Chi tiết tin tức

Thân thương bánh chưng

07:43:00 - 24/01/2014
(PGNĐ) -  Vậy là đã hai mươi ba tháng Chạp, tôi cố tình không nghĩ gì khi đi qua cửa hàng bánh chưng của ông bà lão đầu hẻm. Dường như ông bà cũng bận rộn hơn, tiếng cười và cả những bước chân già cũng vội vã hơn.
Hình như Tết đến và niềm vui được làm những chiếc bánh chưng, được góp một phần nhỏ bé vào không khí Tết cho mọi người cũng làm ông bà như trẻ lại, nhanh nhẹn, phấn chấn và cẩn thận hơn. Lúc sáng, khi vừa dắt xe ra thì bà cụ đã đon đả bảo, này, hai bác dành cho cháu mấy cặp bánh chưng xanh ngon lắm. Tối làm về ghé lấy nha. Tết nhất đến nơi rồi, cũng phải có cái không khí Tết trong nhà chứ. Thực ...
 
than-thuong-banh-chung
Vậy là đã hai mươi ba tháng Chạp, tôi cố tình không nghĩ gì khi đi qua cửa hàng bánh chưng của ông bà lão đầu hẻm. Dường như ông bà cũng bận rộn hơn, tiếng cười và cả những bước chân già cũng vội vã hơn. Hình như Tết đến và niềm vui được làm những chiếc bánh chưng, được góp một phần nhỏ bé vào không khí Tết cho mọi người cũng làm ông bà như trẻ lại, nhanh nhẹn, phấn chấn và cẩn thận hơn.

Lúc sáng, khi vừa dắt xe ra thì bà cụ đã đon đả bảo, này, hai bác dành cho cháu mấy cặp bánh chưng xanh ngon lắm. Tối làm về ghé lấy nha. Tết nhất đến nơi rồi, cũng phải có cái không khí Tết trong nhà chứ. Thực ra, không khí Tết trong căn phòng trọ mười mấy mét vuông ấy của tôi chẳng có gì nhưng trong lòng thì lại bộn bề lo toan suy nghĩ. Bởi đây là năm đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà. Nhìn hai cặp bánh chưng xanh vuông vắn trên bàn mà lòng tôi cứ rưng rưng nhớ những ngày Tết xưa, nơi xóm nghèo heo hút của vùng biển quanh năm sóng cát quê mình. Nơi có bà nội tôi, cha mẹ và em trai cùng những người họ hàng thân thích.

Tôi vẫn còn nhớ như in những ngày cuối năm ấy, khi tôi đang học lớp 9 trường làng. Buổi trưa tan tầm, mẹ đi chợ về mua bao nhiêu là thứ đồ dùng chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Thôi thì đủ cả, từ măng khô, miến dong riềng, đậu tằm, mộc nhĩ, thịt heo, cá tươi để nướng… Nhưng cái làm tôi chú ý nhất là hai bó lá dong xanh mướt mà. Đây là loại lá dong nếp, được lấy từ vùng miền núi bên tận Đồng Nai rồi theo tư thương mang xuống đây. Lá dong là đặc trưng của những phiên chợ áp Tết vì bình thường ít khi mọi người dùng tới nó. Nhìn bề ngoài, chúng chẳng khác lá dong riềng có hoa màu đỏ tía hay mọc ở những bờ dậu rào nhà tôi là bao. Nhưng nghe mẹ nói, đây là lá dong nếp, lấy ở trên rừng chứ lá dong tẻ thì khô giòn, dễ gãy nên không dùng gói bánh chưng được.

Sau khi mẹ mua về, ba đem ngâm bó lá dong vào trong bể nước mưa ở góc sân rồi nhìn tôi cười vui vẻ nói, ngày mai nhà mình gói bánh chưng, chuẩn bị đi để mai ba dạy cách gói, từ nay về sau cứ thế mà làm. Nghe ba nói tôi mừng rơn. Với tôi ngày ấy, được gói những chiếc bánh chưng xanh vuông vức cho cả gia đình trong dịp Tết là một việc làm hết sức to lớn và có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ôi những chiếc bánh chưng xanh có đậu tằm, có gạo nếp và cả chiếc lạt giang màu hồng rất đẹp để buộc thắt ngang.

Với tôi ngày ấy, đó là công việc vô cùng thích thú. Hôm sau, tôi dậy từ sáng sớm, chả buồn ăn sáng mà chỉ chăm chú vào việc chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà tôi hồi ấy có năm người, gồm bà nội, bố mẹ và hai chị em tôi nên ba nói sẽ gói hai mươi cái. Đầu tiên là chuẩn bị lá dong. Sau khi đo đạc cẩn thận từng chiếc lá sao cho khớp với khuôn bánh, tôi dùng dao

sắc cắt vuông vắn những chiếc lá xếp trên cái nong to tướng đặt ngay giữa sân. Trời mùa xuân hanh hao và ấm áp, chú mèo con không hiểu sao bữa nay cứ quấn lấy chân không rời làm tôi suýt cáu lên.

Sau đó là gạo nếp và đậu tằm được mẹ ngâm từ đêm hôm trước rồi đem vo kỹ cho vào hai cái rá to để ráo nước. Ba tôi ngồi trên hè vừa chẻ lạt giang vừa hướng dẫn tôi cách gấp lá và gói bánh. Bà nội ngồi bên cạnh nhai trầu rồi kể chuyện ngày xưa, chuyện chàng Lang Liêu gói bánh dâng vua… Mọi người đều quây quần bên chiếc nong đựng đồ để gói bánh chưng, không khí gia đình sao mà đầm ấm và thân thương quá đỗi.

Buổi tối, khi ba nhóm lửa thì tôi và mẹ cẩn thận xếp bánh vào nồi. Khi xếp không quên đặt dưới đáy nồi những cuống của lá dong để lửa khỏi bén vào bánh. Khi mùi khói thơm thơm cay nồng bốc lên thì trời cũng sâm sẩm tối. Cả nhà lại quây quần bên bếp lửa hồng nghe nồi bánh chưng sôi ùng ục với một nỗi lòng vui vui khó tả. Có lẽ cái cảm giác thức đêm ngồi canh nồi bánh chưng là cảm giác hạnh phúc nhất của tôi trong những năm tháng ấu thơ ngày ấy. Mặc dù buồn ngủ nhíu cả mắt nhưng hai chị em chúng tôi đều không chịu đi ngủ. Và dù nội có dỗ dành là cứ ngủ một chút đi rồi đến lúc vớt bánh là nội gọi dậy thì chúng tôi cũng cố căng mắt nhìn nồi bánh sôi ùng ục trên ngọn lửa hồng ấm áp. Năm nào cũng thế, chuẩn bị đến giao thừa là nhà tôi bắt đầu vớt bánh chưng ra khỏi nồi. Ba chọn những chiếc bánh đẹp nhất đặt lên bàn thờ, còn hai chị em chúng tôi háo hức ăn chiếc bánh ống nhỏ hơn.

Rồi tôi cũng xa nhà, xa cái làng quê nhỏ bé ven biển để hòa mình vào phố phường Sài Gòn hoa lệ. Hai mươi ba Tết âm lịch năm nay, trời vẫn nắng gió chang chang chứ chẳng hanh hiu như xứ biển quê mình. Cầm chiếc bánh chưng mua ngoài tiệm, chẳng khác những chiếc bánh tôi từng tự tay gói là bao mà vẫn cảm thấy đau buốt lồng ngực và nao nao trong lòng một cảm giác bồn chồn. Kỷ niệm ngày xưa như những chiếc lạt mềm cứ thiết vào tôi, nhức nhối.

Đâu còn hình ảnh cả nhà ngồi bên nồi bánh chưng bập bùng lửa đỏ đêm giao thừa đợi nồi bánh chưng sôi ùng ục vì hai chị em mỗi đứa một nơi. Và tôi bâng khuâng tự hỏi, năm nay con không về còn nội đã đi xa mãi mãi, nơi quê nghèo ba sẽ gói bao nhiêu chiếc bánh chưng xanh? „„■

Tạp Chí Văn Hóa phật Giáo số 142 | HOÀNG  THỊ  GIANG
 

vanhoaphatgiaoblog.com

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin