Tư liệu luật sư đại diện Làng Mai gửi cho sân khấu IDECAF
Nghệ sĩ Thành Lộc viết trên trang cá nhân: "Chúng tôi đã tìm ra được tư liệu vô cùng quý giá, đó là bản in sách Việt ngữ kịch bản Cậu Đồng được xuất bản vào năm 1958 tại Sài Gòn với lời tựa được viết từ năm 1953, do vậy mà may mắn biết được người phóng tác vở kịch này là ai. Xin được trang trọng giới thiệu niềm hoan hỉ này cùng mọi người".
Mới đây, Cậu Đồng đã được dàn dựng lại và nhanh chóng trở thành vở diễn đinh và rất hút khách hiện nay ở sân khấu Idecaf. Trên poster vở kịch Cậu Đồng cũng đã chỉnh sửa "Dịch giả và chuyển thể Việt hóa: thiền sư Thích Nhất Hạnh".
Cậu Đồng là một trong những vở diễn gây dấu ấn ở sân khấu Idecaf, được ra mắt lần đầu vào năm 1998 qua bàn tay đạo diễn của NSND Trần Minh Ngọc.
Theo nghệ sĩ Thành Lộc, sân khấu sưu tầm được kịch bản này từ một bản đánh máy đã cũ có từ trước năm 1975 nên tên người viết cũng chỉ để khuyết danh, nội dung có gốc từ một vở hài kịch cổ điển Pháp (Le Tartuffe của Molière).
Cậu Đồng lấy bối cảnh năm 1927, trong gia đình của ông Phán. Ông Phán bỗng nhiên tin thánh, mộ thánh và rước cậu Đồng vào nhà để mọi người học hỏi theo… đức hạnh của cậu.
Vì sự sùng bái, mê tín của ông Phán và bà nội khiến cậu Đồng nhanh chóng được kính trọng và làm mưa làm gió trong nhà. Ông Phán quên cả vợ con, nhất nhất chỉ tin cậu Đồng.
Dần dần cậu Đồng lấn át cả ông Phán, tự cho mình quyền cấm cửa những ai mà cậu không thích và xoay chuyển mọi việc trong nhà theo ý mình. Điều đó làm vợ con ông Phán ức chế và quyết tâm vạch mặt sự ranh ma, láu cá của cậu Đồng…
Nói về vở diễn, đạo diễn Trần Minh Ngọc chia sẻ: "Kịch thời cổ điển có thể hơi quá lên một tí, có thể có những cái không thực tế nhưng xét về tính thời sự thì đến hôm nay vẫn có những vấn đề còn nóng bởi sự lừa lọc, mê tín vẫn tồn tại".
Nào chỉ là mê tín dị đoan, trong đời thực bao nhiêu kẻ lừa lọc, gian trá đã dùng mánh khóe của mình đạp đổ người khác, lừa mị thiên hạ để đoạt lợi. Và sự u mê của con người chính là kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng, lộng hành.
NSƯT Hữu Châu (vai ông Phán) và NSƯT Thành Lộc (vai cậu Đồng) - Ảnh: L.Đoan
Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu Idecaf - cho biết sân khấu nhận được tin nhắn từ luật sư Dương Liên - đại diện các việc liên quan đến bảo vệ bản quyền sách, thư pháp, nhạc của thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Làng Mai tại Việt Nam.
Cô được các sư cô thông báo về việc nghiên cứu tái bản cuốn kịch bản Việt hóa Cậu Đồng nên tình cờ tìm ra được tư liệu cũ.
Ông Tuấn cho biết hết sức bất ngờ về việc này và rất vui, hạnh phúc vì tìm ra người chuyển thể là vị thiền sư đáng kính. Luật sư đại diện bày tỏ mong muốn tác phẩm vẫn tiếp tục được biểu diễn.
Phía Idecaf cũng đang đề nghị phía đại diện của thiền sư nhanh chóng đăng ký bản quyền tác phẩm và đã nhanh chóng thảo hợp đồng xin phép được tiếp tục sử dụng tác phẩm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tác quyền.
Tư liệu của luật sư gửi đến sân khấu Idecaf là bìa sách ghi Cậu Đồng, Việt hóa hài kịch Le Tartuffe của Molière. Trong phần lời tựa có ghi: "Chúng tôi chỉ muốn nêu ra đây một vài sự thực về tín ngưỡng để những nhà nhiệt tâm về nền đạo chân chánh thấy rõ mà lo.
Chính đó là những con trùng độc hại nhất đang hủy diệt Chánh pháp, những quái vật mà một số người, vô tình hoặc hữu ý, đã nuôi cho sống.
Mong rằng chính quần chúng sẽ ủng hộ những nhà truyền đạo chân chánh trong công việc quét sạch những màn đen nguy hại đó, cho ánh sáng TIN TƯỞNG căn cứ trên TRÍ TUỆ được chiếu sáng và cho nền đạo chân chính được hiển hiện rõ như một vì tinh tú xán lạn dẫn đường nhân loại".
Phía dưới tựa ghi Lâm Viên, Mùa xuân Quý Tỵ, Nhất Hạnh. |
Linh Đoan / Tuổi Trẻ