Chi tiết tin tức

Lời khai thị năm xưa

22:36:00 - 02/02/2019
(PGNĐ) -  Khi tôi còn là chú bé, mỗi khi chán học, ngán chơi, thường hay rủ đám bạn vô chùa. Khái niệm chùa của chúng tôi khi ấy là nơi đó có mấy ông thầy sống thầm lặng, an nhiên trong hồi chuông nhịp mõ mặc cho cuộc đời có vội vã ngoài kia. 

Mỗi lần đến chùa, có vị sư già mà ai cũng quen gọi là thầy Cả (lúc nào cũng khăn rằn vắt vai, miệng nhai trầu bỏm bẻm) luôn để dành cho chúng tôi nào là bánh trái đủ loại. Bọn trẻ lém chúng tôi thường xin thầy cho ra quét dọn khu vườn tháp để được thầy lì xì, tuy không nhiều nhưng đủ đổi những que kem hay các món quà quê bình dị. 

 

vithayoque.jpg
Nếp sống bình dị của các nhà sư chốn quê - Ảnh minh họa

Chúng tôi hay đùa với nhau, chê rằng “ông thầy dễ bị mình gạt” nhưng đâu ngờ chúng tôi mới là người dễ dụ. Hấp dẫn hơn cả là những câu chuyện huyền bí, mỗi câu chuyện được thổi hồn từ giọng trầm trầm rồ rồ của thầy. Lắm lúc chúng tôi giật mình khi giữa câu chuyện thầy đột nhiên đằng hắng khạc trầu. Chúng tôi đã lớn lên với nhiều kỷ niệm về người thầy đầu tiên ấy. Những câu chuyện kể kèm theo những lời dạy không đầu không cuối đã giúp chúng tôi vững chãi hơn trên đường đời.

Có lần thầy đã tạo một nút thắt trong lòng tôi, cho đến hôm nay mới tự mình giải được khi đã nương mình trong nếp sống nhà Phật. Thầy bảo: “Ai cũng nói, người tu là người đi ngược với thế gian. Nào phải!”. Thầy để lửng câu nói ấy, tôi cũng chẳng buồn hỏi vì sao không phải. Bởi lúc ấy tôi vẫn là đứa nhóc, đâu màng chuyện ngược xuôi của người tu, cũng đâu nghĩ rằng đứa trẻ này sẽ có ngày trở thành người tu nép mình trong thiền môn, theo nếp sống nhà Phật cả cuộc đời. Lúc đấy tôi chỉ cần vào chùa có bánh trái, quét tháp để được lì xì, bấy nhiêu thôi cũng đủ bình yên và hấp dẫn tôi đến chùa.

Giờ nhớ lại lời khai thị của thầy còn bỏ lửng năm xưa: Nào phải người tu là người đi ngược lại với thế gian. Vì sao vậy? Theo quy luật, nếu cái gì đi ngược lại sự vận hành của tự nhiên thì sẽ bị đào thải, không thể tồn tại và phát triển. Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển trải dài hơn 26 thế kỷ, điều đó chứng tỏ Phật giáo thích ứng với thế gian. Nếu nói hình thức đầu tròn áo vuông với nếp sống khắc khổ trong nhà thiền là đi ngược với thế gian, thì đấy là nhận định sai lầm. Vì sao? Phật giáo nói chung, giới Tăng sĩ nói riêng là một thành phần của tổng thể xã hội. Trong tổng thể ấy mỗi thành phần đều có một đặc thù riêng. Khi nào một vị Tăng sĩ khoác chiếc áo thế tục, đặt chân đến những nơi không dành cho mình thì đó mới ngược với thế gian.

Người tu khác ở thế gian ở chỗ ý thức sâu sắc đời sống của mình để chuyển hóa. Như ăn ngon thì ai cũng thích nhưng phải sát sinh hại vật. Chính những món ngon này sẽ kết nghịch duyên làm chướng ngại lộ trình tu tập nên chúng ta từ chối chỉ ăn chay lạt, vừa an vui vừa nhẹ nhàng, thế là giải thoát. Đứng trước một sắc đẹp cũng vậy, ai cũng sẽ bị cuốn hút, dù Tăng hay tục. Nhưng ý thức rằng chính sắc đẹp này là sợi dây ràng buộc sinh tử, là nhân khổ đau luân hồi nên ta từ chối để tìm về cái đẹp của sự an tịnh tâm hồn bằng con đường Giới-Định-Tuệ. Người tu và thế gian chỉ cách nhau bởi ranh giới của sự ý thức ấy, chứ nào có ngược lại với thế gian!

Con đường học Phật là một con đường tỉnh thức, tỉnh thức để nhận ra những giá trị an lạc và giải thoát khổ đau. Tự tại trong buộc ràng vây bức, tìm ra được những giá trị cao đẹp ngay trong cuộc sống phức tạp này. Có những lúc trực nhận Đức Phật chỉ quanh đây, khi cảm giác an lạc dâng đầy. Cảm ơn đời luôn còn có những niềm vui để ta đi qua những bão giông mà vẫn thấy đời là hạnh phúc!

Dưới cơn mưa mùa hạ

Nhớ người Thầy năm xưa

Khăn rằn vắt trên vai

Mật trầu đơm khóe miệng

Những bài học đầu đời

Trên con đường tỉnh thức

Thức tỉnh một cuộc đời...

Chơn Khánh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin