Chi tiết tin tức

Xuân về đối trước “vô ngôn”

21:15:00 - 10/02/2016
(PGNĐ) -  Một năm khởi đầu từ mùa xuân, vạn vật luân chuyển hồi sinh sau những tháng đông lạnh lẽo. Cho dù không gian mùa xuân nơi giang sơn gấm vóc “tấc đất ngàn thoi” hình chữ S của ta có đôi chút riêng biệt: Khi xuân phương Nam trải dài màu nắng vàng mơ dịu dàng, thì xuân phương Bắc lại mưa phùn gió bấc. 

Mưa bay phiêu diêu trong hương xuân ấy vẫn còn chút heo may lạnh giá cuối đông. Nhưng dù xuân phương nào cũng là xuân đoàn viên sum họp từ những mái ấm gia đình và bữa cơm mẹ nấu chiều 30 Tết với biết bao nỗi niềm chào đón thời khắc Giao thừa mầu nhiệm ngập tràn hy vọng ngất ngây của sự Khởi đầu thấm đượm ước mơ tươi mới ngay cả trong dòng chảy mưu sinh nhọc nhằn ồn ã. Rồi chợt nhớ hai câu thơ rất đỗi tài hoa của thi nhân Bùi Giáng:
 

Ta chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

 

Thật lạ! Ở giữa con đường xuân mà lại thấy cả “mùa xuân phía trước” và mùa xuân “miên trường phía sau” nữa. Vậy là Tam thế Chư Phật… đều Xuân cả rồi. Phải chăng Bùi thi sĩ đã nói tới cái TÂM XUÂN và “đánh thức” nó: Hãy trở dậy trong mùa xuân này nhé, và hành thiền trong từng bước đi tỉnh thức, hướng về nẻo thiện, xây dựng cuộc sống hôm nay dẫu còn nhiều bất ổn và khổ đau bằng năng lượng từ bi trí tuệ với tình yêu thương và biết tha thứ… nhất tâm chính niệm để thả lòng phơi phới trong ánh đạo vàng mầu nhiệm kinh văn lời Phật dạy: Tâm dẫn đầu mọi hành động, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Vậy phải để cái “tâm” ở đâu mới được bình an? Trở lại chuyện xưa: Huệ Khả cầu Tổ Bồ Đề Đạt Ma để được an tâm. Tổ bảo đưa tâm cho Ngài, Ngài sẽ an cho. Huệ Khả tìm tâm không thấy đâu… liền Ngộ. Sách Thần hội ngữ lục chép chuyện Vương Duy - Một nhà thơ trứ danh thời thịnh Đường (năm 699), đời Võ Hậu, đến Nam Dương tham vấn Sư Thần Hội về tu đạo giải thoát, Thần Hội bảo: Tâm vốn tự thanh tịnh. Nếu khởi tâm tu tập thì đó là vọng tâm rồi, chẳng thể giải thoát. 
 

Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo đã giảng dạy các cách đối trị nhằm hóa giải các vấn đề, ví dụ để chữa “bệnh” tham, sân, si của con người, đức Phật trị liệu bằng toa thuốc 
 

Giới - Định - Tuệ … Điều đức Phật quan tâm hơn là sự ứng dụng giáo lý có hiệu quả, đem lại sự bình an và lợi ích cho con người. Và các buổi thuyết giảng của đức Phật cũng chỉ như những cuộc trò chuyện ân cần. Với tinh thần và phương pháp giảng dạy như thế, trong suốt 45 năm giáo hóa, từ vườn Lộc Uyển đến rừng Câu Thi Na, với nhóm đệ tử đầu tiên là năm anh em Ngài Kiều Trần Như đến người đệ tử cuối cùng là Tu Bạ Đà La.
 

Trong các chuyến du hóa của đức Phật, sự diễn đạt của Ngài cho thính chúng nghe trong bất cứ ngôn ngữ nào, âm thanh của Ngài cũng nhẹ nhàng trong trẻo, nhịp nói lưu loát nên lời nói ấy được gọi làm Viên âm. Sự tích này còn được truyền tụng: Dù đức Phật nói nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng người nghe có cảm giác như Ngài đã dùng các thứ tiếng trong cùng một lúc vậy. Sự linh diệu đó đã khiến Bồ Tát Long Thọ suy ngẫm và sửng sốt xưng tán rằng: “Lạy đức Thế Tôn, Ngài không thốt ra một lời nhưng tất cả đệ tử của Ngài đều được thấm nhuần mưa pháp”. Đây là một trong những điều đáng chú ý nhất mà người ta có thể xem gần như là một phép lạ.
 

Cũng cần nói thêm rằng, vào thời đức Phật tại thế, cách đây hơn 25 thế kỷ, phương pháp giảng nói của Ngài chỉ là phương pháp khẩu tụng: Sau khi đức Phật nói lời khai thị nào thì hội chúng nhắc lại kim ngôn ấy, hết câu này tới câu khác, rồi nhớ kỹ và truyền lại cho những người khác, gọi là khẩu truyền. Sau khi Phật khuất bóng khoảng hơn 100 năm, giới xuất gia mới họp đại hội để kết tập lời Phật dạy, và cũng chỉ …. hợp tụng kim ngôn. 

Vì phải đến thứ kỷ thứ III trước Công nguyên thì chữ viết mới xuất hiện ở Ấn Độ. Đó là lịch sử. Mặc dù  vậy, người ta cũng không thể nghi ngờ về tính chính xác của nó, bởi sự nhất quán và xuyên suốt trong các lời dạy của đức Phật, chính là sự BẢO CHỨNG cho những gì được ghi chép lại trong giáo điển truyền lại, vì ngoài đức Phật không một tác giả nào có thể ngụy tạo được những tác phẩm đồ sộ, sâu xa và nhất quán đến như thế. 

Hết thảy giáo pháp ấy, tính đến năm 2016 có Phật lịch 2560 là 2605 năm được hoằng truyền tại thế gian vẫn thể hiện là một giáo pháp “Bất ly thế gian giác” - nghĩa là với thời gian 2605 năm đạo Phật đã không xa rời thế gian để giác ngộ thế gian vì giáo lý ấy luôn điều  hợp mình theo mọi nhu câu của các thời đại, các dân tộc, không chỉ thích ứng mà còn soi sáng cho các nền văn minh khác nhau. Và khả năng áp dụng tính vượt trội thời gian đó đã hiện hữu trong nhiều thế kỷ khiến người ta đi tới một khẳng định đây là một giáo lý “không thời gian” được gọi là “AKÀLIKA”, cũng gọi là Vô thường. Khái niệm “Vô thường” này được  biết tới ngay trong giây phút đức Phật đản sinh: Sau bảy bước trên sen báu, Ngài đã tuyên thuyết một bài kệ, với hai câu cuối nói về chân lý tối hậu này:
 

Nhất thiết thế gian

Sinh - lão - bệnh - tử.

 

Khi thành Phật, đức Từ Phụ còn luôn nhắc các đệ tử rằng: “Dấu chân voi là dấu chân lớn nhất; tư tưởng vô thường là ý niệm quan trọng mà người phật tử phải suy tư”. Vậy Vô thường - AKÀLIKA là gì? Là không bình thường, luôn đổi thay; hàm ý khẳng định về sự biến đổi không ngừng của vạn sự vạn vật, chứ không chỉ riêng con người. Vô thường ấy là “Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô” (cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời) là của sư Vạn Hạnh (? - 1018) nói về vạn vật. Còn “Lão tòng đầu thượng lai” (trên đầu già đến rồi) của Mãn giác Thiền sư (1052 - 1096) nói về đời người. Nhưng vô thường cũng không hẳn là … dấu chấm than; nó còn tiềm tàng một sự khởi đầu mới, như lịch sử tiến hóa của nhân loại qua các nền văn minh là chân lý vô thường; là sự vận hành để trở thành cái mới: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” (Hồ Chí Minh), nó là đạo sống, là “cây đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt)… Là chân lý, nên nó tồn tại khách quan mà “Đức Phật dù xuất hiện hay không xuất hiện ở đời thì nó vẫn luôn vận hành như vậy” (Tương ưng bộ Kinh - Chương I, phẩm 2, trang 51). Ý này cho chúng ta thấy đức Phật không hề tạo dựng ra chân lý mà chỉ là người thấy được chân lý, rồi từ đó chỉ ra con đường trí tuệ để mọi người cũng thấy được như Ngài.
 

Việc thấy được quy luật cũng là một sức mạnh của nhận thức Phật giáo gọi là TUỆ NHÃN. Thế nên mặc cho Xuân tới rồi Xuân đi, nhưng cái TÂM XUÂN “miên trường” vẫn thường còn trong trẻo, cái tâm xuân đang thấp thoáng trong khung trời kia:
 

“Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết

Kim niên Kế Bắc tuyết như mai”

 

Năm ngoái Kinh nam mai như tuyết / Năm nay Kế Bắc tuyết như mai. Vâng, những bông mai trắng như tuyết muôn đời vẫn nở cứ mỗi độ xuân về. Vô ngôn!

 

Xuân Bính Thân - 2016

Pháp Vương Tử
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 1/2016

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin