Chi tiết tin tức

Tham luận vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

21:58:00 - 27/12/2013
(PGNĐ) -   Để bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chùa Thiên Tôn thường xuyên tuyên truyền giải thích, vận động đồng bào người Hoa và nam nữ Phật tử thực hiện chỉ thị 27/CTTW của Trung ương Đảng và các văn bản về việc Cưới, việc Tang và Lễ hội .  
 
 
 
THAM LUẬN
Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”
 
               Kính thưa Đoàn Chủ tịch. 
               Kính thưa quý vị lãnh đạo và quý đại biểu tham dự Tọa đàm
          Trước nhất, tôi xin được tự giới thiệu: tôi là TT Thích Chơn Không thuộc dân tộc Hoa, nhóm ngôn ngữ Hẹ – Phó Trưởng ban Thường trực BHDPT/TPHCM, Trụ trì Chùa Thiên Tôn – Di tích lịch sử TPHCM, xin kính gởi đến quý vị đại biểu lời chào mừng trân trọng và nồng nhiệt nhất.

          Được sự cho phép của Ban Tổ chức Hội nghị, tôi xin trình bày một vài ý kiến về “Việc tập hợp, phát huy khối Đại Đoàn kết toàn dân tộc” và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
          Là cá nhân một người Hoa tiêu biểu, nhận trách nhiệm Trụ trì một ngôi chùa Di tích lịch sử gắn bó với cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tôi luôn chấp hành nghiêm túc các chính sách chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước, tích cực tham gia thực hiện các phòng trào ích nước lợi dân tại địa phương.
          Do đó, chùa Thiên Tôn chúng tôi luôn luôn coi trọng việc tập hợp tuyên truyền hướng dẫn đồng bào người Hoa và nam nữ Phật tử, ý thức hưởng ứng các phong trào của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tại địa phương, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ trong tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn, không phân biệt người Kinh hay người Hoa, người giàu hay người nghèo, người trí thức hay bình dân, tất cả đều bình đẳng như nhau.
          Trong 27 năm qua, mỗi khi Tết đến hoặc mùa Vu Lan về, các nhà hảo tâm và quý Phật tử chùa Thiên Tôn đều nhớ đến những bà con địa phương còn vương cảnh nghèo khó, tích cực đóng góp giúp đỡ trên tinh thần “Chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách”. Đặc biệt quan tâm đến sinh viên học sinh nghèo hiếu học, đồng bào ở các tỉnh bị thiên tai lũ lụt, dù ở miền Trung, miền Tây hay miền Bắc, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ, Phật tử chùa Thiên Tôn vẫn không ngại khó khăn, mang phẩm vật, vượt đường xa đến thăm và giúp đỡ.
          Mặt khác để đóng góp cùng chính quyền và Mặt Trận trong Phường triển khai tốt hơn cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và để bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chùa Thiên Tôn thường xuyên tuyên truyền giải thích, vận động đồng bào người Hoa và nam nữ Phật tử thực hiện chỉ thị 27/CTTW của Trung ương Đảng và các văn bản về việc Cưới, việc Tang và Lễ hội cụ thể như sau:
          1.   Về việc cưới:
          Hôn nhân là việc hệ trọng của cả một đời người, cho nên ngoài việc tìm hiểu thực tế, đôi bạn trẻ cũng chưa an tâm, họ mong muốn được “trăm năm hạnh phúc” và mọi việc tốt lành về mặt tâm linh nữa ! Nên việc chọn: tuổi, cung, mạng và ngày lành tháng tốt theo phong tục là lẽ tự nhiên.
          Có nhiều trường hợp: tuổi hoặc cung mạng xung khắc, chúng tôi khuyên họ rằng cổ nhân có dạy: “Đức năng thắng số” Nghĩa là: Phước đức thắng được số mạng. Như vậy điều căn bản là đôi bạn trẻ phải tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ, vợ chồng phải thật dạ thương yêu nhau, kính trọng nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau mới được hạnh phúc lâu bền.
          Mặt khác, để tạo dấu ấn tâm linh đạo đức trong đời sống mới, của một gia đình mới trong ngày Thành hôn, chúng tôi vận động Tân lang và Tân nương cùng hai họ, bạn bè đưa nhau đến chùa để làm lễ Hằng thuận. Trong dịp này, chư Tăng chúng tôi trân trọng nhắc lại những lời dạy của đức Phật: về đạo vợ chồng, bổn phận làm dâu làm rể, làm cha mẹ tương lai và chúc phúc cho cô dâu chú rể được “Loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp”. Đồng thời khuyên họ tổ chức lễ Thành hôn tại tư gia trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức.
          2.   Về việc tang:
          Khi bà con người Hoa hoặc gia đình Phật tử hữu sự đến chùa nhờ xem ngày giờ tẩn liệm chôn cất, chúng tôi khuyên họ làm lễ tang trong khoảng thời gian không quá 48 giờ. Điều này vừa phù hợp với Chỉ thị 27, mà cũng không trái với tập quán. Bởi vì người xưa có nói: “Tam nhựt bất trạch nhựt”. Nghĩa là: Lễ tang trong ba ngày không cần chọn ngày.
          Về việc chọn giờ, để tránh sự ùn tắc giao thông, gây trở ngại cho việc di chuyển trên đường phố, nên chúng tôi kết hợp chọn giờ tốt với tình hình giao thông thực tế của thành phố.
Trong suốt thời gian lễ tang, toàn thể hiếu quyến phải mặc đồ tang để hành lễ và tiếp khách. Chỉ thay thường phục khi cần thiết. Tuyệt đối không để xảy ra việc tranh cải, gây mất đoàn kết nội bộ; người nhỏ phải vâng lời bậc trưởng thượng. Theo tinh thần kinh Địa Tạng, việc cúng cơm vong linh, nên cúng chay và nước trà, không nên cúng mặn và rượu. Suy ra, việc đãi khách cũng nên hạn chế đãi thức ăn mặn và rượu bia.

          Đến 10 giờ đêm (22h) nên trả lại sự yên tĩnh cho bà con hàng xóm, không ca hát đàn trống, kể cả nhạc lễ. Cổ đức có câu: “Tang trí kỳ ai” (Lễ tang thì phải u buồn). Do đó, việc sử dụng âm nhạc, phải chọn những nhạc phẩm nói lên được lòng tôn kính, thương tiếc người quá cố, phù hợp với mối quan hệ giữa người chủ đám với người đã mất.
          Nếu thân nhân mất nhằm cung xấu như: Càn, Tốn, Ly, Đoài; hoặc ngày xấu như:Tam tang, trùng tang, trùng nhựt, v.v… Để hóa giải thì vợ (hoặc chồng) và con cháu dâu rể nên phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn Ngũ giới, làm lành lánh dữ thì tai qua nạn khỏi. Không cần trấn yếm, không cần “cất đám” (Động quan, hạ huyệt) lúc 0 giờ.
          Về việc đốt vàng mã, đây là một tập tục đã có lâu đời trong dân gian, xét về mặt tích cực thì đây là một hình thức bày tỏ sự quan tâm và thương tiếc của thân nhân dành cho người quá cố, cần nên duy trì ! Nhưng nếu nghỉ rằng: người quá cố nhận được vàng mã để tiêu dùng trong cõi âm là mê tín dị đoan, không phù hợp với giáo lý. Cho nên, chúng tôi khuyên mỗi lần cúng cơm, tang quyến chỉ đốt tượng trưng 10 lá vàng bạc với tấm lòng thành là đủ, không cần phải đốt nhiều, không đốt lai rai như trong phim và tuyệt đối không rãi vàng mã khi đưa đám, không nằm cản đường khi di chuyển linh cửu.
          Về Lễ nhập quan, Lễ động quan, Lễ hạ huyệt, theo phong tục có một số tuổi kị, cần tránh mặt để hóa giải. Chúng tôi lưu ý: chỉ tránh mặt trong giây lát khi chuyển xác vào quan tài, khi chuyển linh cửu ra khỏi nhà và lúc hạ huyệt. Còn trước và sau đó vẫn tham dự đủ các lễ nghi.
Đồng thời, chúng tôi gởi thêm tờ hướng dẫn thực hiện các lễ nghi khác và những lời dặn dò cần thiết cho tang gia hiếu quyến, nên họ không phải bận tâm nhờ người tư vấn.

          3.   Về việc lễ hội:
          Hằng năm, hằng tháng tại chùa có nhiều cuộc lễ và hội. Về lễ, trước đây Bổn tự cúng lễ theo nghi thức cổ truyền nên thời gian kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Sau khi tiếp thu Chỉ thị 27, chúng tôi điều chỉnh còn khoảng 1 giờ đến 1 giờ 15 phút. Về nội dung tụng niệm, chúng tôi chủ trương Việt hóa và đã cho ra đời quyển kinh TAM BẢO THÔNG DỤNG, một số Nghi thức khác thuần tiếng Việt để sử dụng trong chùa cũng như phổ biến đến các tự viện có nhu cầu. Về lễ hội, tại chùa có tổ chức các chương trình như: lễ Khai giảng Đạo tràng bát quan trai, lễ Mừng Phật đản, lễ Cài hoa hồng nhớ ơn Mẹ, lễ Vu Lan, Tết Nhi đồng,... chúng tôi rút gọn trong khoảng 1 giờ 30 phút. Đồng thời, động viên khuyến khích Phật tử đến dự lễ đúng giờ.
          Để việc tuyên truyền được sâu rộng trong nhân dân và bà con Phật tử, chúng tôi xin đề nghị vài ý kiến như sau:
          Vào các dịp Lễ lớn của đất nước, các cơ quan chức năng nên tổ chức phổ biến đến toàn dân Nghị Quyết 07 của Bộ Chính Trị về việc củng cố và tăng cường khối Đại Đoàn Kết toàn dân tộc, cũng như các văn kiện liên quan khác.
          Vào dịp Lễ cổ truyền của Dân tộc và Lễ Vu Lan tháng 7 âm lịch của Phật Giáo, nên phổ biến cho đồng bào Chỉ thị 27/CT-TW của Trung ương Đảng về việc Cưới, việc Tang, và Lễ hội.
          Vận động trực tiếp từng cá nhân thực hiện chỉ thị 27/CT-TW khi người dân ra Phường đăng ký kết hôn hoặc báo tử.
          Qua những ý kiến chân thành nêu trên, chúng tôi kính mong Hội nghị quan tâm xem xét và chấp thuận.
          Kính chúc quý đại biểu sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, công tác thuận lợi.
          Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
 
 
 
 
 

Thượng tọa THÍCH CHƠN KHÔNG

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin