật giáo và đạo Bon của Tây Tạng. Một số hình ảnh minh họa màu sắc sống động trong một số bản kinh cổ của Phật giáo cũng được tìm thấy trong phòng trưng bày.

Trong cuộc triển lãm, chỉ có một hiện vật thể hiện quang cảnh nhập Niết-bàn của Đức Phật tại Kushinagar. Ngài nằm nghiêng bên phải trong tư thế sư tử giữa hai cây sa-la. Vị thị giả tận tụy Ananda đang ngồi kế một bên, và mặc dù không thể nhìn thấy khuôn mặt của ngài, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được sức nặng của nỗi buồn đang bao trùm lấy ngài, một lần nữa khiến chúng ta nhớ lại những lời di huấn cuối cùng của Đức Thế Tôn trước khi nhập diệt: “Tất cả các pháp hữu vi đều là vô thường. Hãy cố gắng tinh tấn để giải thoát”.

Tâm Tuệ dịch

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin