Chi tiết tin tức Bồ-tát đi rồi... 22:07:00 - 09/03/2018
(PGNĐ) - Tết năm nay cũng như bao năm khác, và cũng như những Phật tử khác, cô đến chùa lễ Phật và chúc Tết chúng tôi nhân dịp đầu xuân...
Thế nhưng, khác với mọi năm, lần này tôi tiễn cô ra về mà nghe lòng bâng khuâng. Có cái gì đó buồn buồn len lỏi trong tâm hồn, mơ hồ không thể diễn tả thành lời.
Cô là một Phật tử thuần thành, yêu kính chư Tăng Ni và rất có tâm với đạo. Cô không có trình độ cao mà chỉ đến với Phật pháp bằng tình cảm chân thành và niềm tin trong sáng. Sự chân thành và trong sáng ấy được thể hiện cụ thể trong cách cô yêu kính Đức Phật và các vị Bồ-tát, trong cách cô lễ lạy các thánh tượng. Tết này, sau khi hướng dẫn cô lạy Phật trên chánh điện xuống, tôi hỏi thăm rằng có phải là cô không được khỏe? Cô cười vui, nói rất khỏe và hỏi tôi tại sao lại hỏi vậy. Tôi nói rằng vì thấy cách cô lễ lạy không giống như trước đây. Ngày trước, có bao nhiêu bàn thờ cô đều lạy hết, không bỏ sót vị Phật hay Bồ-tát nào, mà lạy cũng rất “kỹ”. Còn bây giờ, cô chỉ lạy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa, mà cách lạy cũng không được thành kính cho lắm. Nghe vậy cô cười tươi giải thích rằng, gần đây cô được một số quý thầy giảng dạy rằng không có Bồ-tát gì cả. Những vị Bồ-tát như Quán Thế Âm, Địa Tạng, Văn Thù… chỉ là biểu tượng. Mỗi vị tượng trưng cho một đức tính trong tâm của mình. Cũng không có cõi Tây phương Cực lạc cũng như Đức Phật A Di Đà. Phật A Di Đà chỉ là vị thần nào đó của người Hy Lạp được đưa vào Phật giáo sau này mà thôi. Quý thầy ấy cũng dạy rằng đạo Phật chủ trương tự lực, cho nên mọi hình thức cầu nguyện đều là mê tín. Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Chúng ta lạy Phật không phải để cầu xin việc gì mà là cách để tri ân, như người học trò tri ân người thầy giáo dạy học vậy. Còn đối với việc tụng kinh thì không phải tụng cho Phật nghe, mà là tụng để hiểu ý nghĩa của kinh. Cho nên chúng ta cũng không cần phải y áo lên chánh điện tụng, mà có thể… nằm võng đọc cũng được. Miễn là mình hiểu rồi áp dụng trong đời sống hàng ngày. Tôi nghe cô nói như vậy thì cũng chỉ biết mỉm cười và chúc cô tu hành tinh tấn, vì thật ra những điều cô nói vốn đâu có gì sai. Chỉ có điều này tôi chưa thông suốt là, trong khi Phật giáo chúng ta coi việc cầu nguyện là mê tín, là xa rời đạo Phật gốc, thì các tôn giáo khác lại rất phát huy sự cầu nguyện. Nếu cho rằng cầu nguyện là nguyên nhân làm cho một tôn giáo suy tàn thì lẽ ra các đạo thiên về cầu nguyện (thuộc Nhất thần giáo) đã suy tàn từ lâu rồi, vì họ hầu như đâu có làm gì nhiều ngoài việc cầu nguyện. Nhưng thực tế ngược lại, họ ngày càng có đông tín đồ. Hàng ngàn năm nay tổ tiên ta vẫn niệm Phật, vẫn tu theo pháp môn Tịnh độ, vẫn tín ngưỡng Phật A Di Đà và chư Bồ-tát thì có sao đâu. Phật pháp vẫn phát triển bình thường, đi vào lòng người, trở thành tôn giáo của dân tộc, mang lợi lạc đến cho nhân sinh. Bây giờ ta đua đòi khoa học, chứng tỏ mình là dân trí thức rồi phân tích cái này, phủ nhận cái nọ. Tiến bộ đâu không thấy mà chỉ thấy làm cho lòng người hoang mang. Tôi nghĩ rằng cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh muôn đời của con người, và cũng chỉ có con người mới biết cầu nguyện (con vật không biết). Tôn giáo mà tách rời nhu cầu tâm linh này thì chỉ là một tổ chức xã hội bình thường, không còn hấp dẫn nữa, là tự mình giết mình. Nhớ lại trước đây có lần cô đến chùa, thấy tượng Bồ-tát Quán Thế Âm mới thỉnh về còn để ở thềm bị mưa tạt vào, cô liền đem cái áo mưa ra che cho tượng, nói rằng “thương Ngài quá, sợ Ngài lạnh”. Tôi thấy vậy vừa tức cười, vừa thương tấm lòng trong sáng của người Phật tử. Thế nhưng, nếu như bây giờ có tượng Bồ-tát bị mưa tạt như vậy thì chắc là cô sẽ không lấy đồ che cho Ngài nữa. Bởi đơn giản là… Bồ-tát đã đi rồi. Thích Trung Hữu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |