Chi tiết tin tức “Kỷ cương – trách nhiệm – hội nhập – phát triển” – Bốn điều kiện cần và đủ để phát triển một cá nhân cũng như một tổ chức Phật giáo trong thời hiện đại 20:49:00 - 04/12/2022
(PGNĐ) - Bài viết “Kỷ cương – Trách nhiệm – Hội nhập – Phát triển” – Bốn điều kiện cần và đủ để phát triển một cá nhân cũng như một tổ chức Phật giáo trong thời hiện đại của Ni sư Thích Nữ Huệ Đức – Phó Thư ký Phân ban Ni giới Trung ương. Đây là bài tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) từ ngày 27-29/11/2022.
DẪN NHẬP Trong bối cảnh xã hội ngày nay, đất nước đang phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hướng đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó, mục tiêu cốt lõi nhằm giải phóng con người khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện. Nhờ đó, đất nước không ngừng đổi mới trên mọi phương diện. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam cũng thay đổi linh hoạt để tồn tại và phát triển, như lời khẳng định của Hòa thượng Thích Trí Thủ: “Mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hòa giữa đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của Tăng, Ni và đồng bào Phật tử theo lời Phật dạy. Chúng ta quyết tâm củng cố hàng ngũ trong nội bộ Phật giáo chúng ta, đoàn kết với các giới đồng bào các dân tộc trong mặt trận đoàn kết toàn dân. Với sức mạnh đoàn kết đó, chúng ta tin chắc rằng sứ mệnh phụng sự đạo pháp và dân tộc, công cuộc đóng góp cho hòa bình thế giới và hạnh phúc nhân loại sẽ được nhiều hiệu quả hơn” [1]. Qua đây, ta nhận thức được rằng: Sự cải cách về phương thức tiếp cận nhân dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một điều tất yếu. Và không thể phủ nhận, tất cả những người xuất gia đang mang trong mình sứ mạng “Hành Như Lai xứ, tác Như Lai sự” và gánh vác một phần trách nhiệm để thực hiện đường hướng của Giáo hội để đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Để làm được điều này, chúng ta cần có hành trang giúp mỗi cá thể trong Tăng đoàn trở thành một pháp khí đóng góp cho Phật giáo ngày một đi lên. Và hành trang thực hiện mục đích cao đẹp đó mà mỗi Tăng Ni cần phải có chính là “Kỷ cương – Trách nhiệm – Hội nhập – Phát triển”. Đây là bốn điều kiện cần và đủ giúp phát triển cá nhân lẫn tổ chức Phật giáo trong bối cảnh xã hội ngày nay. KỶ CƯƠNG Phật giáo Việt Nam với hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc đã không ngừng đổi mới phương thức tiếp cận để giữ vững vị thế của mình trong đời sống văn hóa dân tộc. Đến nay, khi tồn tại giữa bối cảnh xã hội đầy biến đổi với tốc độ nhanh chóng, Phật giáo vẫn tiếp tục đổi mới để phát triển. Tuy nhiên, GHPGVN ý thức rõ dù cần có sự cải cách, sáng tạo trong phương thức tổ chức và hoằng pháp nhưng vẫn phải giữ gìn những giá trị truyền thống mà chư Tổ để lại. Và để thực hiện tốt điều đó, yếu tố đầu tiên Giáo hội hướng đến là nhân tố con người. Vì vậy, trong bốn điều kiện thì kỷ cương được đặt lên hàng đầu. Nhắc đến kỷ cương nghĩa là nói đến tính kỷ luật, nề nếp trong sinh hoạt một tập thể. Đối với Phật giáo, kỷ cương được xây dựng trên cơ sở là giới luật. Điều này đã được Đức Thế Tôn khẳng định vào những giây phút cuối khi Ngài nhập diệt với chúng đệ tử: “Sau khi ta nhập diệt các ông hãy lấy giới luật làm thầy, giới luật còn thì Phật pháp còn” [2]. Vì vậy, có thể nói giới luật quyết định sự tồn vong, thịnh suy của Phật giáo. Cho nên, chúng ta cần tăng cường kỷ cương đối với mỗi cá nhân Tăng Ni trong tập thể Tăng đoàn. Bởi mỗi cá nhân đều mang trong mình sứ mạng “Hành Như Lai xứ, tác Như Lai sự”. Nhưng để thực hiện đúng sứ mạng, làm đúng việc của Như Lai thì phải học và hành giới pháp của Như Lai. Chỉ có như thế mới đem Phật pháp vào đời đúng với di huấn Đức Phật. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc giáo dục giới luật và kiến thức nội điển cho Tăng Ni. Việc làm này sẽ giúp Tăng Ni định hướng nhận thức một cách rõ ràng về vấn đề giải thoát tự thân và độ thoát tha nhân. Và nhận diện rõ hơn trách nhiệm bản thân trong mối quan hệ mật thiết với tổ chức Giáo hội. Về mặt tổ chức Giáo hội, tính kỷ cương được thể hiện qua tinh thần thực thi Hiến chương Giáo hội và nội quy Ban Tăng sự, cũng như các thông tư của Trung ương Giáo hội một cách triệt để và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Về cá nhân Tăng Ni, dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh/thành và các ban, viện Trung ương đã trở thành một bộ phận quan trọng trong các cấp tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh những thành tựu đáng kể trong nhiều nhiệm kỳ, việc quản lý Tăng Ni vẫn còn lỏng lẻo. Hiện nay, một số Tăng Ni chưa ý thức rõ vai trò của mình trong việc trang nghiêm Giáo hội, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín Giáo hội. Những khiếm khuyết này cần nhanh chóng khắc phục nhằm tránh “một con sâu làm rầu nồi canh”. Để khắc phục những điều này, ngoài việc trang bị cho Tăng Ni kiến thức nội điển, cũng như giới luật thông qua các khóa đào tạo, như các lớp luật học hoặc tìm hiểu các pháp Yết ma mà Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh/thành đã tổ chức trong những năm qua; cũng cần có sự giám sát và nghiêm khắc hướng dẫn về tứ uy nghi cho Tăng Ni sinh ngay trong môi trường nội viện, tự viện. Đồng thời, nghiêm chỉnh thực thi những quy luật thiền môn đối với các cá thể phạm giới, làm mất sự thanh tịnh hòa hợp trong Tăng đoàn. Từ đó tạo nên sự đồng bộ, nhất quán trong đời sống nội bộ Tăng đoàn lẫn công tác tổ chức Giáo hội. Từ đây, ta có thể hiểu tại sao nói “kỷ cương” là điều kiện tiên quyết để tổ chức Phật giáo có thể tồn tại và phát triển tốt nhất. TRÁCH NHIỆM Bên cạnh việc tăng cường kỷ cương, yếu tố “trách nhiệm” của mỗi Tăng Ni trong tăng đoàn hay một tổ chức là điều cần phải có. Bởi mỗi tổ chức các cấp của Phật giáo là một tập thể có cơ chế vận hành dưới sự lãnh đạo của Giáo hội. Nói dễ hiểu, Tăng đoàn là một tổ chức hoạt động tôn giáo có cơ chế, quy định, tôn chỉ. Nếu muốn Tăng đoàn ngày một lớn mạnh thì mỗi cá nhân không chỉ đầy đủ giới đức mà còn phải có tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây chính là sự tự giác tham gia các hoạt động nơi tự viện, Giáo hội địa phương đến Trung ương, sẵn sàng dấn thân phụng sự những hoạt động Giáo hội đề ra. Bởi tất cả các hoạt động đó đều không ngoài tinh thần cốt yếu là “hoằng pháp lợi sinh”. Đồng thời, lối sống trách nhiệm cũng thể hiện tinh thần “tri ân và báo ân” của người con Phật. Vì thế cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong mỗi Tăng Ni. Mỗi Tăng Ni cần xây dựng tư duy về lối sống tự giác ngay trong đời sống nội tự, dựa trên cơ sở giáo lý “Lục hòa”. Bởi Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Trung Bộ rằng: “Này các Tỳ kheo, sáu pháp hòa kính cần phải ghi nhớ, tạo thành tương ái, tạo thành tương kính, đưa đến hòa đồng, đưa đến không tranh luận, hòa hợp nhất trí, nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Như vậy gọi là Tăng già thanh tịnh” [3]. Thông qua đó, cần đưa ra những trách nhiệm cụ thể cho từng Tăng Ni, ví dụ trong một tự viện – đơn vị tôn giáo cấp cơ sở của Giáo hội. Đối với vị trụ trì cần phải có tư duy và tố chất của một người lãnh đạo: Lên kế hoạch tổ chức các hoạt động để phát triển ngôi già lam trang nghiêm và phù hợp với bối cảnh xã hội. Giáo dưỡng Tăng Ni chúng và quan tâm một cách công tâm. Đồng thời, có tâm bao dung độ lượng, thấu hiểu cảm thông, nhẫn nại trong việc giáo dục đào tạo Tăng Ni chúng. Biết quan sát nhìn nhận về sở trường của mỗi Tăng Ni chúng, tạo điều kiện cho Tăng Ni thử sức để hoàn thiện về mọi lĩnh vực và nhất quán trong thân giáo, khẩu giáo. Đối với Tăng Ni chúng: Luôn có thái độ tôn kính với Trụ trì và các bậc trưởng thượng; biết tiếp nhận, sửa đổi những lỗi lầm khiếm khuyết của bản thân để ngày một hoàn thiện nhân cách của bậc xuất trần thượng sĩ. Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ được Trụ trì giao phó hay Tăng sai, tuyệt đối không có thái độ chọn việc, đùn đẩy trách nhiệm. Như vậy, ta thấy qua các nguyên tắc được đề ra để xây dựng tinh thần trách nhiệm, bên cạnh giúp Tăng Ni nhận ra và biết cách tạo ra giá trị bản thân thì mục đích sau cùng là khơi dậy lối sống dấn thân, phụng sự trong đời sống tập thể, hướng đến những giá trị tinh thần tốt đời đẹp đạo. Cũng như một cây nở hoa, trăm cây thơm lây như Cổ đức đã từng dạy: “Độc thụ hoa khai, vạn thọ hương”. HỘI NHẬP Nếu “kỷ cương” và “trách nhiệm” là hai điều kiện hướng đến sự hoàn thiện những nhân tố bên trong mỗi Tăng Ni, thông qua việc nhận thức đúng đắn trách nhiệm bản thân trong tu tập và phụng sự đạo pháp, thì “hội nhập” và “phát triển” là điều kiện cần có để đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển vững mạnh, vươn tầm quốc tế. Đầu tiên, “hội nhập” là kỹ năng, phương thức, yếu tố đã được chư Tổ vận dụng vào sự nghiệp tổ chức Giáo hội và hoằng pháp độ sanh từ thuở ban đầu. Minh chứng cụ thể cho thấy tầm quan trọng của chủ động hội nhập trong sự nghiệp phát triển Phật giáo là giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các nhà truyền giáo đã tận dụng những tư tưởng về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa bản địa để làm cầu nối đưa Phật pháp vào đời sống nhân dân. Như Mâu Tử vận dụng tư tưởng Nho – Lão để đối thoại Phật giáo qua tác phẩm “Lý Hoặc Luận”, hay Phật hoàng Trần Nhân Tông tạo nên một thiền phái mang đậm chất Việt Nam với quan điểm “nhập thế”… Chúng ta biết rằng “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Điều này muốn nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa “đạo” và “đời”. Vậy nên, mỗi cá nhân Tăng Ni muốn phát triển bản thân cần “chủ động hội nhập”. Nghĩa là tự thân Tăng Ni phải ở trong tâm thế sẵn sàng, linh hoạt, chủ động tiếp cận, luôn tự tin phát huy tinh thần từ bi và trí tuệ của Thích tử trên nền tảng lấy chánh kiến làm đầu, đặc biệt trong bối cảnh xã hội phát triển theo xu hướng hội nhập. Và để phát huy điều này, chúng ta cần luôn học hỏi, cập nhật những đổi mới của xã hội hiện đại, tận dụng những thuận lợi của sự phát triển công nghệ và kỹ thuật số, cũng như những tư tưởng mới từ các nền văn hóa bên ngoài. Đồng thời, luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động để có cơ hội chứng kiến thực tế xã hội, tiếp cận và mở rộng các mối quan hệ, học hỏi thêm những kỹ năng có ích cho công tác hoằng pháp. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng mở cửa để hội nhập quốc tế như hiện nay, mỗi Tăng Ni cần luôn chánh niệm và chánh kiến khi tiếp cận thế giới bên ngoài, tránh trường hợp sính ngoại, lai hóa, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của Phật giáo Việt Nam, cũng như văn hóa dân tộc. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cũng không thể phủ nhận con người dễ bị chi phối bởi nhiều văn hóa. Nếu không tỉnh giác và chánh niệm thì hội nhập sẽ để lại một hệ quả vô cùng nghiêm trọng trong tương lai. PHÁT TRIỂN Cùng với chủ động hội nhập, điều kiện phát triển bền vững vô cùng cần thiết với một cá nhân hay một tổ chức Giáo hội. Phát triển bền vững là sự phát triển dựa trên cơ sở chánh pháp, lấy từ bi và trí tuệ làm cơ sở y cứ cho sự phát triển bền vững của Phật giáo. Làm sao để vừa có thể tạo ra những giá trị mới có ích cho nhân sinh trong cuộc sống hiện tại, đồng thời phát triển Phật giáo ngày một lớn mạnh, lại vừa phải bảo đảm giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có từ xưa mà chư Tổ đã dày công xây dựng, đảm bảo sự cân bằng trong cơ chế hoạt động của Giáo hội thời kỳ hội nhập. Để làm được điều này, chúng ta cần giữ tâm thế bình tĩnh, xây dựng tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong đời sống tăng thân, có sự thống nhất về lý trí và hành động trong công tác quản lý Tăng sự lẫn công tác hướng đạo. Cần kết hợp nhuần nhuyễn “cương” và “nhu” trong việc làm đạo. Công tác hoằng pháp phải lấy lợi ích của chúng sanh làm đầu, không qua loa hướng dẫn tín đồ tu tập, chạy theo số lượng và quá chú trọng về hình thức, nghi lễ mà bỏ qua tiêu chí “chất lượng”. Để Giáo hội phát triển bền vững thì ngay từ cấp cơ sở, các tự viện phải có kế hoạch quản lý Tăng Ni và hoằng pháp xuyên suốt, cụ thể. Ví dụ: Các khóa tu dành cho Phật tử hay giới trẻ của tự viện cần tổ chức định kỳ, tránh trình trạng đầu voi đuôi chuột, chú trọng truyền đạt giáo lý cho các tu sinh hiểu rõ và sâu lời Phật dạy, hướng dẫn Phật tử ứng dụng giáo pháp vào đời sống thực tế. Điều này sẽ giúp Phật tử thấy rõ lợi ích của Phật giáo trong xã hội nói chung và đời sống tâm linh mỗi cá nhân nói riêng. Và chỉ khi Phật tử thấy được lợi ích thật sự của Phật pháp trong đời sống hằng ngày thì niềm tin của họ mới kiên cố. Niềm tin kiên cố thì Phật giáo mới phát triển bền vững. Có như vậy mới tránh khỏi tình trạng phát triển bộc phát, thiếu kiểm soát dẫn đến thoái trào và để lại nhiều hậu quả lâu dài. Cũng như việc một tín đồ Phật tử mất niềm tin về đạo rồi thật khó để quay đầu trở lại. KẾT LUẬN Tổng quan lại, ta thấy vai trò của “Tăng cường kỷ cương – Đẩy mạnh trách nhiệm – Chủ động hội nhập – Phát triển bền vững” vô cùng quan trọng đối với sự phát triển Phật giáo trong bối cảnh xã hội ngày nay. Bởi bốn điều kiện này đảm bảo hai tiêu chí: Thứ nhất, những Tăng Ni mang trọng trách lãnh đạo các tổ chức Giáo hội phải có đủ tư chất cần có là giới hạnh và tự giác, có nội lực bản thân, tinh thần dấn thân và phụng sự. Những Tăng Ni mang trong mình sứ mạng của Như Lai hoằng truyền chánh pháp phải có đầy đủ cả ba phương diện: Thân giáo – Khẩu giáo – Ý giáo. Vì vậy, việc “Tăng cường kỷ cương – Đẩy mạnh trách nhiệm” sẽ là điều kiện tiên quyết. Thứ hai, Phật giáo hội nhập và phát triển phù hợp với nhu cầu xã hội, nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đặc điểm riêng của Phật giáo Việt Nam. Điều này đòi hỏi các tổ chức Phật giáo phải “tùy duyên nhưng bất biến” trong phương thức tiếp cận của mình. Về phương diện này, điều kiện “Chủ động hội nhập – Phát triển bền vững” sẽ là nhân tố quyết định. Đây thực sự là những điều kiện cần và đủ để cá nhân Tăng Ni hay một tổ chức Phật giáo phát triển vững mạnh trong xã hội hiện nay. Bởi nó đã đi sâu khai phá những tố chất từ vấn đề con người đến việc xác định phương hướng tiếp cận đời sống văn hóa dân tộc. Nó cũng phù hợp với phương châm mà Giáo hội đề ra là “Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa”. Thông qua đây, mỗi Tăng Ni chúng ta cần ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với tổ chức Giáo hội mà bản thân là một phần trong đó. Luôn nỗ lực tinh tấn trau dồi Giới – Định – Tuệ để trở thành một pháp khí có ích cho đạo pháp, cũng thể hiện trách nhiệm với chính bản thân trên con đường giải thoát giác ngộ tự thân, không ngừng học hỏi tiếp nhận những kiến thức tinh hoa nhân loại một cách có chọn lọc để nâng tầm quốc tế. Đặc biệt là phải dấn thân, dụng tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc, bởi Đức Thế Tôn đã dạy: “Này các Tỳ Kheo! Các ông cần phải du hành, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương cho đời, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người” [4].
Chú thích: * Ni sư Thích Nữ Huệ Đức – Phó Thư ký Phân ban Ni giới Trung ương. [1] Trích diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981 do Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đọc tại hội nghị. [2] Thích Tâm Hạnh (dịch, 2019), Kinh Di Giáo, Nxb. Hồng Đức, tr.46. [3] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trung bộ, Nxb. Tôn giáo, tr.576. [4] HT. Thích Minh Châu (dịch, 1998), Trường Bộ Kinh, Nxb. Tôn giáo, tr.499.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |